Nội dung toàn văn Thông tư 518-NT kiểm tra phẩm chất hàng hóa đo lường ngành nội thương
BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 518-NT | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1964 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC KIỂM TRA PHẨM CHẤT HÀNG HÓA VÀ ĐO LƯỜNG TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Kính gửi: | - Các ông cục trưởng các cục nghiệp vụ, - cục trưởng cục quản lý hợp tác xã mua bán, |
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường của ngành nội thương do Hội đồng Chính phủ đã quy định trong Nghị định 80-CP ngày 16-7-1962 đảm bảo hàng hóa có phẩm chất tốt đến tay người tiêu dùng, hạn chế tổn thất tài sản của Nhà nước, trong khi chờ đợi Nhà nước quy định những tiêu chuẩn phẩm chất và chế độ kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường, Bộ chủ trương cho thi hành một số biện pháp để tăng cường ngay trước mắt công tác kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường trong nội bộ ngành nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ cho cán bộ bảo quản, mặt khác nhằm cải tiến công tác kiểm nghiệm trong khâu thu hóa, kiểm hóa.
I. TỔ CHỨC KIỂM TRA PHẨM CHẤT
Công tác kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường là trách nhiệm của các Cục kinh doanh và các Công ty nắm giữ hàng hóa, tài sản của Nhà nước.
Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường cũng như bộ phận kiểm tra phẩm chất và đo lường của các Sở, Ty Thương nghiệp, có nhiệm vụ giúp Bộ và Sở, Ty chỉ đạo công tác kiểm tra phẩm chất của các Cục kinh doanh và các Công ty. Ngoài ra cũng trực tiếp làm những đợt kiểm tra đột xuất theo kế hoạch công tác đã định.
Cán bộ kiểm tra phẩm chất ở các Cục và Công ty do đồng chí Cục trưởng và Chủ nhiệm Công ty chỉ định.
Cán bộ kiểm tra phẩm chất ở Cục Kiểm tra phẩm chất và các Sở, Ty do đồng chí Cục trưởng và Giám đốc Sở, Trưởng ty chỉ định.
Mỗi lần đi kiểm tra, các cán bộ nói trên phải có giấy uỷ nhiệm của Cục, của Sở, Ty hoặc Công ty sở quan cấp.
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
Căn cứ vào mục đích yêu cầu của đợt kiểm tra, nội dung cụ thể của công tác kiểm tra phẩm chất là:
a) Kiểm tra, kiểm nghiệm hàng hoá:
- Về quy cách phẩm chất;
- Về số lượng và trọng lượng;
- Về bao bì và ký hiệu ghi trên bao bì.
Việc kiểm tra có thể chỉ nhằm một trong những điểm trên đây, trừ trường hợp kiểm tra lại thì phải theo đúng thể lệ kiệm nghiệm hàng hóa.
b) Kiểm tra các loại giấy tờ, sổ sách có liên quan trực tiếp đến việc nghiên cứu, xác định phẩm chất hàng hóa bị kiểm tra như:
- Hợp đồng kinh tế cụ thể;
- Các văn bản quy định về điều kiện kỹ thuật của Bộ sản xuất hoặc liên Bộ Nội thương – Công nghiệp và một Bộ khác;
- Phiếu gửi hàng;
- Giấy xuất xưởng hoặc giấy chứng nhận phẩm chất v.v…
- Giấy hướng dẫn cách sử dụng bảo quản.
c) Kiểm tra tình hình kho tàng nói chung:
- Ôn ẩm độ trong kho;
- Tình trạng kho;
- Cách sắp xếp hàng hóa bảo quản trong kho;
- Những trang thiết bị hiện có và sẽ có xét thấy liên quan đến phẩm chất hàng hóa (thước đo độ ẩm, nhiệt kế, cân, thước, ca, lít v.v…).
d) Kiểm tra việc thực hiện các chế độ thể lệ đã ban hành có liên quan đến phẩm chất hàng hóa như:
- Chế độ, thể lệ về giao nhận, bảo quản;
- Thể lệ kiểm nghiệm phẩm chất hàng hóa;
- Thể lệ lấy mẫu và giữ mẫu;
- Nội quy vệ sinh trong sản xuất chế biến và trong việc bảo quản hàng hóa;
- Thể lệ về đo lường v.v…
e) Kiểm tra thái độ cân, đong, đo của mậu dịch viên bán hàng:
- Cách sử dụng và bảo quản các dụng cụ đo lường;
- Thái độ cân, đong, đo, từ việc giữ thăng bằng mặt cân trước khi cân đến việc đặt quả cân hay hàng định cân lên đĩa cân;
- Kiểm định các loại dụng cụ cân, đong, đo…
III. QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ
1. Đối với cán bộ kiểm tra.
a) Nhiệm vụ:
- Phải thực hiện đúng yêu cầu kiểm tra của cấp trên, phải thi hành đúng đắn các thủ tục đã quy định, nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà đi đến kết luận sai thì phải chịu kỷ luật theo quy chế chung của Nhà nước.
- Kiểm tra xong phải lập biên bản kiểm tra tại chỗ, khi về phải viết báo cáo và có đề nghị biện pháp xử lý.
b) Quyền hạn:
- Theo giấy ủy nhiệm, được ra vào kho, cửa hàng để tiến hành kiểm tra phẩm chất những lô hàng, kiện hàng, mặt hàng ghi trong giấy ủy nhiệm.
- Được yêu cầu kho hàng, cửa hàng báo cáo tình hình nguyên nhân gây nên hư hỏng kém phẩm chất và nghiên cứu tìm hiểu những giấy tờ sổ sách có liên quan đến việc kiểm tra phẩm chất những lô hàng, kiện hàng, mặt hàng ghi trong giấy uỷ nhiệm.
- Được yêu cầu kho, cửa hàng cho mở những kiện hàng mình chỉ định và tiến hành kiểm nghiệm.
- Được lấy mẫu hàng và sử dụng mẫu hàng vào việc kiểm nghiệm cảm quan ngay tại chỗ hoặc đưa về phòng hoá nghiệm.
- Được trình bày những kiến nghị của mình với cơ quan được kiểm tra để xử lý những hàng hóa, nếu xét thấy thật sự hư hỏng, kém phẩm chất.
2. Đối với cơ quan được kiểm tra
Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cán bộ kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ, không viện lý do này, lý do khác để trì hoãn việc kiểm tra cụ thể là:
- Phải báo cáo tình hình kho tàng, tình hình phẩm chất những lô hàng, kiện hàng, hay mặt hàng ghi trong giấy ủy nhiệm với cán bộ kiểm tra.
- Phải trình bày cụ thể những giấy tờ, sổ sách và giúp cán bộ kiểm tra phát hiện vấn đề được nhanh chóng, chính xác.
- Phải bố trí một số anh chị em công nhân thường trực để mở đóng, khuân vác, xếp dỡ các kiện hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ kiểm tra.
- Phải cung cấp đầy đủ mẫu hàng về số lượng cũng như về trọng lượng cần thiết theo yêu cầu của cán bộ kiểm tra.
- Các đồng chí phụ trách đơn vị được kiểm tra phải trực tiếp làm việc với cán bộ kiểm tra, nếu thật sự bận việc khác thì có thể ủy nhiệm cho cán bộ dưới một cấp đi làm, nhưng khi kiểm tra kết thúc thì đồng chí phụ trách phải bố trí công việc để trực tiếp nghe cán bộ kiểm tra báo cáo, sau đó cùng ký vào biên bản kiểm tra.
- Những kiến nghị của cán bộ kiểm tra, những biện pháp xử lý của Bộ, của Cục, của Sở, Ty và Công ty phải được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.
IV. XỬ LÝ
1. Đối với hàng hoá: Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có những lô hàng, kiện hàng hay mặt hàng hư hỏng, kém phẩm chất phải tạm thời đình chỉ không cho phép bán thì cán bộ kiểm tra trình bày kiến nghị của mình với đồng chí phụ trách đơn vị được kiểm tra thi hành.
Trường hợp đơn vị được kiểm tra không nhất trí với kiến nghị nói trên của cán bộ kiểm tra thì cả hai bên (đơn vị được kiểm tra và cán bộ kiểm tra) phải báo cáo gấp lên cấp trên của mình để đề nghị giải quyết.
Trong khi chờ đợi ý kiến giải quyết của cấp trên, kiến nghị của cán bộ kiểm tra vẫn phải được tôn trọng thi hành.
2. Đối với dụng cụ đo lường – Tương tự như đối với hàng hóa, nếu phát hiện có những dụng cụ đo lường (cân, thước, ca, lít, v.v…) sai lệch quá tỷ lệ dung sai cho phép (có bảng quy định riêng) phải tạm thời đình chỉ việc sử dụng thì cán bộ kiểm tra trình bày kiến nghị của mình với đồng chí phụ trách đơn vị được kiểm tra thi hành.
Trường hợp đơn vị được kiểm tra không nhất trí thì cách giải quyết như trên áp dụng đối với hàng hóa.
3. Đối với đơn vị được kiểm tra - Nếu phát hiện hàng hóa hư hỏng, kém phẩm chất là do đơn vị quản lý hàng hóa thiếu tinh thần trách nhiệm, không thi hành đúng các thể lệ, chế độ, nội quy v.v… gây nên thì có thể góp ý kiến ghi vào biên bản và kiến nghị những biện pháp giải quyết cụ thể.
Bộ yêu cầu các Cục kinh doanh, Sở, Ty, các Công ty cấp I và cấp II nghiên cứu và thi hành khẩn trương nghiêm chỉnh.
Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc giúp đỡ các Cục, Sở, Ty và Công ty thi hành.
| K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |