Nội dung toàn văn Thông tư 58-TC/HCSN hướng dẫn tạm thời phương thức thu nộp bảo hiểm xã hội
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58-TC/HCSN | Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 1995 |
THÔNG TƯ
SỐ 58-TC/HCSN NGÀY 24-7-1995 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN TẠM THỜI PHƯƠNG THỨC THU NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 12-CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 19-CP ngày 16-2-1995 của Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong khi chờ Chính phủ ban hành quy chế thu, chi tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sau khi có ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 115-BHXHVN ngày 4-7-1995; Bộ Tài chính hướng dẫn tạm thời thu, nộp bảo hiểm xã hội như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG THU BẢO HIỂM XÃ HỘI
Đối tượng thu bảo hiểm xã hội là người sử dụng lao động và người lao động (kể cả người lao động được cử đi học, đi thực tập, điều dưỡng công tác ở trong, ngoài nước vẫn thuộc danh sách trả lương hoặc tiền công của cơ quan và đơn vị) làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau đây:
1. Các doanh nghiệp Nhà nước.
2. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
3. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp.
4. Các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang.
5. Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể.
6. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
7. Các đơn vị sự nghiệp gắn thu bù chi, đơn vị sự nghiệp hưởng nguồn thu bằng viện trợ nước ngoài (kể cả viện trợ của tổ chức phi Chính phủ) để trả lương cho công nhân viên chức trong đơn vị.
8. Các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, hội quần chúng, dân cử từ Trung ương đến cấp huyện.
9. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Ban Cơ yếu Chính phủ.
II- MỨC THU VÀ NGUỒN KINH PHÍ ĐỂ TRÍCH NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Mức thu bảo hiểm xã hội: Mức thu bảo hiểm xã hội là 20% tổng quỹ tiền lương hàng tháng, trong đó:
- Cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của những người tham gia quỹ Bảo hiểm xã hội.
- Người lao động đóng bằng 5% tiền lương hàng tháng.
2- Quỹ tiền lương hàng tháng làm căn cứ trích nộp bảo hiểm xã hội.
a) Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, tổ chức Đảng, đoàn thể, hội quần chúng, dân cử và lực lượng vũ trang:
Quỹ tiền lương hàng tháng làm căn cứ trích nộp bảo hiểm xã hội gồm: Tiền lương chính theo ngạch, bậc, theo cấp hàm, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, khu vực, đắt đỏ, thâm niên, phụ cấp chức vụ dân cử, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định tại Nghị quyết số 35-NQ/UBTVQHK9 ngày 17-5-1993 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 9, Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 17-5-1993 của Ban Bí thư; Nghị định số 25-CP ngày 17-5-1993 của Chính phủ; Quyết định số 574-TTg ngày 25-11-1993 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 5-CP ngày 26-1-1994 của Chính phủ.
b) Khu vực sản xuất kinh doanh:
Đối với các doanh nghiệp quy định tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 phần I Thông tư này, tổng quỹ tiền lương làm căn cứ trích nộp bảo hiểm xã hội là tổng số tiền lương hàng tháng của những người tham gia bảo hiểm xã hội gồm: Tiền lương cấp bậc, chức vụ, hợp đồng, hệ số chênh lệch bảo lưu và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ (nếu có)... theo đúng Nghị định số 26-CP ngày 23-5-1993 và Nghị định số 5-CP ngày 26-1-1994 của Chính phủ.
Các doanh nghiệp nếu đã ký kết hợp đồng lao động thì trích nộp bảo hiểm xã hội tính trên tổng quỹ tiền lương theo hợp đồng đã ký kết.
c) Đối với đơn vị nêu tại điểm 6, 7 phần I Thông tư này thì tổng quỹ tiền lương để làm căn cứ trích nộp bảo hiểm xã hội là quy lương hợp đồng.
3. Nguồn trích nộp và hạch toán kế toán.
a) Khoản đóng bảo hiểm xã hội bằng 15% quỹ tiền lương thuộc trách nhiệm đóng góp của cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động:
- Đối với đơn vị hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước tính trong dự toán kinh phí hàng quý, năm và hạch toán vào mục 68 - chi bảo hiểm xã hội theo chương, loại, khoản, hạng tương ứng.
- Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh - dịch vụ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh - dịch vụ và hạch toán vào mục "trích Bảo hiểm xã hội".
- Đối với các đơn vị gắn thu bù chi, đơn vị hưởng nguồn viện trợ của nước ngoài thì trích từ nguồn thu, nguồn viện trợ để nộp Bảo hiểm xã hội và hạch toán vào chi phí quản lý.
b) 5% tiền lương đóng Bảo hiểm của người lao động.
Cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động trích từ tiền lương hàng tháng của từng người, nộp vào quỹ Bảo hiểm xã hội cùng một lúc với 15% đóng góp của cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động.
III- PHƯƠNG THỨC THU NỘP
1. Về nguyên tắc việc thu bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu và ghi vào sổ Bảo hiểm xã hội về mức thu của từng người lao động. Trong khi chưa có sổ Bảo hiểm xã hội phát cho từng người, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xác nhận danh sách đã nộp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho từng đơn vị.
2. Trước mắt, tiền thu bảo hiểm xã hội được nộp vào tài khoản 942 "thu Bảo hiểm xã hội" mở tại hệ thống Kho bạc Nhà nước do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm chủ tài khoản. Khi lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội ngoài quốc doanh phát triển thì việc mở tài khoản "thu Bảo hiểm xã hội" tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại Ngân hàng chuyên doanh thuộc Ngân hàng Nhà nước do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định sau khi có ý kiến của Hội đồng quản lý.
3- Phương thức thu nộp:
a) Hàng quý, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động căn cứ vào kế hoạch quỹ tiền lương để đăng ký mức nộp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (đối với lực lượng vũ trang và cơ quan, đơn vị quản lý theo ngành dọc).
b) Hàng tháng (chậm nhất là ngày cuối tháng), đồng thời với việc trả lương, đơn vị sử dụng lao động trích nộp 20% tổng quỹ tiền lương, trong đó 15% tổng quỹ tiền lương do người sử dụng lao động đóng góp và 5% tiền lương của người lao động.
c) Cuối mỗi quý, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội đối chiếu danh sách trả lương và quỹ tiền lương, lập bảng xác nhận số nộp bảo hiểm xã hội. Nếu có chênh lệch giữa số đã nộp và số phải nộp sẽ phải nộp tiếp trong quỹ sau (nếu có chênh lệch thiếu) hoặc coi như nộp trước cho quý sau (nếu chênh lệch thừa) và được quyết toán trong năm.
d) Trường hợp chậm nộp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì số tiền nộp chậm sẽ bị phạt theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn của Ngân hàng tại thời điểm truy nộp.
e) Cơ quan, đơn vị và người lao động cố tình không nộp Bảo hiểm xã hội thì các cơ quan Bảo hiểm xã hội thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quyền từ chối việc chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, đồng thời có văn bản thông báo cho các cơ quan pháp luật.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1995. Những quy định trước đây về thu nộp bảo hiểm xã hội trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Việc truy thu bảo hiểm xã hội năm 1994 và 6 tháng đầu năm 1995 vẫn do cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chịu trách nhiệm tiếp tục truy thu và nộp vào tài khoản của Ngân sách Trung ương như quy định tại Công văn số 3478-TC/HCVX ngày 27-12-1994 của Bộ Tài chính.
3. Khoản lệ phí thu Bảo hiểm xã hội, trước mắt vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có gì vướng mắc đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét hướng dẫn bổ sung cho phù hợp.
| Tào Hữu Phùng (Đã Ký) |