Nội dung toàn văn Thông tư 17-TT-GD3 thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hoá công nông
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 17-TT-GD3 | Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 1964 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC THI TỐT NGHIỆP CẤP III BỔ TÚC VĂN HOÁ CÔNG NÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | -Các ông hiệu trưởng các trường bổ túc văn hoá công nông trung ương, |
Bộ Giáo dục quy định dưới đây thể lệ thi tốt nghiệp cấp III cho các trường thuộc hệ bổ túc văn hoá công nông áp dụng trong năm học 1963-1964.
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Mục đích - Kỳ thi tốt nghiệp cấp III này tổ chức với tinh thần nghiêm túc nhằm tổng kểm tra học lực của học sinh đã học hết chương trình lớp 10 hệ bổ túc văn hoá công nông.
2. Điều kiện dự thi: - Học sinh đã học hết cấp III hệ bổ túc văn hoá công nông trong năm học 1963- 1964 và học sinh lớp 10 chưa trúng tuyển trong những năm trước.
Những học sinh không được dự thi: Học sinh bị đuổi vì phạm kỷ luật; học sinh phạm sai lầm nghiêm trọng và có hệ thống về chính trị, đạo đức, tư cách, xét ra không đúng với tính chất và mục đích đào tạo của nhà trường mà hội đồng nhà trường quyết định không cho thi.
3. Tổ chức thi- Năm nay Bộ tổ chức hai khoá thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hoá công nông.
Học sinh trường nào thi tại trường ấy. Kỳ thi tiến hành dưới sự chỉ đạo của Bộ.
Hồ sơ thi: Học sinh đang học tại trường phải có đầy đủ hồ sơ quy định theo quy chế tuyển sinh.
Học sinh cũ xin thi phải nộp: đơn xin thi, lý lịch, giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan hoặc chính quyền địa phương bảo đảm tư cách đạo đức tốt, bản sao giấy khai sinh và học bạ.
II. CHƯƠNG TRÌNH - ĐỀ THI – MÔN THI
1. Chương trình thi là chương trình lớp 10 bổ túc văn hoá công nông năm 1963-1964.
2. Đề thi – Các môn toán, lý, văn thi đề chung của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Hội đồng thi khu tự trị Tây bắc và Việt bắc thi đề làm văn của các học sinh dân tộc của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Môn hoá và sinh vật, Bộ sẽ ra đề thi chung cho các hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc văn hoá công nông.
3. Môn thi – Năm học này, tất cả các môn thi đều thi viết, không thi vấn đáp. Môn thi và thời gian thi quy định như sau:
1. Làm văn 4 giờ
2. Vật lý 2g30
3. Toán 4 giờ
4. Sinh vật 2 giờ
5. Hoá 2 giờ.
Thời gian chép đề thi không tính vào thời gian quy định trên. Các môn toán, lý, hoá, sinh vật có mỗi môn một đề chính thức, một đề dự bị. Riêng môn làm văn có hai đầu đề chính thức (và hai đề dự bị) để học sinh tự chọn.
Thí sinh dự thi khoá 1 thiếu điểm thi môn nào thì phải thi lại môn đó ở khoá 2.
III. ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN
1. Thí sinh được điểm 3 trở lên ở tất cả các môn thi.
2. Hội đồng chấm thi, nếu xét thấy thật cần thiết, có thể lấy trúng tuyển thêm những thí sinh bị một điểm 2 về bài thi với điều kiện điểm tổng kết cuối năm về môn đó được điểm 3 trở lên, đồng thời phải căn cứ vào quá trình tu dưỡng tư tưởng, đạo đức tư cách, học tập và công tác của học sinh đó để quyết định.
3. Hội đồng có thể đề nghị Bộ Giáo dục xét đặc cách trúng tuyển một số thí sinh ngày thường học giỏi, nhưng khi thi vì tình trạng sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm bài thi. Trường hợp này phải có chứng nhận của y, bác sĩ.
Tất cả hồ sơ, bài thi của những trường hợp đề nghị đặc cách trúng tuyển phải trình Bộ Giáo dục xét và quyết định.
4. Trong khi xét duyệt danh sách trúng tuyển, tất cả thành viên hội đồng thi đều có quyền biểu quyết. Kết quả theo đa số tương đối. Nếu số phiếu bằng nhau thì ý kiến về phía có chủ tịch hội đồng là quyết định.
5. Kết quả kỳ thi công bố ngay tại hội đồng chấm thi, song chỉ được coi là chính thức khi Bộ Giáo dục đã duyệt y.
6. Hiệu trưởng các trường cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho thí sinh trúng truyển và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc quản lý sổ sách cấp phát chứng nhận tốt nghiệp.
IV. KỶ LUẬT
1. Thí sinh gian lận trong khi thi tuỳ theo trường hợp cụ thể mà cảnh cáo, đuổi ra khỏi phòng thi, hay cấm thi từ một đến hai năm.
2. Nếu thí sinh gian lận mà sau khi thi mới phát hiện ra cũng bị thi hành kỷ luật như cấm thi, huỷ bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi giấy chứng nhận.
3. Ông Chủ tịch hội đồng quyết định đuổi thí sinh ra khỏi phòng thi. Bộ Giáo dục quyết định cấm thi và huỷ bỏ kết quả trúng tuyển.
V. HỘI ĐỒNG THI
1. Tổ chức năm hội đồng coi thi và năm hội đồng chấm thi tại năm trường:
- Bổ túc văn hóa công nông trung ương;
- Bổ túc văn hoá công nông Đông-triều;
- Bổ túc văn hóa học sinh miền Nam Đông-triều;
- Thanh niên dân tộc khu tự trị Tây-bắc;
- Bổ túc văn hoá công nông khu tự trị Việt-bắc.
2. Thành phần hội đồng chấm thi:
- Chủ tịch: Hiệu trưởng trường sở tại;
- Một phó chủ tịch: cán bộ của Sở, Ty Giáo dục địa phương;
- Một phó chủ tịch:cán bộ của trường khác thuộc hệ bổ túc văn hoá công nông;
- Một thư ký: cho hội đồng chấm thi các trường bổ túc văn hoá học sinh miền Nam Đông-triều, thanh niên dân tộc khu tự trị Tây-bắc, bổ túc công nông khu tự trị Việt-bắc.
- Hai thư ký: cho hội đồng chấm thi các trường bổ túc văn hoá công nông trung ương và bổ túc văn hoá công nông Đông-triều;
- Các uỷ viên: giáo viên của trường sở tại và một số giáo viên của các trường khác thuộc hệ bổ túc văn hoá công nông do Bộ điều động.
3. Thành phần hội đồng coi thi:
Hội đồng này gồm thành phần của hội đồng chấm thi. Tuỳ theo nhu cầu, có thể lấy thêm một số giáo viên của nhà trường tham gia hội đồng coi thi.
4. Trách nhiệm của hội đồng thi:
- Chủ tịch hội đồng chịu hoàn toàn trách nhiệm về kỳ thi;
- Các phó chủ tịch giúp chủ tịch lãnh đạo hội đồng thi;
- Các thư ký giữ tài liệu kỳ thi và làm số;
- Các uỷ viên làm việc theo đúng thể lệ quy định về kỳ thi.
5. Bộ Giáo dục ra quyết định cử các Hội đồng coi thi và chấm thi ở miền xuôi.
Uỷ ban hành chính khu tự trị Tây-bắc và Việt-bắc ra quyết định cử hội đồng coi thi và chấm thi tại hai khu tự trị.
VI. NGÀY THI
Ngày thi cho cả năm hội đồng là ngày thi thống nhất với các trường phổ thông.
| K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |