Nội dung toàn văn Thông tư liên bộ 29-TT/LB hướng dẫn nguồn vốn quản lý xây dựng trường sở thuộc giáo dục
BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 29-TT/LB | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1974 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
HƯỚNG DẪN VỀ NGUỒN VỐN VỀ VIỆC QUẢN LÝ VỐN XÂY DỰNG CÁC TRƯỜNG SỞ THUỘC NGÀNH GIÁO DỤC
Về việc xây dựng trưởng sở thuộc ngành giáo dục, quyết định số 248-TTg ngày 22-11-1973 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ:
“Trong những năm 1973-1975 cần huy động mọi khả năng để đảm bảo đủ trường sở cho học sinh học tập, chấm dứt trình trạng phải học 3 ca, 4 ca. Muốn vậy phải nhanh chóng khôi phục những trường bị chiến tranh tàn phá, tích cực cải tạo các trường hiện có, bảo đảm đủ ánh sáng, không khí, thoáng mát về mùa hè, đủ ấm về mùa đông, đồng thời làm thêm trường nửa kiên cố hoặc kiên cố; những nơi chưa đủ điều kiện thì xây dựng bằng tre lá, nhưng phải đúng quy cách …”. Về nguồn vốn, quyết định cũng nêu rõ: “Trong việc xây dựng các trường thuộc ngành giáo dục, cần kết hợp sự đóng góp hợp lý, tự nguyện của nhân dân với sự đầu tư thích đáng của Nhà nước…”.
Thi hành quyết định nói trên, liên Bộ Tài chính - Giáo dục hướng dẫn về nguồn vốn và việc quản lý vốn xây dựng trường sở (bao gồm khôi phục, cải tạo và xây dựng mới) thuộc ngành giáo dục như sau:
I. NGUỒN VỐN XÂY DỰNG TRƯỜNG SỞ
A. Ở MIỀN XUÔI:
1.Các trường, lớp mẫu giáo, vỡ lòng và trường phổ thông cấp I và cấp II:
a) Ở nông thôn, các lớp mẫu giáo do hợp tác xã xây dựng với sự đóng góp của xã viên và quỹ công ích của hợp tác xã; nếu thiếu vốn thì ngân sách xã trợ cấp thêm; các lớp vỡ lòng và trường phổ thông cấp I, cấp II do Ủy ban hành chính xã đảm nhiệm việc xây dựng. Nguồn vốn chủ yếu do ngân sách xã đài thọ kết hợp với sự đóng góp của nhân dân, quỹ công ích của hợp tác xã, quỹ phúc lợi của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường (trung ương hoặc địa phương) đóng tại địa phương; nếu thiếu thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp thêm.
b) Ở thị trấn, thị xã, thành phố: do Ủy ban hành chính thị trấn, thị xã, khu phố trực thuộc thành phố đảm nhiệm việc xây dựng. Nguồn vốn chủ yếu do ngân sách tỉnh, thành phố cấp, kết hợp với sự đóng góp của nhân dân.
2. Các trường phổ thông cấp III do Ủy ban hành chính huyện, khu phố đảm nhiệm việc xây dựng. Nguồn vốn do ngân sách tỉnh, thành phố cấp và có thể huy động sự đóng góp của nhân dân bằng những hình thức thích hợp.
3. Các trường sư phạm và các trường bổ túc văn hóa tập trung của địa phương do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đảm nhiệm việc xây dựng; vốn do ngân sách tỉnh, thành phố, đảm nhiệm việc xây dựng; vốn do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ. Nếu thiếu thì ngân sách trung ương xét trợ cấp theo chế độ chung hiện hành.
B. Ở MIỀN NÚI:
Nguồn vốn để xây dựng trường sở, nói chung, cũng như ở miền xuôi. Riêng ở nông thôn, nếu ngân sách xã và sự đóng góp của nhân dân không đủ xây dựng các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, các trường phổ thông cấp I, cấp II thì ngân sách tính trợ cấp.
C. Ở CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI:
Ở các vùng kinh tế mới có quy hoạch đã được duyệt, vốn xây dựng trường sở do ngân sách trung ương cấp (vốn kiến thiết cơ bản vùng kinh tế mới).
D. Ở CÁC CÔNG, NÔNG, LÂM TRƯỜNG, XÍ NGHIỆP:
Công, nông, lâm trường, xí nghiệp (trung ương hoặc địa phương) xét thấy có đủ điều kiện và được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố duyệt cho xây dựng trường sở riêng thuận tiện cho con em cán bộ, công nhân viên chức mình học tập thì trích một phần quỹ phúc lợi của đơn vị kết hợp với sự đóng góp của cha mẹ học sinh để xây dựng trường sở, nếu thiếu vốn thì ngân sách tỉnh, thành phố trợ cấp thêm.
II. VIỆC QUẢN LÝ VỐN XÂY DỰNG TRƯỜNG SỞ
1. Ủy ban hành chính xã có trách nhiệm quản lý số vốn xây dựng các lớp vỡ lòng, các trường cấp I, cấp II ở nông thôn và giám đốc việc sử dụng vốn, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch về kế hoạch xây dựng trường sở đã được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt. Việc quản lý và giám đốc vốn phải theo đúng các quy định trong Điều lệ ngân sách xã và Thông tư của Bộ Tài chính số 14-TC/TDT ngày 06-10-1972. Nghiêm cấm dùng vốn xây dựng trường học để chỉ tiêu vào việc khác.
2. Vốn xây dựng các trường cấp III, các trường ở thành phố, thị xã, thị trấn và các trường sư phạm, bổ túc văn hóa tập trung của địa phương thì do Chi hàng kiến thiết tính, thành phố quản lý theo đúng chế độ quản lý vốn kiến thiết cơ bản đã được Nhà nước quy định.
3. Học phí thu được theo chế độ hiện hành chỉ dành để chi vào việc xây dựng trường sở, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý và phân phối quỹ học phí tùy theo yêu cầu của việc xây dựng trường sở ở địa phương.
III. VIỆC TỔ CHỨC XÂY DỰNG TRƯỜNG SỞ
1. Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần lập quy hoạch xây dựng trường sở địa phương; trên cơ sở đó lập kế hoạch xây dựng trường sở hàng năm và kế hoạch huy động các nguồn vốn theo phương châm phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, động viên sự đóng góp hợp lý, tự nguyện của nhân dân kết hợp với sự đầu tư thích đáng của Nhà nước.
2. Các sở, Ty giáo dục và Sở, Ty Tài chính có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hướng các huyện, khu phố, thị xã, thị trấn lập kế hoạch xây dựng trường sở. Kế hoạch này phải tính toán kỹ các nguồn vốn xây dựng trường sở: ngân sách xã, sự đóng góp của nhân dân, quỹ phúc lợi, quỹ công ích, quỹ học phí … Các cơ quan giáo dục và tài chính tỉnh, thành phố phải tổng hợp các kế hoạch nói trên trình Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duỵêt. Sau khi kế hoạch được duyệt, các Sở, Ty giáo dục và Sở, Ty tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước đã quy định và kiểm tra, giám đốc việc thực hiện.
3. Các phòng giáo dục và Phòng tài chính huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính huyện lập kế hoạch xây dựng trường sở ở địa phương và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường học và nhiều kế hoạch tài vụ xây dựng trường học ở xã.
4. Tùy theo sự cần thiết, Ủy ban hành chính các cấp có thể thành lập các Ban kiến thiết trường học để giúp Ủy ban phụ trách việc tổ chức xây dựng trường học và quản lý vốn xây dựng trường. Thành phần Ban kiến thiết gồm đại diện Ủy ban hành chính: Trưởng ban, đại diện cơ quan tài chính, đai diện cơ quan giáo dục, đại diện cha mẹ học sinh.
Liên Bộ Tài chính – Giáo dục để nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình của địa phương, hướng dẫn cụ thể việc thi hành Thông tư này.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |