Thông tư 19/2010/TT-BLĐTBXH hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đã được thay thế bởi Thông tư 09/2019/TT-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 10/07/2019.
Nội dung toàn văn Thông tư 19/2010/TT-BLĐTBXH hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2010/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH HỆ THỐNG TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG TRUNG TÂM DẠY NGHỀ
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề.
2. Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn này được áp dụng để kiểm định chất lượng các trung tâm dạy nghề công lập, trung tâm dạy nghề tư thục, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là trung tâm dạy nghề).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tiêu chí kiểm định là các nội dung, yêu cầu mà trung tâm dạy nghề phải đáp ứng để hoàn thành mục tiêu dạy nghề của trung tâm dạy nghề. Mỗi tiêu chí kiểm định có các tiêu chuẩn kiểm định.
2. Tiêu chuẩn kiểm định là mức độ yêu cầu và điều kiện cần thực hiện ở một thành phần của tiêu chí kiểm định. Mỗi tiêu chuẩn kiểm định có các chỉ số.
3. Chỉ số là mức độ yêu cầu và điều kiện về một khía cạnh cụ thể của tiêu chuẩn kiểm định.
4. Điểm chuẩn là tổng điểm tối đa quy định cho mỗi tiêu chí kiểm định.
5. Điểm đánh giá là điểm đạt được của từng chỉ số, từng tiêu chuẩn và từng tiêu chí.
Điều 3. Mục tiêu sử dụng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề
Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề được sử dụng để:
1. Các trung tâm dạy nghề tự kiểm định, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề của trung tâm dạy nghề.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thực hiện việc kiểm định, công nhận hoặc không công nhận các trung tâm dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định; công bố công khai kết quả kiểm định cho người học nghề và xã hội biết.
Điều 4. Các tiêu chí kiểm định, điểm chuẩn và điểm đánh giá
1. Các tiêu chí kiểm định và điểm chuẩn:
a) Tiêu chí 1 mục tiêu và nhiệm vụ 06 điểm
b) Tiêu chí 2 tổ chức và quản lý 08 điểm
c) Tiêu chí 3 hoạt động dạy và học 16 điểm
d) Tiêu chí 4 giáo viên và cán bộ quản lý 18 điểm
đ) Tiêu chí 5 chương trình, giáo trình 18 điểm
e) Tiêu chí 6 thư viện 02 điểm
g) Tiêu chí 7 cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học 18 điểm
h) Tiêu chí 8 quản lý tài chính 08 điểm
i) Tiêu chí 9 các dịch vụ cho người học nghề 06 điểm
Tổng số điểm chuẩn của tất cả các tiêu chí là 100 điểm.
2. Điểm đánh giá cho mỗi chỉ số đạt yêu cầu là 1 điểm, chỉ số không đạt yêu cầu là 0 điểm.
Điều 5. Các cấp độ của kết quả kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề
1. Cấp độ 1: Tổng số điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm hoặc đạt từ 50 điểm trở lên nhưng điểm đánh giá của một trong các tiêu chí kiểm định đạt dưới 50% điểm chuẩn của tiêu chí đó.
2. Cấp độ 2: Tổng số điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 80 điểm và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định phải đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên hoặc đạt 80 điểm trở lên và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên nhưng có một trong các tiêu chí 4, 5, 7 quy định tại điểm d, đ và g khoản 1 Điều 4 của Thông tư này đạt dưới 80% điểm chuẩn của tiêu chí đó.
3. Cấp độ 3: Tổng số điểm đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định phải đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên, trong đó các tiêu chí 4, 5, 7 quy định tại điểm d, đ và g khoản 1 Điều 4 của Thông tư này phải đạt từ 80% điểm chuẩn trở lên.
Chương 2.
TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG TRUNG TÂM DẠY NGHỀ
Điều 6. Tiêu chí 1 mục tiêu và nhiệm vụ
1. Tiêu chuẩn 1.1 mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề được xác định rõ ràng, cụ thể, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai.
a) Chỉ số 1: Mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề được quy định cụ thể trong Quyết định thành lập trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề được quy định cụ thể trong quy chế của trung tâm dạy nghề và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
c) Chỉ số 3: Mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề được công bố công khai cho người học và xã hội biết.
2. Tiêu chuẩn 1.2 mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển của trung tâm dạy nghề gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; các nghề trung tâm dạy nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương.
a) Chỉ số 1: Trung tâm dạy nghề có quy hoạch hoặc kế hoạch, định hướng phát triển gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Chỉ số 2: Mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề và các nghề đào tạo của trung tâm dạy nghề được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương;
c) Chỉ số 3: Các nghề đào tạo của trung tâm dạy nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương.
Điều 7. Tiêu chí 2 tổ chức và quản lý
1. Tiêu chuẩn 2.1 trung tâm dạy nghề có các văn bản quy định về tổ chức, quản lý và được rà soát, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh.
a) Chỉ số 1: Trung tâm dạy nghề có văn bản của quy định về tổ chức, quản lý theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm;
b) Chỉ số 2: Trung tâm dạy nghề có quy chế dân chủ tạo môi trường để giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người học tham gia đóng góp ý kiến về các chủ trương, kế hoạch và hoạt động của trung tâm dạy nghề; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người học và người có liên quan;
c) Chỉ số 3: Các quy định về tổ chức, quản lý, quy chế dân chủ của trung tâm dạy nghề được tổ chức thực hiện rà soát và được điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn.
2. Tiêu chuẩn 2.2 có cơ cấu tổ chức hợp lý, phù hợp với quy định của nhà nước cũng như với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của trung tâm dạy nghề và hoạt động có hiệu quả.
a) Chỉ số 1: Có phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định phù hợp với cơ cấu nghề và quy mô đào tạo của trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Chức năng, nhiệm vụ của phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ trong trung tâm dạy nghề được quy định rõ ràng, phân công hợp lý;
c) Chỉ số 3: Phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ trong trung tâm dạy nghề hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, có sự phối hợp và đạt hiệu quả đối với công việc được giao.
3. Tiêu chuẩn 2.3 tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể có đóng góp tích cực vào hoạt động của trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong trung tâm dạy nghề hoạt động theo Điều lệ của tổ chức mình và theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ số 2: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong trung tâm dạy nghề hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề.
Điều 8. Tiêu chí 3 hoạt động dạy và học
1. Tiêu chuẩn 3.1 đăng ký và đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo quy định; thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh theo quy định, đảm bảo công bằng, khách quan, công khai.
a) Chỉ số 1: Có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo quy định;
b) Chỉ số 2: Hàng năm trung tâm dạy nghề có hướng dẫn về công tác tuyển sinh học nghề, theo quy định và được công bố công khai, rộng rãi cho người học và xã hội biết;
c) Chỉ số 3: Thực hiện nghiêm túc tuyển sinh đúng nghề, đúng quy mô theo đăng ký và đảm bảo công bằng, khách quan.
2. Tiêu chuẩn 3.2 thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người học và có mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
a) Chỉ số 1: Đa dạng các phương thức tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người học;
b) Chỉ số 2: Có mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình đào tạo;
c) Chỉ số 3: Hàng năm thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên và người học về chất lượng, hiệu quả các phương thức đào tạo.
3. Tiêu chuẩn 3.3 có kế hoạch đào tạo, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện kế hoạch đào tạo đúng tiến độ, có hiệu quả và tổ chức dạy nghề theo mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề đã được phê duyệt.
a) Chỉ số 1: Có kế hoạch đào tạo cho từng khóa học, chi tiết đến từng mô-đun, môn học cụ thể cho các giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập lao động sản xuất;
b) Chỉ số 2: Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đào tạo bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả;
c) Chỉ số 3: Tổ chức dạy nghề theo mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề đã được phê duyệt theo quy định;
d) Chỉ số 4: Hàng năm rà soát, đánh giá hoạt động dạy nghề trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ phù hợp của hoạt động dạy nghề với mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề và điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.
4. Tiêu chuẩn 3.4 thực hiện phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học; đánh giá nghiêm túc kết quả học tập đảm bảo công bằng khách quan phù hợp với phương thức, hình thức đào tạo và đặc thù của mô-đun, môn học.
a) Chỉ số 1: Thực hiện các phương pháp dạy học tích cực hóa người học, khuyến khích phát triển năng lực tự học, sáng tạo và tinh thần hợp tác của người học;
b) Chỉ số 2: Hàng năm thu thập ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người học, người sử dụng lao động nhằm tổng kết, đánh giá và phổ biến kinh nghiệm áp dụng phương pháp dạy học tích cực hóa người học;
c) Chỉ số 3: Đánh giá nghiêm túc kết quả học tập, đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, phù hợp với phương thức, hình thức đào tạo, đặc thù của mô-đun, môn học theo quy chế thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ theo quy định.
5. Tiêu chuẩn 3.5 có đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của người học; được ghi chép đầy đủ, kịp thời, chính xác, lưu trữ an toàn, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và tra cứu; báo cáo đầy đủ cho cấp quản lý trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước.
a) Chỉ số 1: Có đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của người học theo quy định;
b) Chỉ số 2: Kết quả học tập, rèn luyện của người học được ghi chép đầy đủ, kịp thời, chính xác tại các sổ sách, biểu mẫu theo quy định và được lưu giữ đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và tra cứu;
c) Chỉ số 3: Báo cáo đầy đủ theo quy định cho cấp quản lý trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 9. Tiêu chí 4 giáo viên và cán bộ quản lý
1. Tiêu chuẩn 4.1 đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu nghề đào tạo.
a) Chỉ số 1: Có giáo viên cơ hữu phù hợp với chuyên môn và trình độ kỹ năng nghề cho các nghề mà trung tâm dạy nghề đã đăng ký hoạt động;
b) Chỉ số 2: Đảm bảo tỷ lệ học sinh/giáo viên quy đổi theo quy định chung;
c) Chỉ số 3: 100% giáo viên có số giờ giảng dạy thêm không vượt số giờ được dạy thêm theo quy định.
2. Tiêu chuẩn 4.2 đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định đáp ứng yêu cầu giảng dạy của trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: 100% giáo viên đảm bảo đạt trình độ chuẩn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề theo quy định;
b) Chỉ số 2: 100% giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
3. Tiêu chuẩn 4.3 đội ngũ giáo viên thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và đảm bảo chất lượng.
a) Chỉ số 1: 100% giáo viên có giáo án, bài giảng khi lên lớp;
b) Chỉ số 2: 100% giáo viên giảng dạy theo đúng nội dung chương trình khóa học đã được phê duyệt và kế hoạch đào tạo;
c) Chỉ số 3: Hàng năm có giáo viên đi thực tế tại cơ sở sản xuất và có đề xuất bổ sung vào chương trình đào tạo khi có thay đổi kỹ thuật, công nghệ trong thực tế sản xuất;
d) Chỉ số 4: Hàng năm có sáng kiến về phương pháp giảng dạy hoặc cải tiến, tự làm thiết bị, mô hình dạy học;
đ) Chỉ số 5: 100% giáo viên nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, các quy chế, nội quy của trung tâm dạy nghề.
4. Tiêu chuẩn 4.4 trung tâm dạy nghề có kế hoạch, chính sách khuyến khích giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề.
a) Chỉ số 1: Trung tâm dạy nghề có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề; tự tổ chức hoặc cử giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề;
b) Chỉ số 2: Trung tâm dạy nghề có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề.
5. Tiêu chuẩn 4.5 giám đốc, phó giám đốc có trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu quản lý trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định;
b) Chỉ số 2: Giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề thực hiện đủ, đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định;
c) Chỉ số 3: Giám đốc, phó giám đốc trung tâm dạy nghề được cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm dạy nghề tín nhiệm từ 70% trở lên.
6. Tiêu chuẩn 4.6 phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm dạy nghề có đủ cán bộ quản lý và nhân viên; cán bộ quản lý, nhân viên đạt chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu quản lý và được học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ.
a) Chỉ số 1: Cán bộ quản lý, nhân viên phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm dạy nghề đạt chuẩn chức danh theo quy định;
b) Chỉ số 2: Phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm dạy nghề có đủ cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao.
c) Chỉ số 3: Cán bộ quản lý, nhân viên phòng đào tạo, các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm dạy nghề được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 10. Tiêu chí 5 chương trình, giáo trình
1. Tiêu chuẩn 5.1 có đủ chương trình dạy nghề cho các nghề đào tạo tại trung tâm dạy nghề; từng chương trình dạy nghề có mục tiêu rõ ràng, quy định cụ thể chuẩn kiến thức, kỹ năng, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả học tập.
a) Chỉ số 1: Có đầy đủ chương trình dạy nghề cho các nghề đào tạo tại trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Từng chương trình dạy nghề có mục tiêu rõ ràng trong đó quy định cụ thể chuẩn kiến thức, kỹ năng, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo;
c) Chỉ số 3: Chương trình dạy nghề có quy định cách thức đánh giá kết quả học tập cho từng mô đun, môn học, từng nghề.
2. Tiêu chuẩn 5.2 chương trình dạy nghề được xây dựng, điều chỉnh phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có sự tham gia của cán bộ, giáo viên của trung tâm dạy nghề và chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
a) Chỉ số 1: Chương trình dạy nghề được xây dựng phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
b) Chỉ số 2: Hàng năm chương trình dạy nghề được rà soát, đánh giá và điều chỉnh khi cần thiết;
c) Chỉ số 3: Cán bộ, giáo viên của trung tâm dạy nghề tham gia vào việc xây dựng, rà soát, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh chương trình dạy nghề;
d) Chỉ số 4: Có chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tham gia xây dựng, rà soát, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh chương trình dạy nghề.
3. Tiêu chuẩn 5.3 hàng năm lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của người sử dụng lao động, người tốt nghiệp đã đi làm về chương trình dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Hàng năm có các ý kiến nhận xét, đánh giá của người sử dụng lao động về chương trình dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Hàng năm có các ý kiến nhận xét, đánh giá của người tốt nghiệp đã đi làm về chương trình dạy nghề.
4. Tiêu chuẩn 5.4 mỗi mô-đun, môn học có đủ giáo trình đáp ứng mục tiêu của mô đun, môn học và được rà soát sửa đổi bổ sung khi chương trình dạy nghề đã được chỉnh sửa.
a) Chỉ số 1: Có đủ giáo trình cho các mô-đun, môn học của chương trình dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Các giáo trình đáp ứng được mục tiêu của mô đun, môn học;
c) Chỉ số 3: Các giáo trình được rà soát, sửa đổi, bổ sung khi chương trình dạy nghề đã được chỉnh sửa.
5. Tiêu chuẩn 5.5 giáo trình được xây dựng, sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu về nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo của chương trình dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Có quy trình tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn, thẩm định và phê duyệt giáo trình;
b) Chỉ số 2: Trong văn bản phản biện, biên bản nghiệm thu giáo trình của hội đồng thẩm định có nhận xét mức độ đáp ứng yêu cầu về nội dung, phương pháp hình thức đào tạo của chương trình dạy nghề;
c) Chỉ số 3: Hàng năm thu thập ý kiến nhận xét, đánh giá của cán bộ, giáo viên, chuyên gia từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về mức độ cụ thể hóa của giáo trình đối với các yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng, thái độ trong chương trình dạy nghề;
d) Chỉ số 4: Hàng năm thu thập những nhận xét đánh giá của cán bộ, giáo viên, người học về mức độ đáp ứng yêu cầu của giáo trình đối với phương pháp và hình thức đào tạo của chương trình dạy nghề.
6. Tiêu chuẩn 5.6 giáo trình thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực hóa người học.
a) Chỉ số 1: Trong biên bản nghiệm thu giáo trình của hội đồng thẩm định có nhận xét về mức độ thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực hóa người học;
b) Chỉ số 3: Hàng năm thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ, giáo viên, người học về mức độ thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực hóa người học của giáo trình.
Điều 11. Tiêu chí 6 thư viện
Tiêu chuẩn 6.1 thư viện có đủ chương trình, giáo trình; có sách báo, tạp chí phù hợp với các nghề đào tạo.
1. Chỉ số 1: Thư viện có đủ chương trình, giáo trình của các nghề đào tạo tại trung tâm dạy nghề;
2. Chỉ số 2: Tất cả các nghề đào tạo tại trung tâm dạy nghề có sách chuyên môn hoặc báo, tạp chí chuyên ngành.
Điều 12. Tiêu chí 7 cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học
1. Tiêu chuẩn 7.1 địa điểm của trung tâm dạy nghề thuận tiện cho các hoạt động dạy và học, các hoạt động khác của trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Địa điểm của trung tâm dạy nghề trên nền đất tốt, không bị úng, ngập; được cung cấp điện, nước, giao thông thuận tiện;
b) Chỉ số 2: Bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các cơ sở công nghiệp hoặc các cơ sở khác có tiếng ồn, bụi, chất thải độc hại, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước vượt tiêu chuẩn cho phép;
c) Chỉ số 3: Bố trí mặt bằng tổng thể hợp lý, đảm bảo theo thiết kế đáp ứng nhu cầu hoạt động dạy nghề của trung tâm dạy nghề theo quy định.
2. Tiêu chuẩn 7.2 hệ thống phòng học, xưởng thực hành và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các hoạt động dạy học, thực hành theo nghề, quy mô đào tạo của trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Hệ thống phòng học, xưởng thực hành và hạ tầng kỹ thuật của trung tâm dạy nghề bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;
b) Chỉ số 2: Hệ thống phòng học, xưởng thực hành và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu các hoạt động dạy học, thực hành theo nghề và quy mô đào tạo của trung tâm dạy nghề;
c) Chỉ số 3: Có hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước chung trong trung tâm dạy nghề, riêng cho khu vực xưởng thực hành theo nhu cầu hoạt động thực hành và sinh hoạt, vệ sinh; có hệ thống thu gom nước thải độc hại, rác thải, phế liệu; có đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy;
d) Chỉ số 4: Khu bảo quản, kho có các điều kiện bảo vệ, bảo quản các trang thiết bị, hàng hóa, vật liệu, như: mái che, tường bao, rào ngăn cách, khóa, thiết bị chiếu sáng, thông gió, giá kê, chống ẩm, mốc. Có hệ thống quản lý việc cấp phát, thu nhận trang thiết bị, hàng hóa, vật liệu;
đ) Chỉ số 5: Hệ thống phòng học, xưởng thực hành và hạ tầng kỹ thuật được sử dụng đúng công năng, có quy chế quản lý, sử dụng, bảo dưỡng đảm bảo cho các hoạt động của trung tâm dạy nghề.
3. Tiêu chuẩn 7.3 có đầy đủ nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ, trang thiết bị được bố trí ngăn nắp, hợp lý đảm bảo các yêu cầu thực hành nghề và tổ chức đo kiểm tra các yếu tố độc hại cho xưởng thực hành.
a) Chỉ số 1: Có đầy đủ nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, hệ thống biển báo, chỉ dẫn trong xưởng thực hành theo quy định;
b) Chỉ số 2: Trang thiết bị, dụng cụ trong xưởng thực hành được bố trí ngăn nắp, hợp lý đảm bảo các yêu cầu thực hành nghề, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, mỹ thuật công nghiệp, thẩm mỹ nghề nghiệp và sư phạm;
c) Chỉ số 3: Hàng năm có tổ chức đo kiểm tra các yếu tố độc hại tại các xưởng thực hành. Thực hiện các biện pháp đảm bảo các yếu tố độc hại không vượt tiêu chuẩn cho phép.
4. Tiêu chuẩn 7.4 đảm bảo chủng loại, số lượng thiết bị cho thực hành.
a) Chỉ số 1: Có đầy đủ chủng loại thiết bị thực hành cho từng nghề đào tạo;
b) Chỉ số 2: Số lượng thiết bị đáp ứng đủ theo quy mô đào tạo của từng nghề.
5. Tiêu chuẩn 7.5 đảm bảo chất lượng thiết bị thực hành.
a) Chỉ số 1: Các thiết bị thực hành đạt mức tương đương trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất, dịch vụ tại địa phương nơi trung tâm dạy nghề đang hoạt động;
b) Chỉ số 2: Các thiết bị thực hành đảm bảo tính đồng bộ, có hồ sơ xuất xứ, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng, các thông số kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng được ghi cụ thể, rõ ràng;
c) Chỉ số 3: Các thiết bị thực hành đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người học và giáo viên khi sử dụng;
d) Chỉ số 4: Các thiết bị thực hành tự làm có quyết định cho phép đưa vào sử dụng phục vụ đào tạo của Giám đốc trung tâm dạy nghề;
đ) Chỉ số 5: Các thiết bị thực hành được quản lý, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
Điều 13. Tiêu chí 8 quản lý tài chính
1. Tiêu chuẩn 8.1 có các nguồn tài chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ dạy nghề của trung tâm dạy nghề.
a) Chỉ số 1: Có các nguồn thu từ học phí, lệ phí, liên kết đào tạo, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác đáp ứng nhu cầu để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dạy nghề của trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Các nguồn thu được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế độ theo quy định của pháp luật
c) Chỉ số 3: Có kế hoạch thực hiện việc huy động, phát triển các nguồn tài chính để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dạy nghề của trung tâm dạy nghề.
2. Tiêu chuẩn 8.2 kế hoạch tài chính, quản lý tài chính đúng theo quy định của nhà nước, công khai, minh bạch.
a) Chỉ số 1: Kế hoạch tài chính hàng năm được xây dựng theo quy định và được công bố công khai, minh bạch. Có quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Thực hiện thu, chi, quyết toán, hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu trữ hồ sơ, sổ sách chứng từ kế toán và nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật;
c) Chỉ số 3: Thực hiện đúng chế độ tự kiểm tra tài chính và công khai tài chính theo quy định của nhà nước.
3. Tiêu chuẩn 8.3 trung tâm dạy nghề có đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính và chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tài chính.
a) Chỉ số 1: Hàng năm có đánh giá về hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính của trung tâm dạy nghề;
b) Chỉ số 2: Trung tâm dạy nghề chấp hành nghiêm chế độ thanh, kiểm tra, kiểm toán tài chính của cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm tài chính trong 3 năm gần nhất.
Điều 14. Tiêu chí 9 các dịch vụ cho người học nghề
1. Tiêu chuẩn 9.1 đảm bảo mọi người học được thông tin đầy đủ về nghề đào tạo, chương trình, kế hoạch đào tạo, các quy định của trung tâm dạy nghề và các điều kiện ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khỏe ngay từ khi tuyển sinh, nhập học.
a) Chỉ số 1: Người học được cung cấp đầy đủ thông tin về nghề, chương trình, kế hoạch đào tạo và các yêu cầu, điều kiện tuyển sinh, nhập học;
b) Chỉ số 2: Người học được phổ biến đầy đủ về quy chế của trung tâm dạy nghề, quy chế tuyển sinh, quy chế thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, các điều kiện ăn, ở, học tập và các nội quy, quy định của trung tâm dạy nghề;
c) Chỉ số 3: Trung tâm dạy nghề có dịch vụ y tế gồm: tủ thuốc cấp cứu và bố trí cán bộ kiêm nhiệm được bồi dưỡng về sơ cấp cứu và y tế cộng đồng phục vụ cho người học.
2. Tiêu chuẩn 9.2 tổ chức thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho người học.
a) Chỉ số 1: Thường xuyên cung cấp cho người học các thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm;
b) Chỉ số 2: Trung tâm dạy nghề tổ chức giới thiệu việc làm và trợ giúp tìm việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp;
c) Chỉ số 3: Tổ chức hội nghị hoặc tạo điều kiện để các nhà tuyển dụng tiếp xúc với người học.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan quản lý
1. Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm xây dựng tài liệu hướng dẫn cách đánh giá, công cụ hỗ trợ cho việc đánh giá đối với từng tiêu chuẩn, chỉ số.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo các trung tâm dạy nghề trực thuộc thực hiện tự kiểm định chất lượng dạy nghề và hỗ trợ các trung tâm dạy nghề tổ chức thực hiện để hoàn thiện các nội dung, yêu cầu, điều kiện theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề.
Điều 16. Trách nhiệm của các trung tâm dạy nghề
1. Thực hiện tự kiểm định theo hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề quy định tại Thông tư này.
2. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện để hoàn thiện các nội dung, yêu cầu, điều kiện theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trung tâm dạy nghề.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |