Thông tư 43-TT-NV

Thông tư 43-TT-NV năm 1956 thi hành chỉ thị 1179-TTg điều chỉnh và hoàn thành việc xếp lương cho cán bộ nhân viên các cơ quan do Bộ Nội vụ ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 43-TT-NV điều chỉnh hoàn thành xếp lương cán bộ nhân viên cơ quan thi hành chỉ thị 1179-TTg


BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-TT-NV

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 1179-TTG NGÀY 18-12-1956 CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH VÀ HOÀN THÀNH VIỆC XẾP LƯƠNG CHO CÁN BỘ NHÂN VIÊN CÁC CƠ QUAN.

Sau khi nhận định tình hình điều chỉnh sắp xếp cấp bậc theo thông tư số 32-TT-NV ngày 10-10-1956 của Bộ Nội vụ, Thủ tướng phủ đã ra chỉ thị số 1179-TTg ngày 18-12-1956 về việc điều chỉnh và hoàn thành việc xếp lương cho cán bộ, nhân viên các cơ quan. Chúng ta cần nhận thức thấu đáo tinh thần, nội dung chỉ thị của Thủ tướng phủ để vạch kế hoạch thi hành được thống nhất.

I. CẦN NHẬN THỨC THẤU ĐÁO TINH THẦN VÀ NỘI DUNG CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ

Chỉ thị 1179-TTg của Thủ tướng phủ đã nêu chủ trương về 5 vấn đề cụ thể, trong thông tư này Bộ Nội vụ chỉ giải thích thêm về 3 vấn đề:

- Yêu cầu điều chỉnh,

- Thời gian truy lĩnh,

- Hội đồng sắp xếp.

1) Yêu cầu của việc điều chỉnh kỳ này:

Việc điều chỉnh kỳ này mới chỉ nhằm giải quyết những trường hợp thật bất hợp  lý:

a) Tại sao lại chỉ đặt yêu cầu như vậy ?

Việc điều chỉnh rộng như dự kiến mới đây sẽ ảnh hưởng nguy hại đến tình hình kinh tế tài chính quốc gia nhưng ngược lại chưa phải đã định bậc được thỏa đáng cho cán bộ, nhân viên trong điều kiện nay: các thang lương chưa hợp lý, dầu đã sửa đổi một số khung bậc, tiêu chuẩn để sắp xếp khó cụ thể để xếp bậc cho thật rõ ràng là hợp lý công bằng, việc điều động, sử dụng, tìm hiểu cán bộ, nhân viên chưa phải đã hoàn toàn chính xác để kết luận trên bậc lương người này hơn hay người khác kém một cách rõ rệt, tổ chức bộ máy chưa phải đã ổn định. Trong điều kiện như thế mà muốn điều chỉnh để giải quyết hết thắc mắc của cán bộ, nhân viên là không thể thực hiện được; thực tế đã chứng tỏ rằng điều chỉnh được trường hợp này thì lại xảy ra trường hợp khác, ổn được trong nội bộ một phòng, một cơ quan thì khi nhìn sang phòng khác, cơ quan khác lại hóa ra chưa ổn. Vì vậy cần thu hẹp diện điều chỉnh.

b) Dựa trên cơ sở nào mà  xác định những trường hợp thật bất hợp lý phải điều chỉnh ?

Trong việc sắp xếp vừa qua có cơ quan làm trước, cơ quan làm sau, địa phương làm trước, địa phương làm sau, ngay trong một cơ quan thì cũng có số cán bộ được xếp trước, số xếp sau, mặt khác thì việc nhận xét cán bộ trên tiêu chuẩn nơi thì nặng về mặt này, nơi thì nặng về mặt khác, nơi làm trước thì nói chung nhận xét có phần chặt chẽ khắt khe, nơi làm sau thì có phần rộng rãi hơn, do đó mà trong quan hệ sắp xếp trước khi có dự kiến điều chỉnh đã có những trường hợp chênh lệch quá đáng nổi lên một cách rõ rệt. Cho nên trong quan hệ sắp xếp cũ chỉ nên điều chỉnh những trường hợp ấy, mà làm như thế thì:

- có trường hợp phải lên bậc

- mà cũng có trường hợp phải xếp xuống.

c) Những trường hợp cần điều chỉnh kỳ này:

Sau khi đại bộ phận cán bộ, nhân viên ở mỗi cấp, mỗi ngành đã được sắp xếp chính thức, tạm xếp, hay dự kiến để chờ xét duyệt, nhìn chung lại thì thực tế đã có những trường hợp bị xếp thấp vì:

- trong hoàn cảnh đang tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hiềm nghi có vấn đề chính trị, thành kiến với thành phần, với khuyết điểm sai lầm cũ nên định bậc thấp.

- bậc tối đa của một số khung bậc cũ gò bó nên có cán bộ tuy đã xếp đến bậc tối đa của khung bậc cũ rồi nhưng so với số cùng ở bậc ấy vẫn còn chênh lệch quá đáng nhưng trước đây xếp bậc lên thì lại vượt khung không được;

- đối với một số cán bộ mới đến cơ quan như một số trường hợp về quân nhân chuyển ngành hay cán bộ miền Nam, cơ quan chưa rõ khả năng, chưa sát quá trình nên định bậc  thấp.

Trên đây là ba trường hợp bị xếp thấp cần điều chỉnh lên, nhưng cũng có trường hợp vì vận dụng tiêu chuẩn quá nặng về khả năng hay quá nặng về thâm niên mà xếp cao lên thì cũng phải xét thật kỹ lại để xếp xuống.

Điều cần đặc biệt chú ý là xếp lên hay xếp xuống phải tránh đảo lộn quan hệ sắp xếp cũ, vì thực tế có điều chỉnh những trường hợp trên đây không phải là đụng chạm đến toàn bộ quan hệ sắp xếp cũ, gây nên tình trạng đều chỉnh tràn lan “móc xích” như dự kiến mới đây. Tất nhiên điều chỉnh như trên chưa phải đã giải quyết hết sự so bì suy tị, nhưng về lãnh đạo phải chủ động giải quyết, có những trường hợp tuy hệin nay cùng xếp một bậc chưa ổn lắm, nhưng đưa một người lên bậc trên lại phải xét lại tất cả những người đã xếp tương đối ổn ở bậc trên thì lần này chưa điều chỉnh được mà sẽ chờ khi có điều kiện thuận lợi hơn sẽ giải quyết thêm một bước nữa.

Trên đây mới giải thích về yêu cầu điều chỉnh theo thang lương 17 bậc, các ngành có thang lương kỹ thuật, thang lương chuyên môn y tế, giáo dục , văn hóa, thương nghiệp, bưu điện cũng cần soát lại sự hướng dẫn trước đây về việc điều chỉnh cho thực sự ăn khớp với yêu cầu chung mà chỉ thị của Thủ tướng phủ đã đề ra; một cuộc họp liên tịch giữa các Bộ trên sẽ thảo luận cụ thể hơn để việc chỉ đạo xuống địa phương được thống nhất.

2) Thời gian truy lĩnh:

Thời gian được truy lĩnh rút ngắn thực tế làm cho một số cán bộ, nhân viên thiệt thòi; chỉ trên cơ sở làm cho anh chị em thấy rõ nền tài chính quốc gia trước mắt đang gặp khó khăn, mỗi người cần tích cực góp sức để giải quyết khó khăn ấy – chỉ trên cơ sở động viên tinh thần hy sinh, chịu đựng của anh chị em, thì anh chị em mới thông cảm với chủ trương của Thủ tướng phủ.

Nói chung những cán bộ, nhân viên đã được sắp xếp chính thức, tạm xếp hay dự kiến để chờ xét duyệt nhưng đã được hưởng lương của bậc được xếp và truy lĩnh rồi, kỳ này nếu được điều chỉnh thì chỉ được truy lĩnh theo bậc mới từ 1-7-1956 sau khi được chính cơ quan có thẩm quyền quyết định chính thức.

Nhưng có hai trường hợp có thể xét thêm:

a) Những cán bộ, nhân viên ở trong biên chế các cơ quan vì hoàn cảnh phải đi công tác lâu đến nay cơ quan chưa kịp sắp xếp nên còn hưởng lương tối thiểu hoặc bằng một số cân gạo có tạm ứng 40% hoặc 50%, có người tuy đã định bậc rồi nhưng cũng vẫn chưa được hưởng lương theo bậc được xếp và truy lĩnh, tóm lại những cán bộ, nhân viên đến nay chưa được hưởng lương và truy lĩnh theo các thang lương đã ban hành.

b) Những cán bộ bị xử trí sai, từ chức vụ điều khiển bị điều đi công tác không quan trọng, xếp thấp hẳn đi.

Hai trường hợp này thì nay được sắp xếp cấp bậc cũng truy lĩnh từ 1-7-1956 rồi mỗi cấp, mỗi ngành sẽ báo cáo cụ thể cho Bộ Nội vụ biết để trình Thủ tướng phủ xét: Thủ tướng phủ sẽ tuỳ từng trường hợp cụ thể và tuỳ theo khả năng tài chính mà quyết định thời gian cho truy lĩnh lùi về trước 1-7-1956.

Những chi tiết về đối tượng và cách truy lĩnh sẽ có sự quy định sau.

3) Hội đồng sắp xếp cấp bậc:

Hội đồng xét duyệt cấp bậc do Thủ tướng phủ chỉ định gồm ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt-nam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng phủ trong việc sắp xếp để thực hiện việc so sánh ngang được tương đối hợp lý hơn trước.

a) Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng là:

- Cùng với các Bộ nghiên cứu việc điều chỉnh cấp bậc của Chánh Phó Giám đốc Tổng cục, Nha, Sở, Vụ, Viện, Cục, Chánh Phó Văn phòng Bộ, những cán bộ được xếp từ bậc 7 trở lên thang lương 17 bậc, bậc 5 trở lên thang lương 11 bậc để trình Thủ tướng phủ xét duyệt;

- Cùng với các Bộ xét duyệt cho một số Trưởng Phó Phòng ở trung ương, một số Chánh Phó Giám đốc khu để làm mốc, sau đó mỗi Bộ sẽ xét duyệt chính thức cho tất cả số cán bộ ấy thuộc ngành mình;

- Góp ý kiến để các Bộ có cán bộ kỹ thuật, chuyên môn uốn nắn lại việc chỉ đạo vừa qua xuống các địa phương cho ăn khớp với yêu cầu điều chỉnh chung.

b) Quyền hạn và lề lối làm việc của Hội đồng:

- Mỗi khi Hội đồng chuẩn bị xét duyệt cán bộ thuộc Bộ nào thì mời Bộ hoặc Thứ trưởng Bộ ấy tham gia; Hội đồng có thể chuẩn bị xét duyệt cùng một lúc cán bộ thuộc những Bộ có quan hệ với nhau nhiều về công tác về hiểu biết cán bộ để dễ cân nhắc, so sánh;

- Đối với các Trưởng phó Phòng ở trung ương và Chánh Phó Giám đốc khu, Hội đồng sẽ cùng các Bộ xét duyệt một số làm mốc; sau đó các Bộ căn cứ vào những mốc ấy để xét duyệt chính thức tất cả số còn lại nhưng trước khi quyết định chính thức cần đưa Hội đồng thông qua.

Trên đây là ba vấn đề thuộc về chủ trương của Thủ tướng phủ mà Bộ Nội vụ giải thích thêm; còn vấn đề giải thích về vận dụng tiêu chuẩn thì khi Hội đồng xét duyệt chính thức cho Chánh Phó Giám đốc, Chánh Phó Văn phòng sẽ vận dụng cụ thể để giúp các Bộ rút kinh nghiệm; vấn đề chỉ đạo của các Bộ xuống địa phương thì Bộ Nội vụ và Bộ Lao động sẽ bàn bạc cụ thể với các Bộ thêm.

II. KẾ HOẠCH THI HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ

Cuộc hội nghị do Bộ Nội vụ triệu tập những ngày 18, 19, 20 tháng 12-1956 gồm đại biểu các Bộ, các cơ quan trực thuộc Thủ tướng phủ, các khu, các tỉnh trực thuộc đã nghiên cứu chỉ thị số 1179-TTg và về căn bản đã nhất trí với chủ trương của Thủ tướng phủ; những đề nghị cụ thể về vấn đề truy lĩnh đã được nghiên cứu và bổ sung thêm trong thông tư này. Vấn đề còn lại là làm sao thi hành chỉ thị của Thủ tướng phủ cho đạt được yêu cầu đã định.

Thực hiện chỉ thị ấy sẽ gặp nhiều khó khăn:

- Cán bộ, nhân viên đã có nguyện vọng là muốn sắp xếp cấp bậc được hợp lý, công bằng, muốn được truy lĩnh từ 1-7-1955, nhưng hiện nay diện điều chỉnh thu hẹp, thời gian truy lĩnh rút ngắn như thế anh chị em không khỏi thắc mắc.

- Trong tình thế khó khăn chung hiện nay, tư tưởng của một số cán bộ, nhân viên có nhiều diễn biến phức tạp lại gặp vấn đề giải quyết sắp xếp cấp bậc như chủ trương hiện nay có thể có những diễn biến mới trở ngại cho việc lãnh đạo.

Vì thế cho nên trong toàn bộ kế hoạch tiến hành ở mỗi cấp, mỗi ngành, vấn đề lãnh đạo tư tưởng là hết sức trọng yếu. Cần nói rõ cho mỗi cán bộ nhân viên biết nền tài chính quốc gia hiện đang gặp khó khăn, các thang lương hiện nay chưa phải đã hợp lý, việc quản lý cán bộ nhân viên chưa phải đã chặt chẽ để định bậc thỏa đáng cho mỗi người, dù diện điều chỉnh có mở rộng nữa vẫn chưa phải đã làm được việc ấy. Chỉ trên cơ sở làm cho cán bộ nhân viên thấu suốt được tình hình thực tế ấy mới làm cho anh chị em nhất trí với yêu cầu điều chỉnh và thời gian truy lĩnh mà Thủ tướng phủ đã chủ trương.

Sau đây là những việc cụ thể cần tiến hành:

1) Sau Hội nghị của Bộ Nội vụ triệu tập những ngày 18, 19, 20-12-1956 chúng tôi đề nghị các Bộ, các khu, các tỉnh trực thuộc triệu tập Hội nghị cán bộ phụ trách các ngành để nghiên cứu chỉ thị của Thủ tướng phủ, sau đó mới đặt kế hoạch phổ biến chỉ thị ấy kết hợp với sự giải thích của thông tư này cho tất cả cán bộ, nhân viên của cấp mình, ngành mình. Mục đích của các cuộc Hội nghị trên nhằm làm cho toàn thể cán bộ, nhân viên thấu rõ tình hình để nhất trí với chủ trương của Thủ tướng phủ.

2) Chuẩn bị ngay việc xét duyệt chính thức cấp bậc cho Chánh Phó Giám đốc Tổng cục, Nha, Sở, Vụ, Viện, Cục, Tổng công ty, Chánh Phó Văn phòng, các cán bộ được xếp từ bậc 7 trở lên thang lương 17 bậc, bậc 5 trở lên thang lương 11 bậc, Trưởng Phó phòng ở trung ương, Chánh Phó Giám đốc các ngành ở địa phương.

- Ở trung ương, Bộ Nội vụ sẽ trực tiếp bàn bạc cụ thể với các Bộ.

- Ở địa phương, các Uỷ ban Hành chính khu, liên khu, thành phố, tỉnh cần báo cáo ngay về các Bộ sở quan đề nghị cấp bậc chính thức của Chánh Phó Giám đốc khu theo yêu cầu mà Bộ Nội vụ đã trực tiếp bàn bạc với đại biểu các khu, tỉnh trong cuộc hội ý chiều ngày 20-12-1956.

3) Uốn nắn lại sự chỉ đạo của các Bộ xuống địa phương về việc điều chỉnh vừa qua: Các Bộ trước đây đã có thông tư cho các địa phương về việc điều chỉnh cần nghiên cứu lại theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng phủ để kịp thời hướng dẫn lại; về vấn đề này Bộ Nội vụ, Bộ Lao động sẽ tranh thủ bàn bạc ngay với các Bộ liên quan để thống nhất ý kiến trước khi các Bộ ra văn bản.

Trong khi chờ đợi, các địa phương vẫn tiến hành Hội nghị phổ biến chỉ thị của Thủ tướng phủ và thông tư này vì việc điều chỉnh cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật, chuyên môn vẫn nằm trong chủ trương chung của Thủ tướng phủ mà thôi.

Việc điều chỉnh để hoàn thành công tác sắp xếp cấp bậc theo chỉ thị của Thủ tướng phủ sẽ gặp nhiều khó khăn; vấn đề mấu chốt để khắc phục những khó khăn là công tác tư tưởng. Chúng tôi đề nghị các Bộ, các cơ quan trực thuộc trung ương, các Uỷ ban Hành chính khu, liên khu, thành phố, tỉnh trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ công đoàn để tiến hành công tác tư tưởng được tốt.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Phạm Văn Bạch

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 43-TT-NV

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu43-TT-NV
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/12/1956
Ngày hiệu lực12/01/1957
Ngày công báo11/01/1957
Số công báoSố 1
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 43-TT-NV

Lược đồ Thông tư 43-TT-NV điều chỉnh hoàn thành xếp lương cán bộ nhân viên cơ quan thi hành chỉ thị 1179-TTg


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông tư 43-TT-NV điều chỉnh hoàn thành xếp lương cán bộ nhân viên cơ quan thi hành chỉ thị 1179-TTg
                Loại văn bảnThông tư
                Số hiệu43-TT-NV
                Cơ quan ban hànhBộ Nội vụ
                Người kýPhạm Văn Bạch
                Ngày ban hành28/12/1956
                Ngày hiệu lực12/01/1957
                Ngày công báo11/01/1957
                Số công báoSố 1
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Thông tư 43-TT-NV điều chỉnh hoàn thành xếp lương cán bộ nhân viên cơ quan thi hành chỉ thị 1179-TTg

                            Lịch sử hiệu lực Thông tư 43-TT-NV điều chỉnh hoàn thành xếp lương cán bộ nhân viên cơ quan thi hành chỉ thị 1179-TTg

                            • 28/12/1956

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 11/01/1957

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 12/01/1957

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực