Nội dung toàn văn Thông tư liên bộ 172-LB-TT cải tiến tổ chức trường sơ cấp thương nghiệp địa phương
BỘ NỘI THƯƠNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 172-LB-TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 1964 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC TRƯỜNG SƠ CẤP THƯƠNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Kính gửi: Ủy ban hành chính khu, tỉnh. thành phố trực thuộc Trung ương.
Mấy năm gần đây, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thương nghiệp theo trình độ sơ cấp trở xuống giao cho địa phương đảm nhiệm, đã đem lại kết quả là số cán bộ, nhân viên đào tạo bồi dưỡng đáp ứng được một phần yêu cầu công tác thương nghiệp ngày một phát triển rộng lớn ở địa phương.
Nhưng nhìn chung thì việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhân viên của địa phương còn thiếu tập trung thốg nhất, như việc tổ chức trường lớp, tổ chức giảng dạy, việc chiêu sinh, chương trình nội dung v.v... còn có chỗ chắp vá, chưa đi vào nền nếp.
Chấp hành nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và tinh thần thông báo số 26 ngày 17-07-1963 của thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhân viên, thông tư liên Bộ này hướng dẫn việc cải tiến tổ chức trường thương nghiệp địa phương nhằm làm cho tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thương nghiệp được hoàn chỉnh, có hiệu suất cao.
I. PHƯƠNG HƯỚNG CẢI TIẾN TỔ CHỨC TRƯỜNG THƯƠNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
a) Tổ chức các trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh. Trong một khu vực gồm 2, 3, 4 tỉnh tổ chức một trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh. Trường có nhiệm vụ mở các lớp sơ cấp thương nghiệp cho các tỉnh trong khu vực, theo chương trình sơ cấp của Bộ Nội thương.
Ngoài ra, nếu trường đủ điều kiện, có thể nhận đào tạo cán bộ cho các ngành lương thực, thủy sản, ngoại thương, y tế, văn hóa v.v... theo các chuyên nghiệp sơ cấp giống như ngành nội thương đang mở, trên cơ sở đã bàn bạc nhất trí với Ủy ban và Sở, Ty thương nghiệp.
b) Các trường trung cấp thương nghiệp hiện đặt ở tỉnh nào thì kiêm thêm nhiệm vụ mở các lớp sơ cấp hoặc kiêm cả nhiệm vụ mở các lớp ngắn ngày (sẽ quy định cụ thể phần tổ chức dưới đây).
c) Những tỉnh không đặt trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh và trường trung cấp thì không tổ chức trường mà chỉ tổ chức một bộ phận tuyên truyền giáo dục thương nghiệp (gọi tắt là bộ phận tuyên giáo thương nghiệp) nằm trong Ty thương nghiệp, giúp Ty làm công tác đào tạo giáo dục tại chức, mở các lớp ngắn ngày và các công tác tuyên truyền giáo dục khác của Ty thương nghiệp.
Sau đây là cơ cấu tổ chức cụ thể:
Căn cứ vào phương hướng tổ chức trên, việc tổ chức lại các trường thương nghiệp địa phương cụ thể như sau:
a) Tổ chức trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh:
1. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Hải Phòng: Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh (Hồng Quảng và Hải Ninh cũ). Trường đặt tại thành phố Hải Phòng.
2. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Hải Dương: Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Bắc. Trường đặt tại tỉnh Hải Dương.
3. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Phú Thọ:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Trường đặt tại tỉnh Phú Thọ.
4. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Sơn Tây:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông. Trường đặt tại tỉnh Sơn Tây.
5. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Nam Định:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Trường đặt tại tỉnh Nam Định.
6. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Nghệ An:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình và Vĩnh Linh. Trường đặt tại tỉnh Nghệ An.
7. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Sơn La:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trường đặt tại tỉnh Sơn La.
8. Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh ở Yên Bái:
Nhận đào tạo học sinh thương nghiệp cho tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ. Trường đặt tại tỉnh Yên Bái.
9. Thành phố Hà Nội tổ chức trường sơ cấp thương nghiệp riêng (sau này nếu đủ điều kiện có thể đưa lên trung sơ cấp).
b) Các trường trung cấp thương nghiệp kiêm nhiệm:
Những nơi đã có đặt trường trung cấp thương nghiệp như Việt Bắc, Thanh Hóa, Thái Bình thì nhà trường kiêm thêm mở các lớp sơ cấp và ngắn ngày quy định như sau:
1. Trường trung cấp thương nghiệp miền núi kiêm nhiệm vụ mở các lớp sơ cấp thương nghiệp cho các tỉnh trong khu Việt Bắc, còn nhiệm vụ mở các lớp ngắn ngày, tại chức và các công tác tuyên truyền giáo dục khác thì do bộ phận tuyên giáo thương nghiệp nằm ở Ty Thương nghiệp của từng tỉnh đảm nhiệm.
2. Trường trung cấp thương nghiệp Thanh Hóa kiêm nhiệm vụ mở các lớp sơ cấp thương nghiệp ngắn ngày và các công tác giáo dục khác của Ty Thương nghiệp Thanh Hóa.
3. Trường trung cấp thương nghiệp Thái Bình kiêm nhiệm vụ mở các lớp sơ cấp thương nghiệp ngắn ngày và các công tác giáo dục khác của Ty Thương nghiệp Thái Bình.
c) Bộ phận tuyên truyền giáo dục thương nghiệp tỉnh:
Ở các tỉnh không đặt trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh hoặc trường trung cấp thương nghiệp như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Bắc, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Nghĩa Lộ, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Đông, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quãng Bình, Vĩnh Linh thì không tổ chức bộ phận tuyên giáo thương nghiệp trực thuộc Tuy Thương nghiệp để giúp Ty làm các nhiệm vụ ghi ở điểm c mục II dưới đây.
Trường hợp những tỉnh, Ủy ban xét thấy đủ điều kiện, thì có thể tổ chức “trường theo khối lớp theo ngành” như đề án trước đây của Bộ Nội vụ, nhằm tránh việc có nhiều trường cồng kềnh, khó khăn trong việc quản lý.
II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỜNG SƠ CẤP THƯƠNG NGHIỆP LIÊN TỈNH VÀ BỘ PHẬN TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC THƯƠNG NGHIỆP TỈNH
a) Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thương nghiệp cho các tỉnh trong khu vực theo chương trình sơ cấp thương nghiệp của Bộ Nộ thương về các chuyên nghiệp như:
- Kinh tế thương nghiệp sơ cấp;
- Kế toán tài vụ thương nghiệp sơ cấp:
- Thống kê kế hoạch thương nghiệp sơ cấp;
- Thu mua sơ cấp;
- Kỹ thuật nấu ăn.
- v.v...
2. Nghiên cứu lập chương trình kế hoạch huấn luyện sơ cấp theo sự hướng dẫn của Bộ Nội thương và bảo đảm thực hiện chương trình kế hoạch đó.
3. Căn cứ chương trình giáo dục của Bộ Nội thương tổ chức biên soạn các giáo trình, giáo án và các tài liệu cần thiết cho việc giảng dậy của nhà trường.
4. Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo được Bộ Nội thương xét duyệt hàng năm, tổ chức các cuộc họp liên tỉnh có đại diện các Ty Thương nghiệp trong khu vực để bàn việc chiêu sinh và các vấn đề có liên quan khác.
5. Quản lý cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường, quản lý học sinh về các mặt: tư tưởng, công tác, học tập, v.v... và quản lý tài sản nhà trường.
6. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, lập dự trù kinh phí đào tạo, giáo dục hàng năm cho nhà trường.
7. Hàng năm làm sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thường xuyên, bồi bổ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày một tốt hơn, đồng thời làm báo cáo lên cấp trên.
8. Ngoài nhiệm vụ trên đây, trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh còn có nhiệm vụ, quyền hạn nêu ở điểm c mục II.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của trường trung cấp thương nghiệp kiêm nhiệm:
Các trường trung cấp thương nghiệp miền núi, Thanh Hóa, Thái Bình ngoài nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ Nội thương đã giao trước đây, còn có nhiệm vụ:
1. Trường trung cấp thương nghiệp miền núi có thêm nhiệm vụ như nêu ở điểm a mục II.
2. Trường trung cấp thương nghiệp Thanh Hóa và Thái Bình có thêm nhiệm vụ như nêu ở điểm a và c mục II. Riêng nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách thương nghiệp ghi ở điểm c mục II thì trường trung cấp không đảm nhiệm, mà do Ty Thương nghiệp Thanh Hóa và Thái Bình làm.
c) Bộ phận tuyên giao thương nghiệp có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Lập kế hoạch toàn diện về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên theo các hình thức tập trung, tại chức phân chia cụ thể theo từng loại đối tượng như: cao trung cấp gửi trường Bộ, sơ cấp gửi trường liên tỉnh và ngắn ngày tại chức mở ở tỉnh.
2. Dựa theo chương trình huấn luyện của Bộ Nội thương và căn cứ yêu cầu huấn luyện cho từng loại cán bộ, nhân viên của địa phương, lập chương trình kế hoạch huấn luyện và biên soạn các tài liệu cần thiết cho việc giảng dạy các lớp ngắn ngày, tại chức.
3. Tổ chức huấn luyện về các mặt chính sách, nghiệp vụ cho nhân viên cửa hàng hợp tác xã mua bán xã.
4. Mở các lớp huấn luyện cho mậu dịch viên và các lớp chuyên đề theo từng nghiệp vụ cụ thể, nhằm phục vụ công tác trước mắt.
5. Giúp Ty Thương nghiệp tổ chức và quản lý việc học tập tại chức theo tinh thần chỉ thị 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và giúp Ty làm các công tác giáo dục tư tưởng và chính trị cho cán bộ, nhân viên thương nghiệp.
6. Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo hàng năm, cùng bộ phận tổ chức của Sở, Ty làm công tác chiêu sinh (cho trường Bộ, trường liên tỉnh và tại tỉnh).
7. Cùng bộ phận tổ chức của Ty Thương nghiệp, có kế hoạch theo dõi cán bộ, nhân viên sau khi học trở về công tác ở các cơ sở, để có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng.
8. Giúp Ty thương nghiệp là các công tác tuyên truyền đường lối, chính sách thương nghiệp của Đảng và Chính phủ trong ngành và ngoài nhân dân.
9. Hàng năm làm sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả công tác đào tạo giáo dục và công tác tuyên truyền thương nghiệp lên cấp trên.
III. BIÊN CHẾ VÀ BỐ TRÍ CÁN BỘ
Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ tiêu kế hoạch đào tạo hàng năm, trên cơ sở đã bàn bạc nhất trí với Ủy ban hành chính các tỉnh, thành và Bộ Nội thương, Bộ Nội vụ sẽ phân bổ biên chế cho bộ máy các trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh của Ty Thương nghiệp. Chỉ tiêu biên chế này sẽ được ghi cụ thể vào chỉ tiêu biên chế chung hàng năm của tỉnh.
Về bố trí cán bộ cho các trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh và bộ phận tuyên giáo thương nghiệp tỉnh. Bộ Nội thương sẽ bàn bạc với Ủy ban hành chính tỉnh và Sở, Ty Thương nghiệp sắp xếp cụ thể, nhằm tăng cường cán bộ giảng dạy và lãnh đạo có chất lượng.
IV. VẤN ĐỀ KINH PHÍ ĐÀO TẠO
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo của Bộ Nội thương và nhu cầu cán bộ của từng địa phương, theo đề nghị của Sở, Ty Thương nghiệp và Sở, Ty tài chính, Ủy ban hành chính tỉnh, thành sẽ quyết định số cán bộ và học sinh đi học các trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh.
1. Đối với trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh:
Việc phân chia kinh phí như sau:
a) Kinh phí chi cho bộ máy nhà trường, kinh phí tu bổ, sửa chữa trường lớp, kinh phí mua sắm dụng cụ, các chi phí khác cho học tập v.v... do dự toán của tỉnh nơi có đặt trường liên tỉnh chịu.
b) Kinh phí chi cho học sinh gồm có lương, phụ cấp lương của cán bộ đi học và sinh hoạt phí của học sinh do dự toán của tỉnh có cán bộ và học sinh cử đến trường liên tỉnh học chịu.
2. Đối với trường trung cấp thương nghiệp kiêm nhiệm mở sơ cấp:
Trường trung cấp miền núi kiêm nhiệm mở sơ cấp cho các tỉnh trong khu Việt Bắc, và trường trung cấp Thanh Hóa, Thái Bình kiêm nhiệm mở sơ cấp cho tỉnh Thanh Hóa và Thái Bình, kinh phí dự trù như sau:
Toàn bộ kinh phí của trường trung cấp thương nghiệp do dự toán của Bộ Nội thương chịu như trước đây. Riêng phần mở các lớp sơ cấp thì:
a) Kinh phí chi cho học sinh sơ cấp gồm có lương, phụ cấp lương của cán bộ đi học và sinh hoạt phí của học sinh do dự toán của tỉnh có cán bộ và học sinh cử đi học sơ cấp chịu.
b) Kinh phí chi cho bộ máy làm nhiệm vụ sơ cấp và các chi phí khác cho học tập sơ cấp v.v... do dự toán của Bộ Nội thưong cấp chung với trường trung cấp.
3. Kinh phí huấn luyện các lớp ngắn ngày và tại chức ở tất cả các tỉnh vẫn do dự toán của từng tỉnh chịu như trước đây.
Riêng trường sơ cấp thương nghiệp Hà Nội chỉ mở riêng cho Hà Nội thì vẫn do dự toán của Hà Nội chịu.
V. QUAN HỆ LÃNH ĐẠO
Trường sơ cấp thương nghiệp liên tỉnh và Hà Nội là đơn vị sự nghiệp. Trường đặt ở tỉnh hoặc thành phố nào thì chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Ủy ban hành chính nơi đó. Giúp Ủy ban hành chính có Sở, Ty Thương nghiệp trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt công tác nhà trường.
Thông qua Sở, Ty Thương nghiệp, Bộ Nội thương có trách nhiệm giúp đỡ nhà trường về mặt nghiệp vụ chuyên môn như: Chương trình, nội dung, kế hoạch giảng dạy, kế hoạch đào tạo v.v...
Để các địa phương thực hiện tốt thông tư này, Bộ Nội thương sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Các Ủy ban hành chính, các Sở, Ty Thương nghiệp, các Sở, Ty Tài chính trong quá trình thực hiện thông tư này có điểm nào chưa được thích hợp đề nghị báo cáo về Bộ Nội thương nghiên cứu để liên Bộ bổ sung.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |