Nội dung toàn văn Thông tư 4241-TN/TCCB hướng dẫn chức năng nhiệm vụ tổ chức hệ thống quản lý thương nghiệp tỉnh, thành phố đặc khu trung ương
BỘ THƯƠNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4241-TN/TCCB | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1990 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP SỐ 4241-TN/TCCB NGÀY 1-12-1990 HƯỚNG DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG QUẢN LÝ THƯƠNG NGHIỆP CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐẶC KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thi hành Nghị định số 387-HĐBT ngày 9-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương nghiệp, được sự thoả thuận của Trưởng ban Tổ chức-cán bộ của Chính phủ, Bộ Thương ngiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức kinh doanh thuộc ngành tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), các quận, huyện, thị xã, (gọi tắt là huyện) như sau:
I- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC SỞ THƯƠNG NGHIỆP
Sở Thương nghiệp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Thương nghiệp thuộc Bộ Nội thương trước đây, Sở (hoặc ban) Kinh tế đối ngoại và Bộ phận quản lý vật tư nằm trong Văn phòng Uỷ ban Nhân dân.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội có thể giữ Sở (hoặc ban) Kinh tế đối ngoại để làm nhiệm vụ hợp tác đầu tư với người nước ngoài, dịch vụ kiều hối, viện trợ phi Chính phủ, công tác ngoại vụ... Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu chuyển sang Sở Thương nghiệp.
Sở Thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, giúp uỷ ban Nhân dân quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn lãnh thổ đối với các lĩnh vực thuộc Bộ Thương nghiệp phụ trách.
Sở Thương nghiệp là cơ quan cấp dưới, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra của Bộ Thương nghiệp về công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ của các thành phần kinh tế trong phạm vi tỉnh (bao gồm các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ...)
a/ Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể:
1. Xây dựng và trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Bộ Thương nghiệp quyết định các chương trình, mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển thương nghiệp-dịch vụ của tỉnh, góp phần thực hiện những cân đối chủ yếu của địa phương.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ và luật pháp Nhà nước về thương nghiệp tại địa phương.
3. Tổng hợp kế hoạch và tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm hàng quý về xuất nhập khẩu và các hoạt động kinh doanh khác của các đơn vị thương nghiệp quốc doanh và các cơ sở kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh gửi báo cáo về Bộ Thương nghiệp theo quy định hiện hành.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý thị trường theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, của Bộ đối với các thành phần kinh tế ở địa phương.
5. Nghiên cứu, đề xuất trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xét và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc cụ thể hoá theo thẩm quyền được luật pháp quy định hay bãi bỏ các chính sách, chế độ, thể lệ, pháp luật có liên quan tới hoạt động thương mại trong nước và nước ngoài cho phù hợp với hiệm vụ và điều kiện cụ thể tại địa phương.
6. Xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh Thương nghiệp, đặc biệt là mạng lưới kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán thuận tiện, hợp lý, phục vụ tốt sản xuất và đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng.
7. Hướng dẫn nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh thương nghiệp, cung cấp các thông tin kinh tế-kỹ thuật của ngành và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, văn minh thương nghiệp và hiệu quả trong kinh doanh.
8. Xét và cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị thương nghiệp quốc doanh và các cơ sở có kinh doanh thương nghiệp trên địa bàn tỉnh; xem xét các tiêu chuẩn và kiến nghị với Uỷ ban Nhân dân tỉnh về các đơn vị kinh tế có đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp để Uỷ ban Nhân dân xác nhận và đề nghị Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép.
9. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện định hướng kinh doanh của ngành, chính sách mặt hàng, các chế độ quản lý tài chính, vật tư, tiền vốn, lao động tiền lương đã được Nhà nước, Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành.
Sở Thương nghiệp có thể được Uỷ ban Nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các tổ chức kinh doanh thương nghiệp quốc doanh, xuất nhập khẩu của địa phương.
10. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công nhân viên về nghiệp vụ quản lý và kỹ thuật kinh doanh; quản lý cán bộ và tổ chức bộ máy sản xuất kinh doanh trực thuộc theo sự phân cấp của uỷ ban Nhân dân tỉnh.
11. Chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết phong trào thi đua và khen thưởng, động viên các đơn vị và cá nhân có thành tích.
12. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên các hoạt động kinh doanh thương nghiệp của các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và các cơ sở kinh doanh thương nghiệp của các thành phần kinh tế, kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền để xử lý những trường hợp vi phạm chính sách, chế độ, luật pháp Nhà nước.
b/ Tổ chức bộ máy của Sở Thương nghiệp.
Sở Thương nghiệp do Giám đốc Sở điều hành, giúp việc Giám đốc có một số Phó giám đốc Sở.
Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh về mọi mặt hoạt động của Sở.
Căn cứ vào các chính sách, chế độ của Nhà nước, những quy định của Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, trong phạm vi quyền hạn được giao, Giám đốc Sở Thương nghiệp ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thương nghiệp quốc doanh, các cơ sở và cá nhân kinh doanh thương nghiệp thực hiện. Tổ chức bộ máy, biên chế của Sở do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định theo khối lượng công việc, trên nguyên tắc gọn nhẹ, có hiệu lực, đủ sức làm tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, quản lý các hoạt động kinh doanh thương nghiệp-dịch vụ đúng luật pháp, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội.
Ở mỗi tỉnh tổ chức một đội quản lý thị trường để làm nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường và chống hàng buôn lậu, hàng giả, trốn thuế.
II- PHÒNG THƯƠNG NGHIỆP HUYỆN (QUẬN, THỊ XÃ)
Những quận, huyện kinh tế hàng hoá phát triển, mạng lưới thương nghiệp và dịch vụ nhiều thì thành lập Phòng thương nghiệp. Phòng thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân đồng cấp, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương nghiệp-dịch vụ trên địa bàn huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của Sở thương nghiệp.
Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Thương nghiệp là: căn cứ vào quyết định của Uỷ ban Nhân dân huyện, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Sở thương nghiệp, kiến nghị việc cấp giấy phép kinh doanh thương nghiệp cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường, buộc mọi đối tượng kinh doanh thương nghiệp phải tuân theo đúng luật pháp, có đăng ký kinh doanh và kinh doanh theo đúng giấy phép, nộp thuế đầy đủ, thực hiện văn minh thương nghiệp. Tham gia xây dựng quy hoạch mạng lưới thương nghiệp huyện.
Ở mỗi quận, huyện có đội quản lý thị trường.
III- TỔ CHỨC KINH DOANH CỦA THƯƠNG NGHIỆP QUỐC DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (THÀNH PHỐ).
a/ Tuỳ theo đặc điểm kinh tế, địa lý và trình độ phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa của mỗi địa phương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) quyết định mạng lưới tổ chức kinh doanh thương nghiệp cho phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội, giảm chi phí lưu thông, tránh quá nhiều cầu cấp trung gian.
Mỗi tỉnh chỉ nên tổ chức từ 3 đến 4 công ty tỉnh:
- Công ty hoặc Liên hiệp thương nghiệp tổng hợp (nên trực tiếp tổ chức bán lẻ trên địa bàn thị xã là tỉnh lỵ).
- Công ty (hoặc Liên hiệp) xuất nhập khẩu.
- Công ty ăn uống khách sạn-dịch vụ.
- Công ty Vật tư tổng hợp (tuỳ nhu cầu từng địa phương mà bàn với Bộ Thương nghiệp về công ty này).
b/ Tổ chức kinh doanh ở huyện: Mỗi huyện nên tổ chức một công ty thương nghiệp tổng hợp, làm nhiệm vụ kinh doanh hàng tiêu dùng, vật tư, dịch vụ và ăn uống công cộng, tổ chức mua và cung ứng hàng xuất khẩu.
Đối với các huyện nhỏ, nguồn hàng không nhiều, sức mua của dân không lớn, công ty thương nghiệp kinh doanh thua lỗ không có hiệu quả, trình độ cán bộ quản lý và kinh doanh không đáp ứng nhiệm vụ thì nên khoanh công ty cũ lại và thành lập cửa hàng thương nghiệp tổng hợp huyện thuộc công ty thương nghiệp tỉnh quản lý để làm nhiệm vụ đại lý bán lẻ, uỷ thác mua, bán hàng ký gửi cho các tổ chức sản xuất.
Đối với các quận của các thành phố lớn, các trung tâm của tỉnh (thành phố, thị xã) tuỳ điều kiện từng nơi mà tổ chức lại các đơn vị kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân theo quy hoạch chung của tỉnh, thành phố.
IV- TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ MUA BÁN.
Hợp tác xã mua bán ở tỉnh chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Thương nghiệp. Tiến hành tổng kết việc thực hiện quyết định 194-HĐBT ngày 23-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hợp tác xã mua bán, rút ra những kinh nghiệm, từng bước tiếp tục thực hiện những nội dung đã quy định trong quyết định 194 nhằm xoá bỏ bao cấp, thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chuyển hoạt động hợp tác xã mua bán theo đúng tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể.
Căn cứ vào Thông tư này, các Sở Thương nghiệp nghiên cứu và có kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức kinh doanh trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.
Những văn bản trước đây quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Thông tư này thay thế Thông tư số 7 ngày 31 tháng 8 năm 1990.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về Bộ nghiên cứu giải quyết và phấn đấu kiện toàn xong tổ chức này năm 1990 để chuẩn bị cho kế hoạch 1991.
| Hoàng Minh Thắng (Đã Ký) |