Thông tư 35-TC/TCT hướng dẫn xử lý nợ Thuế Nông nghiệp 2 năm 1989-1990 đã được thay thế bởi Quyết định 21/1999/QĐ-BTC Danh mục văn bản pháp luật bị bãi bỏ và được áp dụng kể từ ngày 16/10/1999.
Nội dung toàn văn Thông tư 35-TC/TCT hướng dẫn xử lý nợ Thuế Nông nghiệp 2 năm 1989-1990
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35-TC/TCT | Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 1993 |
THÔNG TƯ
SỐ 35-TC/TCT NGÀY 4-5-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN XỬ LÝ NỢ THUẾ NÔNG NGHIỆP 2 NĂM 1989-1990
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1275-KTTH ngày 31-3-1993 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Đối tượng được xoá nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 bao gồm:
a) Nợ thuế của đồng bào ở vùng cao, miền núi, vùng kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội mà đời sống còn nhiều khó khăn;
b) Nợ thuế thuộc các địa phương (huyện, xã) thường xuyên gặp thiên tai và lại gặp thiên tai nặng trong 2 năm 1991-1992, đến nay đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn;
c) Nợ thuế nông nghiệp của các nông trường, trạm, trại quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp thuộc 2 năm 1989-1990 là một đơn vị nộp thuế, nhưng đến năm 1991 đã giải thể; từ năm 1991 đến nay các hộ xã viên, nông trường viên trực tiếp đứng tên trong sổ thuế của xã và trực tiếp nộp thuế cho nhà nước;
d) Nợ thuế của các hộ nông dân, nay đã chuyển đi nơi khác làm ăn hoặc cá biệt hộ nông dân không thuộc các đối tượng nói ở điểm a, b mục này nhưng đời sống quá khó khăn.
2. Đối tượng không thuộc diện xoá nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 gồm:
a) Số thuế đã thu của nông dân, nhưng bị các tổ chức, cá nhân chiếm dụng, xâm tiêu, tham ô... nay phải truy thu nộp đủ vào ngân sách.
b) Các nông trường, trạm, trại quốc doanh kể cả do lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và trường học quản lý gồm nông trường, trạm trại, trại cải tạo, đất của các trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý dùng vào sản xuất nông nghiệp... các năm 1989, 1990 chưa nộp thuế nông nghiệp cũng coi như nợ thuế, nay phải kê khai tính thuế và nộp đủ số thuế này.
c) Đơn vị nộp thuế là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc tổ chức tập thể khác nay vẫn đảm nhiệm nộp thuế chung, không thuộc những đối tượng đã nói tại điểm a, b mục 1 Thông tư này.
d) Hộ nông dân cá thể, hộ xã viên, tập đoàn viên trực tiếp đứng tên trong sổ thuế của xã và trực tiếp nộp thuế cho Nhà nước, mà các hộ này chây ì, dây dưa không chịu nộp thuế và không thuộc các đối tượng qui định tại mục 1 Thông tư này.
e) Số thuế miễn theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sai đối tượng qui định tại Điều 1 Quyết định số 66-HĐBT ngày 5-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng được cụ thể tại điểm I Thông tư số 18-TC/TNN ngày 17-3-1990 của Bộ Tài chính.
Phần nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 thu được giành 100% cho địa phương được hạch toán vào mục 47 (thu khác) và được điều tiết cho các cấp ngân sách để sử dụng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp.
Tuỳ đặc điểm của mỗi địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trích từ 5%-10% số thuế thu được để thù lao cho những tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia thu nợ thuế.
3. Các bước tiến hành xử lý nợ thuế và tổ chức thực hiện:
a) Bước 1: Căn cứ vào kết quả kiểm tra phân loại nợ thuế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài Chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành thuế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã... kiểm tra lại một lần nữa để xác định đúng số nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 và chia làm 2 loại: số nợ thuế phải thu và số nợ thuế được xoá như qui định tại mục 1 và mục 2, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
b) Bước 2: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định cụ thể về xử lý nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 của địa phương theo đề nghị của Cục thuế và gửi về Bộ tài chính (Tổng Cục thuế).
Cục thuế hướng dẫn các huyện, thị, các xã trong việc thi hành quyết định Uỷ ban nhân dân tỉnh.
c) Bước 3: Cục thuế giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lập báo cáo kết quả xử lý nợ thuế 2 năm 1989- 1990 của địa phương với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Trong tổ chức thực hiện phải chú ý:
1. Quyết định xoá nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989- 1990 phải đúng với số thuế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Các trường hợp bổ sung phải đúng đối tượng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
2. Những trường hợp, đối tượng được xoá nợ thuế 2 năm 1989- 1990 phải có biên bản và đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã và được Uỷ ban nhân dân huyện duyệt trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo đề nghị của cục thuế.
Đề nghị xoá nợ thuế của xã phải có sự tham gia của hội nông dân. Đề nghị xoá nợ thuế của huyện phải được thường trực Hội đồng nhân dân huyện tham gia ý kiến trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
3. Phải kiểm tra chặt chẽ từng đối tượng và trường hợp đảm bảo sự công bằng hợp lý trong nội bộ nông dân.
4. Sau khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục thuế phải thông báo ngay cho các huyện và thực hiện điều chỉnh quyết toán kết quả thu thuế năm 1992 nếu trong quyết toán vẫn còn phản ánh số nợ thuế được xóa của 2 năm 1989-1990.
Trong kế hoạch thu thuế từ năm 1993 trở đi không tính số nợ thuế nông nghiệp được xoá của 2 năm 1989-1990. Số nợ thuế nông nghiệp 2 năm 1989-1990 thu được do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định điều tiết cho các cấp ngân sách để sử dụng vào các mục tiêu phát triển nông nghiệp của địa phương.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chặt chẽ công tác này, Cục thuế các tỉnh, thành phố coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành trong năm 1993. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Tổng cục thuế.
| Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |