Thông tư 65/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chi cho các cuộc điều tra thống kê thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được thay thế bởi Thông tư 120/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí thực hiện điều tra nguồn vốn sự nghiệp NSNN và được áp dụng kể từ ngày 16/11/2007.
Nội dung toàn văn Thông tư 65/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chi cho các cuộc điều tra thống kê thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2003/TT-BTC | Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2003 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 65/2003/TT-BTC NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ KINH PHÍ CHI CHO CÁC CUỘC ĐIỀU TRA THỐNG KÊ THUỘC NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí điều tra thống kê từ ngân sách Nhà nước đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các cuộc điều tra thống kê (thường xuyên, không thường xuyên, thí điểm và phúc tra) trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của Tổng cục Thống kê. Căn cứ vào khả năng ngân sách và yêu cầu công việc, Tổng cục Thống kê quy định cụ thể phạm vi, quy mô của mỗi cuộc điều tra.
2. Kinh phí chi cho các cuộc điều tra Thống kê thuộc nguồn ngân sách Nhà nước được quản lý theo Luật ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và những quy định cụ thể tại Thông tư này.
3. Kinh phí cho các cuộc Tổng điều tra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hướng dẫn theo Thông tư riêng.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nội dung chi:
1.1. Chi xây dựng phương án, thiết kế mẫu, xây dựng biểu mẫu điều tra, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ (chỉ áp dụng đối với các cuộc điều điều tra không thường xuyên).
1.2. Chi tập huấn nghiệp vụ điều tra (chỉ áp dụng đối với các cuộc điều điều tra không thường xuyên).
1.3. Chi in ấn, vận chuyển tài liệu, mẫu biểu điều tra.
1.4. Chi phí nghiệp vụ điều tra cho từng cuộc điều tra.
1.5. Chi công tác phí xăng xe của ban chỉ đạo và giám sát viên.
1.6. Chi trả công cho điều tra viên, kiểm tra, sửa chữa và làm sạch số liệu ban đầu.
1.7. Chi thù lao cho đối tượng cung cấp thông tin.
1.8. Chi thuê người dẫn đường, phiên dịch tiếng dân tộc (nếu có).
1.9. Chi cho công tác phúc tra, nghiệm thu, đánh giá kết quả điều tra.
1.10. Chi cho công tác kiểm tra, đánh mã, tổng hợp số liệu.
1.11. Chi cho công tác phân tích, tổng kết, in ấn và công bố kết quả.
1.12. Các khoản chi khác.
2. Một số mức chi cụ thể:
Mức chi cụ thể cho từng nội dung trên được thực hiện theo quy định hiện hành và trong phạm vi kinh phí được ngân sách Nhà nước giao; Thông tư này quy định thêm một số mức chi đặc thù, cụ thể như sau:
2.1. Chi xây dựng phương án điều tra: Tuỳ theo quy mô, tính chất, khối lượng các chỉ tiêu của cuộc điều tra được chi cho xây dựng phương án, biểu mẫu, hướng dẫn điều tra (từ tổng quát đến chi tiết được lãnh đạo Tổng cục ký duyệt) theo mức từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/phương án.
2.2. Hội thảo nghiệp vụ, lấy ý kiến chuyên gia về xây dựng phương án biểu mẫu, tối đa không quá 3 lần hội thảo cho một phương án điều tra, mức chi cho thành viên quy định như sau.
- Chủ trì phương án: 100 000 đồng/lần hội thảo.
- Thư ký phương án: 70 000 đồng/lần hội thảo.
- Người dự hội thảo có ý kiến tham gia 50 000 đồng/lần hội thảo .
Ngoài khoản chi cho từng thành viên trên, những người có báo cáo được ban chỉ đạo điều tra đánh giá tốt còn được trả thù lao mức chi cho một báo cáo là 100 000 đồng.
2.3. Chi trả công cho điều tra viên đi điều tra trực tiếp tại các cơ sở.
- Đối với điều tra viên thuê ngoài (đối tượng không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước) được thanh toán tiền công, mức 25 000 đồng/ngày công/người.
- Đối với cán bộ trong biên chế nhà nước áp dụng theo chế độ chi tiêu công tác phí hiện hành.
2.4. Chi cho đối tượng cung cấp thông tin (các hộ điều tra, các cơ quan đơn vị xã phường, các doanh nghiệp...) đã cung cấp thông tin cho cuộc điều tra: Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quy định đối tượng và mức chi cho từng cuộc điều tra, nhưng tối đa không quá 10 000 đồng cho một hộ điều tra và không quá 50 000 đồng cho một cơ quan, đơn vị, xã phường, doanh nghiệp điều tra...
2.5. Thuê người dẫn đường(nếu có), mức chi 15.000 đồng/ngày/người; Thuê người phiên dịch tiếng dân tộc (nếu có), mức chi 30.000 đồng/ngày/người .
III. QUẢN LÝ KINH PHÍ ĐIỀU TRA
1. Hàng năm, căn cứ vào nội dung các cuộc điều tra dự kiến triển khai trong năm, Tổng cục Thống kê lập dự toán chi tiết theo mục lục ngân sách hiện hành và nội dung chi theo Thông tư này, tổng hợp chung vào dự toán năm gửi Bộ Tài chính.
2. Trên cơ sở Quyết định giao dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê tiến hành giao dự toán kinh phí cho các cuộc điều tra cùng với giao dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn vị.
3. Hàng quý căn cứ tiến độ triển khai công tác điều tra, Tổng cục Thống kê lập dự toán chi cho hoạt động điều tra trong dự toán hàng quý gửi Bộ Tài chính làm căn cứ theo dõi cấp phát.
4. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát việc chi theo đúng nội dung và nhiệm vụ điều tra.
5. Cuối quý, cuối năm Tổng cục Thống kê phải lập báo cáo quyết toán kinh phí điều tra cùng với quyết toán hàng quý, năm của đơn vị theo đúng chế độ kế toán và quản lý tài chính hiện hành.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng trên công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
| Nguyễn Công Nghiệp (Đã ký) |