Thông tư liên tịch 03/1998/TTLT-BVGCP-BGTVT hướng dẫn quản lý cước vận tải đường sắt đã được thay thế bởi Pháp lệnh Giá 2002 40/2002/PL-UBTVQH10 và được áp dụng kể từ ngày 01/07/2002.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 03/1998/TTLT-BVGCP-BGTVT hướng dẫn quản lý cước vận tải đường sắt
BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ -BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/1998/TTLT/BVGCP-BGTVT | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1998 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ CƯỚC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Nghị định số 01-CP ngày 05-01-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Vật giá Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 22-3-1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 137-HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý giá;
Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về cước vận tải đường sắt như sau:
Điều 1. - Cước vận tải đường sắt quy định trong Thông tư này là cước vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý và bao gửi bằng phương tiện đường sắt (bao gồm cước vận chuyển trong nước và cước liên vận quốc tế) nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên thỏa thuận hợp đồng vận chuyển.
Điều 2. – Nguyên tắc hình thành cước vận tải đường sắt.
1. Cước vận chuyển trên các tuyến đường sắt trong nước áp dụng cho hành khách là công dân Việt và hàng hóa được xác định trên nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường và đảm bảo hạch toán kinh doanh toàn ngành. Mức cước được quy định bằng đồng Việt Nam (VNĐ).
Trường hợp hành khách thuộc các đối tượng quy định tại Quyết định số 767-TTg ngày 17-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sẽ thực hiện theo Quyết định trên và các văn bản hướng dẫn kèm theo.
2. Cước vận chuyển trên các tuyến đường sắt trong nước áp dụng cho hành khách là người nước ngoài tạm thời được xác định trên cơ sở bù đắp chi phí, có tích lũy cần thiết để thực hiện tái sản xuất mở rộng. Mức cước được quy định bằng đồng Việt Nam (VNĐ).
3. Cước liên vận quốc tế trong tổ chức OSZD:
3.1 Cước hàng hóa quá cảnh áp dụng trên cơ sở Bảng cước quá cảnh của tổ chức OSZD quy định.
3.2 Cước vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi liên vận quốc tế được xác định trên cơ sở những quy định tại Điểm 2 Điều 2 Thông tư này, đồng thời có tham khảo giá cước của các nước trong tổ chức OSZD.
Điều 3. - Thẩm quyền quy định giá.
1. Ban Vật giá Chính phủ:
1.1. Định cước giới hạn đối với lương thực vận chuyển từ ra Bắc, phân bón từ Bắc vào theo kế hoạch chỉ định của Nhà nước.
Cùng các ngành có liên quan xử lý trợ cước vận chuyển cho ngành đường sắt trong trường hợp mức cước quy định của Nhà nước thấp hơn mức cước hiện hành.
1.2. Tổ chức, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm kỷ luật nhà nước về cước vận tải và phí dịch vụ đường sắt theo các quy định hiện hành.
2. Bộ Giao thông vận tải:
2.1. Chỉ đạo Liên hiệp Đường sắt Việt Nam lập phưong án cước vận chuyển các mặt hàng quy định tại Điểm 1.1 Điều 3 trình Bộ Giao thông vận tải và Ban Vật giá Chính phủ.
2.2. Quản lý cước liên vận quốc tế và các hiệp ước quốc tế về liên vận quốc tế.
2.3. Chỉ đạo Liên hiệp Đường sắt Việt thực hiện những quy định tại Thông tư này.
2.4. Tổ chức, phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm kỷ luật nhà nước về cước vận tải.
3. Liên hiệp Đường sắt Việt :
3.1. Quyết định cước vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý và bao gửi trên các tuyến đường sắt trong nước (trừ các mặt hàng quy định tại Điểm 1.1 Điều 3), đồng thời thực hiện chế độ đăng ký giá với Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
3.2. Quyết định cước liên vận quốc tế và tham gia các hiệp ước quốc tế về liên vận quốc tế khi được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền.
3.3. Xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc chấp hành những quy định về quản lý cước vận tải đường sắt trong Thông tư này; xem xét, điều chỉnh cước kịp thời nhằm đảm bảo doanh thu cho ngành và phù hợp với cơ chế thị trường.
3.4. Thực hiện chế độ niêm yết giá tại các ga đường sắt.
3.5 Quản lý và chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện những quy định về phí dịch vụ.
Điều 4. - Điều khoản thi hành.
1. Những quy định tại Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam kịp thời báo cáo Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết cho phù hợp với thực tế.
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | TRƯỞNG BAN BAN VẬT GIÁ |