Thông tư liên tịch 11-TTLB/TN-HQ quy định chế độ quá cảnh, mượn đường hàng hoá Nhà nước Campuchia đã được thay thế bởi Quyết định 01162/TM-XNK hàng hóa của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và được áp dụng kể từ ngày 20/09/1994.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 11-TTLB/TN-HQ quy định chế độ quá cảnh, mượn đường hàng hoá Nhà nước Campuchia
BỘ THƯƠNG NGHIỆP-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11-TTLB/TN-HQ | Hà Nội , ngày 13 tháng 11 năm 1990 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 11-TTLB/TN-HQ NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 1990 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUÁ CẢNH, MƯỢN ĐƯỜNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ CỦA NHÀ NƯỚC CĂMPUCHIA
Căn cứ phần II, phần III bản "Quy định về một số nguyên tắc cơ bản nhằm quản lý việc trao đổi hàng hoá và thực hiện các dịch vụ thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước Campuchia" ký giữa Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Bộ Thương nghiệp Cămpuchia ngày 03-11-1990.
Bộ Thương nghiệp, Tổng cục Hải quan quy định chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của Nhà nước Cămpuchia như sau:
I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hàng quá cảnh là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Nhà nước Cămpuchia, do đơn vị kinh tế Cămpuchia xuất khẩu, nhập khẩu với một nước thứ ba qua lãnh thổ Việt Nam.
2. Hàng mượn đường là hàng lưu thông trong nội địa Cămpuchia nhưng do lý do đặc biệt không thể đi trực tiếp từ vùng này đến vùng khác của Cămpuchia mà phải đi qua lãnh thổ Việt Nam.
3. Chỉ cho phép quá cảnh hoặc mượn đường vận chuyển qua Việt Nam những mặt hàng mà Nhà nước Việt Nam không cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
4. Hàng quá cảnh và mượn đường là hàng tạm nhập khẩu rồi tái xuất khẩu nên số lượng hàng đưa ra khỏi Việt Nam phải bằng số lượng hàng đã vào Việt Nam, hàng phải nguyên đai, nguyên kiện (trừ những trường hợp nêu tại điểm 1 phần III của Thông tư này).
5. Tuyệt đối không tiêu thụ hàng quá cảnh, mượn đường trên thị trường Việt Nam khi chưa được phép của hai Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Cămpuchia.
6. Hàng quá cảnh, mượn đường được vào và ra khỏi Việt Nam theo giấy phép của Bộ Thương nghiệp Việt Nam .
7. Hàng quá cảnh, mượn đường phải vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng các cửa khẩu ghi trên giấy phép, phải vận chuyển đúng tuyến đường quy định, đúng thời hạn quy định dưới sự giám sát và quản lý của Hải quan Việt Nam.
- Tại biên giới Việt Nam - Cămpuchia, hàng quá cảnh, mượn đường chỉ được vào và ra khỏi Việt Nam qua các cửa khẩu:
+ Xà Xía | + Xa Mát |
+ Tịnh Biên | + Hoa lư |
+ Vĩnh Xương | + Bu Brăng |
+ Mộc Bài | + Lệ Thanh |
- Hàng quá cảnh, mượn đường chỉ được vào và ra khỏi Việt Nam qua các cảng sau đây:
+ Cảng Sài Gòn.
+ Cảng Vũng Tàu.
Trường hợp đặc biệt phải quá cảnh, mượn đường ở những nơi ngoài các cửa khẩu quy định trên, phải được sự chấp thuận của Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan Việt Nam.
II- THỦ TỤC QUÁ CẢNH, MƯỢN ĐƯỜNG
1. Các hình thức quá cảnh có thể bao gồm:
- Quá cảnh có thời gian lưu kho.
- Quá cảnh không có thời gian lưu kho (còn gọi là quá cảnh đi thẳng).
Hàng mượn đường chỉ được phép đi thẳng, không được lưu kho tại Việt Nam, trừ những trường hợp được cả hai Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Cămpuchia cho phép và chịu sự quản lý của Hải quan.
2. Các đơn vị kinh tế Cămpuchia có hàng quá cảnh, mượn đường (gọi tắt là chủ hàng) chịu trách nhiệm xin giấy phép quá cảnh, mượn đường tại Tổ cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp Việt Nam.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép quá cảnh, mượn đường bao gồm:
+ Tên hàng.
+ Số lượng, trọng lượng hàng.
+ Loại phương tiện vận chuyển.
+ Chủ phương tiện vận chuyển.
+ Xin quá cảnh hay mượn đường. Nếu xin quá cảnh thì ghi rõ hình thức quá cảnh (có hoặc không lưu kho).
+ Cửa khẩu xin tạm nhập, cửa khẩu xin tái xuất.
+ Tuyến đường vận chuyển.
+ Dự kiến thời hạn tạm nhập, thời hạn tái xuất.
+ Địa điểm và thời gian lưu kho (nếu có).
4. Tổ cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép quá cảnh, mượn đường cho chủ hàng. Trên giấy phép ghi rõ:
+ Tên chủ hàng.
+ Tên hàng và số lượng.
+ Cửa khẩu tạm nhập, cửa khẩu tái xuất.
+ Tuyến đường vận chuyển.
+ Thời hạn tạm nhập, thời hạn tái xuất.
+ Có cho phép lưu kho hay không.
+ Loại phương tiện vận chuyển.
Giấy phép quá cảnh, mượn đường bao gồm hai giấy phép nhập khẩu và giấy phép xuất khẩu đi liền nhau thành một bộ, ghi rõ: Quá cảnh (hay mượn đường).
5. Chủ hàng đem giấy phép quá cảnh, mượn đường và bốn tờ khai Hải quan tới Hải quan cửa khẩu tạm nhập để làm thủ tục tạm nhập. Hải quan cửa khẩu tạm nhập đối chiếu hàng thực tế với giấy phép và tờ khai, nếu thấy tất cả đều phù hợp thì xác nhận hàng thực tế qua cửa khẩu vào tờ khai, ghi rõ trên tờ khai:
+ Tuyến đường được phép vận chuyển để đến cửa khẩu tái xuất.
+ Địa điểm và thời gian được phép lưu kho (nếu có).
+ Tình trạng hàng hoá (có niêm phong, cặp chì, hoặc nguyên đai, nguyên kiện).
Trao lại chủ hàng ba tờ khai, giữ lại một tờ khai, thanh khoản giấy phép tạm nhập và trả lại chủ hàng.
6. Trường hợp xét cần áp tải thì Hải quan cửa khẩu tạm nhập tiến hành áp tải. Chủ hàng phải trả lệ phí áp tải theo quy định.
7. Chủ hàng và chủ phương tiện phải thực hiện đúng các quy định của giấy phép và của Hải quan ghi trên tờ khai. Trường hợp không thể thực hiện được vì lý do chính đáng thì phải báo ngay cho Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Hải quan tỉnh) nơi gần nhất (hoặc thuận tiện nhất) để lập biên bản xác nhận.
8. Trường hợp có lưu kho tại Việt Nam, chủ hàng phải xin phép trước Hải quan cấp tỉnh trở lên để Hải quan chỉ định kho và thực hiện việc giám sát và chế độ niêm phong Hải quan.
9. Khi hàng tới cửa khẩu tái xuất, chủ hàng phải xuất trình các giấy tờ sau đây cho Hải quan cửa khẩu:
+ Giấy phép quá cảnh (hoặc mượn đường) gồm:
- Giấy phép nhập khẩu (tạm nhập) đã thanh khoản.
- Giấy phép xuất khẩu (tái xuất).
+ Ba tờ khai hàng tạm nhập có xác định của Hải quan cửa khẩu tạm nhập về số lượng hàng thực tế qua cửa khẩu.
+ Xác nhận của Hải quan tỉnh nơi hàng đã lưu kho (trường hợp có lưu kho tại Việt Nam).
+ Trường hợp không thực hiện đúng các quy định của Hải quan cửa khẩu, tạm ghi trên tờ khai, hoặc quy định trong giấy phép thì phải có biên bản xác nhận nguyên nhân theo quy định tại điểm 7 trên đây.
10. Hải quan cửa khẩu tái xuất đối chiếu hàng thực tế với các giấy tờ trên đây. Nếu thấy tất cả đều phù hợp thì cho phép tái xuất và xác nhận hàng thực xuất qua cửa khẩu, trả lại chủ hàng một tờ khai, một tờ khai chuyển trả Hải quan cửa khẩu tạm nhập để thanh lý, một tờ khai lưu tại Hải quan cửa khẩu tái xuất. Thanh khoản giấy phép tái xuất và trả lại chủ hàng. Chủ hàng có trách nhiệm gửi ngay bộ giấy phép quá cảnh (mượn đường) đã thanh khoản về cho tổ cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp.
11. Trường hợp có Hải quan áp tải thì Hải quan phải xác nhận vào tờ khai: "Đã chứng kiến hàng thực xuất qua biên giới".
12. Trong quá trình vận chuyển, lưu kho trên lãnh thổ Việt Nam, nếu hàng hoá có sự cố, chủ phương tiện vận chuyển hay chủ hàng phải báo ngay cho Hải quan gần nhất. Nơi không có tổ chức Hải quan thì báo ngay cho cơ quan, chính quyền từ cấp phường, xã trở lên (UBND, Công an) để lập biên bản chứng nhận thành 3 bản (một bản chủ hàng giữ, một bản để xuất trình Hải quan cửa khẩu, một bản cơ quan xác nhận lưu giữ).
III- XỬ LÝ VI PHẠM
Những trường hợp sau đây bị coi là vi phạm pháp luật Việt Nam, bị xử lý theo Pháp lệnh Hải quan và pháp luật hiện hành khác.
1. Hàng quá cảnh, mượn đường không đúng với giấy phép, tờ khai, hoặc không có giấy phép, tờ khai.
2. Hàng tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc tái xuất không đúng, không đủ so với hàng tạm nhập (trừ trường hợp nêu tạm điểm 12 phần II trên đây).
3. Hàng vận chuyển không đúng tuyến đường, không đúng thời gian quy định, xuất khẩu không đúng cửa khẩu (trừ trường hợp nêu tại điểm 7 phần II Thông tư này).
4. Hàng có lưu kho mà không xin phép trước Hải quan, không thực hiện đúng chế độ niêm phong kho của Hải quan.
5. Không thực hiện đúng chế độ kiểm tra, giám sát của Hải quan.
6. Tiêu thụ trái phép hàng quá cảnh, mượn đường tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-1-1991.
Lâm Văn Độ (Đã ký) | Lê Văn Triết (Đã ký) |