Thông tư liên tịch 1450-LB/TT chức năng nhiệm vụ quyền hạn tổ chức cơ quản quản lý khoa học công nghệ môi trường các tỉnh thành phố thuộc Trung ương đã được thay thế bởi Thông tư liên tịch 05/2002/TTLT-BKHCNMT-BTCCBCP hướng dẫn chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ quan quản lý khoa học công nghệ môi trường và được áp dụng kể từ ngày 22/03/2002.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 1450-LB/TT chức năng nhiệm vụ quyền hạn tổ chức cơ quản quản lý khoa học công nghệ môi trường các tỉnh thành phố thuộc Trung ương
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1450-LB/TT | Hà Nội , ngày 06 tháng 9 năm 1993 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 1450-LB/TT NGÀY 06-9-1993 HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CƠ QUẢN QUẢN LÝ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
I. Cơ quan quản lý Khoa học, Công nghệ và Môi trường ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức lại trên cơ sở Uỷ ban (Ban) Khoa học Kỹ thuật nay gọi là Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
II. Chức năng của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT) là cơ quan của Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trong tỉnh theo pháp luật Nhà nước.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
III. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
1. Nghiên cứu, trình chủ tịch UBND tỉnh việc cụ thể hoá các chế độ, chính sách... về khoa học, công nghệ và môi trường cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương. Việc cụ thể hoá không được trái với các qui định của Nhà nước, của bộ quản lý ngành.
2. Xây dựng trình chủ tịch UBND tỉnh quyết định nhiệm vụ, chương trình phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường của địa phương phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
3. Hướng dẫn định hướng cho các tổ chức khoa học xây dựng kế hoạch nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của đơn vị, tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định và theo dõi, kiểm tra thực hiện đối với các chương trình, dự án do ngân sách Nhà nước cấp kinh phí.
4. Quản lý các hoạt động chuyển giao công nghệ, tham gia giám định Nhà nước về công nghệ đối với các dự án đầu tư quan trọng trong tỉnh. Theo dõi, hướng dẫn việc đánh giá trình độ công nghệ trong các tổ chức kinh tế của tỉnh.
5. Có kế hoạch, biện pháp kiểm tra bảo vệ môi trường tại địa phương theo luật pháp qui định. Theo dõi, phối hợp việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính liên ngành trong tỉnh. Chủ trì thẩm định hoặc nhận xét các báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh. Kiểm tra, theo dõi diễn biến môi trường tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
6. Quản lý công tác tiêu chuẩn, đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá theo pháp luật qui định.
7. Quản lý các hoạt động sáng kiến, sở hữu công nghiệp theo Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và các văn bản pháp qui khác của Chính phủ và của Bộ.
8. Thanh tra Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc chấp hành chính sách, luật pháp về Khoa học, Công nghệ và Bảo vệ môi trường.
9. Xét và cấp giấy phép đăng ký cho các tổ chức hoạt động nghiên cứu - triển khai Khoa học và Công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh theo Thông tư Liên bộ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ số 195/LB ngày 13/11/1992 và kiểm tra việc thực hiện.
10. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan thường trực cho Hội đồng Khoa học tỉnh.
11. Quản lý các tổ chức sự nghiệp Nhà nước thuộc Sở (nếu có) theo các nội dung qui định tại điều 12 Nghị định 15/CP của Chính phủ ban hành ngày 2/3/1993 và sự phân cấp của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
12. Quản lý tổ chức, cán bộ, tài chính, tài sản của Sở theo sự phân công, phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh và qui định của Nhà nước.
IV. Tổ chức và bộ máy
1. Tổ chức bộ máy, biên chế của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo nhu cầu và khối lượng công việc cụ thể của từng địa phương trong tổng số biên chế quản lý Nhà nước đã được Chính phủ giao cho tỉnh. Việc bố trí cán bộ phải theo đúng tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức Nhà nước.
2. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Giám đốc Sở điều hành. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Sở được thực hiện theo qui định tại điều 8 Nghị định 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ.
3. Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh về mọi hoạt động của Sở và trước Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Môi trường trên địa bàn tỉnh theo pháp luật qui định.
Giúp việc Giám đốc Sở, có một Phó Giám đốc (riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng có 2 Phó giám đốc).
Trên cơ sở Thông tư này các ban tổ chức chính quyền cần phối hợp với các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường căn cứ vào yêu cầu thực tế và đặc điểm của tỉnh để thiết kế phương án tổ chức bộ máy với tính thần gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đặc biệt không hình thành thêm tổ chức sự nghiệp hoạt động bằng ngân sách Nhà nước, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và gửi báo cáo về liên Bộ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần gửi báo cáo về liên Bộ nghiên cứu, giải quyết.
Đặng Hữu (Đã ký) | Phan Ngọc Tưởng (Đã ký) |