Nội dung toàn văn Thông tư 28-TTg chế độ nghỉ mát năm 1963 cán bộ công nhân viên chức
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 28-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 1963 |
THÔNG TƯ
VỀ CHẾ ĐỘ NGHỈ MÁT NĂM 1963 CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
kính gửi: | -Các Bộ, các cơ quan trung ương; |
Năm qua, việc tổ chức thi hành chế độ nghỉ mát đã thu được kết quả tốt. Công nhân, viên chức cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học, kỹ thuật đã được đi nghỉ mát nhiều hơn trước. Gần 20.000 người đã đến nghỉ tại các nhà nghỉ do Công đoàn quản lý và 3.942 người đi nghỉ tự do theo tiêu chuẩn. Nhìn chung, sau khi nghỉ mát, sức khỏe của cán bộ, công nhân, viên chức được tăng lên, tinh thần phấn khởi của công nhân, viên chức cũng được thể hiện rõ rệt trong sản xuất và công tác.
Chế độ nghỉ mát năm vừa qua tuy còn một số nhược điểm, nhưng về căn bản là thích hợp với tình hình thực tế nước ta hiện nay. Vì vậy, để tiếp tục bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức, việc tổ chức nghỉ mát năm nay cần được xúc tiến trên cơ sở chế độ nghỉ mát 1962 có cải tiến đôi chút.
Với tinh thần đó, nay quy định đối tượng, chế độ và việc tổ chức nghỉ mát năm 1963 như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐI NGHỈ MÁT
Loại I.
1. Tiêu chuẩn:
- Bộ, Thứ trưởng và các chức vụ tương đương ở các cơ quan dân, chính, đảng trung ương.
- Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà-nội, khu tự trị Tây-bắc và Việt-bắc;
- Bí thư và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh (kể cả khu Hồng-quảng, thành phố Hải-phòng, khu vực Vĩnh-linh và gang thép Thái-nguyên).
- Các cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm tiêu biểu;
- Các cán bộ khoa học, kỹ thuật, văn nghệ sĩ tiêu biểu;
- Các anh hùng lao động;
- Các nhân sĩ có nhiều cống hiến cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
2. Thời gian nghỉ:
- 15 ngày (trong đó có 10 ngày nghỉ phép hàng năm).
3. Mức ăn tại nhà nghỉ:
- 3 đồng một ngày (Nhà nước đài thọ 2 đồng, người đi nghỉ chịu 1 đồng).
4. Chỗ nghỉ: Một buồng riêng.
Loại II:
1. Tiêu chuẩn:
- Chánh, Phó Giám đốc các Vụ, Viện và các chức vụ tương đương;
- Các chiến sĩ thi đua năm 1962;
- Các bộ họat động lâu năm theo tinh thần thông tư 32 TT-TƯ ngày 13 tháng 7 năm 1960 của Ban tổ chức trung ương;
- Giám đốc và Bí thư Đảng ủy các nhà máy lớn;
- Lao động tiên tiến;
- Cán bộ, công nhân, viên chức nói chung, nhưng phải chú ý ưu tiên cho những người giữ trách nhiệm nặng, những người có nhiều thành tích và những cán bộ, công nhân ở các ngành nghề nặng nhọc có hại đến sức khỏe.
2. Thời gian:
- 10 ngày hoặc 12 ngày, nghỉ hàng năm.
3. Mức ăn tại nhà nghỉ:
- 1đ80 một ngày (Nhà nước đài thọ 1đ2, người đi nghỉ chịu 0đ60).
4. Chỗ nghỉ: 1 giường trong buồng chung của nhà nghỉ.
Để chiếu cố những công nhân, viên chức mà hoàn cảnh túng thiếu có thể đi nghỉ được, cần dành một tỉ lệ 5% của tổng số người đi nghỉ được miễn đóng tiền ăn.
II. TỔ CHỨC NGHỈ MÁT
Căn cứ vào khả năng thu nhận của các nhà nghỉ mát hiện có, căn cứ vào kinh phí được cấp, việc tổ chức nghỉ mát phải được tiến hành một cách hợp lý, vừa đảm bảo thi hành đúng chế độ, vừa thu nhận số người đi nghỉ càng nhiều càng tốt. Vì vậy cần chú ý kéo dài thêm thời gian mở cửa của các nhà nghỉ mát ở vùng biển để có thể thu nhận thêm công nhân, viên chức vào các nhà nghỉ mát.
1. Tỷ lệ đi nghỉ:
a) Loại I: 100%
b) Loại II: 100% đối với chánh, phó giám đốc Cục, Vụ, Viện và các chức vụ tương đương, các Giám đốc và Bí thư Đảng ủy các xí nghiệp lớn, các chiến sĩ thi đua năm 1962, các cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm đã nói trên.
- Đối với các đối tượng khác thì không quy định tỉ lệ mà sẽ căn cứ vào số giường hiện có ở các nhà nghỉ để phân phối phiếu, chú ý ưu tiên cho cán bộ giữ chức vụ nặng, cán bộ, công nhân, viên chức có nhiều thành tích và những công nhân, viên chức ở miền núi; ở các ngành nghề nặng nhọc có hại sức khỏe; trong số này cần chú ý những nguời chưa đi nghỉ mát hè 1962.
Việc phân phối tỷ lệ sẽ do Tổng Công đoàn Việt-nam ấn định cho từng ngành, từng địa phương.
2. Chi phí cho việc nghỉ mát:
Cán bộ, công nhân, viên chức đi nghỉ mát theo các đối tượng đã quy định ở trên được cấp:
a) Tiền tàu xe đi về theo chế độ nghỉ hàng năm.
b) Tiền bồi dưỡng.
3. Đối với những người không đến nghỉ mát ở các nhà nghỉ:
Hiện nay số nhà nghỉ mát có hạn, lại có phần chưa thuận tiện đối với công nhân, viên chức ở các địa phương xa xôi, nên việc tổ chức nghỉ mát cần phải linh hoạt.
a) Những địa phương xa các nhà nghỉ mát do Tổng Công đoàn Việt-nam quản lý mà tự tổ chức được nơi nghỉ thuận tiện trong địa phương đó, thì số cán bộ, công nhân, viên chức thuộc đối tượng đến nghỉ tự do cũng được hưởng quyền lợi như khi đến nghỉ tại các nhà nghỉ mát do Tổng Công đoàn Việt-nam quản lý.
b) Những người đúng đối tượng đi nghỉ mát mà không đến các nhà nghỉ thì được cấp tiền bồi dưỡng cho những ngày thưc sự đi nghỉ mát và tiền tàu xe, còn mọi chi phí khác thì tự túc (phải có giấy chứng nhận của Ủy banh hành chính địa phương nơi mình đến nghỉ) số người được trợ cấp tiền để tự tổ chức việc nghỉ mát, nói chung không quá 20% tổng số người đi nghỉ mát năm nay.
4. Về việc công nhân viên chức đi nghỉ mát có gia đình cùng đi
Hiện nay, khả năng nhà nghỉ mát có hạn, chưa thu nhận tất cả công nhân, viên chức đến nghỉ mát, nhưng để chiếu cố nguyện vọng của công nhân, viên chức đi nghỉ mát muốn có gia đình cùng đi, năm nay các nhà nghỉ sẽ thu nhận một số gia đình chiếm khoảng 3% tổng số người đi nghỉ. Gia đình của công nhân, viên chức đi nghỉ mát có tiêu chuẩn phải tự túc tiền ăn và nếu bản thân không phải là công nhân, viên chức thì phải trả thêm một khoản tiền về quản lý phí không quá 1/3 chi phí cho một người có tiêu chuẩn đi nghỉ mát.
Để có thể mở rộng được sự nghiệp nghỉ mát và có thể sử dụng hợp lý các nhà nghỉ mát đã có của các ngành nhằm thu nhận thêm được công nhân, viên chức vào các nhà nghỉ mát, cần tiến tới thống nhất việc quản lý các nhà nghỉ mát và dưỡng sức vào hệ thống các sự nghiệp bảo hiểm xã hội của Tổng Công đoàn. Nhưng trong điều kiện hiện nay nếu ngành nào, địa phương nào xét có thể thỏa thuận giao các nhà nghỉ mát cho Tổng Công đoàn quản lý được thì trực tiếp bàn bạc với Tổng Công đoàn.
Các bộ, các ngành cần hướng dẫn kịp thời các cơ sở bố trí lao động cho hợp lý nhằm đảm bảo cho công nhân, viên chức được nghỉ mát, đồng thời đảm bảo kế hoạch sản xuất và công tác.
Các Ủy ban hành chính các tỉnh, thành nơi có nhà nghỉ mát, Bộ Nội thương, Tổng cục Lương thực, Tổng cục thủy sản cần có kế hoạch về lương thực, thực phẩm để phục vụ tốt cho cán bộ, công nhân, viên chức đi nghỉ mát theo tiêu chuẩn bồi dưỡng nói trên. Bộ Y tế cần hướng dẫn Ty Y tế để tích cực giúp đỡ các nhà nghỉ trong công tác vệ sinh phòng bệnh, dinh dưỡng, hoạt động của những người đi nghỉ v.v… Đặc biệt đối với nhà nghỉ Sầm-sơn, Bộ Y tế cần trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ để làm tốt các công tác nói trên. Bộ giao thông cần có kế hoạch vận chuyển những người đi nghỉ mát đến các nhà nghỉ được thuận tiện và nhanh chóng.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |