Thông tư 43/2011/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT Điều lệ trường đã được thay thế bởi Thông tư 46/2021/TT-BGDĐT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật giáo dục đại học và được áp dụng kể từ ngày 15/02/2022.
Nội dung toàn văn Thông tư 43/2011/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT Điều lệ trường
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2011/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2011 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 14/2009/TT-BGDĐT NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2009 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRƯỜNG CAO ĐẲNG VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/2008/QĐ-BGDĐT NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 2008 QUY ĐỊNH ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 3. Đăng ký tên trường và đổi tên trường cao đẳng
1. Tên trường cao đẳng được đăng ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm các thành phần như sau:
a) Trường cao đẳng + tên lĩnh vực hoặc ngành đào tạo chính (nếu cần) + tên riêng.
b) Tên riêng là tên địa phương; tên danh nhân văn hoá, lịch sử; tên cá nhân, tổ chức nếu được địa phương, cá nhân, tổ chức chấp thuận và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.
2. Tên trường cao đẳng không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của các trường cao đẳng, trường đại học đã đăng ký, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân và tổ chức khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Các trường cao đẳng cần đăng ký bảo hộ tên trường rút gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
3. Tên trường được ghi trong quyết định thành lập trường, thể hiện trên con dấu, biển hiệu của trường và các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường.
4. Hồ sơ đổi tên trường cao đẳng bao gồm:
a) Tờ trình về việc đổi tên trường, trong đó thể hiện rõ sự cần thiết, lý do, mục đích của việc đổi tên trường
b) Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp về việc đổi tên trường;
c) Số bộ hồ sơ: 01 bộ.
5. Thủ tục đổi tên trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đổi tên trường. Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đúng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định đổi tên trường hoặc thông báo kết quả thẩm định nếu không đủ điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều này.”
2. Bãi bỏ khoản 4 Điều 10.
3. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11. Hồ sơ, thủ tục thành lập trường cao đẳng.
1. Hồ sơ dự án thành lập trường cao đẳng bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập trường cao đẳng của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường công lập), của tổ chức hoặc cá nhân (đối với trường tư thục) nêu rõ sự cần thiết thành lập trường, tên trường bằng tiếng Việt và tiếng Anh, dự kiến địa điểm đặt trường, ngành nghề, quy mô đào tạo; nguồn vốn, đất đai, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý;
b) Bản sao có công chứng văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc thành lập trường tại địa phương, trong đó nêu rõ: sự cần thiết, tính phù hợp của việc thành lập trường với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dự kiến địa điểm, đất đai xây dựng trường và khả năng phối hợp, tạo điều kiện của địa phương đối với việc xây dựng và phát triển nhà trường;
c) Văn bản pháp lý xác nhận vốn của chủ đầu tư sử dụng trong việc xây dựng trường;
d) Dự án thành lập trường cao đẳng: thể hiện rõ sự cần thiết thành lập trường, tính phù hợp của việc thành lập trường với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đại phương; mục tiêu, nhiệm vụ, ngành nghề và quy mô đào tạo trong từng giai đoạn; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành; số lượng, trình độ giảng viên, cán bộ quản lý; đất đai, vốn điều lệ; giải pháp thực hiện; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động; quy hoạch và kế hoạch xây dựng, phát triển trường trong từng giai đoạn; dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong 3 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo; thuyết minh tính khả thi và hợp pháp của nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển nhà trường trong từng giai đoạn;
đ) Hồ sơ dự án thành lập trường cao đẳng tư thục phải có thêm những văn bản sau đây: danh sách các thành viên sáng lập; biên bản cử đại diện đứng tên thành lập trường của các thành viên góp vốn; bản cam kết góp vốn xây dựng trường của cá nhân, tổ chức và ý kiến đồng ý của người đại diện đứng tên thành lập trường; danh sách các cổ đông cam kết góp vốn điều lệ;
e) Số bộ hồ sơ: 5 bộ.
2. Thủ tục phê duyệt dự án thành lập trường cao đẳng
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ dự án thành lập trường cao đẳng. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo để chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ dự án. Nếu hồ sơ dự án đảm bảo các điều kiện thành lập trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập trường cao đẳng. Nếu hồ sơ dự án không đủ điều kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản kết quả thẩm định hồ sơ đển chủ dự án.
4. Điều 13 được bổ sung, sửa đổi như sau:
“Điều 13. Đình chỉ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng
1. Trường cao đẳng bị đình chỉ hoạt động đào tạo trong những trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động đào tạo;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 17 của Điều lệ này;
c) Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền;
d) Sau 3 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, nhà trường không tuyển sinh và tổ chức đào tạo;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục, bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ đình chỉ;
2. Hồ sơ đình chỉ hoạt động đào tạo.
a) Đơn thư của tổ chức, cá nhân hoặc báo cáo kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý trực tiếp về vi phạm của trường cao đẳng (nếu có);
b) Quyết định thanh tra trường cao đẳng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về sai phạm của trường cao đẳng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng.
3. Thủ tục đình chỉ hoạt động đào tạo
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đình chỉ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng;
b) Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo;
c) Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải chỉ rõ lý do, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi của giảng viên, sinh viên và người lao động trong trường. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
d) Sau thời hạn đình chỉ, nếu trường cao đẳng khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cho phép nhà trường hoạt động đào tạo trở lại.”
5. Điều 14 được bổ sung, sửa đổi như sau:
“Điều 14. Giải thể trường cao đẳng
1. Trường cao đẳng bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý và tổ chức hoạt động của trường cao đẳng;
b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo vẫn không khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ;
c) Mục tiêu và nội dung hoạt động của trường cao đẳng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và địa phương;
d) Theo quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế;
đ) Theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập trường cao đẳng.
2. Hồ sơ đề nghị giải thể trường cao đẳng
a) Công văn đề nghị của cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân thành lập trường cao đẳng trong đó nêu rõ lý do, mục đích giải thể trường;
b) Báo cáo của cơ quan quản lý trực tiếp, của tổ chức hoặc cá nhân về tình hình hoạt động của trường cao đẳng, đề xuất phương án giải thể, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của giảng viên, sinh viên và người lao động theo quy định của pháp luật và phương án giải quyết tài sản của trường.
c) Số bộ hồ sơ: 01 bộ.
3. Thủ tục giải thể trường cao đẳng
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ của cơ quan quản lý, tổ chức hoặc cá nhân đề nghị giải thể trường cao đẳng. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ giải thể trường cao đẳng;
b) Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định giải thể trường cao đẳng.
c) Quyết định giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của nhà giáo, người học và người lao động trong trường. Quyết định giải thể nhà trường phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.”
6. Điều 17 được bổ sung, sửa đổi như sau:
“Điều 17. Điều kiện đăng ký hoạt động
1. Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đã hoàn thiện tổ chức bộ máy của trường phù hợp với Hồ sơ thành lập trường đã được phê duyệt.
3. Có đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý đủ năng lực xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, đảm bảo tỷ lệ không quá 25 sinh viên/giảng viên mỗi khối kiến thức của tất cả các ngành đào tạo, trong đó có ít nhất 15% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.
4. Có đủ giảng đường, phòng học, thư viện, phòng chức năng phù hợp, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Diện tích nhà đã xây dựng đưa vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu là 9m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập tối thiểu là 6m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên tối thiểu là 3m2/sinh viên; có đủ phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ của trường với diện tích tối thiểu là 8m2/người.
5. Có nguồn lực tài chính đảm bảo các chi phí đào tạo duy trì và phát triển hoạt động đào tạo của trường.
6. Đã xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động và Quy chế chi tiêu nội bộ.
7. Đảm bảo các điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
7. Bổ sung Điều 17a như sau:
“Điều 17a. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động
a) Tờ trình đăng ký hoạt động và mở ngành đào tạo giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và phát triển của trường, sự cần thiết mở ngành đào tạo; mục tiêu đào tạo, cấu trúc chương trình, mô tả chi tiết các môn học, kế hoạch đào tạo; năng lực và mức độ đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 17 của Điều lệ này;
b) Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
d) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận giao đất xây dựng trường, trong đó xác định rõ diện tích, mốc giới, địa chỉ khu đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các văn bản pháp lý về quyền sử dụng khu đất dành để xây dựng trường;
đ) Quy hoạch xây dựng trường và thiết kế tổng thể đã được cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt đối với các trường cao đẳng công lập hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với các trường cao đẳng tư thục;
e) Báo cáo về tình hình thực hiện cam kết trong dự án thành lập trường bao gồm: diện tích xây dựng; số lượng, diện tích phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành; thư viện, ký túc xá; công trình phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, y tế, dịch vụ; tình hình tài chính chuẩn bị cho các hoạt động của trường phù hợp với nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện của dự án; quy mô đào tạo và đội ngũ giảng viên các ngành đào tạo;
g) Đề án đăng ký mở ngành đào tạo được Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường thông qua;
h) Biên bản kiểm tra thực tế và xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh về tình hình xây dựng trường, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ghi trong Hồ sơ đăng ký hoạt động và mở ngành đào tạo của trường;
i) Biên bản của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo.
k) Số bộ hồ sơ gửi kiểm tra thực tế và thẩm định (trừ các hồ sơ quy định ở điểm h và i khoản này): 03 bộ gửi Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh; 05 bộ gửi đơn vị thẩm định chương trình đào tạo;
l) Số bộ hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo: 01 bộ.
2. Thủ tục cho phép hoạt động
a) Trường cao đẳng gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt địa điểm để kiểm tra xác nhận điều kiện đăng ký hoạt động đào tạo, đồng thời gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo công văn đề nghị thẩm định chương trình đào tạo;
b) Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra điều kiện đăng ký hoạt động, lập biên bản xác nhận, gửi 01 bản về Bộ Giáo dục và Đào tạo, 01 bản về trường và lưu giữ 01 bản cùng bộ hồ sơ làm cơ sở kiểm tra việc tuân thủ của trường trong quá trình tổ chức đào tạo;
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định đơn vị thẩm định chương trình đào tạo. Đơn vị thẩm định chịu trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định, có biên bản đánh giá cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác; kết luận về nội dung chất lượng chương trình và các điều kiện đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo của Đề án. Thủ trưởng đơn vị thẩm định xác nhận biên bản và kết luận của Hội đồng, gửi 01 bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo; 01 bản về trường được thẩm định để hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ đề án và 01 bản lưu tại đơn vị thẩm định;
d) Căn cứ biên bản của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh kiểm tra điều kiện đăng ký hoạt động và mở ngành đào tạo, biên bản của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, trường cao đẳng hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép hoạt động và mở ngành đào tạo nếu hồ sơ đủ điều kiện hoạt động và mở ngành đào tạo, hoặc thông báo cho cơ sở đào tạo biết nếu hồ sơ không đủ điều kiện.”
8. Khoản 1 Điều 35 được sửa đổi như sau:
“1. Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả các cổ đông tham gia góp vốn xây dựng trường cao đẳng tư thục. Tất cả cổ đông đều có quyền biểu quyết, giá trị biểu quyết được tính theo tỉ lệ số cổ phần tham gia góp vốn.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Quy định đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau: “Điều 7. Đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học
1. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học gồm có:
a) Tờ trình đăng ký đào tạo liên thông. Nội dung tờ trình phải nêu rõ: ngành và trình độ đăng ký đào tạo liên thông; nhu cầu đào tạo; cơ sở đào tạo; tổ chức quá trình đào tạo; tiêu chí, hình thức và điều kiện tuyển chọn; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và những cam kết đảm bảo chất lượng;
b) Bản sao các quyết định mở ngành đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông;
c) Bảng đối chiếu chương trình đã được đào tạo của đối tượng tuyển sinh ở trình độ trung cấp và chương trình đào tạo để được cấp bằng tốt nghiệp ở trình độ đại học, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo liên thông;
d) Chương trình đào tạo liên thông;
đ) Chương trình bổ sung kiến thức cho người học khác ngành đào tạo liên thông nhưng cùng trong một khối ngành:
e) Số bộ hồ sơ: 01 bộ.
2. Thủ tục đăng ký đào tạo liên thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường hoặc trả lời bằng văn bản về việc chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.”
Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2011.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viên và Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |