Thông tư liên tịch 06/1997/TTLT-BVHTT-TCBĐ hướng dẫn quản lý Nhà nước đài phát thanh truyền hình đã được thay thế bởi Thông tư 12/2019/TT-BVHTTDL bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 15/01/2020.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 06/1997/TTLT-BVHTT-TCBĐ hướng dẫn quản lý Nhà nước đài phát thanh truyền hình
BỘ
VĂN HOÁ THÔNG TIN-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/1997/TTLT-BVHTT-TCBĐ hướng dẫn quản lý Nhà nước đài phát thanh truyền hình">06/1997/TTLT-BVHTT-TCBĐ |
Hà Nội , ngày 28 tháng 11 năm 1997 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN - TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 06/1997/TTLT NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC ĐÀI PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH
Căn cứ Luật Báo chí được Quốc
hội thông qua ngày 28-12-1989 và Nghị định 133/HĐBT ngày 20-4-1992 của Hội đồng
Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí.
Căn cứ Nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12-11-1997 của Chính phủ về Bưu chính
Viễn thông.
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 8-11-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá Thông tin.
Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.
Liên Bộ Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Bưu điện hướng dẫn thực hiện quản lý
Nhà nước đối với các đài phát thanh, truyền hình như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Cơ quan quản lý:
- Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí.
- Tổng cục Bưu điện là cơ quan quản lý Nhà nước về tần số và máy phát vô tuyến điện (VTĐ).
2. Đối tượng quản lý:
a. Các đối tượng là cơ quan báo chí.
- Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), Đài truyền hình Việt Nam (THVN) và các đài, trạm vô tuyến chuyển tiếp, truyền dẫn phát lại chương trình thuộc hệ thống quản lý của hai Đài Quốc gia.
- Các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các Trung tâm (đài) phát lại chương trình truyền hình nước ngoài qua hệ thống truyền hình vi ba, truyền hình CAPS - MMDS.
b. Các đối tượng chưa được xếp loại cơ quan báo chí nhưng có hoạt động báo chí:
- Các đài phát thanh, truyền hình huyện, xã.
- Các đài phát thanh, truyền hình của các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
II. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH
Các đài phát thanh, truyền hình chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các giấy phép sau đây:
1. Các đối tượng là cơ quan báo chí phải có:
- Giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Văn hoá - Thông tin.
- Giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ của Tổng cục Bưu điện.
2. Các đối tượng chưa xếp loại cơ quan báo chí phải có:
- Quyết định thành lập của cơ quan chủ quản.
- Giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ của Tổng cục Bưu điện.
III. VIỆC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH.
1. Cấp giấy phép hoạt động báo chí:
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn các đối tượng là cơ quan báo chí làm thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Báo chí.
Hồ sơ đăng ký (theo mẫu) gửi về Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Báo chí) gồm có:
- Bản khai để xin giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình.
- Danh sách cán bộ chủ chốt của Đài.
- Sơ yếu lý lịch lãnh đạo đài (Tổng giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập).
- ý kiến của Đài TNVN, Đài THVN về phần đăng ký phát thanh, truyền hình của các đài.
- Các đài, trạm phát lại các chương trình của Đài TNVN, Đài THVN trong quy hoạch phủ sóng của đài Quốc gia không phải xin phép hoạt động báo chí.
2. Cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ:
Tổng cục Bưu điện hướng dẫn các đài phát thanh, truyền hình đang hoạt động hoặc mới thành lập (thuộc các đối tượng là cơ quan báo chí hoặc chưa xếp loại cơ quan báo chí nhưng có hoạt động báo chí ở Trung ương và địa phương) làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ.
Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ gửi về Tổng cục Bưu điện (Cục Tần số VTĐ) gồm:
- Công văn xin phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ.
- Bản khai trang thiết bị (theo mẫu của Tổng cục Bưu điện).
- Danh sách trích ngang của nhân viên khai thác hoặc người chịu trách nhiệm do công an tỉnh, thành phố xét duyệt.
- Giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Văn hoá - Thông tin (nếu đối tượng là cơ quan báo chí).
- Quyết định thành lập đài, trạm của cơ quan chủ quản trực tiếp.
Trên cơ sở hồ sơ và các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ cho các đối tượng hoạt động phát thanh, truyền hình mới thành lập hoặc đang hoạt động.
Giấy phép sử dụng tần số máy phát VTĐ của Tổng cục Bưu điện quy định rõ: Tần số hoặc kênh tần số ấn định, nhận dạng, công suất, thời gian phát sóng, các tham số kỹ thuật, thiết bị...
Tổng cục Bưu điện (Cục Tần số VTĐ) thực hiện thu các phí về tần số VTĐ đối với cá tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có sử dụng tần số và máy phát VTĐ đối với các đài phát thanh, truyền hình. Mức thu và việc tổ chức thu được thực hiện theo Quyết định 158/CT ngày 18-5-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư 62/TC-TCDN ngày 31-7-1995 của Bộ Tài chính.
3. Thời hạn cấp giấy phép
Sau khi nhận đủ hồ sơ, trong thời gian không quá 30 ngày, Bộ Văn hoá - Thông tin và Tổng cục Bưu điện thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép sử dụng tần số và máy phát VTĐ. Trường hợp không cấp giấy phép hoặc chưa cấp được phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
IV. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN NỘI DUNG CÁC GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH
- Các đài, trạm phát thanh, truyền hình thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin về hoạt động báo chí và giấy phép của Tổng cục Bưu điện về sử dụng tần số và máy phát VTĐ.
- Nếu có sự thay đổi, bổ sung một trong những điều quy định trong giấy phép phải làm thủ tục xin phép lại.
- Các đài nếu có yêu cầu phát song chương trình mới, chương trình phụ, chương trình đặc biệt, tăng giảm thời lượng phát sóng phải làm thủ tục xin phép Bộ Văn hoá - Thông tin.
- Các đài, trạm khi chuyển nhượng, thanh lý thiết bị, thay đổi tần số, công suất, thời gian, địa điểm đặt đài (trạm), phạm vi phủ sóng... phải làm thủ tục với Tổng cục Bưu điện để xin cấp lại giấy phép.
V. VIỆC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI
- Bộ Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Bưu điện tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tình hình hoạt động của các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước về tôn chỉ, mục đích, chương trình và nội dung phát sóng; về việc chấp hành quy chế sử dụng tần số và máy phát VTĐ theo chức năng được quy định tại phần II, phần IV của Thông tư này.
- Cơ quan chủ quan, thủ trưởng các đài phát thanh, truyền hình có trách nhiệm tạo điều kiện để đoàn kiểm tra thực tế tại đài, trạm; cung cấp các hồ sơ, tài liệu về hoạt động của đài, trạm bao gồm cả phần nội dung chương trình và kỹ thuật phát sóng.
- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các vi phạm về tôn chỉ, mục đích và nội dung phát sóng, vi phạm quy chế thông tin VTĐ, đoàn thanh tra sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định hiện hành.
- Các đài, trạm phát thanh, truyền hình nếu gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thì có văn bản khiếu nại hoặc thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và tần số xem xét giải quyết theo thẩm quyền được Chính phủ quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Các ông, bà Vụ trưởng Vụ Báo chí (Bộ Văn hoá - Thông tin), Vụ trưởng Vụ chính sách Bưu điện, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, Cục trưởng Cục Bưu điện khu vực (Tổng cục Bưu điện), Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề gì vướng mắc hoặc đề nghị sửa đổi bổ sung thì phản ánh bằng văn bản gửi Tổng cục Bưu điện và Bộ Văn hoá - Thông tin cùng xem xét giải quyết.
Mai Liêm Trực (Đã ký) |
Phan Khắc Hải (Đã ký) |