Thông tư 6-LĐ/TT bổ sung thay đổi quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá đã được thay thế bởi Quyết định 103-QĐ/LB quy phạm an toàn trong khai thác lộ thiên,chế biến đá và được áp dụng kể từ ngày 01/01/1982.
Nội dung toàn văn Thông tư 6-LĐ/TT bổ sung thay đổi quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 6-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1974 |
THÔNG TƯ
BỔ SUNG VÀ THAY ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY PHẠM KỸ THUẬT AN TOÀN KHAI THÁC ĐÁ
Ngày 14-7-1964 Bộ Lao động đã ban hành quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá kèm theo thông tư số 12-LĐ/TT, nhưnjg do việc thi hành quy phạm chưa được nghiêm chỉnh nên tai nạn lao động xảy ra ở các công trường, xí nghiệp khai thác đá đến nay còn rất nghiêm trọng.
Theo thống kê phân tích các vụ tai nạn lao động chết người đã xảy ra, thì hầu hết nguyên nhân đều do vi phạm các điều khoản quan trọng trong quy phạm như:
- Không tạo tầng để khai thác, còn để công nhân làm việc cheo leo trên sườn núi bị trượt chân ngã từ trên cao xuống..., trong đó có những trường hợp do không mang dây an toàn khi làm việc, nhưng cũng có những trường hợp không thể mang dây an toàn được như khi đi lại, khi di chuyển chỗ làm việc phải mang theo cả búa khoan… hoặc có những trường hợp có mang dây an toàn nhưng dây bị đá rơi cưa đứt, v.v…
- Bố trí người làm việc ở trên núi và ở chân núi cùng một lúc, trong cùng một tuyến, làm cho đá trên núi lăn xuống trúng và gây tai nạn cho người làm việc bên dưới;
- Đường lên xuống núi không bảo đảm an toàn cũng đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho công nhân…;
- Ngoài ra nơi làm việc của công nhân nghiền, khoan đá... hàm lượng bụi còn rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe công nhân mà nhiều nơi cũng không có biện pháp phòng chống.
Tình hình trên đây đã được kiểm điểm trong các cuộc hội nghị kiểm điểm việc thi hành quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá do Bộ Lao động phối hợp với Bộ Xây dựng triệu tập vào tháng 12-1972 và tháng 4-1973. Hội nghị đã nhất trí về những biện pháp cụ thể mà những nơi làm tốt đã áp dụng để thực hiện quy phạm; các biện pháp đó đã tác dụng ngăn chặn tai nạn lao động và nâng cao năng suất lao động.
Trước nhu cầu về đá của các ngành ngày càng lớn, việc khai thác đá trong những năm tới sẽ phát triển mạnh và số công nhân khai thác đá cũng sẽ tăng lên nhiều. Vì vậy các xí nghiệp, công trường khai thác đá phải thực hiện nghiêm chỉnh quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá đã ban hành kèm theo thông tư số 12-LĐ/TT ngày 14-7-1964.
Nay căn cứ vào tình hình tồn tại và kinh nghiệm thực tế của những xí nghiệp đã thực hiện quy phạm có kết quả; căn cứ vào nghị định số 187-CP ngày 20-12-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Lao động, nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964 ban hành Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động, nghị định số 194-CP ngày 31-12-1964 ban hành Điều lệ về giữ gìn vệ sinh bảo vệ sức khỏe, và nghị định số 172-CP ngày 1-11-1973 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản quy định về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế; để bảo đảm hơn nữa việc ngăn chặn tai nạn lao động và bảo vệ sức khỏe của công nhân và cán bộ ngành khai thác, chế biến đá, tiến tới có một đội ngũ lao động làm đá yên tâm công tác, lành nghề và để góp phần nâng cao năng suất lao động; sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Y tế, Tổng công đoàn Việt Nam và các ngành có liên quan, Bộ Lao động sửa nội dung và bổ sung một số điểm trong quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá như sau:
Điều 14 mới (thay thế điều 14 trong Quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá):
Khai thác đá ở trên núi cao (hoặc xuống sâu) phải tạo tầng để lấy chỗ cho công nhân đứng làm việc được an toàn. Kích thước của tầng lớn nhỏ tùy theo điều kiện thực tế và thiết bị được sử dụng để khai thác.
Nếu khai thác bằng búa khoan hơi ép cầm tay và không dùng phương tiện vận chuyển trên mặt tầng thì mặt tầng cũng phải rộng từ 3 mét trở lên. Chiều cao trung bình của tầng 8 mét lớn nhất không quá 16 mét, nhưng giữa 2 mặt tầng khai thác phải để lại các mặt tầng an toàn, chiều cao lớn nhất của mặt tầng an toàn là 4 mét rộng 1 mét. Độ dốc mặt tầng có thể tới 20o, độ dốc lớn nhất của sườn tầng là 80o.
Nếu khai thác bằng cơ giới toàn bộ (khoan bắn, xúc bốc, vận chuyển)… thì kích thước của tầng sẽ lớn hơn, nhưng phải có thiết kế đã được Bộ chủ quản (thuộc trung ương) hoặc Ty chủ quản (thuộc địa phương) duyệt.
Riêng các đội khai thác đá lưu động, thời gian khai thác ở một địa điểm không quá 1 năm, và các hợp tác xã khai thác thủ công không dùng búa khoan hơi ép, có thể khai thác không tạo tầng, nhưng phải được cơ quan lao động địa phương đồng ý bằng văn bản chính thức; và ở những nơi này cũng phải tạo chỗ đứng cho công nhân đục lỗ khoan, bắn mìn, cậy gỗ được an toàn.
Từ nay cấm khai thác đá tự do, tùy tiện để công nhân khoan bắn, cậy gỗ, treo mình trên sườn núi dốc.
Các công trường, xí nghiệp, hợp tác xã thuộc diện thi hành điều này phải có kế hoạch, thực hiện cụ thể từ nay đến cuối năm 1974 phải đi vào khai thác đá có tầng.
Điều 15 mới (thay thế điều 15 trong Quy phạm kỹ thuật an toàn khai thác đá):
Công nhân làm việc trên núi phải đứng hàng một (theo chiều dài của mặt tầng. Không được bố trí người làm tầng trên, người làm tầng dưới trong phạm vi 10 mét trong chiều nằm ngang hoặc làm việc ở chỗ nguy hiểm đó, đá ở chỗ đứng hoặc phía trên có thể sụt lở
Không được bố trí người làm việc trên núi và người làm việc ở chân núi cùng một lúc trong cùng một tuyến khai thác, phải tổ chức sản xuất trên núi và dưới núi, thay đổi địa điểm theo chu kỳ, sao cho khi trên núi có người làm việc hoặc di chuyển búa khoan... thì bên dưới không có người làm việc.
Hàng ngày chỉ huy công trường hoặc giám đốc... phải ấn định địa điểm làm việc cho từng tổ đội, và phải ghi vào sổ giao việc.
Điều này phải được thực hiện ngay ở tất cả các xí nghiệp, công trường, hợp tác xã khai thác đá chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, làm lâu dài hoặc tạm thời.
Điều 10 mới (thay thế điều 18 trong Quy phạm): Công trường, xí nghiệp, hợp tác xã khai thác đá ở trên núi phải làm đường cho công nhân lên xuống núi được an toàn.
Độ dốc của đường không được quá 60o; mỗi bậc rộng trên 0,25m, dài 0,50m và không được cao quá 0,25m. Nếu đường đi khó khăn nguy hiểm hoặc có độ dốc trên 30o phải có tay vịn chắc chắn, công nhân lên xuống núi phải theo đúng đường quy định.
Những công trường chỉ khai thác một thời gian ngắn, không quá 1 năm cũng phải làm đường lên xuống có thể không đúng kích thước như trên, và ở những chỗ nguy hiểm cũng phải có tay vịn. Những công trường này trước khi đi vào khai thác phải có cơ quan lao động địa phương đồng ý bằng văn bản chính thức.
Điều này phải có kế hoạch thực hiện ngay.
Chương VI mới (bổ sung)
BIỆN PHÁP CHỐNG BỤI ĐÁ
Điều 108 mới: các xí nghiệp công trường khai thác và chế biến đá phải có biện pháp chống bụi cho công nhân làm việc ở máy nghiền sàng và khoan đá bằng cách dùng máy hút bụi hoặc phun nước làm lắng bụi.
Các xí nghiệp, công trường trong khi chuẩn bị áp dụng các biện pháp nói trên, và những đơn vị nhỏ kể cả hợp tác xã có thể áp dụng các biện pháp chống bụi đơn giản như dùng thùng nước nhỏ giọt làm ẩm đá, che chắn nơi phát sinh ra nhiều bụi, che phía gió thổi không để bụi bay tung ra, đồng thời phải bố trí công nhân làm việc theo chiều gió…
Cấm bố trí công nhân làm việc nơi có bụi đá mà không có biện pháp chống bụi.
Điều 109 mới: Tất cả công nhân và xã viên hợp tác xã phải mang khẩu trang mới được vào những nơi có nhiều bụi.
Điều 110 mới: - Hàng năm các xí nghiệp, công trường, hợp tác xã phải tổ chức khám sức khỏe cho công nhân và xã viên làm việc ở những nơi có bụi đá và chiếu chụp phổi để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nhân
Chương VI cũ nay đổi là chương VII
Phạm vi và trách nhiệm thi hành.
Điều 111 mới (thay thế điều 108 cũ):
Bản quy phạm này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, công trường có khai thác và chế biến đá thuộc khu vực quốc doanh và các hợp tác xã khai thác đá.
Điều 109 và điều 110 cũ nay đổi thành điều 112 và điều 113, nội dung không thay đổi.
Bộ Lao động yêu cầu các ông giám đốc các xí nghiệp khai thác đá, các công trường xí nghiệp khác có khai thác và chế biến đá, các hợp tác xã chuyên nghiệp khai thác đá phải có kế hoạch thực hiện đúng quy định bổ sung và thời hạn trên đây. Nếu quá thời hạn mà các biện pháp an toàn và vệ sinh này không được thực hiện thì thủ trưởng các đơn vị nói trên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và cán bộ thanh tra kỹ thuật an toàn có trách nhiệm yêu cầu đình chỉ sản xuất để thực hiện các biện pháp an toàn và vệ sinh rồi mới tiếp tục sản xuất.
Bộ Lao động yêu cầu các Bộ, các ngành quản lý sản xuất, Ủy ban hành chính các địa phương đôn đốc, tạo điều kiện cho các xí nghiệp trực thuộc thực hiện đúng những điều quy định bổ sung trên đây.
Các Sở, Ty lao động phải phối hợp với các Sở, Ty y tế và tổ chức công đoàn tăng cường thanh tra, đôn đốc các xí nghiệp, công trường hợp tác xã thực hiện những điều quy định bổ sung trên đây, nhằm ra sức ngăn chặn tai nạn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong ngành khai thác và chế biến đá một cách có hiệu quả.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |