Nội dung toàn văn Thông tư 94-TTg điều kiện địa chủ tham gia bầu cử Quốc hội
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 94-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 1960 |
THÔNG TƯ
VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỊA CHỦ ĐƯỢC THAM GIA BẦU CỬ QUỐC HỘI
Thông tư số 057-TTg ngày 04 tháng 03 năm 1960 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chi tiết thi hành luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ họp tháng 10 năm 1956 về “chính sách đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất”, vào Sắc luật số 004-SLt ngày 20 tháng 07 năm 1957 (được Quốc hội phê chuẩn ngày 14 tháng 09 năm 1957) về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, Thủ tướng Chính phủ giải thích rõ theo điều kiện địa chủ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội như sau:
Nói chung, địa chủ chưa được thay đổi thành phần thì không có quyền bầu cử. Nhưng để mở cho họ con đường cải tạo, cần có chính sách phân biệt đối xử như sau:
1. Ở những vùng đã cải cách ruộng đất (bao gồm cả miền núi đã cải cách ruộng đất):
a) Địa chủ kháng chiến được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội như mọi người công dân.
Đối với địa chủ kháng chiến cũng như đối với địa chủ thường, việc họ được tham gia bầu cử không có nghĩa là họ đã được thay đổi thành phần. Việc xét cho địa chủ thay đổi thành phần vẫn phải theo những điều kiện và thủ tục mà Chính phủ đã quy định.
b) Địa chủ thường có thể được tham gia bầu, nếu được Ủy ban hành chính xã và Ban chấp hành Nông hội xã đề nghị và Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y. Việc xét cho địa chủ thường được tham gia bầu cử phải căn cứ vào thái độ lao động và thái độ chính trị của họ:
- Về thái độ lao động, bản thân địa chủ phải thật sự tham gia lao động chính trong sản xuất nông nghiệp, như cầy, bừa, gặt, làm cỏ, bỏ phân, tát nước.
Việc xét lao động của một địa chủ phải căn cứ theo mức lao động bình thường và có châm chước đối với những người già yếu, ốm đau, tàn tật, bận con mọn, mất sức lao động, v.v…
- Về thái độ chính trị, địa chủ phải thi hành đúng đắn các chính sách, tuân theo pháp luật của Nhà nước, tôn trọng các thể lệ ở địa phương, không gây chia rẽ trong nhân dân, không làm rối trật tự ở nông thôn.
Đối với những địa chủ thường có đủ điều kiện, theo như pháp luật quy định, để được thay đổi thành phần, nhưng vì lẽ này hay lẽ khác, chưa được đề nghị lên Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y cho thay đổi thành phần, thì riêng trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này, Ủy ban hành chính xã và Ban chấp hành Nông hội xã xét và quyết định việc cho họ được tham gia bầu cử. Gặp trường hợp chưa rõ ràng, thì Ủy ban hành chính xã báo cáo lên Ủy ban hành chính huyện quyết định. (Sở dĩ trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này, Ủy ban hành chính xã và Ban chấp hành Nông hội xã được quyền xét và quyết định như thế là vì từ nay đến 27 tháng 04 năm 1960 là ngày khóa sổ cử tri không còn bao lâu nữa, nếu giao quyền xét và quyết định đó cho cấp tỉnh như trước, thì công việc sẽ bị chậm trễ).
c) Địa chủ cường hào gian ác thì phải theo nguyên tắc là: nếu chưa được thay đổi thành phần thì không có quyền bầu cử. Những địa chủ cường hào gian ác bị tước công quyền sau khi được thay đổi thành phần, còn phải được Tòa án quyết định cho khôi phục công quyền, mới được tham gia bầu cử.
2. Ở miền núi (không kể những xã miền núi đã cải cách ruộng đất):
Cần phân biệt mấy vùng khác nhau sau đây:
a) Ở những vùng đã và đang tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, những địa chủ nào đã được tuyên bố thay đổi thành phần thì được bầu cử Quốc hội. Những địa chủ thường đã có đủ các điều kiện về bỏ bóc lột, tham gia lao động chính và thi hành đúng đắn các chính sách, tuân theo pháp luật, dù chưa đũ thời hạn 5 năm liền để thay đổi thành phần, nhưng nếu được Ủy ban hành chính xã và Ban chấp hành Nông hội xã xét và đề nghị, và được Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y, những địa chủ kháng chiến, những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng mà là địa chủ, đều được tham gia bầu cử Quốc hội.
b) Ở những vùng đã qua phát động quần chúng giảm tô và phân định thành phần giai cấp nhưng chưa hoàn thành cải cách dân chủ, những địa chủ thường có đủ 3 điều kiện nêu trên, được Uỷ ban hành chính xã và Ban chấp hành Nông hội xét và đề nghị, được Uỷ ban hành chính tỉnh chuẩn y, những địa chủ kháng chiến và những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng mà là địa chủ, đều được tham gia bầu cử Quốc hội.
c) Còn những vùng chưa phân định thành phần giai cấp và chưa hoàn thành cải cách ruộng đất, thì tạm thời theo những quy định của tỉnh trong việc bầu cử Hội đồng nhân dân để lập danh sách cử tri có quyền bầu cử Quốc hội chỉ những người bị pháp luật hoặc Tòa án tước quyền bầu cử, ứng cử, những người mất trí, mới không có quyền bầu cử (điều 4 luật bầu cử Quốc hội).
3. Đối với con địa chủ:
Con địa chủ từ 18 tuổi trở lên mà trong cải cách ruộng đất, hoặc trong cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, không bị coi là địa chủ, thì đều được bầu cử và ứng cử.
Con địa chủ còn ở với bố mẹ và tham gia bóc lột chính như bố mẹ, trong cải cách ruộng đất hoặc trong cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, đã bị coi là địa chủ, thì đối xử như địa chủ.
Thông tư này chủ yếu giải thích thêm về những trường hợp địa chủ được tham gia bầu cử Quốc hội. Về quyền ứng cử, thì những địa chủ kháng chiến (kể cả ở miền núi và miền xuôi), những người thuộc tầng lớp trên ở miền núi có liên hệ với quần chúng mà là địa chủ, và những địa chủ thường được Ủy ban hành chính và Ban chấp hành Nông hội xã đề nghị được quyền bầu cử và ứng cử, và được Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y, đều có quyền ứng cử.
Trên đây là mấy điều cụ thể bổ sung và giải thích thêm Thông tư số 057-TTg ngày 04 tháng 03 năm 1960. Những địa phương đã lập xong danh sách cử tri cần chiếu theo thông tư giải thích này mà kiểm tra lại danh sách đó. Nếu có chỗ nào làm chưa đúng thì phải kiên quyết sửa lại. Ủy ban hành chính các cấp cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn cho các xã thực hiện đúng và kịp thời thông tư này.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |