Thông tư 20/2001/TT-GTVT thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thuyền viên làm việc trên tàu vận tải đường biển đã được thay thế bởi Thông tư 05/2012/TT-BGTVT thời giờ làm việc, nghỉ ngơi thuyền viên làm việc và được áp dụng kể từ ngày 20/04/2012.
Nội dung toàn văn Thông tư 20/2001/TT-GTVT thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thuyền viên làm việc trên tàu vận tải đường biển
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2001/TT-GTVT | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2001 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 20/2001/TT-GTVT NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN
Thi hành Điều 80 của Bộ Luật lao động và Điều 12 Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi"; Sau khi có ý kiến thoả thuận tại Công văn số 3144/LĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải quy định chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với thuyền viên làm việc trên tàu vận tải đường biển như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ THUẬT NGỮ:
1. Thông tư này áp dụng cho Thuyền trưởng, các sỹ quan, các thuyền viên và những người khác nằm trong định biên (sau đây gọi chung là thuyền viên) làm việc trên các tàu chở hàng, tàu chở khách đang hoạt động trên đường biển thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sau:
- Doanh nghiệp nhà nước;
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Các doanh nghiệp thuộc phần kinh tế khác;
2. Những thuật ngữ dùng trong Thông tư này hiểu như sau:
a. "Thời giờ làm việc" là khoảng thời gian, không tính giao nhận ca, mà thuyền viên tiến hành các công việc trên tàu theo sự phân công của Thuyền trưởng.
b. "Thời giờ nghỉ ngơi" là khoảng thời gian ngoài thời giờ làm việc trên tầu;
II. THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
1. Thuyền viên luân phiên thay nhau làm việc theo ca, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ để đảm bảo hành trình chạy tầu và thực hiện các công việc theo yêu cầu của vận tải đường biển.
2. Thời giờ làm việc không vượt mức tối đa quy định tại điểm 3, thời giờ nghỉ ngơi không dưới mức tối thiểu quy định tại điểm 4;
3. Thời giờ làm việc tối đa:
a. 12 giờ trong một ngày đêm (24 giờ liên tục);
b. 270 giờ trong một tháng;
4. Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu:
a. 12 giờ trong một ngày đêm (24 giờ liên tục);
b. 420 giờ trong một tháng;
5. Thời giờ nghỉ ngơi tại tầu được chia tối đa thành 2 lần, mỗi lần nghỉ ít nhất 6 giờ và khoảng thời gian giữa 2 lần nghỉ liền lề dưới 12 giờ.
6. Thuyền trưởng có quyền huy động thuyền viên làm việc ngay lập tức để đảm bảo an toàn, tài sản trên tầu, hoặc nhằm cứu tầu hay cứu người đang gặp nạn.
7. Căn cứ vào tình hình cụ thể người sử dụng lao động hoặc người được uỷ quyền bố trí nghỉ bù đủ số ngày nghỉ theo chế độ mà thuyền viên chưa được hưởng do đã thực hiện quy định tại điểm 1, điểm 3 thuộc phần II này.
Số ngày nghỉ theo chế độ này bao gồm: Ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ phép năm, ngày nghỉ lễ, nghỉ về việc riêng có hưởng lương và các chế độ nghỉ khác theo đúng quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này, người sử dụng lao động hoặc người được uỷ quyền có trách nhiệm thống nhất với thuyền viên về kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và đưa vào hợp đồng lao động, hoặc thoả ước lao động tập thể.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư số 309/LĐTL ngày 30/11/1962 của Bộ Giao thông vận tải.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.
| Phạm Duy Anh (Đã ký) |