Nội dung toàn văn Thông tư 29/2016/TT-BGTVT cách thức phân chia tiền công cứu hộ thuyền bộ tàu biển Việt Nam 2016
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2016/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÁCH THỨC PHÂN CHIA TIỀN CÔNG CỨU HỘ CỦA THUYỀN BỘ TÀU BIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam (sau đây gọi là thuyền bộ).
2. Thông tư này áp dụng đối với chủ tàu, thuyền bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ.
3. Thông tư này không áp dụng đối với việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu cứu hộ chuyên dùng.
Điều 2. Nguyên tắc phân chia tiền công cứu hộ
1. Tiền công cứu hộ được thanh toán bằng loại tiền nào thì cũng được chia bằng loại tiền đó.
2. Thuyền trưởng tàu cứu hộ là người đại diện cho thuyền bộ để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ trong việc xác định chi phí cứu hộ, đánh giá tổn thất và khoản tiền công cứu hộ sẽ dành cho thuyền bộ.
3. Việc phân chia tiền công cứu hộ trong nội bộ tàu phải được tiến hành công khai dưới sự giám sát của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc một hội đồng do toàn thể thuyền viên của tàu bầu ra.
Điều 3. Cách thức phân chia tiền công cứu hộ
Phần tiền được dành để phân chia cho thuyền bộ được phân chia theo cách thức sau đây:
1. Chia cho tất cả các thuyền viên có mặt trên tàu khi thực hiện hoạt động cứu hộ.
2. Chia theo nguyên tắc tỷ lệ thuận với tiền lương chính của mỗi thuyền viên được hưởng tại thời điểm thực hiện hoạt động cứu hộ.
Tiền lương chính là số tiền lương mà chủ tàu phải trả cho mỗi thuyền viên hàng tháng trên cơ sở chức danh của họ mà không bao gồm các khoản tiền bồi dưỡng, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng hàng tháng, hàng quý hoặc các khoản phụ cấp khác.
3. Trường hợp thuyền viên có sự dũng cảm và nỗ lực đặc biệt trong hoạt động cứu hộ thì được hưởng hệ số thưởng. Hệ số thưởng do thuyền bộ đề xuất và thuyền trưởng quyết định.
4. Thuyền viên từ chối không thực hiện nhiệm vụ do thuyền trưởng giao hoặc lợi dụng tình huống cứu hộ để vụ lợi hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cứu hộ đều bị tước bỏ quyền được hưởng phần tiền công cứu hộ của mình. Phần tiền này được gộp chung vào tổng số tiền công cứu hộ dành cho thuyền bộ để chia cho số thuyền viên còn lại theo cách thức phân chia quy định tại Điều này.
Điều 4. Khiếu nại và giải quyết tranh chấp
1. Khiếu nại liên quan đến việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Tranh chấp liên quan đến việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ được giải quyết bằng thương lượng hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
2. Bãi bỏ Quyết định số 43/2005/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |