Nội dung toàn văn Thông tư 35-TTg chính sách khuyến khích chăn nuôi gia súc
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 35-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 1963 |
THÔNG TƯ
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHĂN NUÔI GIA SÚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành chăn nuôi ngày càng trở nên quan trọng. Chăn nuôi và trồng trọt là hai ngành sản xuất cơ bản của nông nghiệp. Trồng trọt là cơ sở để phát triển chăn nuôi, ngược lại chăn nuôi có phát triển thì mới có nhiều sức kéo và phân bón để tăng diện tích, tăng năng suất cây trồng và cải thiện điều kiện lao động của nông dân. Chăn nuôi là nguồn thu nhập quan trọng của nông dân, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho nhân dân, một phần nguyên liệu cho nông nghiệp và vật tư cho xuất khẩu.
Chấp hành nghị quyết Đại hội lần thức III của Đảng, nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V và chủ trương, chính sách của Chính phủ, nhiều địa phương, nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và xã viên đã có nhiều cố gắng phát triển chăn nuôi. Năm 1962 tình hình chăn nuôi bắt đầu chuyển biến tốt. Đàn gia súc có tăng hơn trước (năm 1962 so với năm 1961; trâu tăng 2,1% ngựa tăng 8,5%, lợn tăng 13,3% , dê tăng 2,1%, gia cầm tăng 2,3%). Nhưng nói chung chăn nuôi phát triển chậm chưa đều và có mặt còn sút kém. Tỷ trọng của ngành chăn nuôi gia súc còn thấp. Sức tái sản xuất của đàn gia súc quá yếu. Đàn trâu, ngựa, lợn tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm và không đạt kế hoạch Nhà nước. Riêng đàn bò thì trong những năm gần đây mỗi năm một giảm sút (riêng 1962 so 1961 có tăng một ít). Chất lượng trâu, bò, lợn chưa tốt, mức sinh đẻ và tỷ lệ đẻ ra nuôi được thấp, giống ít và xấu, chăm sóc có nhiều thiếu sót…Sở dĩ có tình hình trên là vì:
- Chúng ta chưa nhận rõ vị trí của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp và trong nền kinh tế quốc dân, nhất là chưa hiểu rõ mối quan hệ khăng khít giữa trồng trọt và chăn nuôi;
- Việc tổ chức và quản lý chăn nuôi của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp còn nhiều lúng túng;
- Biện pháp và kỹ thuật chăn nuôi chưa tốt: cơ sở thức ăn thiếu và bấp bênh, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn ít và kém, công tác giống còn chung chung, việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc có nhiều thiếu sót, việc chỉ đạo kỹ thuật chăn nuôi của các cơ quan chuyên môn còn kém;
- Nhiều địa phương chưa chấp hành tốt và đúng những chính sách chăn nuôi đã ban hành. Mặt khác, việc bổ sung những biện pháp và chính sách mới cho thích hợp với tình hình chăn nuôi sau khi căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp cũng chậm.
Trong quan hệ giữa các ngành nông nghiệp, vấn đề nổi bật là trồng trọt và chăn nuôi phát triển không cân đối.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều và tăng nhanh về sức kéo và phân bón cho trồng trọt, thực phẩm cho nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu, phương hướng chung phát triển chăn nuôi trong thời gian trước mắt là: trên cơ sở tạo nguồn thức ăn vững chắc cho gia súc và tăng cường chỉ đạo về tổ chức và kỹ thuật, phải đẩy mạnh chăn nuôi sinh sản, phát triển chăn nuôi tập thể, đồng thời hết sức khuyến khích phát triển chăn nuôi tập thể, đồng thời hết sức khuyến khích phát triển chăn nuôi trong các gia đình xã viên và nông dân cá thể và vận động toàn dân tham gia phát triển chăn nuôi.
Phải đặc biệt chú ý tăng nhanh số trâu, bò đẻ và lợn nái.
Đi đôi với việc phát triển nuôi trâu, bò của hợp tác xã là chủ yếu, Nhà nước cần tổ chức một số nông trường và trại chăn nuôi để cung cấp sức kéo, sữa.
Ra sức khuyến khích gia đình xã viên nuôi lợn, đồng thời phát triển rộng rãi vững chắc nuôi lợn tập thể quy mô nhỏ trong các đội sản xuất, các hợp tác xã và đẩy mạnh nuôi lợn ở các nông trường quốc doanh.
Phát triển rộng rãi nuôi gà, vịt, ngan, ngổng, thỏ, ong; nuôi thêm nhiều dê ở vùng đảo và miền núi, đẩy mạnh hơn nữa việc nuôi cá…
Riêng đối với miền núi, cần ra sức khôi phục và phát triển đàn gia súc; đẩy mạnh phát triển trâu bò ngựa, lấy chăn nuôi sinh sản làm trọng tâm. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn; phát triển gà, vịt, ngan, ngỗng; tùy điều kiện phát triển nuôi ong, dê, cừu, thỏ, hươu, nai.
Để khuyến khích hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân tích cực phát triển chăn nuôi gia súc theo phương hướng nói trên, Thủ tướng Chính phủ quy định thêm một số chính sách như sau:
I. VẤN ĐỀ CÔNG HỮU HÓA TRÂU, BÒ, NGỰA CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.
Việc công hữu hóa trâu, bò, ngựa của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã được quy định trong điều 19 chương 3 của bản điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ban hành năm 1959, nhưng nhiều nơi thi hành chưa đúng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể thêm:
1. Từ nay trở đi, khi còn ở bậc thấp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không nên công hữu hóa trâu bò (kể cả trâu bò cày, trâu bò sinh sản) của xã viên. Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp nào trước đây đã công hữu trâu bò rồi thì phải đảm bảo tổ chức chăn nuôi cho tốt.
2. Khi hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lên bậc cao, nếu xã viên tự nguyện thì hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công hữu hóa trâu bò nhưng phải tiến hành thận trọng, từng bước, công hữu trâu bò cày kéo trước, trâu bò sinh sản sau, nơi nào trâu bò sinh sản ít thì không nên công hữu hóa.
3. Ở miền núi và trung du có điều kiện giống miền núi, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chỉ nên công hữu hóa một số trâu bò đủ để cày kéo, còn thì để cho xã viên chăn nuôi riêng mỗi hộ khoảng 5,7 con (nơi chăn dắt dể có thể đẻ nhiều hơn). Ở miền rẻo cao, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không nên công hưu trâu bò của xã viên.
Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nào (kể cả hợp tác xã bậc thấp và bậc cao) trước đây đã công hữu hóa cả trâu bò cày kéo và trâu bò sinh sản rồi, nhưng nếu thừa sức kéo, việc tổ chức chăn nuôi chưa tốt, xã viên lại yêu cầu nuôi riêng, thì nên giao bớt trâu bò sinh sản lại cho xã viên (tùy theo số trâu bò của mỗi hộ góp vào hợp tác xã ít hoặc nhiều mà giao lại cho mỗi hộ từ một đến ba con). Những hộ nào mà số trâu bò góp vào hợp tác xã chỉ bằng cổ phần công hữu thì không giao lại mà hợp tác xã nên để cho họ chăn dắt một hai con trâu bò cái và có thể để cho họ hưởng hoàn toàn những bê nghé đẻ lứa đầu để làm vốn chăn nuôi riêng. Đối với trâu, bò cày kéo, nếu để chăn nuôi tập trung không tốt, thì nên giao cho xã viên chăn dắt, Ủy ban hành chính huyện chịu trách nhiệm xét duyệt việc giao lại trâu bò cày kéo nếu có.
4. Khi công hữu hóa, hợp tác xã phải mua trâu bò của xã viên theo giá trung bình ở địa phương. Những trâu bò có chửa phải định giá mua cao hơn trâu bò không có chửa. Những trâu bò có bê nghé kèm theo phải định giá mua bê nghé riêng,
5. Tiền mua trâu bò công hữu, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải trả dần cho xã viên trong thời gian từ ba đến năm năm như điều lệ mẫu đã quy định, không được dây dưa. không được gán cho người này lấy của người khác…Ở miền núi, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên trả tiền mua trâu bò cho xã viên sớm hơn thời gian nói trên một ít. Số tiền còn thiết chưa trả đúng thời hạn giao ước, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải trả lại cho xã viên theo mức lãi của tiền gửi vào hợp tác xã vay mượn.
Tiền mua bê nghé kèm theo trâu bò, hợp tác xã nông nghiệp phải trả đủ ngay cho xã viên khi công hữu hóa.
Ngoài ra hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không nên công hữu hóa ngựa, mà nên để cho xã viên chăn nuôi riêng.
II. VỀ VẤN ĐỀ CHĂN NUÔI RIÊNG TRÂU, BÒ CỦA XÃ VIÊN
1. Ngoài việc đảm bảo chăn dắt trâu bó của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, xã viên có thể nuôi riêng trâu bò để tăng thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần phát triển kinh tế chung. Mỗi hộ có thể nuôi riêng nhiều hay ít tùy theo điều kiện chăn dắt khó hay dễ của từng nơi.
2. Xã viên có toàn quyền sở hữu về số trâu bò, bê nghé nuôi riêng. Khi cần bán, thì nên ưu tiên bán cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của mình với những điều kiện mà mình.
3. Xã viên được nuôi riêng trâu bò, nhưng không được thuê người chăn dắt và phải đảm bảo góp đủ phân bón, ngày công và làm tròn nhiệm vụ đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
III. VỀ VẤN ĐỀ THUÊ TRÂU BÒ CÀY KÉO
1. Khi còn ở bậc thấp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thuê trâu bò cày kéo của xã viên đã thống nhất sử dụng và do xã viên đảm bảo chăn dắt. Ở nơi có thừa sức kéo, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên thuê đều của mỗi hộ xã viên một số trâu bò đủ để cày kéo cho hợp tác xã, nhưng cần chú ý thuê của những hộ xã viên nghèo có khó khăn về đời sống và muốn cho hợp tác xã thuê.
2. Khi thuê trâu bò, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên căn cứ vào sức kéo của từng con, điều kiện chăn dắt khó hay dễ của từng nơi mà định giá thuê cho hợp lý để trả cho xã viên không nên định giá cao quá hoặc thấp quá so với giá thuê trâu bò cày kéo ở địa phương.
Riêng đối với bò, tuy sức kéo nói chung không bằng trâu, nhưng để duy trì và phát triển đàn bò khi định giá thuê: hợp tác xã cần có sự chiếu cố thích đáng.
IV. VỀ CÔNG CHĂN DẮT TRÂU BÒ
1. Để khuyến khích nuôi dưỡng chăm sóc trâu bò béo khỏe, cày kéo và sinh sản tốt, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên căn cứ vào điều kiện chăn dắt khó hay dễ của từng nơi, số lượng trâu bò nhiều hay ít…để trả công thích đáng cho xã viên theo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, mà không nên khống chế số ngày công. Trâu bò đực giống, trâu bò cái dê và trâu bò lấy sữa, công chăn dắt phải trả cao hơn trâu bò thường.
Riêng đối với bò, công của người chăn dắt ít nhất cũng nên được trả bằng công của người lao động trung bình.
Cách thức trả công cho người chăn dắt trâu bò thì tùy tình hình và điều kiện của từng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và xã viên mà định cho hợp lý.
2. Những xã viên nhận nuôi trâu bò cái của hợp tác xã nông nghiệp, khi bê nghé đẻ ra được một năm trở lên, thì hợp tác xã định bán theo giá thị trường ở địa phương. Ngoài việc trả công chăn dắt trâu bò mẹ, hợp tác xã nên để cho xã viên được hưởng từ 70% đến 80% tiền bán mỗi con bê nghé đó. Đối với những điều kiện chăn dắt khó khăn như vùng đồng chiêm trũng…hợp tác xã nông nghiệp có thể để cho xã viên được hưởng hoàn toàn bê nghé đẻ ra.
3. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên trích từ 70% đến 80% giá trị vượt mức kế hoạch chăn nuôi để thưởng cho những tổ hoặc đội chăn nuôi nào đã thực hiện vượt mức kế hoạch chăn nuôi.
V. VỀ VẤN ĐỀ THỨC ĂN CHO GIA SÚC
Để giải quyết tốt vấn đề thức ăn, cơ sở vật chất chủ yếu để phát triển chăn nuôi gia súc, ngoài việc tận thu và sử dụng tiết kiệm những phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, đậu…hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên tích cực dành đất và tận dụng đất để sản xuất thêm thức ăn. Việc dành đất để chăn nuôi quy định như sau:
1. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, phải để lại cho xã viên đủ 5% ruộng đất như điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã quy định và hướng dẫn cho xã viên trồng rau mầu cho tốt để tăng thức ăn cho người và cho gia súc.
2. Ngoài 5% ruộng đất để cho xã viên, nay tăng thêm 5% nữa do hợp tác xã nông nghiệp sử dụng để tạo cơ sở thức ăn vững chắc cho gia súc, tăng cường kinh tế hợp tác xã.
3. Để có đủ đồng, bãi cỏ chăn dắt và cắt cỏ cho trâu bò, cần khôi phục và bảo vệ những đồng bãi cỏ thiên nhiên, gây thêm đồng, bãi cỏ mới, Ủy ban hành chính xã sẽ phân phối các đồng bãi cỏ công cộng cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sử dụng để chăn nuôi. Nhưng nơi có đồng bãi cỏ mà cả nông trường, lâm trường hợp tác xã khai hoang và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở địa phương thấy có thể cùng sử dụng chung thì cùng nhau bàn bạc để sử dụng. Trường hợp cần thiết, Ủy ban hành chính cấp tỉnh sẽ quyết định phân chia đồng hoặc bãi cỏ đó.
4. Để tăng thêm thức ăn cho gia súc cần dành những phế phẩm như khô dầu, bã mắm…để chăn nuôi, không nên đem bón ruộng.
5. Đối với những loại gia cầm cần nuôi bằng thóc như vịt…nơi nào có điều kiện thì phát triển, nếu có khó khăn thì nên chuyển hướng nuôi những loại khác như ngỗng, gà tây, thỏ…Trường hợp mậu dịch cần có trứng vịt hay vịt ăn thịt để cung cáp cho nhu cầu của nhân dân thì phải trực tiếp bàn bạc, ký hơp đồng với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có khả năng giải quyết thức ăn cho vịt; khi thật hết sức cần thiết mà hợp tác xã không thể tự giải quyết được, thì có kế hoạch cung cấp một phần thóc với điều kiện hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đó phải bán trứng hay vịt ăn thịt cho mậu dịch. Nhưng điều quan trọng là khi đặt kế hoạch phát triển chăn nuôi phải đặt kế hoạch thức ăn cho vững chắc. Như thế mới chủ động trong việc chăn nuôi.
IV. VỀ VẤN ĐỀ GIỐNG GIA SÚC
1. Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và những người nuôi được gia súc cái, đực giống và trâu bò sữa tốt, được cơ quan chuyên môn công nhận, thì được bán theo giá cao hơn giá gia súc thường. Cao hơn bao nhiêu do hai bên mua, bên bán thỏa thuận.
2. Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và những người nuôi được đực giống tốt, cho truyền giống thì được thu tiền truyền giống. Tiền truyền giống do người thuê và người cho thuê thỏa thuận.
3. Người làm công tác thụ tinh nhân tạo khi làm công tác thụ tinh thì được hưởng tiền thù lao. Bộ Nông nghiệp sẽ quy định chế độ thù lao, Ủy ban hành chính cấp tỉnh sẽ căn cứ vào những chế độ đó và điều kiện cụ thể của từng nơi mà định mức thù lao cho sát hợp. Tiền thù lao tính theo số đầu gia súc được thụ tinh và do người có gia súc chịu thụ tinh trả.
Người làm công tác thụ tinh sẽ được bố trí việc đi dân công hợp lý (có thể làm ngay tại xã) để có thì giờ làm công tác chuyên môn.
VII. VỀ VẤN ĐỀ NUÔI DƯỠNG VÀ PHÒNG TRỪ DỊCH BỆNH CHO GIA SÚC
1. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên có nội quy chăn nuôi quy định rõ chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh…cho gia súc để chăn nuôi cho tốt.
Nên có chế độ bồi dưỡng thích hợp cho gia súc trong lúc chưa đẻ, ốm, làm việc nặng nhọc, vắt sữa…
Trâu bò, trước và sau khi đẻ nên cho nghỉ làm việc khoản 30 ngày. Nếu là trâu bò đẻ thuê của xã viên, thì trong những ngày nghỉ, hợp tác xã nên trả công thuê cho xã viên cũng như những ngày làm việc.
Lúc làm việc dồn dập, nặng nhọc không nên bắt trâu bò làm việc liên tục mà phải tùy theo sức khỏe của từng con mà cho nghỉ một thời gian để lấy lại sức.
2. Để bảo vệ gia súc, hàng năm phải tiêm phòng dịch bệnh. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân chỉ phải trả công tiêm, còn tiền thuốc Nhà nước cho không. Đối với loại thuốc Nhà nước không có chế độ cho không, khi cần dùng để chữa bệnh cho trâu bò theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y, thì người có gia súc phải mua.
3. Thuốc và dụng cụ thú y chăn nuôi, bán hoặc cho không, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân, cơ quan chủ quản phải bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng kế hoạch, phẩm chất tốt và giá cả hợp lý.
4. Nhưng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và cá nhân chăn nuôi tốt, những cá nhân hoặc tổ chức có sáng kiến về chăn nuôi, về phòng trừ dịch bệnh, về cải tiến công cụ chăn nuôi, về giải quyết thức ăn cho gia súc sẽ được Nhà nước xét để khen thưởng.
5. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên căn cứ vào số lương và chất lượng công việc đã làm để trả công xứng đáng cho cán bộ và kỹ thuật viên chăn nuôi của hợp tác xã. Việc đi dân công của cán bộ và kỹ thuật viên chăn nuôi cũng cần có chế độ hợp lý như đối với những người làm công tác thụ tinh nhân tạo để họ có thì giờ làm công tác chuyên môn. Ủy ban hành chính xã nên để cho các cán bộ và kỹ thuận viên chăn nuôi dự những cuộc hội nghị bàn về sản xuất và chăn nuôi hoặc những hội nghị khác mà Ủy ban hành chính xã xét thấy cần thiết để có thể giúp cho cán bộ và kỹ thuật viên nâng cao nhận thức và phát triển công tác.
VIII. VỀ VẤN ĐỀ VỐN, THU MUA, GIÁ CẢ
1. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân cần nhận rõ lợi ích của chăn nuôi, hết sức bố trí lao động và tiền vốn của hợp tác xã để phát triển chăn nuôi, Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và xã viên vay vốn mua giống, xây dựng những chuồng trại, mua sắm dụng cụ…để phát triển chăn nuôi. Ngoài những phương hướng cho vay đã có, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân vay để phát triển chăn nuôi trâu bò đàn, trâu bò sinh sản, vỗ béo, vắt sữa, nuôi trâu bò để chuyển tiếp về đồng bằng, nuôi lợn tập thể. Cách thức cho vay, thu vốn, trả lãi thì theo thể lệ của Nhà nước đã ban hành. Theo phương hướng tăng cường kinh tế hợp tác xã, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung thể lệ vay mượn cần thiết.
2. Việc thu mua gia súc của các cơ quan Thương nghiệp (Nội thương, Tư liệu nông nghiệp) sẽ tiến hành theo hợp đồng. Cơ quan thu mua sẽ ký hợp đồng mua thẳng với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân.
Riêng về lợn, khi ký hợp đồng mua, cơ quan thu mua có thể ứng trước một phần vốn theo yêu cầu của người bán. Người bán phải bảo đảm giao lợn đúng tiêu chuẩn, đúng kỳ hạn. Cơ quan thu mua phải bảo đảm thu mua nhanh, gọn tốt, đúng chính sách.
3. Xã viên và nông dân nuôi lợn khi bán cho Nhà nước được giữ lại khoảng 30% thịt dê sử dụng ở miền núi có thể giữ lại nhiều hơn.
4. Cơ quan, công trường, xí nghiệp, trường học, bộ động, nhân dân thị xã, thị trấn (không phải là nông dân) nuôi được lợn thì để cải thiện đời sống, không bắt buộc bán cho Nhà nước và cũng không trừ vào tiêu chuẩn cung cấp thịt hàng năm của mỗi người. Nếu bán cho Nhà nước, thì được mua theo giá khuyến khích.
5. Về trâu bò cày, thì một mặt Bộ Nông nghiệp (Cục tư liệu sản xuất nông nghiệp) thu mua để tiếp tế cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, mặt khác cần hướng dẫn phân phối có kế hoạch cho các hợp tác xã sản cuất nông nghiệp tự đi mua lấy và lãnh đạo chặt chẽ giá cả để việc cung cấp trâu bò cho những nơi thiếu được mau chóng, thuận tiện.
6. Bộ Nội thương cần hết sức cố gắng giúp đỡ cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân có khó khăn trong việc tiêu thụ thịt, sữa hoặc gia súc như mua, ký gửi, tổ chức chế biến ngay tại chỗ.
Trên đây là một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc của Chính phủ. Thi hành đúng đắn những điều quy định này sẽ làm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nhân dân yên tâm, phấn khởi phát triển sản xuất, tạo điều kiện làm cho ngành chăn nuôi có những chuyển biến mới, mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp để có thể tăng thu nhập của xã viên và hợp tác xã, tăng nguồn thực phẩm trong đời sống nhân dân, tăng nguyên liệu cho công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu. Vì vậy nhận được thông tư này, các Bộ có liên quan và Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh phải phổ biến rộng rãi cho cán bộ và nhân dân, nhất là cho cán bộ và xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, và trong phạm vi trách nhiệm của mình, hướng dẫn những chi tiết cụ thể để thi hành đúng đắn các chính sách trên đây.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |