Thông tư liên tịch 09-TTLN

Thông tư liên tịch 09-TTLN 1996 hướng dẫn áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự do Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy đã được thay thế bởi Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV hướng dẫn Luật sửa đổi Bộ luật hình và được áp dụng kể từ ngày 17/01/1998.

Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy


BỘ NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TTLN

Hà Nội , ngày 10 tháng 10 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ NỘI VỤ SỐ 09-TTLN NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐIỀU 96A VÀ ĐIỀU 203 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Trong thời gian qua Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự. Các văn bản đó đã góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng và chống các hành vi phạm tội về ma tuý. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm về ma tuý ngày càng phức tạp, có một số vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có một số vấn đề đã được hướng dẫn, nhưng đến nay không còn phù hợp với việc đấu tranh phòng và chống các hành vi phạm tội về ma tuý, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội này.

Nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng và chống các hành vi phạm tội về ma tuý trong tình hình hiện nay, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Y tế, thống nhất hướng dẫn việc áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự như sau:

A. VỀ CÁC CHẤT MA TUÝ

1. Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma tuý. Các chất ma tuý thường gặp là: Quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca và các chế phẩm của các loại lá, hoa, quả này như nhựa thuốc phiện (Opium), nhựa và tinh dầu Cần sa (Canabis), Hê-rô-in (heroin), Cô-ca-in (Cocaine)... ở dạng thô hoặc dạng tinh chế; các loại thuốc tân dược gây nghiện như Moóc-phin (Morphin), Cô-đê-in (Codein), Pê-thi-din (Péthidin), Đô-lác-gan (Dolargan), Đô-lô-san (Dolosan), Am-phê-ta-min (Amphetamin), Mê-tam-phê-ta-min (Methamphetamin), Đi-a-dê-pam (Diazepam), Xê-du-xen (Seduxen), Va-li-um (Valium)...; các tiền chất như Ê-phê-đrin (Ephedrin), Pờ-sơ-đô-ê-phê-đrin (Pseudoephedrin), A-xê-tíc An-hy-đríc (Acetic Anhydride)... dùng để tổng thợp thành các chất ma tuý.

Ngoài các chất ma tuý đã nêu trên đây còn có các chất ma tuý khác, các loại thuốc tân dược gây nghiện khác và các tiền chất khác dùng để tổng hợp thành các chất ma tuý do Nhà nước quy định.

2. Trong trường hợp cần xác định có phải là chất ma tuý hay không hoặc loại ma tuý gì thì phải trưng cầu giám định. Nếu chất được giám định không phải là ma tuý, nhưng người thực hiện hành vi tưởng rằng chất đó là chất ma tuý, thì tuỳ hành vi phạm tội cụ thể người đó vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a hay Điều 203 Bộ luật hình sự.

B. VỀ ĐIỀU 96A BỘ LUẬT HÌNH SỰ

I. CÁC HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HƯỚNG XỬ LÝ:

1. Hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý theo Thông tư này là hành vi bào chế chất ma tuý từ quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca cũng như việc chế biến từ chất ma tuý này thành chất ma tuý khác trái với quy định của Nhà nước.

2. Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý là hành vi cất giữ bất hợp pháp chất ma tuý ở bất cứ nơi nào mà không nhằm mục đích mua bán và người có hành vi phạm tội này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý". Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc định tội. Người cất giữ chất ma tuý hộ cho người khác mà biết mục đích mua bán trái phép chất ma tuý này của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "mua bán trái phép chất ma tuý" với vai trò của người đồng phạm (người giúp sức).

3. Hành vi mua bán trái phép chất ma tuý là hành vi bán hay mua, tàng trữ để bán lại bất hợp pháp (có thể là mua để bán lại chất ma tuý đó, cũng có thể là mua để sản xuất ra chất ma tuý khác để bán lại); cũng được coi là hành vi mua bán trái phép chất ma tuý các hành vi trao đổi, thanh toán... bất hợp pháp bằng các chất ma tuý.

4. Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp ma tuý từ nơi này đến nơi khác được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích mua bán và người có hành vi phạm tội này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý". Nếu người vận chuyển chất ma tuý hộ cho người khác mà biết mục đích mua bán trái phép chất ma tuý này của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "mua bán trái phép chất ma tuý" với vai trò của người đồng phạm (người giúp sức).

Người nào vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự; nếu còn phạm tội khác thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều tương ứng của Bộ luật hình sự về tội phạm khác đó.

5. Người nào có trách nhiệm trong việc quản lý thuốc gây nghiện mà cố ý làm trái quy chế quản lý thuốc gây nghiện nhằm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép thuốc tân dược gây nghiện, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự; ngoài ra, tuỳ trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 221 Bộ luật hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Nếu người có trách nhiệm quản lý thuốc gây nghiện mà thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc gây nghiện sai mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 220 của Bộ luật hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Điều 96a Bộ luật hình sự không quy định các hành vi chiếm đoạt (được thực hiện thông qua các hành vi phạm tội như tham ô, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đào v.v...) các chất ma tuý; do đó, người nào có hành vi chiếm đoạt các chất ma tuý thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước hoặc đang do cá nhân chiếm hữu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

a) Người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà biết đó là chất ma tuý, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt theo các tội danh tương ứng của Bộ luật hình sự còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự về hành vi đã thực hiện đối với chất ma tuý đã chiếm đoạt được.

b) Người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà không biết trong đó có các chất ma tuý, nhưng sau đó mới biết, rồi đem cất giấu, vận chuyển, đem bán hoặc sản xuất ra các chất ma tuý khác, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi chiếm đoạt (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đào v.v...), còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự về hành vi đã thực hiện đối với chất ma tuý đã chiếm đoạt được.

c) Người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà không biết trong đó có các chất ma tuý và bị bắt giữ ngay, thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi chiếm đoạt đã thực hiện mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự.

Người có chất ma tuý bất hợp pháp bị chiếm đoạt cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 96a Bộ luật hình sự.

7. Điều 96a Bộ luật hình sự quy định bốn hành vi phạm tội là sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý. Trong trường hợp người phạm tội thực hiện một hoặc nhiều hành vi phạm tội, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

a) Người nào thực hiện một trong các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 96a Bộ luật hình sự, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh về hành vi phạm tội đã thực hiện. Ví dụ: Người chỉ có hành vi vận chuyển trái phép thuốc phiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý".

b) Người nào thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 96a Bộ luật hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh đầy đủ đối với các hành vi đã thực hiện. Ví dụ: Người mua thuốc phiện trái phép, rồi vận chuyển trái phép đến địa điểm khác và sản xuất thuốc phiện trái phép, thì người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh là "mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý" và chỉ phải chịu một hình phạt đối với tội danh đó.

c) Người nào thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 96a Bộ luật hình sự mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện. Khi xét xử Toà án sẽ áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt chung. Ví dụ: Người mua thuốc phiện đồng thời lại nhận cất giấu thuốc phiện hay chất ma tuý khác cho người khác, thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội là tội "mua bán trái phép chất ma tuý" và tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý".

8. Đối với người phạm tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trái phép các chất ma tuý phải áp dụng hình phạt bổ sung bắt buộc là quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm (khoản 2 Điều 100 Bộ luật hình sự) và hình phạt bổ sung bắt buộc là phạt tiền đến 10 lần trị giá hàng phạm pháp (khoản 3 Điều 100 Bộ luật hình sự). Ngoài ra cần áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 4 Điều 100 Bộ luật hình sự). Đối với vật, tiền bạc của người phạm tội đã dùng vào việc thực hiện tội phạm thì phải tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ (Điều 33 Bộ luật hình sự, Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự).

II. VỀ SỐ LƯỢNG HÀNG PHẠM PHÁP LÀM CĂN CỨ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO CÁC KHOẢN CỦA ĐIỀU 96A BỘ LUẬT HÌNH SỰ.

Về số lượng hàng phạm pháp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 96a Bộ luật hình sự được xác định như sau:

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây mà không có mục đích mua bán, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: dưới 100 gam;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: dưới 1 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện: dưới 10 kg; d) Quả tươi của cây thuốc phiện: dưới 2 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: dưới 2 gam;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): dưới 5 gam;

g) Thuốc gây nghiện dưới 10 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: dưới 200 gam;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: dưới 20 ml;

2. Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại khoản 1 mục II này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96a Bộ luật hình sự:

a) Đã bị xử lý vi phạm hành chính về một trong các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý, tổ chức dùng chất ma tuý mà chưa qua thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;

b) Đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự, mà chưa được xoá án.

Người tàng trữ, vận chuyển nhiều chất ma tuý, mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại khoản 1 mục II này cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96a Bộ luật hình sự.

3. Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96a Bộ luật hình sự:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 100 gam đến dưới 1 kg;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 1 kg đến dưới 20 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 10 kg đến dưới 100 kg;

d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 2 kg đến dưới 20 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 2 gam đến dưới 20 gam;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 5 gam đến dưới 50 gam;

g) Thuốc gây nghiện: từ 10 ống đến dưới 100 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 200 gam đến dưới 500 gam;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 20 ml đến dưới 200 ml.

4. Người nào sản xuất, mua bán trái phép một trong các chất ma tuý với bất kỳ số lượng nào dưới mức tối đa được hướng dẫn tại khoản 3 mục II này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96a Bộ luật hình sự.

5. Người nào tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, mua bán trái phép chất ma tuý thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2, 3 và 4 mục II này mà có một trong các tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 Điều 96a Bộ luật hình sự, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 96a Bộ luật hình sự.

Cũng truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 96a Bộ luật hình sự người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhiều chất ma tuý mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại các khoản 3 và 4 mục II này.

6. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây thì bị coi là phạm tội với hàng phạm pháp có số lượng lớn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 96a Bộ luật hình sự:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 1kg đến dưới 3kg; b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 20 kg đến dưới 50 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 100 kg đến dưới 400 kg; d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 20 kg đến dưới 100 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 20 gam đến dưới 100 gam;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 50 gam đến dưới 200 gam;

g) Thuốc gây nghiện: từ 100 ống đến dưới 250 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 500 gam đến dưới 1 kg;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 200 ml đến dưới 500 ml.

7. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng trên mức tối đa được hướng dẫn tại khoản 6 mục II này thì bị coi là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 96a Bộ luật hình sự.

Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây, nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị xử phạt tù từ 12 năm đến 17 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 3 kg đến dưới 13 kg;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 50 kg đến dưới 250 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 400 kg đến dưới 2000 kg; d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 100 kg đến dưới 600 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 100 gam đến dưới 300 gam;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 200 gam đến dưới 650 gam;

g) Thuốc gây nghiện: từ 250 ống đến dưới 1200 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 1 kg đến dưới 2,5 kg;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 500 ml đến dưới 2500 ml.

Cũng có thể xử phạt tù từ 12 năm 17 năm người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhiều chất ma tuý mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại khoản 6 mục II này hoặc trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại khoản 6 mục II này nhưng đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự mà chưa được xoá án hay tái phạm nguy hiểm.

8. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây, nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị xử phạt tù từ 17 năm đến 20 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 13 kg đến dưới 20 kg;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 250 kg đến dưới 400 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 2000 kg đến dưới 3000 kg; d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 600 kg đến dưới 1000 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 300 gam đến dưới 500 gam;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 650 gam đến dưới 1 kg;

g) Thuốc gây nghiện: từ 1200 ống đến dưới 2000 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 2,5 kg đến dưới 3,5 kg;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 2500 ml đến dưới 4000 ml.

Cũng có thể xử phạt tù từ 17 năm đến 20 năm người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhiều chất ma tuý mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại khoản 7 mục II này hoặc trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại khoản 7 mục II này nhưng đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự mà chưa được xoá án hay tái phạm nguy hiểm.

9. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây, nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị xử phạt tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 20 kg đến dưới 25 kg;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 400 kg đến dưới 500 kg;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 3000 kg đến dưới 4000 kg;

d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 1000 kg đến dưới 1500 kg;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 500 gam đến dưới 1kg;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 1 kg đến dưới 1,5 kg;

g) Thuốc gây nghiện: từ 2000 ống đến dưới 2500 ống (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 3,5 kg đến dưới 5 kg;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 4000 ml đến dưới 5000 ml.

Cũng có thể xử phạt tù chung thân người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhiều chất ma tuý, mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại khoản 8 mục II này hoặc trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại khoản 8 mục II này, nhưng đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự mà chưa được xoá án hay tái phạm nguy hiểm.

10. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng sau đây, nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thị bị xử phạt tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa Cần sa, bột Cô ca: từ 25 kg trở lên;

b) Lá, hoa, quả của cây Cần sa, lá của cây Cô ca: từ 500 kg trở lên;

c) Quả khô của cây thuốc phiện từ 4000 kg trở lên;

d) Quả tươi của cây thuốc phiện từ 1500 kg trở lên;

đ) Hê-rô-in, Cô-ca-in: từ 1 kg trở lên;

e) Các chất ma tuý thuộc thể rắn (dạng viên, dạng keo hoặc dạng bột, trừ Hê-rô-in và Cô-ca-in): từ 1,5 kg trở lên;

g) Thuốc gây nghiện: từ 2500 ống trở lên (mỗi ống từ 1 ml đến 2 ml);

h) Các tiền chất để tổng hợp thành các chất ma tuý: từ 5 kg trở lên;

i) Các chất ma tuý thuộc thể lỏng: từ 5000 ml trở lên.

Cũng có thể bị xử phạt tử hình đối với người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhiều chất ma tuý, mà mỗi chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn tại khoản 9 mục II này hoặc trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý với số lượng được hướng dẫn tại khoản 9 mục II này, nhưng đã bị kết án theo Điều 96a hoặc theo Điều 203 Bộ luật hình sự mà chưa được xoá án hay tái phạm nguy hiểm.

C. VỀ ĐIỀU 203 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

I. HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HƯỚNG XỬ LÝ

1. Hành vi tổ chức dùng chất ma tuý là hành vi rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, môi giới, mua chuộc, khống chế, chứa chấp, tạo địa điểm, phương tiện để tiến hành đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác hoặc giúp người khác sử dụng chất ma tuý trái với quy định của Nhà nước.

2. Người tổ chức dùng chất ma tuý mà còn có hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 203 Bộ luật hình sự còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng theo Điều 96a Bộ luật hình sự.

3. Đối với người phạm tội tổ chức dùng chất ma tuý phải áp dụng hình phạt bổ sung bắt buộc là phạt tiền từ năm mươi nghìn đồng (50.000 đồng) đến hai triệu năm trăm nghìn đồng (2.500.000 đồng) và cần áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm cũng như tịch thu một phần tài sản (các khoản 2 và 3 Điều 218 Bộ luật hình sự). Đối với vật, tiền bạc của người phạm tội đã dùng vào việc thực hiện tội phạm thì phải tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ (Điều 33 Bộ luật hình sự, Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự).

II. VỀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC KHOẢN CỦA ĐIỀU 203 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

1. Người nào tổ chức dùng chất ma tuý cho từ 1 lượt người đến 9 lượt người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự.

2. Người nào tổ chức dùng chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự:

a) Tổ chức dùng chất ma tuý gây chết người hoặc gây thương tật;

b) Tổ chức dùng chất ma tuý cho phụ nữ mà biết người đó đang có thai;

c) Tổ chức dùng chất ma tuý cho người chưa thành niên;

d) Tổ chức dùng chất ma tuý cho người đang ở cơ sở cai nghiện hoặc đang bị giam giữ;

đ) Tổ chức dùng chất ma tuý cho từ 10 lượt người trở lên.

D. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành và thay thế Thông tư số 07/TTLN ngày 05/12/1992, Thông tư số 05/TTLN ngày 14/02/1995, Thông báo số 09/LN ngày 04/3/1995 và Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 31/8/1996 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn trước đây về việc áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự

2. Đối với những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý và tổ chức dùng chất ma tuý đã thực hiện trước ngày ban hành Thông tư, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử chưa kết thúc trước ngày ban hành Thông tư hoặc sau ngày ban hành Thông tư mới điều tra, truy tố, xét xử, thì áp dụng Thông tư này khi điều tra, truy tố, xét xử.

3. Những vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước ngày ban hành Thông tư này, nếu đã có kháng nghị theo hướng tăng nặng, thì việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày ban hành Thông tư này và vụ án đã được xét xử theo đúng hướng dẫn trước đây thì không áp dụng các hướng dẫn tại Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu thấy có vướng mắc, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử báo cáo ngay cho Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ để có hướng dẫn kịp thời.

Lê Thế Tiệm

(Đã ký)

Phạm Sĩ Chiến

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 09-TTLN

Loại văn bảnThông tư liên tịch
Số hiệu09-TTLN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/10/1996
Ngày hiệu lực10/10/1996
Ngày công báo15/01/1997
Số công báoSố 1
Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 17/01/1998
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

        Văn bản đính chính

          Văn bản hiện thời

          Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy
          Loại văn bảnThông tư liên tịch
          Số hiệu09-TTLN
          Cơ quan ban hành***, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
          Người kýTrịnh Hồng Dương, Lê Thế Tiệm, Phạm Sĩ Chiến
          Ngày ban hành10/10/1996
          Ngày hiệu lực10/10/1996
          Ngày công báo15/01/1997
          Số công báoSố 1
          Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
          Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 17/01/1998
          Cập nhật7 năm trước

          Văn bản được dẫn chiếu

            Văn bản hướng dẫn

              Văn bản được hợp nhất

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy

                    Lịch sử hiệu lực Thông tư liên tịch 09-TTLN hướng dẫn Điều 96a 203 Bộ luật hình sự chất ma túy