Thông tư 49/2018/TT-NHNN

Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng với cá nhân


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIỀN GỬI CÓ KỲ HẠN

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hi ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về tiền gửi có kỳ hạn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) với tổ chức, cá nhân.

2. Thông tư này không quy định về tiền gửi có kỳ hạn gia các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn

Tchức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm:

1. Ngân hàng thương mại.

2. Ngân hàng hợp tác xã.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

4. Tổ chức tài chính vi mô.

5. Quỹ tín dụng nhân dân.

6. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Đối tượng gửi tiền gửi có kỳ hạn

Đối tượng gửi tiền gửi có kỳ hạn (sau đây gọi là khách hàng) bao gồm:

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân.

2. Người không cư trú bao gồm:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng đại diện, văn phòng dự án của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;

b) Công dân Việt Nam không thuộc các trường hợp quy định tại điểm e và g khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung);

c) Cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 6 (sáu) tháng trở lên.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng với nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho khách hàng.

2. Tiền gửi chung có kỳ hạn là tiền gửi có kỳ hạn của từ hai khách hàng trở lên.

3. Giấy tờ xác minh thông tin của cá nhân là công dân Việt Nam là Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực hoặc Giấy khai sinh của cá nhân chưa đủ 14 tuổi.

4. Giấy tờ xác minh thông tin của cá nhân là người cư trú và cá nhân nước ngoài là người không cư trú là thị thực hoặc các giấy tờ khác xác định thời hạn được phép cư trú của cá nhân tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn thời hạn hiệu lực.

5. Giấy tờ xác minh thông tin của tổ chức là Quyết định thành lập hoặc Giấy phép hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn

1. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với phạm vi hoạt động được phép theo quy định của pháp luật và Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng.

2. Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó.

3. Khách hàng thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng khách hàng là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người giám hộ (người đại diện theo pháp luật, người giám hộ gọi chung là người đại diện theo pháp luật).

4. Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn, khách hàng gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán chung của tất cả khách hàng. Người cư trú và người không cư trú không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn. Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bng ngoại tệ.

5. Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Đối với khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài là người không cư trú, cá nhân nước ngoài là người cư trú, thời hạn gửi tiền không được dài hơn thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy tờ xác minh thông tin quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

6. Đồng tiền chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn là đồng tiền mà khách hàng đã gửi.

Điều 6. Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn

1. Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải được lập thành văn bản, trong đó bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

a) Thông tin của khách hàng:

(i) Đối với khách hàng là cá nhân: Họ và tên, quốc tịch, thuộc đối tượng người cư trú hoặc người không cư trú, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin cá nhân và thông tin của người đại diện hợp pháp trong trường hợp gửi tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện hợp pháp;

(ii) Đối với khách hàng là tổ chức: Tên tổ chức, thuộc đối tượng người cư trú hoặc người không cư trú, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin tổ chức; Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức bao gồm: họ và tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin cá nhân;

(iii) Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn: thông tin của tất cả khách hàng sở hữu chung khoản tiền gửi có kỳ hạn;

b) Thông tin tổ chức tín dụng: Tên tổ chức tín dụng; Họ và tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn với khách hàng;

c) Số tiền, đồng tiền, thời hạn gửi tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn;

d) Lãi suất, phương thức trả lãi;

đ) Thỏa thuận về chi trả trước hạn, kéo dài thời hạn gửi tiền;

e) Thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được dùng để gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn gồm: tên chủ tài khoản thanh toán, số tài khoản thanh toán, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản thanh toán;

g) Xử lý trong trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng bị phong tỏa, đóng, tạm khóa và các trường hợp thay đổi tình trạng tài khoản thanh toán của khách hàng;

h) Biện pháp để khách hàng tra cu khoản tiền gửi có kỳ hạn;

i) Xử lý đối với các trưng hợp nhàu nát, rách, mất thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn;

k) Quyền và nghĩa vụ của khách hàng, tổ chức tín dụng;

l) Hiệu lực của thỏa thuận.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn quy định tại khoản 1, 2 Điều này được lập dưới hình thức thỏa thuận tiền gửi cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận tiền gửi cụ thể.

4. Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn, tổ chức tín dụng phải thực hiện:

a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về tiền gửi có kỳ hạn tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là địa điểm giao dịch) và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng (nếu có);

b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.

Điều 7. Lãi suất

1. Tổ chức tín dụng quy định lãi suất tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất trong từng thời kỳ.

2. Phương pháp tính lãi tiền gửi có kỳ hạn thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Phương thức trả lãi tiền gửi có kỳ hạn thực hiện theo thỏa thuận gia tổ chức tín dụng và khách hàng.

Điều 8. Biện pháp tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn và biện pháp thông báo khi có thay đổi đối với tiền gửi có kỳ hạn

1. Tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn.

2. Ngoài biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về các biện pháp khác để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn và biện pháp tổ chức tín dụng thông báo cho khách hàng khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Điều 9. Kéo dài thời hạn gửi tiền

1. Việc kéo dài thời hạn gửi tiền vào ngày đến hạn của khoản tiền gửi có kỳ hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng tại thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn.

2. Đối với người không cư trú là tổ chức, cá nhân nước ngoài và người cư trú là cá nhân nước ngoài, thỏa thuận kéo dài thời hạn gửi tiền phải phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

3. Trường hợp không đủ điều kiện để kéo dài thời hạn gửi tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này, vào ngày đến hạn của khoản tiền gửi có kỳ hạn, tổ chức tín dụng chuyển gốc và lãi (nếu có) vào tài khoản thanh toán của khách hàng.

Điều 10. Chi trả trước hạn tiền gửi có kỳ hạn

1. Việc chi trả trước hạn tiền gửi có kỳ hạn được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng tại thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn.

2. Lãi suất áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn chi trả trước hạn phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất áp dụng đối với trường hợp rút trước hạn tại thời điểm chi trả trước hạn.

Điều 11. Sử dụng tiền gửi có kỳ hạn làm tài sản bảo đảm

Tiền gửi có kỳ hạn được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Điều 12. Chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi có kỳ hạn

Tổ chức tín dụng hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Trừ trường hợp chuyển giao quyền sở hữu theo thừa kế, đối tượng nhận chuyn giao quyn sở hữu phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

Điều 13. Thực hiện nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử

1. Tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, về phòng, chống rửa tiền và các quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo việc nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn chính xác, an toàn tài sản cho khách hàng và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng phải đảm bảo lưu giữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong việc tra soát, kiểm tra và giải quyết tranh chấp.

Điều 14. Xử lý các trường hợp rủi ro

Tổ chức tín dụng hướng dẫn việc xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn và các trường hợp rủi ro khác đối với tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Điều 15. Quy định nội bộ

1. Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng phù hợp với mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh, đảm bảo việc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn chính xác, an toàn tài sản cho khách hàng và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.

2. Quy định nội bộ phải quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và phải bao gồm tối thiểu các quy định sau:

a) Nhận tiền gửi có kỳ hạn, trong đó tối thiểu phải có nội dung: nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, lập và ký thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền gửi có kỳ hạn (bao gồm cả nhận tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện hợp pháp), ghi sổ kế toán việc nhận tiền gửi có kỳ hạn;

b) Chi trả tiền gửi có kỳ hạn, trong đó tối thiểu phải có các nội dung: đối chiếu thông tin khách hàng, chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn (bao gồm cả chi trả tiền gửi có kỳ hạn theo thừa kế, chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện hợp pháp), ghi sổ kế toán việc chi trả tiền gửi có kỳ hạn;

c) Xử lý các trường hợp rủi ro quy định tại Điều 14 Thông tư này;

d) Sử dụng tiền gửi có kỳ hạn làm tài sản bảo đảm;

đ) Chuyển giao quyền sở hữu tiền gi có kỳ hạn;

e) Biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn quy định tại Điều 8 Thông tư này;

g) Nhận và chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử (áp dụng đối với các tổ chức tín dụng thực hiện nhận và chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử).

Điều 16. Niêm yết công khai

1. Tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng tối thiểu các nội dung sau:

a) Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn; mức phí (nếu có);

b) Loại ngoại tệ nhận tiền gửi có kỳ hạn;

c) Quy trình nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng;

d) Biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn;

đ) Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn.

2. Tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng các nội dung đã niêm yết công khai theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2019.

2. Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn gửi tiền. Trường hợp tại thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn có nội dung kéo dài thời hạn gửi tiền nhưng đối tượng và thời hạn gửi tiền không phù hợp với quy định tại Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Thông tư này, tổ chức tín dụng và khách hàng không được kéo dài thời hạn gửi tiền.

3. Ngân hàng Chính sách xã hội được căn cứ quy định tại Thông tư này để hướng dẫn giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-NHNN ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép như sau:

a) Bổ sung gạch đầu dòng thứ ba vào điểm d khoản 1 Điều 3, gạch đầu dòng thứ ba vào điểm d khoản 1 Điều 5 như sau:

“Thu ngoại tệ chuyển khoản phát sinh từ các giao dịch nhận chi trả gốc và lãi tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ phù hợp với quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn.”

b) Bổ sung điểm k vào khoản 2 Điều 4, điểm k vào khoản 2 Điều 5, điểm i vào khoản 2 Điều 6 như sau:

“Chi chuyển khoản sang gửi tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn.”

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 18;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu: VP, PC, QLNH, CSTT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Thị Hồng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 49/2018/TT-NHNN

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu49/2018/TT-NHNN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/12/2018
Ngày hiệu lực05/07/2019
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 49/2018/TT-NHNN

Lược đồ Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng với cá nhân


Văn bản liên quan ngôn ngữ

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng với cá nhân
              Loại văn bảnThông tư
              Số hiệu49/2018/TT-NHNN
              Cơ quan ban hànhNgân hàng Nhà nước
              Người ký***
              Ngày ban hành31/12/2018
              Ngày hiệu lực05/07/2019
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcTiền tệ - Ngân hàng
              Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
              Cập nhật6 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng với cá nhân

                      Lịch sử hiệu lực Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng với cá nhân

                      • 31/12/2018

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 05/07/2019

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực