Nội dung toàn văn Thông tư 82/2016/TT-BTC sửa đổi 211/2013/TT-BTC xuất cấp giao nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu viện trợ
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2016/TT-BTC | Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2016 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 211/2013/TT-BTC NGÀY 30/12/2013 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH XUẤT CẤP, GIAO NHẬN, PHÂN PHỐI, SỬ DỤNG HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA XUẤT ĐỂ CỨU TRỢ, VIỆN TRỢ VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC XUẤT CẤP, GIAO NHẬN HÀNG ĐỂ CỨU TRỢ, VIỆN TRỢ
Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 ngày 20/11/2012;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ; viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, viện trợ,
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 211/2013/TT-BTC như sau:
1. Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 211/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Trong thời gian tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ của Thủ tướng Chính phủ hoặc người được ủy quyền; Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ phải ban hành quyết định phân bổ hàng dự trữ quốc gia và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ; đồng thời gửi quyết định này cho các đơn vị dự trữ quốc gia trực tiếp xuất và giao hàng để phối hợp thực hiện. Nội dung quyết định phải ghi rõ tên đơn vị, tổ chức tiếp nhận hàng, tên mặt hàng, số lượng hàng và thời gian nhận hàng”.
2. Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 211/2013/TT-BTC được sửa đổi như sau:
“1. Báo cáo tổng hợp kết quả xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ xuất, cấp, giao hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) để tổng hợp. Mẫu báo cáo theo biểu mẫu số 01/BC-THXC kèm theo Thông tư số 211/2013/TT-BTC.
2. Báo cáo tổng hợp kết quả phân phối sử dụng hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh phải tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia để phối hợp theo dõi quản lý. Mẫu báo cáo, theo biểu mẫu số 02/BC-TNPP kèm theo Thông tư này. Đối với hàng dự trữ quốc gia được cấp là các trang thiết bị, vật tư cứu hộ, cứu nạn, phương tiện, máy móc có thời gian sử dụng trên một năm và sử dụng nhiều lần được tổng hợp, báo cáo theo biểu mẫu số 03/BC-QLSD kèm theo Thông tư số 211/2013/TT-BTC”.
3. Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 211/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Trường hợp tại quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân bổ hàng dự trữ quốc gia và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ có quy định thời gian giao nhận hàng sau 60 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực mới nhận hàng; các đơn vị dự trữ quốc gia trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xuất cấp, giao hàng phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh để lựa chọn đơn vị vận chuyển và đơn vị cung cấp bao bì đóng gói theo quy định của Luật Đấu thầu”.
4. Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 211/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Đối với đơn vị nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ:
Căn cứ quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân bổ hàng dự trữ quốc gia và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, biên bản giao nhận hàng, hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia và các Hồ sơ có liên quan đến kết quả tiếp nhận, phân phối hàng để cứu trợ; cơ quan tài chính của đơn vị trực tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ thực hiện:
- Mở sổ theo dõi, hạch toán kế toán đầy đủ số lượng, giá trị hàng dự trữ quốc gia được nhận để cứu trợ theo quy định của chế độ kế toán hiện hành (không ghi tăng nguồn kinh phí). Đối với hàng dự trữ quốc gia tạm xuất sử dụng theo quy định tại Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 30/12/2013, các cơ quan, đơn vị nhận hàng phải mở sổ theo dõi, quản lý đến khi hàng được nhập lại kho dự trữ quốc gia.
- Hàng năm tổng hợp và báo cáo cơ quan quản lý tài chính cấp trên về tình hình thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia được nhận để cứu trợ cùng với báo cáo quyết toán năm.
c) Đối với Sở Tài chính địa phương được nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ:
Hàng năm căn cứ báo cáo của các đơn vị trực tiếp tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả tiếp nhận, sử dụng hàng dự trữ quốc gia được nhận trong năm để cứu trợ cùng với báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương (Báo cáo riêng về mặt hàng, số lượng và giá trị hàng dự trữ quốc gia đã nhận; đã thực hiện cấp cho đối tượng sử dụng; trong phần đánh giá, có Mục báo cáo đánh giá riêng)”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Bộ, ngành, UBND tỉnh: ... | Biểu số 02/BC-TNPP |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA XUẤT ĐỂ CỨU TRỢ
Kỳ báo cáo: ...
I. Kết quả tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ
Số TT | Quyết định của cấp có thẩm quyền (1) | Đơn vị tính | Mặt hàng A | Mặt hàng B | Ghi chú | ||||||
Theo QĐ của cấp có thẩm quyền (1) | Hàng thực tế tiếp nhận | Số thực tế đã cấp cho đối tượng sử dụng | |||||||||
Số | Ngày tháng năm | SL | GT | SL | GT | SL | GT | ||||
A | B | C | D | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | E |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
| …… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
| …… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng số |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Ghi chú:
(1) Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
II. Thuyết minh:
1. Đánh giá quá trình tổ chức, tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ
2. Đánh giá chung về đối tượng sử dụng, hiệu quả...
III. Kiến nghị:
| ……, ngày... tháng... năm... |