Thông tư 40/2011/TT-BCA tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù đã được thay thế bởi Thông tư 06/2018/TT-BCA tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù cho phạm nhân và được áp dụng kể từ ngày 29/03/2018.
Nội dung toàn văn Thông tư 40/2011/TT-BCA tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2011/TT-BCA | Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN THI ĐUA CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ XẾP LOẠI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ CHO PHẠM NHÂN
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, điều kiện xếp loại và trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét duyệt, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân; các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét duyệt, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù
1. Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục.
2. Khuyến khích người chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ dân sự.
Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm trong xếp loại chấp hành án phạt tù
1. Xếp loại cho phạm nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
2. Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân; lợi dụng việc xếp loại chấp hành án phạt tù để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân.
Chương 2.
TIÊU CHUẨN THI ĐUA CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ XẾP LOẠI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 5. Tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù
1. Tiêu chuẩn 1.
Nhận rõ tội lỗi, thành khẩn hối cải; tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra; trung thực khai báo, tố giác tội phạm, cung cấp hết các thông tin về những hành vi phạm tội của người khác mà mình biết.
2. Tiêu chuẩn 2.
Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án. Nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh; không có lời nói, thái độ, việc làm tiêu cực, gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến các phạm nhân khác.
3. Tiêu chuẩn 3.
Tự giác, gương mẫu, tích cực lao động, học nghề, hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng; có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong phạm nhân; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.
4. Tiêu chuẩn 4.
Tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình và của người khác; có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập tiến bộ và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Điều 6. Loại chấp hành án phạt tù
Căn cứ tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, kết quả chấp hành án phạt tù của phạm nhân được quy định thành 4 loại: loại tốt, loại khá, loại trung bình và loại kém.
Điều 7. Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại chấp hành án phạt tù
A. Loại tốt: Là phạm nhân thực hiện tốt tất cả các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù quy định tại Điều 5 Thông tư này và kỳ xếp loại trước đã được xếp loại khá hoặc tốt.
1. Phạm nhân thực hiện tốt tiêu chuẩn 1 quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này phải là người:
a) Nhận rõ tội lỗi, thành khẩn, trung thực khai báo đúng, đầy đủ tội lỗi của bản thân đã gây ra; ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm; trung thực khai báo tố giác những hành vi phạm tội của người khác mà mình biết, dù người đó đã bị bắt, đang chấp hành án phạt tù ở trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hay đang ở ngoài xã hội.
b) Tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình đã gây ra, cụ thể là: phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác thì phải thực hiện xong các nghĩa vụ đó (có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền); trường hợp chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà được Tòa án ra quyết định miễn thực hiện hoặc đã bị kê biên tài sản và được cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận số tài sản kê biên đã đủ hoặc thừa để bảo đảm thi hành án thì coi như đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó.
Trường hợp phạm nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà bên bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền mà bản án đã tuyên phải bồi thường thiệt hại, không yêu cầu thực hiện nữa, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận thì cũng được coi là đã thực hiện xong.
Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội mà Tòa án quyết định giao cho bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại về dân sự, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc phạm nhân đó đã nhiều lần viết thư, liên lạc bằng điện thoại, trực tiếp đề nghị, vận động bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện bồi thường thiệt hại mà mới thực hiện được một phần thì được coi là tích cực khắc phục hậu quả.
Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng, đến kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận trợ cấp cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả.
2. Phạm nhân thực hiện tốt tiêu chuẩn 2 quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này phải là người:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án, Luật Thi hành án hình sự. Nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;
b) Thực hiện tốt nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh;
c) Tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi sai phạm của phạm nhân khác;
d) Không có lời nói, thái độ, việc làm tiêu cực, xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ, mất đoàn kết, làm ảnh hưởng không tốt đến phạm nhân khác.
3. Phạm nhân thực hiện tốt tiêu chuẩn 3 quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này phải là người:
a) Luôn nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu, tích cực lao động, học nghề;
b) Tham gia đầy đủ ngày công lao động, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng; hoàn thành và vượt chỉ tiêu, định mức được giao; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường;
c) Có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua lao động, học tập, rèn luyện, học nghề.
4. Phạm nhân thực hiện tốt tiêu chuẩn 4 quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này phải là người:
a) Tích cực, tự giác tham gia học tập pháp luật, giáo dục công dân, học văn hóa (nếu có) do trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ tổ chức; có ý thức tự rèn luyện bản thân theo nếp sống văn hóa lành mạnh, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội;
b) Tôn trọng danh dự, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của bản thân và của người khác;
c) Quan tâm động viên, giúp đỡ phạm nhân khác trong lao động, học tập, rèn luyện và sinh hoạt.
B. Loại khá: Là phạm nhân thực hiện cơ bản tốt các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù quy định tại Điều 5 Thông tư này và kỳ xếp loại trước đã được xếp loại trung bình, khá hoặc tốt.
Riêng Tiêu chuẩn 1 và Tiêu chuẩn 3 nếu chưa thực hiện tốt thì phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Đối với yêu cầu “tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình đã gây ra” quy định tại Tiêu chuẩn 1 Điều 5, nếu chưa thực hiện được thì: Phạm nhân phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện. Thân nhân phạm nhân hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, không có khả năng giúp phạm nhân thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Đơn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi công tác, học tập hoặc xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó phải thi hành án.
Trường hợp phạm nhân không còn ai là thân nhân (ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em vợ (hoặc chồng); cô, dì, cậu, mợ, chú bác, cháu ruột) thì có thể nhờ người có quan hệ họ hàng gần nhất viết đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận phạm nhân không còn ai là thân nhân.
Trường hợp phạm nhân còn thân nhân nhưng thân nhân không có nơi cư trú nhất định và không liên lạc được với họ, có đơn trình bày hoàn cảnh (có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện và cam kết tiếp tục thực hiện sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Bản cam kết thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác hoặc đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, mỗi năm viết một lần đối với phạm nhân có mức án dưới ba năm; hai năm viết một lần đối với phạm nhân có mức án từ ba năm đến năm năm; ba năm viết một lần đối với phạm nhân có mức án từ trên năm năm đến bảy năm; bốn năm viết một lần đối với phạm nhân có mức án từ trên bảy năm đến mười lăm năm; năm năm viết một lần đối với phạm nhân có mức án trên mười lăm năm đến ba mươi năm hoặc chung thân.
Phạm nhân có quốc tịch nước ngoài nếu chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác thì Giám thị trại giam, trại tạm giam yêu cầu họ viết thư cho thân nhân, gửi Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (quc Cục Quản lý phạm nhân, trại viên) để chuyển cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà phạm nhân đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam phối hợp giải quyết.
2. Đối với yêu cầu “hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng” quy định tại Tiêu chuẩn 3 Điều 5, nếu phạm nhân bị ốm đau, bệnh tật thường xuyên, già yếu (từ 60 tuổi trở lên), không thể tham gia lao động được hoặc tham gia không đầy đủ, không hoàn thành chỉ tiêu, định mức công việc được giao thì phải có văn bản đề nghị của Bệnh xá trưởng hoặc cán bộ y tế (đối với nhà tạm giữ) và được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện đồng ý.
C. Loại trung bình: Là phạm nhân không đủ điều kiện xếp loại tốt, khá hoặc đã vi phạm Nội quy trại giam nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên và kỳ xếp loại trước đã được xếp loại kém, trung bình, khá hoặc tốt, trừ trường hợp lập công theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Những phạm nhân đã bị xếp loại kém do bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách hai lần trong kỳ xếp loại hoặc từ hình thức cảnh cáo trở lên, nhưng đã phấn đấu sửa chữa và được Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra “Quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ” thì được xếp loại trung bình.
Thời gian để được xem xét, ra quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ là sáu tháng đối với phạm nhân bị kỷ luật khiển trách hai lần trong kỳ xếp loại hoặc bị kỷ luật cảnh cáo, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật; chín tháng đối với phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật, tính từ ngày được ra khỏi nhà kỷ luật. Đối với phạm nhân bị kỷ luật cảnh cáo từ hai lần trở lên trong một năm hoặc vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sau một năm, tính từ ngày được ra khỏi nhà kỷ luật của lần sau cùng hoặc ngày bản án mới có hiệu lực pháp luật thì được Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định công nhận là phạm nhân vi phạm kỷ luật đã cải tạo tiến bộ.
D. Loại kém: Là phạm nhân chưa thực hiện đúng các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù hoặc trong kỳ xếp loại đã vi phạm Nội quy trại giam và bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử lý kỷ luật khiển trách từ hai lần trở lên trong kỳ xếp loại hoặc phạm nhân cố tình khiếu nại trái với quy định của pháp luật về bản án, quyết định của Tòa án về vấn đề khác có liên quan đến việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân.
Điều 8. Xếp loại trong trường hợp lập công
Đối với những phạm nhân lập công như: Cứu được người bị nạn, cứu được tài sản có giá trị lớn (mười triệu đồng trở lên) trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn hoặc phát hiện, cung cấp các nguồn tin giúp trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ ngăn chặn được âm mưu chống phá, trốn khỏi nơi giam giữ, bắt được phạm nhân trốn khỏi nơi giam, ngăn chặn được các hành vi phá hoại của người khác hoặc phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù, hoặc giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đã được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan điều tra xác nhận bằng văn bản, quyết định khen thưởng thì khi xếp loại chấp hành án phạt tù kỳ đó hoặc kỳ sau được điều chỉnh lên một loại, nếu loại kém được nâng lên loại trung bình, loại trung bình được nâng lên loại khá, loại khá được nâng lên loại tốt. Nếu trong kỳ xếp loại đó, phạm nhân đã được xếp loại tốt, thì tình tiết lập công được tính để xếp loại cho kỳ sau. Trường hợp lập công lớn thì có thể xem xét điều chỉnh lên hai loại.
Điều 9. Kỳ và định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù
1. Kỳ xếp loại
Phạm nhân được xếp loại chấp hành án phạt tù theo các kỳ: Tuần, tháng, quý, 6 tháng và một năm.
Thời gian đủ để xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân là thời gian phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được ít nhất hai phần ba thời gian trong kỳ xếp loại. Cụ thể: Một tuần có ít nhất bốn ngày chấp hành án trở lên: Một tháng có ít nhất hai mươi ngày chấp hành án trở lên; Một quý có ít nhất hai tháng chấp hành án trở lên; Sáu tháng có ít nhất bốn tháng chấp hành án trở lên; Một năm có ít nhất tám tháng chấp hành án trở lên.
Những phạm nhân không đủ thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù trong kỳ thì phải có nhận xét, đánh giá thái độ chấp hành án phạt tù để lưu vào hồ sơ phạm nhân.
2. Định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù
a) Xếp loại chấp hành án phạt tù tuần vào ngày thứ 6 hàng tuần. Thời gian để đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù kể từ ngày thứ 7 tuần trước đến ngày thứ 6 tuần sau;
b) Xếp loại chấp hành án phạt tù tháng vào ngày 25 của tháng đó. Thời gian để đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau;
c) Xếp loại chấp hành án phạt tù quý vào ngày 25 tháng 2; ngày 25 tháng 5; ngày 25 tháng 8 và ngày 25 tháng 11. Thời gian để đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù kể từ ngày 26 của quý trước đến ngày 25 của quý sau:
d) Xếp loại chấp hành án phạt tù 6 tháng vào ngày 25 tháng 5 và ngày 25 tháng 11 trong năm. Thời gian để đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù kể từ ngày 26 tháng 11 năm trước đến ngày 25 tháng 5 của năm sau và từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 25 tháng 11 của năm đó;
đ) Xếp loại chấp hành án phạt tù một năm vào ngày 25 tháng 11 hàng năm. Thời gian để đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 11 của năm sau.
3. Điều kiện xếp loại chấp hành án phạt tù
a) Xếp loại chấp hành án phạt tù tuần, dựa vào đánh giá thái độ, kết quả thi đua chấp hành án phạt tù theo các ngày trong tuần;
b) Xếp loại chấp hành án phạt tù tháng, dựa vào đánh giá thái độ, kết quả xếp loại các tuần trong tháng;
c) Xếp loại chấp hành án phạt tù quý, dựa vào đánh giá thái độ, kết quả xếp loại các tháng trong quý;
d) Xếp loại chấp hành án phạt tù 6 tháng, dựa vào đánh giá thái độ, kết quả xếp loại hai quý trong 6 tháng đó;
đ) Xếp loại chấp hành án phạt tù năm, dựa vào đánh giá thái độ, kết quả xếp loại 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.
Điều 10. Xếp loại chấp hành án phạt tù theo định kỳ
1. Loại tốt
a) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả thi đua chấp hành án phạt tù tốt.
b) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng:
- Đối với các tháng có bốn tuần thì ít nhất phải có hai tuần xếp loại tốt, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại tốt, các tuần còn lại xếp loại khá. Trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, dù thời gian xếp loại ba tuần thì cả ba tuần đều xếp loại tốt hoặc tuần đầu xếp loại khá, hai tuần sau xếp loại tốt;
- Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có ba tuần được xếp loại tốt, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại tốt, các tuần còn lại xếp loại khá;
- Chỉ xếp loại tốt cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại tháng liền kề trước đó được xếp loại khá, tốt (trừ trường hợp lập công).
c) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý:
- Cả 3 tháng đều xếp loại tốt;
- Tháng thứ nhất xếp loại khá, hai tháng sau xếp loại tốt;
- Tháng thứ nhất và tháng thứ ba xếp loại tốt, tháng thứ hai xếp loại khá;
- Cả hai tháng đều xếp loại tốt (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng);
- Phạm nhân có 01 tiền án trở lên phải có thêm thời gian thử thách, quý đầu chấp hành án phạt tù chưa được xếp loại tốt;
- Chỉ xếp loại tốt cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại quý liền kề trước đó được xếp loại khá, tốt (trừ trường hợp lập công).
d) Xếp loại chấp hành án phạt tù 6 tháng:
- Cả hai quý đều được xếp loại tốt;
- Quý thứ nhất xếp loại khá, quý thứ hai xếp loại tốt;
- Tháng đầu xếp loại khá hoặc tốt, quý sau xếp loại tốt (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại bốn tháng);
- Phạm nhân có 02 tiền án trở lên, phải có thêm thời gian thử thách, 6 tháng đầu chấp hành án phạt tù chưa được xếp loại tốt;
- Chỉ xếp loại tốt cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại 6 tháng liền kề trước đó được xếp loại khá, tốt (trừ trường hợp lập công).
đ) Xếp loại chấp hành án phạt tù năm:
- 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm đều được xếp loại tốt;
- 6 tháng đầu năm xếp loại khá, quý ba và quý bốn xếp loại tốt;
- Có 2 tháng của quý trước liền kề với thời gian xếp loại được xếp loại tốt hoặc một tháng xếp loại khá, một tháng liền kề được xếp loại tốt, quý ba và quý bốn được xếp loại tốt (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại tám tháng);
- Phạm nhân có từ 03 tiền án trở lên, phải có thêm thời gian thử thách, năm đầu chấp hành án phạt tù chưa được xếp loại tốt.
2. Loại khá
a) Xếp loại chấp hành án phạt tù tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù loại khá.
b) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng:
- Đối với các tháng có bốn tuần thì ít nhất phải có hai tuần xếp loại khá, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại khá, các tuần còn lại xếp loại trung bình. Trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, đủ thời gian xếp loại ba tuần thì cả ba tuần đều xếp loại khá hoặc tuần đầu xếp loại trung bình, hai tuần sau xếp loại khá hoặc một tuần đầu xếp loại trung bình, tuần thứ hai xếp loại khá, tuần thứ ba xếp loại tốt;
- Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có ba tuần được xếp loại khá, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại khá, các tuần còn lại xếp loại trung bình;
- Chỉ xếp loại khá cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại tháng liền kề trước đó được xếp loại trung bình, khá, tốt (trừ trường hợp lập công).
c) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý:
- Ba tháng trong quý xếp loại khá;
- Tháng thứ nhất xếp loại trung bình, tháng thứ hai và tháng thứ ba xếp loại khá hoặc tháng thứ hai xếp loại khá, tháng thứ ba xếp loại tốt;
- Tháng thứ nhất xếp loại khá, tháng thứ hai xếp loại trung bình, tháng thứ ba xếp loại khá;
- Cả hai tháng đều được xếp loại khá hoặc một tháng tốt, một tháng khá (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng);
- Chỉ xếp loại khá cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại quý liền kề trước đó được xếp loại trung bình, khá tốt (trừ trường hợp lập công).
d) Xếp loại chấp hành án phạt tù 6 tháng:
- Cả hai quý đều xếp loại khá;
- Quý thứ nhất xếp loại tốt, quý thứ hai xếp loại khá;
- Quý thứ nhất xếp loại trung bình, quý thứ hai xếp loại khá;
- Tháng đầu được xếp loại trung bình, khá hoặc tốt, tháng liền kề được xếp loại khá hoặc tốt, quý sau xếp loại khá (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại bốn tháng);
- Chỉ xếp loại khá cho những phạm nhân mà kỳ xếp loại 6 tháng liền kề trước đó được xếp loại trung bình, khá, tốt (trừ trường hợp lập công).
đ) Xếp loại chấp hành án phạt tù năm:
- 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm đều xếp loại khá;
- 6 tháng đầu năm xếp loại tốt, 6 tháng cuối năm xếp loại khá;
- 6 tháng đầu năm xếp loại trung bình, quý ba và quý bốn xếp loại khá hoặc tốt;
- Hai tháng của quý trước xếp loại khá hoặc khá và tốt hoặc một tháng xếp loại trung bình, một tháng liền kề với quý ba xếp loại chấp hành án phạt tù khá, quý ba và quý bốn xếp loại khá (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại tám tháng).
3. Loại trung bình
a) Xếp loại chấp hành án phạt tù tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù loại trung bình.
b) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng:
- Đối với các tháng có bốn tuần thì ít nhất phải có ba tuần xếp loại trung bình, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại trung bình, tuần còn lại xếp loại kém. Trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, đủ thời gian xếp loại ba tuần thì cả ba tuần đều xếp loại trung bình hoặc tuần đầu xếp loại kém, hai tuần sau xếp loại trung bình;
- Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có bốn tuần được xếp trung bình, trong đó tuần cuối cùng nhất thiết phải được xếp loại trung bình, tuần còn lại xếp loại kém.
c) Xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý:
- Ba tháng trong quý xếp loại trung bình;
- Hai tháng đầu xếp loại trung bình, tháng thứ ba xếp loại khá;
- Hai tháng đầu xếp loại tốt hoặc khá, tháng thứ ba xếp loại trung bình;
- Cả hai tháng đều xếp loại trung bình hoặc tháng đầu xếp loại tốt hoặc khá, tháng sau xếp loại trung bình (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng).
d) Xếp loại chấp hành án phạt tù 6 tháng:
- Cả hai quý đều được xếp loại trung bình;
- Quý thứ nhất xếp loại tốt hoặc khá, quý thứ hai xếp loại trung bình.
đ) Xếp loại năm:
- 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm đều xếp loại trung bình;
- 6 tháng đầu năm xếp loại tốt hoặc khá, 6 tháng cuối năm xếp loại trung bình;
- 6 tháng đầu năm xếp loại trung bình, quý ba xếp loại trung bình, quý bốn xếp loại khá;
- Hai tháng của quý trước xếp loại tốt, khá hoặc trung bình, 6 tháng cuối năm xếp loại trung bình (đối với phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại tám tháng).
4. Loại kém
Phạm nhân có đủ thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù theo định kỳ nhưng không đủ điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù tốt, khá, trung bình thì xếp loại chấp hành án phạt tù loại kém.
Điều 11. Trình tự, thủ tục và thời gian tiến hành nhận xét, xếp loại chấp hành án phạt tù
1. Bản kiểm điểm của phạm nhân
Đối với các kỳ xếp loại 6 tháng, cả năm, phạm nhân phải viết bản kiểm điểm về thi đua chấp hành án phạt tù trong kỳ đó (dựa vào tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù), nêu phương hướng phấn đấu trong thời gian tới và tự nhận loại thi đua chấp hành án phạt tù trong kỳ xếp loại; trường hợp phạm nhân không biết chữ thì nhờ phạm nhân khác viết và điểm chỉ vào bản kiểm điểm, có xác nhận của quản giáo phụ trách đội hoặc tổ; phạm nhân là người nước ngoài không biết tiếng Việt thì quản giáo yêu cầu họ viết bản kiểm điểm bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước họ. Giám thị trại giam, trại tạm giam tổ chức dịch bản kiểm điểm đó ra tiếng Việt, có chữ ký của người dịch và xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam.
Đối với phạm nhân chưa đủ thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù theo các kỳ xếp loại hoặc đang ở trại tạm giam, nhà tạm giữ chờ quyết định đưa đi chấp hành án phạt tù cũng phải viết bản kiểm điểm, có nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành phạt tù của quản giáo và xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Họp đội (tổ) phạm nhân
Ngày thứ 6 hàng tuần, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù tuần;
Ngày 25 hàng tháng, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù tháng;
Ngày 25 tháng cuối của quý, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù quý;
Ngày 25 tháng 5, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù quý II và 6 tháng đầu năm;
Ngày 25 tháng 8, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù quý III;
Ngày 25 tháng 11, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả, xếp loại chấp hành án phạt tù quý IV, 6 tháng cuối năm và cả năm.
Trong tất cả các cuộc họp nhận xét, đánh giá kết quả và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, quản giáo phụ trách đội (tổ) phải chủ trì cuộc họp, từng phạm nhân tự kiểm điểm quá trình thi đua chấp hành án phạt tù của bản thân (nếu họp xét xếp loại 6 tháng và một năm, từng phạm nhân phải đọc bản kiểm điểm của mình trước tập thể đội (tổ); tập thể tham gia ý kiến, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay theo nguyên tắc ít nhất có hai phần ba số người đồng ý thì được đưa vào danh sách đề nghị xếp loại.
Kết quả cuộc họp nhận xét, đánh giá và xếp loại tuần, tháng, quý, 6 tháng và một năm của phạm nhân đều phải ghi thành biên bản.
Trên cơ sở họp đội (tổ) phạm nhân, quản giáo rà soát, lập danh sách xếp loại chấp hành án phạt tù và đề nghị Tiểu ban, Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù xét duyệt.
3. Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại giam
a) Mỗi phân trại giam được thành lập Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân do Phó giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban. Các ủy viên gồm: Trưởng phân trại, cán bộ trực trại, trinh sát, y tế, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ và cán bộ giáo dục làm ủy viên thư ký.
b) Trên cơ sở đề nghị xếp loại chấp hành án phạt tù quý, 6 tháng và một năm của cán bộ quản giáo phụ trách đội, Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại giam họp xét xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân của phân trại. Khi xét đến đội (tổ) phạm nhân nào thì quản giáo phụ trách đội (tổ) đó báo cáo danh sách đề nghị xếp loại của đội (tổ) và giải trình các vấn đề mà các thành viên dự họp nêu ra; sau đó tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay trên nguyên tắc ít nhất phải được hai phần ba thành viên Tiểu ban nhất trí.
c) Sau khi họp xét xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, Tiểu ban hoàn thành hồ sơ, danh sách gửi Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam.
4. Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam
a) Hội đồng họp xét xếp loại chấp hành án phạt tù quý, 6 tháng và một năm cho phạm nhân.
b) Trại giam thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó giám thị phụ trách công tác giáo dục - hồ sơ làm ủy viên Thường trực và các ủy viên gồm: Phó giám thị phụ trách công tác giam giữ, quản lý phạm nhân; Phó giám thị phụ trách lao động sản xuất, hướng nghiệp dạy nghề, Phó giám thị phụ trách phân trại, Trưởng phân trại, Bệnh xá trưởng, Đại đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, Đội trưởng các đội: Quản giáo, Trinh sát, Tham mưu - Tổng hợp và Đội trưởng Giáo dục, hồ sơ làm ủy viên thư ký.
Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam họp xét, xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân trên cơ sở đề nghị của các Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại. Khi xét đến phân trại giam nào thì Phó giám thị phụ trách phân trại hoặc Trưởng phân trại báo cáo danh sách đề nghị xếp loại của phân trại đó và giải trình các vấn đề mà thành viên dự họp nêu ra. Hội đồng tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay trên nguyên tắc ít nhất phải được hai phần ba thành viên Hội đồng nhất trí.
c) Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam, Giám thị duyệt, ký quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù. Quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù phải lưu hồ sơ phạm nhân và thông báo công khai cho phạm nhân biết. Đối với các trại giam có quy mô lớn, từ ba phân trại trở lên, thì Giám thị có thể ủy quyền (bằng văn bản) cho Phó giám thị phụ trách công tác giáo dục - hồ sơ duyệt, ký quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho từng phạm nhân.
5. Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại tạm giam, nhà tạm giữ
a) Trại tạm giam thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm ủy viên Thường trực và các ủy viên gồm: các Phó giám thị, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân. Tổ trưởng Tổ quản giáo phân trại, Bệnh xá trưởng, Đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ giáo dục, hồ sơ, trinh sát, trực trại và Đội trưởng Tham mưu làm ủy viên thư ký. Trình tự xét duyệt, xếp loại chấp hành án phạt tù thực hiện như đối với phạm nhân ở trại giam.
b) Đối với nhà tạm giữ, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn quản giáo thực hiện việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tuần, tháng, quý, 6 tháng, một năm cho phạm nhân và tổ chức xét duyệt, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân ở nhà tạm giữ do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là ủy viên thường trực và các cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân làm ủy viên, một cán bộ làm thư ký. Trình tự xét duyệt, xếp loại chấp hành án phạt tù thực hiện như đối với phạm nhân ở trại giam.
6. Trường hợp phạm nhân có khiếu nại việc xếp loại chấp hành án phạt tù, thì trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải có văn bản trả lời cho phạm nhân.
7. Việc đánh giá kết quả, xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân được thực hiện thống nhất theo hệ thống biểu mẫu do Bộ Công an ban hành.
Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù được thể hiện bằng văn bản và lưu vào hồ sơ của từng phạm nhân.
Kết quả xếp loại 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm và cả năm được thông báo cho gia đình phạm nhân.
Điều 12. Trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù
1. Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Định kỳ 6 tháng, một năm, ngay sau khi kết thúc việc xếp loại chấp hành án phạt tù, Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo từng loại về Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (qua Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng) để theo dõi, tổng hợp.
2. Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ của trại giam, Đội trưởng Tham mưu của trại tạm giam, cán bộ theo dõi thi hành án hình sự của Công an cấp huyện chịu trách nhiệm giúp việc cho Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù về các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức thực hiện xếp loại cho phạm nhân; làm thư ký các cuộc họp Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù; tổng hợp và chuyển kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù đã được Hội đồng nhất trí trình Giám thị hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ký quyết định; hướng dẫn quản giáo ghi nhận xét vào bản kiểm điểm của từng phạm nhân. Nếu ý kiến và kết quả xếp loại của Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù khác với ý kiến và mức đề nghị của quản giáo thì phải ghi rõ lý do. Sau khi có quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù phải hoàn tất thủ tục, chuyển kết quả cho các phân trại giam, phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam, nhà tạm giữ để công bố công khai cho phạm nhân và gửi kết quả, các tài liệu liên quan cho cán bộ hồ sơ để lưu vào hồ sơ phạm nhân.
Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ hoặc cán bộ được giao nhiệm vụ của Công an cấp huyện phải lưu các quyết định, biên bản cuộc họp của Hội đồng, danh sách đề nghị xếp loại của quản giáo, đề xuất với Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc công nhận những phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ và các tài liệu có liên quan đến việc xếp loại chấp hành án phạt tù.
Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ, cán bộ được giao nhiệm vụ của Công an cấp huyện chịu trách nhiệm đề xuất với Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc công nhận những phạm nhân vi phạm kỷ luật đã cải tạo tiến bộ trên cơ sở đề nghị của quản giáo (có xác nhận của Phó Giám thị phụ trách phân trại hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện) kèm theo bản kiểm điểm của phạm nhân và biên bản cuộc họp đội phạm nhân.
3. Cán bộ giáo dục các phân trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ phải tổ chức cho phạm nhân thực hiện tốt tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và theo dõi kết quả thi đua chấp hành án phạt tù của phạm nhân trong phân trại, nhà tạm giữ; tập hợp biên bản, danh sách đề nghị xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo từng loại và từng đội (tổ) để trình Tiểu ban xếp loại của phân trại và làm thư ký các cuộc họp Tiểu ban; tổng hợp và gửi kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân ở phân trại cho Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ của trại giam hoặc Đội trưởng Tham mưu của trại tạm giam, cán bộ được giao nhiệm vụ của Công an cấp huyện, sau khi có quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển cho quản giáo một bản, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thông báo công khai cho phạm nhân ở phân trại.
4. Bệnh xá trưởng, cán bộ y tế của Công an cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận tình trạng sức khỏe và chuẩn bị hồ sơ bệnh án khi họp xét, xếp loại chấp hành án phạt tù cho những phạm nhân ốm đau, bệnh tật.
5. Quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân chịu trách nhiệm tổ chức họp đội (tổ) để đánh giá kết quả, nhận xét, đề nghị xếp loại chấp hành án phạt tù cho từng phạm nhân trong đội (tổ) nhận xét thái độ chấp hành án phạt tù và đề nghị xếp loại trong bản kiểm điểm của phạm nhân; lưu giữ biên bản họp đội (tổ), danh sách và kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân đội (tổ) mình phụ trách.
Trường hợp phạm nhân có khiếu nại với quản giáo việc xếp loại chấp hành án phạt tù, thì sau ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, quản giáo phải có trách nhiệm trả lời cho phạm nhân biết rõ lý do.
6. Cán bộ hồ sơ chịu trách nhiệm lưu các tài liệu có liên quan đến việc xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân vào hồ sơ của từng phạm nhân:
a) Quyết định của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về xếp loại chấp hành án phạt tù của từng phạm nhân (quý, 6 tháng đầu năm; 6 tháng cuối năm và cả năm);
b) Bản kiểm điểm của phạm nhân về việc xếp loại chấp hành án phạt tù (6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm và cả năm). Đối với phạm nhân không đủ thời gian xếp loại hoặc đang ở trại tạm giam, nhà tạm giữ chờ quyết định đưa đi chấp hành án phạt tù phải lưu bản kiểm điểm của thời gian chưa được xếp loại;
c) Quyết định miễn hoặc giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí của Tòa án và các loại hóa đơn, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác;
d) Bản cam kết thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác;
đ) Quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ kèm theo Bản kiểm điểm của phạm nhân;
e) Quyết định khen thưởng đối với phạm nhân lập công;
g) Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe và hồ sơ bệnh án của phạm nhân ốm đau, bệnh tật;
h) Đơn khiếu nại của phạm nhân về kết quả xếp loại và thông báo trả lời khiếu nại của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
i) Các tài liệu khác liên quan đến xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân;
k) Đối với phạm nhân có thời hạn chấp hành án phạt tù trên 15 năm thì sau 5 năm, kể từ ngày phạm nhân bắt đầu chấp hành án phạt tù, hàng năm cán bộ hồ sơ tổng hợp kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù vào Phiếu tổng hợp kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân (theo mẫu quy định), báo cáo Giám thị lập biên bản hủy các quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù các quý và hủy các bản cam kết cũ về thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác (nếu có) của 5 năm trước.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2011 và thay thế Quyết định số 1269/2002/BCA-V26 ngày 17 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và quy định xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám thị trại giam, trại tạm giam, Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |