Nội dung toàn văn Thông tư 30/2009/TT-BLĐTBXH chương trình môn học tiếng Anh giảng dạy học sinh học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2009/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2009 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC TIẾNG ANH GIẢNG DẠY CHO HỌC SINH HỌC NGHỀ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề;
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định và đề nghị của Tổng cục Dạy nghề về việc ban hành chương trình môn học Tiếng Anh giảng dạy cho học sinh học nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chương trình môn học Tiếng Anh dùng để giảng dạy cho học sinh học nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định chương trình môn học Tiếng Anh dùng để áp dụng đối với các trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng sử dụng tiếng Anh giảng dạy cho môn học ngoại ngữ chung theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nội dung Chương trình được ban hành kèm theo thông tư này).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm sau:
a) Tổ chức biên soạn giáo trình, sách bài tập và sách hướng dẫn giảng dạy để sử dụng chung trên toàn quốc;
b) Tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy môn học Tiếng Anh;
c) Hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình môn học Tiếng Anh giảng dạy cho học sinh học nghề trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.
2. Các trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng có trách nhiệm sau đây:
a) Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình và các tài liệu giảng dạy khác để triển khai thực hiện chương trình;
b) Tổ chức tập huấn hoặc cử giáo viên tham gia các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Anh;
c) Tổ chức học tiếng Anh ngoại khóa cho học sinh chưa đủ khả năng theo học cấp độ quy định trong chương trình giảng dạy cho trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
d) Tổ chức các khóa học nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh cho học sinh theo các cấp độ của chương trình theo nhu cầu của người học và yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Dạy nghề, các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này ./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH
MÔN HỌC TIẾNG ANH GIẢNG DẠY CHO HỌC SINH HỌC NGHỀ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TT-BLĐTBXH ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
I. MỤC TIÊU
Môn học Tiếng Anh giảng dạy ở các trường trung cấp nghề; các trường cao đẳng nghề nhằm hình thành và phát triển các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh giúp cho người học nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động trong quá trình hội nhập quốc tế.
II. YÊU CẦU
Người học sau khi học môn học tiếng Anh phải đạt được các kỹ năng chủ yếu sau:
1. Khả năng NÓI và diễn đạt để người khác hiểu được trong giao tiếp thông thường và trong môi trường làm việc;
2. Khả năng NGHE và hiểu thông tin người khác diễn đạt trong giao tiếp thông thường và trong môi trường làm việc;
3. Khả năng ĐỌC và hiểu thông tin trong giao tiếp thông thường và trong môi trường làm việc;
4. Khả năng VIẾT và diễn đạt để người khác hiểu trong giao tiếp thông thường và trong môi trường làm việc.
Các khả năng chủ yếu nói trên tương ứng với từng cấp độ sử dụng tiếng Anh dựa trên thang điểm TOEIC được quy định chi tiết trong nội dung chương trình.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ THỜI GIAN GIẢNG DẠY
Chương trình môn học tiếng Anh được thiết kế theo các cấp độ kĩ năng sử dụng ngôn ngữ từ cấp độ không có khả năng sử dụng tiếng Anh đến cấp độ sử dụng cao dựa trên thang điểm TOEIC như sau:
- Cấp độ 1: khoảng điểm TOEIC 10 – 95;
- Cấp độ 2: khoảng điểm TOEIC 100 – 145;
- Cấp độ 3: khoảng điểm TOEIC 150 – 245;
- Cấp độ 4: khoảng điểm TOEIC 250 – 295;
- Cấp độ 5: khoảng điểm TOEIC 300 – 345;
- Cấp độ 6: khoảng điểm TOEIC 350 – 395;
- Cấp độ 7: khoảng điểm TOEIC 400 – 495;
- Cấp độ 8: khoảng điểm TOEIC 500 – 545;
- Cấp độ 9: khoảng điểm TOEIC 550 – 595;
1. Chương trình 1
a) Chỉ áp dụng cho những người chưa học môn học tiếng Anh ở các cấp học, bậc học phổ thông hoặc chưa đủ điều kiện đầu vào để học môn học tiếng Anh áp dụng cho khóa học nghề trình độ cao trung cấp hoặc trình độ cao đẳng.
b) Thời gian giảng dạy: 30 giờ theo Cấp độ 1.
2. Chương trình 2
a) Áp dụng cho khóa học nghề trình độ trung cấp theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
b) Thời gian giảng dạy 60 giờ được phân bổ như sau:
- 30 giờ theo Cấp độ 2;
- 30 giờ theo Cấp độ 3.
3. Chương trình 3
a) Áp dụng cho khóa học nghề trình độ cao đẳng theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
b) Thời gian giảng dạy 120 giờ được phân bổ như sau:
- 30 giờ theo Cấp độ 2;
- 30 giờ theo Cấp độ 3;
- 60 giờ theo Cấp độ 4.
4. Chương trình 4
a) Áp dụng đối với giảng dạy nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh theo nhu cầu của người học hoặc có thể sử dụng để giảng dạy đối với những nghề mà tiếng Anh là môn học chuyên nghề hoặc những nghề đòi hỏi người lao động phải có trình độ sử dụng tiếng Anh ở mức độ phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của công việc trong môi trường lao động có yếu tố nước ngoài.
b) Thời gian giảng dạy 120 giờ được phân bổ như sau:
- 40 giờ theo Cấp độ 5;
- 40 giờ theo Cấp độ 6;
- 40 giờ theo Cấp độ 7.
5. Chương trình 5
a) Áp dụng để giảng dạy nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh theo nhu cầu của người học nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của một số nghề, công việc đòi hỏi người lao động phải có trình độ sử dụng tiếng Anh ở mức độ cao.
b) Thời gian giảng dạy 80 giờ được phân bổ như sau:
- 40 giờ theo Cấp độ 8;
- 40 giờ theo Cấp độ 9;
6. Miêu tả kỹ năng và độ chính xác chi tiết theo từng cấp độ:
Phụ lục 1 kèm theo.
7. Các cấu trúc ngữ pháp cơ bản dùng cho các cấp độ:
Phụ lục 2 kèm theo.
8. Giải thích thuật ngữ sử dụng trong chương trình:
Phụ lục 3 kèm theo.
IV. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ
1. Kế hoạch thực hiện chương trình
a) Các trường phái tổ chức bồi dưỡng ngoại khóa Chương trình 1 cho tất cả người học nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp có trình độ sử dụng tiếng Anh chưa đạt yêu cầu đầu vào của Chương trình 2 hoặc chương trình 3 (trình độ sử dụng tiếng Anh thấp hơn 100 điểm TOEIC).
b) Chương trình 2 bắt buộc áp dụng đối với các khóa học nghề trình độ trung cấp, sử dụng tiếng Anh là môn học ngoại ngữ chung theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
c) Chương trình 3 bắt buộc áp dụng đối với các khóa học nghề trình độ cao đẳng, sử dụng tiếng Anh là môn học ngoại ngữ chung theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
d) Chương trình 4 và Chương trình 5 được sử dụng giảng dạy ngoại khóa để nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh của người học hoặc sử dụng giảng dạy chính khóa như môn học tiếng Anh chuyên ngành trong các nghề phù hợp.
đ) Kế hoạch giảng dạy theo từng cấp độ
- Đối với chương trình có các cấp độ từ 1-3 (với khoảng điểm TOEIC: từ 10 đến 245) nên áp dụng kế hoạch giảng dạy 2 giờ học một ngày, 3-5 ngày một tuần
- Đối với chương trình có các cấp độ từ 4 và 5 (với khoảng điểm TOEIC: từ 250 đến 345) cũng nên áp dụng kế hoạch giảng dạy 2 giờ học một ngày, 3-5 ngày một tuần. Ngoài ra nếu các giờ học bình thường khác được giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ giúp người học nâng cao hiệu quả học tiếng Anh và giúp họ sẵn sàng cho các bài kiểm tra, đánh giá.
- Đối với chương trình có các cấp độ 6 và 7 (với khoảng điểm TOEIC: từ 350 đến 495) có thể áp dụng kế hoạch giảng dạy là 1 giờ một ngày, 5 ngày một tuần hoặc khoảng thời gian tương đương như vậy cho một ngày. Với một môi trường học tập và rèn luyện tiếng Anh thường xuyên như vậy, người học sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích bởi nó giúp người học nâng cao khả năng học tiếng Anh đồng thời cũng giúp họ sẵn sàng để vượt qua các kỳ kiểm tra sát hạch.
- Đối với chương trình có các cấp độ 8 và 9 (với khoảng điểm TOEIC: từ 500 đến 595 điểm), người học cần có cơ hội để có thể phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ của mình trong một môi trường học thực sự mà ở đó họ không chỉ có khả năng thu nhận thêm kiến thức ngôn ngữ mà còn cả kinh nghiệm thực tế trong việc sử dụng chúng.
e) Thời gian học bổ trợ
- Ngoài giờ học cần tăng cường thêm thời gian học bổ trợ kĩ năng cho những đối tượng người học có trình độ tiếng Anh còn kém so với yêu cầu và tiêu chuẩn của từng cấp độ, những giờ học này nên do các giáo viên tiếng Anh đào tạo chuyên ngành giảng dạy.
- Khuyến khích các trường tổ chức các khóa học tiếng Anh bổ trợ theo các cấp độ của chương trình hoặc tăng thời lượng giảng dạy từng cấp độ để nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh theo nhu cầu của người học; sử dụng các cấp độ thích hợp của chương trình môn học tiếng Anh để đưa vào chương trình đào tạo đối với các nghề mà môn học tiếng Anh là môn học chuyên nghề.
2. Yêu cầu đối với người học
Tất cả đối tượng người học trước khi học đều phải làm bài kiểm tra đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh. Kết quả kiểm tra sẽ được sử dụng nhằm mục đích phân chia trình độ và xếp lớp cho học sinh. Ở mỗi một cấp độ, sự tiến bộ của mỗi người học đều sẽ được theo dõi qua các bài đánh giá năng lực cơ bản, hoặc kiểm tra xem người học có đạt được yêu cầu của từng cấp độ hay không.
Kết thúc mỗi khóa học, người học sẽ làm một bài kiểm tra để xác định việc họ có khả năng theo học ở cấp độ tiếp theo cao hơn hay không.
3. Yêu cầu đối với giáo viên
a) Trình độ giáo viên
Giáo viên được yêu cầu ít nhất phải có bằng cử nhân hoặc bằng cấp tương đương tính theo kinh nghiệm dạy học trước đó. Một yêu cầu không bắt buộc khác là giáo viên nên có chứng chỉ Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ (TEFL – Teaching English as a Foreign Language)
Bên cạnh đó, khuyến khích tất cả giáo viên tham gia các khóa tập huấn sử dụng và áp dụng bộ chương trình này.
b) Nguồn lực đào tạo
Những nguồn lực sau đây được khuyến khích sử dụng để bổ trợ những phương pháp giảng dạy đề xuất:
- Cuốn hướng dẫn dành cho giáo viên: được biên soạn và trình bày trong các khóa tập huấn đào tạo giáo viên;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy: Lớp học nên được chia tối thiểu thành 2 nhóm nhỏ. Tổ chức càng nhiều hoạt động làm việc theo nhóm càng tốt để hỗ trợ cho nội dung mỗi bài học;
- Sách, giáo trình và tài liệu tham khảo;
- Kế hoạch giảng dạy và giáo án chi tiết của giáo viên đóng vai trò tài liệu chính được sử dụng trong quá trình giảng dạy.
c) Phương pháp đào tạo
Giáo viên cần phải biết được những đặc điểm của người học, trên cơ sở đó xây dựng và phát triển bài giảng không những phát huy được cả điểm mạnh mà còn đáp ứng được cả nhu cầu của họ. Ví dụ như một số người chỉ có chút ít kiến thức cơ bản, nhưng khả năng nói tiếng Anh cơ bản là khá tốt. Ngược lại, có những người khác nắm rất chắc về ngữ pháp, tuy nhiên lại không thể hiểu được người nói tiếng Anh bản ngữ trong những tình huống giao tiếp thực tế. Do đó nếu giáo viên thấy được sự khác biệt này trong trình độ của người học thì họ có thể thiết kế bài giảng dựa trên điểm mạnh và chú trọng vào nhu cầu của từng đối tượng học viên.
Để có thể làm được như vậy, việc đánh giá và phân loại trình độ của người học ngay lúc đầu vào và trong cả quá trình học là hết sức cần thiết và phải được thực hiện một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, sau khi đã thực hiện phân loại xếp lớp đối tượng người học, phương pháp và tài liệu giảng dạy cũng phải được lựa chọn và áp dụng phù hợp dựa trên nghiên cứu kĩ lưỡng về nhu cầu và phương pháp học tập cũng như trình độ giáo dục cơ bàn, tuổi tác, nền tảng văn hóa, sở thích và kinh nghiệm sống của họ. Điều quan trọng là giáo viên biết áp dụng và kết hợp nhiều chiến lược giảng dạy để giúp tất cả người học thuộc mọi đối tượng có những tiến bộ nhất định nào đó.
d) Phương pháp giảng dạy
Các kĩ năng ngôn ngữ sẽ được phát triển tốt nhất khi gắn liền với các hoạt động có ý nghĩa. Nhưng đối tượng còn kém về những kĩ năng này sẽ thấy dễ dàng và hiệu quả hơn khi họ tham gia vào những bài học thú vị và gần gũi với nhu cầu cũng như những chủ đề mà họ quan tâm.
Các chương trình được thiết kế dựa trên thang cấp độ, trước khi theo học các cấp độ tiếp theo, người học phải chứng minh họ đã đạt được yêu cầu tối thiểu của cấp độ thấp hơn trước đó qua một bài kiểm tra đầu vào. Do các chương trình đã được tách ra theo các trình độ thành thạo khác nhau nên không nên tổ chức các lớp học gồm nhiều đối tượng với những trình độ kiến thức không đồng đều. Có rất nhiều phương pháp đa dạng có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy bao gồm:
+ Bài tập nghe + Bài tập lớn + Các bài tập mô phỏng + Hoạt động trong lớp + Bài tập theo tình huống + v.v... | + Giảng giải + Thảo luận theo nhóm + Bài tập đóng vai + Làm việc theo cặp, nhóm nhỏ và nhóm lớn + Đối thoại |
Lưu ý trong quá trình giảng dạy ở bất cứ trình độ nào, giáo viên cũng nên sử dụng những hướng dẫn giảng dạy dựa trên nội dung bài giảng đã được cung cấp.
đ) Họp, thảo luận giáo viên
Các cuộc họp trao đổi, thảo luận giữa đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh nên thường xuyên được tổ chức theo một thời khóa biểu được lên lịch sẵn cho cả năm học. Nếu có thể, hàng tuần nên tổ chức họp giữa tất cả các giáo viên dạy ở mọi trình độ để có thảo luận và trao đổi được lịch trình giảng dạy trong từng lớp và những tiến bộ mà người học đạt được.
4. Kiểm tra đánh giá người học
a) Các tiêu chí và phương pháp kiểm tra đánh giá
Kiểm tra đánh giá là một quá trình liên tục nhằm mục đích đối chiếu quá trình học tập với mục tiêu đặt ra ban đầu và nền kiến thức sẵn có của người học, đây là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự hợp tác giữa người học và giáo viên, bao gồm tư duy phê phán, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề và phản ánh những tình huống trong chính cuộc sống hàng ngày của họ.
Việc kiểm tra đánh giá sẽ cho biết khả năng thực hiện tốt đến đâu một kĩ năng nhất định tại một thời điểm nào đó của một người học. Kiểm tra đánh giá sẽ giúp xác định rõ, miêu tả cụ thể và đưa ra những minh chứng xác thực về trình độ của người học. Bên cạnh đó, nhờ có kiểm tra đánh giá mà người học cũng tự nhận thấy được mình đã thu nhận được những gì hay đạt được mục tiêu nào trong quá trình học tập. Người học cần phải hiểu rằng họ đã đạt được một mục tiêu nhất định dựa trên những tiêu chí đánh giá đã được xác định từ trước. Một khung chương trình kiểm tra đánh giá chung sẽ giúp cả người dạy và người học “có chung một thứ ngôn ngữ”. Đối với giáo viên, việc kiểm tra đánh giá sẽ giúp họ xây dựng được kế hoạch giảng dạy cho phù hợp đối với mỗi người học.
Kiểm tra đánh giá có rất nhiều mục đích và nó đặc biệt quan trọng khi đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ người học nhìn nhận được quá trình học tập của mình. Ở đây cụ thể là nó giúp người học thấy rõ được những gì họ chưa biết và những gì chưa làm được trong môi trường Anh ngữ. Việc kiểm tra đánh giá phải chỉ ra được sự tiến bộ của người học (chuyển biến dần từ việc làm một việc khó khăn đến dễ dàng hơn hoặc thay đổi theo ngữ cảnh hoặc tình huống). Nhìn chung, đối với những người học có trình độ ngôn ngữ thấp thì quá trình kiểm tra đánh giá và xác định trình độ là tương đối khó khăn.
Khi đánh giá bất cứ một tiêu chuẩn nào đó, điều quan trọng là phải chắc chắn rằng các công cụ đánh giá đó có phù hợp với nội dung được đánh giá. Nếu như vậy việc đánh giá chú trọng vào mức độ truyền đạt thông tin và độ trôi chảy (cả bằng hình thức nói và viết) thì công cụ đánh giá không chỉ dừng ở việc kiểm tra độ chính xác (về ngôn ngữ, cấu trúc và kết cấu). Bản thân một số tiêu chuẩn đánh giá đã giúp cho việc đánh giá trở nên đơn giản hơn so với các tiêu chuẩn khác.
b) Kiểm tra đánh giá quá trình
Trong quá trình giảng dạy nên kết hợp cả hai phương pháp kiểm tra đánh giá quá trình (hay kiểm tra đánh giá thường xuyên) và kiểm tra đánh giá kết thúc (kiểm tra đánh giá tổng kết). Kiểm tra đánh giá quá trình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của chương trình đào tạo Anh ngữ này bởi tất cả các chương trình đều được xây dưng một cách có hệ thống dựa vào thang các cấp độ và sự phát triển trình độ ngôn ngữ từ mức sơ cấp tới mức cao. Giáo viên nên thực hiện việc đánh giá trong suốt quá trình học để xác định mức độ người học đáp ứng các yêu cầu hay tiêu chuẩn đề ra trong chương trình đào tạo. Không chỉ thế phương pháp kiểm tra đánh giá này cũng hết sức thiết yếu đối với bất cứ một chương trình đào tạo nào dựa trên năng lực sử dụng ngôn ngữ. Lý do giải thích ở đây là người học sẽ có những tiến bộ nhất định theo từng cấp trình độ, vì vậy giáo viên cần phải đảm bảo rằng người học thật sự đáp ứng được những yêu cầu đối với trình độ đó.
c) Các phương pháp kiểm tra đánh giá bổ sung
Trên thực tế có rất nhiều phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau, trong chương trình đào tạo này việc kiểm tra đánh giá người học nên áp dụng các phương pháp sau:
1. Người học tự đánh giá;
2. Giáo viên và người học cùng đánh giá;
3. Đánh giá thông qua các tình huống thực tế (hay mô phỏng thực tế) mà ở đó đòi hỏi người học phải giao tiếp.
Kết hợp cả 3 phương pháp đánh giá này có thể đưa ra kết quả phức tạp hơn và mang tính cá nhân hơn về những nội dung mà học sinh có thể làm và biết. Người học thường có khả năng làm được nhiều hơn những gì mong muốn (hoặc cho phép) nếu như họ có động cơ học tập cao và nhận được sự ủng hộ của giáo viên cũng như của bạn bè.
Vì vậy, công cụ đánh giá cần được xem xét một cách kĩ lưỡng để xác định nó thể hiện được bao nhiêu và đến mức độ nào khả năng của người học có thể sử dụng kiến thức (sử dụng tiếng Anh) một cách độc lập; cũng như cho phép người học chứng minh được họ có thể làm được gì khi nhận được những khuyến khích hay hỗ trợ khác nhau.
Đặc biệt một số người theo quan điểm khác còn yêu cầu sử dụng những công cụ đánh giá hay thay thế khác để xác định một cá nhân có thể thực hiện được những gì theo một tiêu chuẩn nhất định đã đề ra. Việc đánh giá những kĩ năng phi ngôn từ có thể bao gồm các phương pháp như bài tập đóng vai hay giao việc trên điện thoại hoặc môi trường xung quanh. Với những phương pháp đánh giá này đòi hỏi người học phải thật sự trải nghiệm cả khó khăn, thuận lợi lẫn xác định lý do thực hiện các hoạt động đó.
Ví dụ về công cụ tự kiểm tra đánh giá:
- Nhật ký hàng ngày, hàng tuần – Người học sẽ ghi lại quá trình học tập và những nhận xét về tiến bộ của bản thân;
- Mẫu tự đánh giá – Người học đánh giá về sự tiến bộ của họ theo từng khả năng hay kỹ năng cụ thể;
- Bản kiểm tra danh sách mục tiêu học tập – Người học rà soát lại mục tiêu học tập mà họ đã đề ra, xem xét mục tiêu nào đã đạt được, chưa đạt và cần phải đạt được.
Ví dụ về công cụ đánh giá qua các tình huống thực tế:
- Danh sách những việc có thể làm – Người học đánh giá mức độ khó dễ của các công việc thuộc những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày (công việc, sinh hoạt, giao tiếp xã hội);
- Bài tập đóng vai/ mô phỏng – Người học dựng và tập những cảnh/ tình huống trong lớp học tập trung vào những kĩ năng khác nhau;
- Ghi hình và ghi âm – Người học ghi hình và ghi âm lại những kinh nghiệm trong quá trình sử dụng ngôn ngữ ngoài lớp học, từ đó phân tích điểm yếu, điểm mạnh và những khó khăn của mình;
- Tham quan, dã ngoại - Hoạt động này cho phép học viên sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng mà họ đã học.
Ví dụ về công cụ giáo viên và học viên cùng đánh giá:
- Nhật kí đối thoại – Người học lập một bản ghi chép về việc học của họ và động viên hoặc/và sự gợi ý của giáo viên;
- Họp giữa giáo viên và học viên – Giáo viên gặp riêng từng học viên để thảo luận sự tiến bộ của họ và xác định những kĩ năng cần phải cải thiện;
- Danh mục lưu trữ kết quả học tập – Giáo viên và học viên cùng nhau xác định nên lưu trữ những gì để làm dẫn chứng cho tiến bộ trong quá trình học;
- Thông báo tình hình học tập trực tiếp – Giáo viên và các học viên cùng thảo luận những kiến thức đã học được trong một trong khoảng thời gian nhất định nào đó, nhận xét về những tiến bộ đã đạt được cũng như nội dung cần xem lại hoặc học sâu hơn;
d) Kiểm tra đánh giá kết thúc
Chương trình này được thiết kế dựa trên thang điểm của bài thi Toeic. Đến kỳ kiểm tra đánh giá kết thúc các khóa học, người học đều phải tham gia làm bài thi đánh giá cho 2 kỹ năng Nghe hiểu và Đọc hiểu.
Ở mức trình độ thấp (từ cấp độ 1-5) việc bổ sung thêm các phần kiểm tra liên quan đến hai kỹ năng Nói và Viết sẽ không có nhiều tác dụng.
Trái lại, khi lên cấp trình độ cao hơn (từ cấp độ 6-9) việc bổ sung thêm các phần thi đã được tiêu chuẩn hóa bao gồm kỹ năng Nói và Viết sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người học.
5. Các hoạt động ngoại khóa
Khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong quá trình giảng dạy tiếng Anh giúp người học có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động mô phỏng hoặc hoạt động giao tiếp và làm việc thực tế. Một số ví dụ về các hoạt động ngoại khóa như:
- Lập các nhóm chủ trì: Phương pháp này giúp người học phát triển được kĩ năng thuyết trình và thực hành khả năng diễn thuyết bằng tiếng Anh trước đám đông;
- Lập các nhóm phụ trách tiếng Anh chuyên ngành cho từng lĩnh vực ngành nghề: Phương pháp này cho phép người học luyện tập khả năng sử dụng ngôn ngữ trong môi trường công việc, đem lại lợi ích thực sự cho người học sau khi tốt nghiệp;
- Lập các nhóm sưu tầm những tài liệu tiếng Anh kỹ thuật: Khi áp dụng phương pháp này, người học có thể cùng nhau đọc các bài viết, tài liệu hay các bài báo liên quan đến những lĩnh vực ngành nghề mà họ theo học hoặc ưa thích; hay thậm chí còn giúp người học tập hợp ngân hàng thuật ngữ tiếng Anh;
- Tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại đến những môi trường làm việc thực tế có sử dụng tiếng Anh. Tại đây người học sẽ được tìm hiểu cách thức sử dụng tiếng Anh trong công việc thực tế. Qua đó giúp họ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của tiếng Anh trong chuyên môn công việc của họ sau này và tạo động lực cho quá trình học tập;
- Tổ chức những cuộc giao lưu giữa người học với những người nói tiếng Anh bản ngữ với nội dung về những chủ đề mà người học yêu thích. Những vị khách đặc biệt này sẽ được mời theo mong muốn của người học, có thể đến từ những ngành nghề liên quan, những lĩnh vực giải trí, hay các tổ chức phi chính phủ./.
PHỤ LỤC II
CÁC CẤU TRÚC NGỮ PHÁP CƠ BẢN THEO CÁC CẤP ĐỘ
I. CẤP ĐỘ TỪ 1-3 (KHOẢNG ĐIỂM TOEIC TỪ 10 - 245)
Ở các cấp trình độ này, người học phụ thuộc rất nhiều vào trí nhớ hoặc khả năng học thuộc lòng vì vậy việc đưa ra những chỉ số xác định về khả năng sử dụng cấu trúc ngữ pháp cơ bản và độ chính xác sẽ không đảm bảo hiệu quả.
Nhìn chung những gì người học thu nhận được ở các cấp độ này còn rất hạn chế chủ yếu dựa trên việc vận dụng các đoạn, các câu ngắn, rời rạc, phạm vi giao tiếp hầu như chỉ giới hạn trong các công việc đơn giản cần ít Tiếng Anh. Người học sẽ chủ yếu được làm quen với việc đặt ra hay trả lời những câu hỏi đơn giản, cụ thể và dễ nhớ hay thu nhận thêm vốn từ vựng thông dụng trong công việc cũng như đời sống hàng ngày. Cụ thể hơn đó là người học sẽ có khả năng cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân, tham gia vào các giao tiếp hay các hoạt động xã hội tối thiểu.
II. CẤP ĐỘ TỪ 4-7 (KHOẢNG ĐIỂM TOEIC TỪ 250 - 495)
1. Câu đơn
+ Trật tự từ trong các câu đơn:
- Chủ ngữ - động từ - tân ngữ (subject-verb-object), ví dụ: She likes apples;
- Chủ ngữ - động từ - trạng ngữ (subject-verb-adverb), ví dụ: He speaks slowly;
- Chủ ngữ - động từ - tính từ (subject-verb-adjective), ví dụ: My bag is heavy;
- Chủ ngữ - động từ - cụm giới từ (subject-verb-prepositional phrase), ví dụ: He lives in London.
+ Trật tự từ trong các câu mệnh lệnh thức, ví dụ: Keep left.
+ Cấu trúc There is/are + noun (+ prepositional phrase)
+ Câu hỏi dạng Có/không (yes/no questions), ví dụ: Do you know the address?
+ Câu hỏi Wh (Wh- questions), ví dụ: What time is it?
+ Các từ để hỏi như what/who/where/how much/how many.
+ Dạng rút gọn của động từ.
+ Mệnh lệnh thức, ví dụ: Stop! Don’t touch!
2. Cụm danh từ
+ Danh từ dạng số nhiều có quy tắc và bất quy tắc, ví dụ: days, books, men, women…
+ Danh từ không đếm được, ví dụ: weather, traffic…
+ Danh từ chỉ tên riêng.
+ Đại từ chỉ định, ví dụ: this/that/these/those.
+ Từ hạn định chỉ số lượng, ví dụ: some/a lot of.
+ Mạo từ hạn định a/an sử dụng với danh từ đếm được số ít, ví dụ: an apple, a pen…
+ Mạo từ hạn định the, ví dụ: the floor, the door…
+ Từ chỉ sở hữu: my/your/his/her, v.v..
3. Các thì của động từ và từ chỉ thời gian trong câu khẳng định, nghi vấn, phủ định và các dạng câu ngắn
+ Thì hiện tại đơn giản của:
- Động từ to be/have/do: I am from Vietnam;
- Động từ thường: He works in the evening/Do you like music?
- Động từ Have got chỉ sở hữu: I’ve got a car.
+Thì hiện tại tiếp diễn của:
- Động từ thường: watching TV.
+ Dạng rút ngắn của:
- Chủ ngữ và trợ động từ: They’re having lunch.
- Trợ động từ và từ phủ định: We don’t eat meat.
+ Động từ tình thái:
- can + động từ nguyên thể để diễn đạt khả năng, ví dụ: He can drive;
- would + like để yêu cầu, ví dụ: She’d like some tea;
- sử dụng cùng các giới từ on, off, in, out, ví dụ: Switch the light off/ Way out.
4. Tính từ
+ Tính từ thường đứng sau động từ “to be”, ví dụ: hot/ cold/ young/ new/ old/ good/ bad.
5. Trạng từ và cụm giới từ
+ Trạng từ và cụm giới từ thường dùng để chỉ địa điểm như: at home, on the left, on the table.
+ Trạng từ đơn giản chỉ địa điểm, phương thức và thời gian, ví dụ: here, there, now, slowly.
+ Sử dụng cùng từ chỉ cường độ very.
6. Từ nối
+ Từ nối – then, next.
III. CẤP ĐỘ TỪ 8-9 (KHOẢNG ĐIỂM TOEIC TỪ 500 - 595)
1. Câu đơn và câu ghép
+ Trật tự từ trong câu ghép, ví dụ:
- Chủ ngữ-động từ-(tân ngữ) + và/nhưng + chủ ngữ-động từ-(tân ngữ);
(subject-verb-(object)+ and/but + subject-verb-(object);
- I work in a shop but my friend works in an office.
+ Cấu trúc there was/were/there is going to be.
+ Mệnh đề được nối bởi liên từ and/but/or.
+ Động từ thường + đuôi ing.
+ Động từ nguyên thể + to hoặc không có to, ví dụ:
- We went shopping yesterday;
- I want to buy some fruit;
- I heard him come in.
+ Câu hỏi bắt đầu với Wh.
+ Câu hỏi so sánh.
+ Câu hỏi lựa chọn.
+ Các từ để hỏi từ để hỏi when, what time, how often, why, how và cách diễn đạt,
- Ví dụ: Can you tell me…
+ Câu khẳng định với câu hỏi đuôi, sử dụng các thời chính, ví dụ:
- You arrived last year, didn’t you
2. Cụm danh từ
+ Danh từ đếm được và không đếm được,
- Ví dụ: roads, trees, houses; happiness, water, information…
+ Cụm danh từ đơn giản, ví dụ: a large red box.
+ Tân ngữ và đại từ phản thân, ví dụ:
- I gave him my book.
+ Từ hạn định về số lượng – any, many, ví dụ:
- Have you any oranges? We haven’t many left.
+ Cách sử dụng mạo từ gồm:
- Mạo từ xác định và không có mạo từ sử dụng với danh từ không đếm được, ví dụ:
i) Water is important for life;
ii) The traffic is bad today.
- Mạo từ xác định ở cấp so sánh hơn nhất, ví dụ: the best example…
- Sở hữu cách “s” và đại từ sở hữu,
Ví dụ: mine, yours.
3. Các dạng động từ và từ chỉ thời gian trong câu khẳng định, câu nghi vấn, câu phủ định và các dạng câu ngắn
4. Thì hiện tại đơn giản
+ Nội động từ và ngoại động từ thường với trạng từ chỉ tần suất và nhóm từ chỉ tần suất, ví dụ:
- The children often eat apples;
- They always go to school;
- I see her every day.
+ Thời quá khứ đơn giản của động từ thường và động từ bất qui tắc với từ chỉ thời gian như ago, ví dụ:
- We went to the cinema yesterday;
- I saw her two weeks ago.
+ Thời tương lai thể hiện bằng:
- Hiện tại tiếp diễn, ví dụ: going to;
- Sử dụng trạng từ chỉ thời gian, ví dụ: next week, in two days’ time,…
Ví dụ: We are meeting him at 6 o’clock. I’m going to wash my hair tonight.
5. Động từ khuyết thiếu và các dạng của nó với ý nghĩa tương đương:
- “must” diễn tả sự bắt buộc;
- “mustn’t” diễn tả sự cấm;
- “have to” “had to” – diễn tả sự cần thiết;
- “could” diễn tả yêu cầu, ví dụ: Could you?
- “couldn’t” diễn tả sự không thể.
+ Cách sử dụng trạng từ chỉ tình thái đơn giản: possibly, probably, perhaps…
+ Những cụm động từ phổ biến nhất, ví dụ: get on/off/up/down…
6. Tính từ
+ Tính từ và trật tự tính từ, ví dụ:
- A large black horse, a new red coat…
+ So sánh hơn, các dạng bất qui tắc điển hình, ví dụ: good, better, wet, wetter, dark, darker…
7. Trạng từ và cụm giới từ
+ Giới từ và cụm từ giới từ chỉ thời gian, địa điểm, ví dụ: until tomorrow, by next week, by the river, at midnight, at once…
+ Trạng từ và cụm trạng từ đơn giản bao gồm:
- chỉ thứ tự: after that…
- chỉ thời gian và địa điểm: in the morning, at the bus stop…
- chỉ tần suất: always, sometimes…
- chỉ cách thức: carefully, quickly…
+ Trật tự từ của trạng từ và cụm trạng từ, ví dụ: He always brought food to our house early in the morning.
+ Sử dụng từ nhấn mạnh, ví dụ: really, quite, so…
8. Liên từ
+ Trạng từ chỉ thứ tự, ví dụ: first, finally…
+ Sử dụng những từ thay thế, ví dụ: I think so, I hope so…
+ Những từ liên kết ngôn ngữ nói, ví dụ: Right. Well…/.
PHỤ LỤC III
GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
Ám chỉ mang tính văn hóa – Những hàm ý về một nền văn hóa cụ thể; thông tin ẩn dụ chỉ phổ biến trong một môi trường văn hóa nhất định.
Âm – Cảm giác chung hoặc sự ảnh hưởng của cường độ, giai điệu, âm lượng.
Âm vị - Đơn vị nhỏ nhất của âm thanh trong một từ đề phân biệt một từ này với một từ khác; Ví dụ: fat vs. bat [f] and [b] are phonemes.
Biến tố/Chuyển điệu – Thay đổi trong âm điệu hoặc độ cao của giọng nói; thay đổi trong dạng thức của một từ thể hiện các đặc điểm ngữ pháp như số, ngôi hay thời.
Biệt ngữ - Ngôn ngữ chuyên ngành của một lĩnh vực cụ thể.
Các số - Các con số.
Các dấu hiệu của âm vị - Dựa vào mẫu hình phát âm cũng như trọng âm và ngữ hình âm điệu của các từ và câu.
Các chức năng ngôn ngữ - Cách thức ngôn ngữ được sử dụng, ví dụ như chào hỏi, mô tả, đưa ra chỉ dẫn, thể hiện cảm xúc, giải thích, kiểm tra, xin lỗi.
Câu hỏi đuôi – Từ để hỏi được đặt ở cuối câu, nhằm xác nhận lại thông tin đưa ra là đúng hay không (Ví dụ “He is from Mexico, isn’t he?”)
Câu ghép – Câu bao gồm 2 câu đơn được nối với nhau bằng một liên từ, ví dụ như Either you will it now or you will learn in a year from now (Hoặc là anh học nó ngay bây giờ hoặc là anh học nó trong năm sau).
Câu điều kiện – Câu diễn đạt nguyên nhân và hậu quả của một sự kiện hoặc hành động, diễn đạt một sự việc xảy ra sẽ dẫn đến một kết quả cụ thể nào đó.
Câu điều kiện ở Hiện tại/Tương lai hay câu điều kiện loại 1 được sử dụng khi hành động trong mệnh đề If có thể xảy ra trong hiện tại hoặc tương lai.
Cấu trúc: If + động từ ở thời hiện tại, will + động từ nguyên thể.
If it rains, I will go home early (Nếu trời mưa thì tôi sẽ về nhà sớm).
Câu điều kiện không có thực ở Hiện tại hay câu điều kiện loại 2 được sử dụng khi hành động trong mệnh đề If không thể xảy ra.
Cấu trúc: If + động từ ở thời quá khứ, would (could, should) + động từ nguyên thể.
Ví dụ: If I had a million dollars, I would quit my job. (Nếu tôi có 1 triệu đôla, tôi sẽ bỏ việc).
Câu điều kiện không có thực trong quá khứ hay câu điều kiện loại 3 được sử dụng khi hành động trong mệnh đề If không thể xảy ra trong quá khứ.
Cấu trúc: If + động từ thời quá khứ hoàn thành, would have + phân từ 2
Ví dụ: If I had grown to 10 feet, I would have had a lucrative NBA contract (Nếu như tôi cao đến 10 feed nữa thì tôi đã có thể kí kết hợp đồng béo bở này với NBA).
Câu phức – Câu bao gồm hơn một mệnh đề, trong đó có một mệnh đề độc lập, ví dụ như “The man who is walking down the street is my father”. (Người đàn ông đang đi dưới phố là bố tôi).
Cấu trúc cơ bản của một văn bản – Những phần khác nhau trong một quyển sách, bao gồm: tiêu đề, nội dung, giải thích từ vựng, phụ lục.
Cấu tạo từ bất quy tắc – Các dạng cấu tạo từ không tuân theo các quy tắc chung.
Câu hỏi phức – Câu hỏi được bắt đầu với “Do you know …” “Could you tell me…”. Câu chứa câu hỏi phức sẽ thay đổi trật tự từ. Ví dụ: Do you know when the movie starts? (Anh có biết khi nào bộ phim bắt đầu không?) Could you tell me where the bank is? (Bạn có thể chỉ cho tôi ngân hàng nằm ở đâu không?)
Chất liệu sát thực – Dạng chất liệu (âm thanh, nói, viết, hình ảnh) được sử dụng trong một tình huống thực tế, thường giống với chất liệu người bản xứ sử dụng (đơn từ, mẩu báo, bài báo, chương trình đài phát thanh, các bản tin truyền hình).
Chi tiết hỗ trợ - Những ví dụ giải thích thêm cho ý chính.
Chuỗi – Một dãy các từ được tạo theo một quy luật, trong đó có mối quan hệ xác định giữa từ này và từ kia, giữa mỗi từ và vị trí của nó trong dãy đó…
Chuỗi sự kiện – Một chuỗi những sự kiện độc lập xảy ra với một kết quả duy nhất.
Chữ số - Một trong những ký hiệu trong hệ con số, các ký hiệu phổ biến nhất là ký hiệu 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9. Giá trị của chữ số thay đổi phụ thuộc vào vị trí của các con số này.
Có tính giải thích – Nhằm giải thích, chuyển tải thông tin; giải thích cách làm việc gì đó; giải thích mục đích.
Cốt truyện – Nội dung chính của một câu chuyện.
Cụm động từ - Là động từ gồm có một động từ chính kết hợp với một giới từ. Có 2 loại: a. Cụm động từ 2 từ, ví dụ: get up, look out, drop off; b. Cụm động từ 3 từ, ví dụ: catch up with, brush up on, come down with.
Cường độ - Độ cao và thấp của âm thanh.
Dạng động từ nghi vấn – Dạng câu hỏi nghi vấn, ví dụ như: Are you married? (Anh đã kết hôn chưa?) Do you eat pizza? (Bạn có ăn pizza không?).
Dạng khẳng định của động từ - Thường xuyên hoặc dạng chủ động (I eat pizza. He eats tacos).
Dạng động từ phủ định – Các dạng động từ thể hiện ý nghĩa là ‘Không’ (ví dụ như: don’t eat tacos – Đừng có ăn món tacos. He didn’t eat pizza – Anh ta đã không ăn pizza).
Danh động từ - Dạng –ing của động từ, được sử dụng như một danh từ (ví dụ như: sitting, eating, talking).
Danh từ - Là từ chỉ người, địa điểm, sự vật, sự việc hoặc một khái niệm nào đó a.) danh từ đếm được (ví dụ: dog, dogs), khi để dạng số nhiều dùng với many b.) danh từ không đếm được, chỉ dùng với động từ dạng số ít hoặc khi để dạng số nhiều mà dùng với much (ví dụ: The air is humid. The water is cold. This tea has too much sugar). c.) danh từ tập hợp để chỉ toàn thể hoặc một nhóm người hoặc sự vật cùng loại, có thể ở dạng số ít hoặc số nhiều (ví dụ: family/families, band/bands, team, public. The team is on its way to victory – Cả đội đang tiến gần đến với chiến thắng. This family has four members – Gia đình này có 4 thành viên. The families of the team members are at the airport – Gia đình của các thành viên trong đội đang có mặt tại sân bay).
Dễ hiểu – Miêu tả thông tin, chủ đề và tài liệu mà người học thường gặp trong công việc, học tập hoặc những hoạt động khác của họ.
Diễn đạt lại – Sử dụng những từ khác để viết, nói lại một ý nào đó
Dữ liệu – Thông tin mang bản chất về số lượng bao gồm các phép tính toán và đo lường. Dạng số nhiều: data, số ít: datum.
Đại từ - Là từ được sử dụng để thay thế một danh từ:
a) Đại từ nhân xưng chủ ngữ: I, you, he, she, it, we, they;
b) Đại từ nhân xưng tân ngữ: me, you, him, her, it, us, them;
c) Tính từ sở hữu – mine, yours, his, her, ours, theirs;
d) Từ chỉ định – this, that, these, those;
đ) Từ vô định – all, any, both, each, either, everyone, many, none, several;
e) Đại từ phản thân – myself, yourself, himself, herself, itself, ourselves, themselves.
Đại từ nhân xưng – xem phần ĐẠI TỪ
Đoạn văn – Một phần trong một bài văn, tài liệu
Đoạn văn chức năng – Một đoạn văn bản có mục đích cụ thể
Đoạn văn mô tả - Một đoạn văn ngắn tường thuật, mô tả một sự vật, sự việc nào đó.
Đoạn văn cung cấp thông tin – Đoạn văn bản cung cấp thông tin nhất định cho người đọc.
Đóng kịch – Hoạt động tình huống mà mỗi người học được giao cho một vai để đóng, thường là những vai sau: sinh viên, người bán hàng, phóng viên hoặc những vai cụ thể như: Michael Jackson, John Wayne, Madonna…
Đơn giản – Là một tính từ áp dụng cho số, thông tin, biểu đồ… không yêu cầu cao đối với người đọc.
Đơn giản hóa – Là giảm sự phức tạp; sử dụng những từ dễ hơn, phổ biến và ngắn hơn.
Độ trôi chảy – Mức độ thuần thục khi sử dụng một ngôn ngữ; khả năng nói một cách tự nhiên, uyển chuyển, nhanh; đọc và/hoặc viết một cách tự nhiên, dễ dàng, ngôn ngữ thể hiện dễ hiểu.
Đối thoại – Thường là hội thoại trực tiếp hoặc chính thức sử dụng một loại ngôn ngữ và dựa trên những tình huống nhất định. Đối thoại là quá trình dạy cả kĩ năng nói/nghe, đọc, viết, chức năng và các quy tắc sử dụng từ ngữ, ngữ pháp cho những đối tượng sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Đồng hồ kim – Loại đồng hồ chia làm 12 phần bằng quanh chu vi/ đường tròn, đánh số từ 1 đến 12 thể hiện giờ và 60 phần thể hiện cho phút.
ESL/ESOL – Viết tắt của từ English as a Second Language hoặc English for Speakers of Other Languages (Anh ngữ dành cho người nói ngôn ngữ khác). Chương trình ESOL sẽ xác định rõ người học là đối tượng nào.
Giải mã – Sử dụng nhiều phương pháp khác nhau (như ngữ âm, ngữ cảnh hoặc nội dung, từ gốc…) để tìm ra nghĩa hoặc cách phát âm của một từ. Người đọc sẽ dựa vào mối quan hệ giữa chữ viết – âm thanh để tìm ra cách phát âm và ý nghĩa của từ.
Giải thích – Thu thập chính xác thông tin từ các nguồn, giải thích và hiểu một tài liệu nào đó.
Giải nghĩa âm – Sử dụng thông tin phù hợp của âm thanh/biểu tượng để hiểu và phát âm một từ mới trong quá trình đọc.
Giám sát – Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, quan sát và trợ giúp.
Giới từ - Từ nối: là từ dùng để chỉ mối liên hệ giữa một danh từ hay một đại từ với những từ còn lại trong câu.
a) Giới từ chỉ thời gian – in, on, at. Ví dụ: I’ll see you at 3:00 on the first Sunday in May (Tôi sẽ gặp anh vào lúc 3 giờ chiều ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Năm).
b) Giới từ chỉ địa điểm – in, on, at, between, under, over, v.v… The book is on the table, between the lamps (Quyển sách nằm trên bàn và giữa 2 cái đèn).
Gợi ý ngữ cảnh – Thông tin bổ trợ có tác dụng giải thích rõ nghĩa của một từ hoặc một cụm từ.
Gốc từ - Cấu tạo của một từ từ một từ gốc có liên quan hoặc việc xác định nguồn gốc hình thành của một từ.
- Là gốc của một từ. Ví dụ: mean, meaning, meaningful, meaningfulness…
Hậu tố - Phụ tố thêm vào cuối của một từ và làm thay đổi nghĩa của từ đó (ví dụ: blissful).
Hoạt động trước khi đọc bài – Những hoạt động giúp học sinh hiểu được bài đọc thông qua việc giải thích nghĩa từ vựng, trao đổi về những ý chính của bài, xem xét các yếu tố ngữ pháp, quan điểm của tác giả…
Hoạt động trước khi vào bài giảng – Giáo viên giảng cho học sinh về các từ vựng trong bài, cấu trúc ngữ pháp hoặc vấn đề cần chú ý trong bài trước khi cho học sinh làm bài.
Hoạt động chính – Hoạt động bao gồm nhiều nhiệm vụ liên quan đến nhau, trong đó kết quả của một nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác.
Học nhóm/học theo cặp đôi – Hình thức người học làm việc theo cặp đôi hoặc trong các nhóm nhỏ để thực hành các kĩ năng, ví dụ như hội thoại, mô tả sự vật, hỏi đáp thông tin.
Hỗ trợ - Giúp học sinh khi bắt đầu nói hay viết hoặc sửa lỗi phát âm bằng cách chỉ ra những lỗi sai và/hoặc đưa ra gợi ý.
Hội thoại ngắn – Hội thoại xã giao hàng ngày như là hỏi thăm sức khỏe, công việc, trường học, gia đình, thời tiết và thể thao.
Khung cảnh – Nơi mà câu chuyện xảy ra, có bối cảnh và quang cảnh.
Liên từ - Từ dùng để nối các ý với nhau, ví dụ như: and, but, or,however
Lời nói gián tiếp – Được sử dụng để nhắc lại lời nói của ai đó. Ví dụ: She said that she watched TV every night (Cô ấy nói rằng tối nào cô ấy cũng xem tivi).
Mạo từ - Là hư từ có chức năng làm cụ thể hóa danh từ đứng sau nó là hạn định (dùng mạo từ the) hay bất hạn định (dùng mạo từ a, an).
Mệnh lệnh thức – Xem phần THÌ
Mức độ so sánh – Sử dụng tính từ và trạng từ kết hợp với các phụ từ bổ nghĩa như er, hoặc more/less để chỉ mức độ gia tăng hoặc tụt giảm, hơn hoặc kém khi so sánh 2 sự vật cụ thể với nhau (ví dụ: He is bigger than she. She is more talkative than her friend. He drives more quickly than others).
Những tình huống thiết yếu – Những tình huống đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ để trình bày ý muốn, nhu cầu và mong ước ví dụ như nói chuyện với chủ nhà, giáo viên, người bán hàng, giám đốc công ty, đồng nghiệp, dịch vụ cấp cứu, bác sĩ.
Ngữ điệu – Việc sử dụng các cung bậc âm độ khác nhau trong khi nói.
Ngữ âm – Môn học nghiên cứu mối liên hệ giữa các từ và âm của chúng.
Nhận thức âm vị – Khả năng nghe, phân biệt và sử dụng âm thanh của cá nhân trong lời nói.
Nhân vật – Một người trong một câu chuyện, sự kiện.
Nhịp điệu – Tần suất nổi bật của một số âm tiết trong quá trình nói.
Nói loanh quanh – Việc dùng quá nhiều từ để diễn đạt một ý kiến, tìm cách diễn đạt khác, nói quanh co luẩn quẩn về một chủ đề.
Phiên âm – Để giãi mã âm của từ.
Phổ biến – Tính từ miêu tả đơn vị, công cụ, biện pháp, đơn vị tính ngày tháng, v.v… được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi ngữ cảnh.
Phụ tố - Dạng có nghĩa đi kèm một từ để tạo thành từ phức (un + kind + ness); Một phần của từ để bổ sung vào từ gốc làm thay đổi nghĩa của từ; cả tiền tố và hậu tố đều là phụ tố.
Quá khứ theo thói quen – xem phần THÌ
Quen thuộc – Kiến thức học sinh đã biết, đã được học, trái với những chủ đề, kiến thức mới, chưa học, chưa biết.
Ranh giới từ/câu – là khoảng trống giữa các từ hoặc dấu chấm câu để đánh dấu nơi bắt đầu và kết thúc của các từ hay các câu trong văn bản viết.
Số đếm – Số dùng để đếm, ví dụ như: one (một), two (hai), three (ba), v.v..
Số đồng hồ - Số đồng hồ thường thể hiện 24 giờ trong một ngày; thể hiện giờ và phút tính đến thời điểm nửa đêm: ví dụ như 4.30 chiều thường được hiển thị là 16:30.
Số - Ký hiệu dùng để chỉ một con số.
Số thứ tự - Từ để miêu tả thứ hạng của một người, vật theo một trật tự nhất định, ví dụ như: thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ 20, v.v..
Sở hữu cách – Một từ trong đó chỉ sự sở hữu:
a) Tính từ sở hữu – my, your, his, her, their, its;
b) Đại từ sở hữu – mine, your, his, hers, theirs, its;
c) Sở hữu cách dùng cho danh từ ‘s – John’s, the cat’s.
Suy luận – Suy đoán, phỏng đoán, dự đoán, đưa ra một kết luận nào đó.
Sự phân chia thành âm tiết – Sự phân chia của từ thành các âm tiết; sự phân chia của một từ thành các phần nhỏ. Không phụ thuộc vào nghĩa.
So sánh cấp cao nhất – the, -est, or - most/least – Sự hình thành từ chỉ ra mức độ cao nhất (hoặc thấp nhất) trong ba vật hoặc nhiều hơn. Ví dụ: She is the most talkative student in the class (Cô ta là người nói nhiều nhất trong lớp học). He drives the fastest of all the racers (Anh ấy là tay đua cự phách nhất).
Thập phân – Liên quan đến cơ số mười. Thường được sử dụng dưới dạng phân số thập phân; con số đi sau dấu chấm thập phân thể hiện hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, v.v..
Thất bại ban đầu – Người học bắt đầu nói nhưng dừng lại và cố gắng nói lại với việc sử dụng từ ngữ một cách chính xác hơn.
Thành ngữ - Là những cụm từ không diễn đạt ý hiển ngôn mà thường chỉ có nghĩa trong một môi trường văn hóa, ngôn ngữ và nhóm người cụ thể (ví dụ như: kick the bucket = die = chết).
Thể bị động – Được dùng để nhấn mạnh vào hành động được thực hiện hơn là chủ thể của hành động (ví dụ: John built the house in 1955 – John đã xây ngôi nhà này vào năm 1955 (câu chủ động) vs. This house was built in 1955 – Ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1955 (câu bị động). Mary can solve the problem – Mary có thể giải quyết được vấn đề đó vs. The problem can be solved – Vấn đề đó có thể được giải quyết). Câu bị động được cấu tạo từ việc dùng động từ “to be” và phân từ 2 trong quá khứ của động từ chính.
Thể tích/ Dung tích – Lượng không gian mà một vật chiếm (không gian 3 chiều), thường áp dụng với chất lỏng, hoặc các chất có thể đong đo được. Đơn vị đo lường là centimet khối (cm3) hoặc mét khối (m3).
THÌ CỦA ĐỘNG TỪ - Đặc tính của động từ khi chia trong các hoàn cảnh thời gian khác nhau.
Thì tương lai – Thì tương lai diễn tả một hành động sẽ xảy ra trong tương lai. Người ta dùng “WILL” - để đề nghị hoặc nói về một sự việc không chắc chắn – Maybe I will go to Hawaii on my next vacation (Có thể tôi sẽ tới Hawaii vào kỳ nghỉ tới). Người ta dùng GOING TO – khi muốn nói đến một hành động có kế hoạch, dự định từ trước – I am going to Hawaii in June with my family (Tôi dự định sẽ tới Hawaii vào tháng sáu cùng với gia đình mình).
Thì tương lai hoàn thành – Diễn tả một hành động hoàn thành trước một thời điểm trong tương lai (Ví dụ: I will have been in Phoenix for 35 years in May – Tính đến tháng 5 tới, tôi đã ở Phoenix được 35 năm rồi).
Thì tương lai hoàn thành tiếp diễn – Diễn tả một hành động đang diễn ra và hoàn thành trước một điểm trong tương lai (Ví dụ: I will have been sleeping for 2 hours by the time he gets home – Khi anh ta về nhà thì tôi sẽ ngủ được 2 giờ rồi đấy).
Thì tương lai tiếp diễn – Diễn tả hành động đang xảy ra tại một thời điểm cụ thể trong tương lai (Ví dụ: At 10:30 tomorrow he will be working – Vào thời điểm 10:30 ngày mai, anh ta đang làm việc).
Thì quá khứ thường – Diễn tả một hành động xảy ra và kết thúc trong quá khứ (Ví dụ: I ate the pizza yesterday. He went to the movies last night – Tôi đã ăn pizza ngày hôm qua. Tối qua, anh ta đi tới rạp chiếu phim).
Thì quá khứ hoàn thành – Diễn tả một hành động xảy ra trước một hành động khác trong quá khứ (Ví dụ: When I arrived, they had already eaten – Khi tôi đến, anh ta đã ăn xong rồi.)
Thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn – Diễn tả một hành động đang xảy ra trong một khoảng thời gian cụ thể trước một hành động khác trong quá khứ (Ví dụ: They had been playing for 30 minutes when the storm hit – Khi cơn bão đổ bộ, họ đã chơi được 30 phút rồi).
Thì quá khứ tiếp diễn – Diễn tả một hành động đang xảy ra tại một thời điểm xác định trong quá khứ (Ví dụ: I was eating when you called. They were working at 2:30 yesterday afternoon – Khi bạn gọi điện, tôi đang ăn. Lúc 2:30 chiều ngày hôm qua, họ đang làm việc).
Thì hiện tại – Diễn tả hành động lặp đi lặp lại thường xuyên, như một thói quen hàng ngày (Ví dụ: He often eats tacos – Anh ta thường ăn bánh thịt chiên giòn).
Thì hiện tại hoàn thành – Diễn tả hành động xảy ra trong quá khứ, mà kết quả còn kéo dài đến hiện tại (Ví dụ: I have lived in Canada since 1964. He has been in class for two months – Chúng tôi đã sống ở Canada từ năm 1964. Anh ta đã học trong lớp được hai tháng rồi).
Thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn – Diễn tả một hành động: diễn tả khoảng thời gian mà hành động xảy ra trong quá khứ, kết quả còn liên quan đến hiện tại (Ví dụ: I have been sitting here since 7. I’ve been thinking of you all day – Tôi đã ngồi ở đây từ lúc 7 giờ. Tôi đã nghĩ về bạn cả ngày hôm nay).
Thì hiện tại tiếp diễn – Diễn tả một hành động đang xảy ra tại một thời điểm xác định hoặc một khoảng thời gian trong hiện tại (Ví dụ: I am typing right now. I am reading a book about world languages – Tại thời điểm này, tôi đang đánh máy. Tôi đang đọc một cuốn sách về các ngôn ngữ trên thế giới).
Thói quen trong quá khứ - Diễn tả một hành động đã từng xảy ra thường xuyên trong quá khứ, nhưng bây giờ không còn xảy ra nữa. Sử dụng cả used to và would (Ví dụ: I used wake up late. I would wake up late every day - Tôi đã từng dậy rất muộn).
Thông tin cá nhân cơ bản – Bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, tuổi tác, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, số chứng minh thư nhân dân.
Thức – Các trợ từ mô tả phương thức hoặc khả năng (ví dụ như: can, could, may, might, should, will, would, must, ought). Các động từ khuyết thiếu thường được dùng để diễn đạt các ý như khả năng, dự định, sự bắt buộc và sự cần thiết.
Thức mệnh lệnh (Sit down! – Ngồi xuống!).
Tính từ - Từ miêu tả một danh từ; thường trả lời cho câu hỏi “Loại gì…” “What kind of _____?” (The big dog.)
Tính xấp xỉ - Kết quả không chính xác, chỉ gần đúng với thực tế. Động từ: approximate, trạng từ: approximately.
Tiền tố - Bộ phần thêm vào phía trước của một từ làm biến đổi nghĩa của từ.
Ví dụ: unhappy.
Tiếng 1. Âm thanh phát ra khi có sự rung động của dây thanh; ví dụ phát âm chữ [b] thì là âm hữu thanh; nhưng chữ [p] thì là âm vô thanh.
2. Từ dùng để diễn dạt ý kiến của một cá nhân
Tiểu sử - Lý lịch về cuộc đời của một cá nhân được người khác kể hoặc viết lại
Tóm tắt – Nêu ý chính hoặc chủ đề một cách ngắn gọn.
Trọng âm – Độ nhấn của âm khi phát ra. Âm tiết có thể có trọng âm hoặc không có trọng âm theo mức độ khác nhau.
Trạng từ - Từ miêu tả một động từ, tính từ hoặc một trạng từ; có một số loại sau:
Trạng từ chỉ: a. tần suất (frequency) – always, usually, often, sometimes, seldom, never; b. phương thức (manner) – slowly, quickly, carefully, happily, sadly; c. thời gian (time) – after, before, when, while, since, until…
Trợ động từ - Động từ theo sau một động từ khác và được sử dụng để thể hiện ngôi (person), số (number), thức (mood) hoặc thời (tense) (ví dụ như: is, were, can, do, doesn’t, should, have).
Trợ từ - Động từ hoặc các trợ động từ như will, shall, may, might, can, could, must, ought to, should, would, used to, need được dùng với động từ chính để diễn tả thời và thức.
Từ chỉ định – Từ dùng để xác định cụ thể một vật hoặc nhiều vật ở gần hoặc xa; thường bao gồm các loại như tính từ chỉ định (ví dụ: this girl, those apples) hoặc đại từ chỉ định (ví dụ: this, that, these, those).
Từ đồng chữ - Những từ có cách viết giống nhau nhưng ý nghĩa và phát âm khác nhau (ví dụ như: danh từ conduct và động từ conduct; hoặc danh từ lead và động từ lead)
Từ đồng âm, đồng chữ - Những từ viết và phát âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau (ví dụ như: pool (kết hợp, liên kết) và pool (bể trong từ bể bơi).
Từ đồng âm, không đồng chữ - Những từ có cách phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa và cách viết (ví dụ như: son/sun; ewe/you).
Từ đồng nghĩa – Từ mà có cùng nghĩa hoặc có nghĩa tương tự.
Từ thông tục - Từ được sử dụng trong những đoạn hội thoại hoặc đoạn văn viết thân thiện và/hoặc thông dụng.
Từ trái nghĩa – Từ có nghĩa đối lập, ví dụ như hot (nóng) và cold (lạnh) là 2 từ trái nghĩa.
Từ vựng – Vốn từ của một ngôn ngữ nhất định; tập hợp những từ để học sinh học; nhóm từ liên quan đến một chủ đề cụ thể.
Tự truyện – Chuyện về cá nhân do tự người đó kể hoặc viết.
Tường thuật – Kể tóm tắt các tình tiết của 1 câu chuyện hoặc một loạt các sự kiện dưới dạng viết hoặc nói.
Ứng khẩu – Không chuẩn bị trước, trả lời ứng biến
Ý chính – Chủ đề hoặc nội dung chính.
Yếu tố cơ học – Các quy tắc chấm câu, viết hoa, chính tả, sử dụng từ vựng và các quy tắc ngữ pháp khác./.