Thông tư liên tịch 146/2012/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán quản lý đã được thay thế bởi Quyết định 190/QĐ-BTC 2019 kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tài Chính và được áp dụng kể từ ngày 29/01/2019.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 146/2012/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán quản lý
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2012 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ TRONG LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI TỪ NGUỒN THU LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI, LỆ PHÍ CẤP, GIA HẠN, SỬA ĐỔI GIẤY PHÉP CỦA TỔ CHỨC CON NUÔI NƯỚC NGOÀI, CHI PHÍ GIẢI QUYẾT NUÔI CON NUÔI NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
2. Các cơ quan được cấp kinh phí bảo đảm hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo Thông tư này gồm:
a) Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp;
b) Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp tỉnh);
c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã);
d) Cơ quan đại diện Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là cơ quan đại diện);
đ) Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ liên quan đến việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (sau đây gọi là Nghị định số 19/2011/NĐ-CP).
Điều 2. Nguồn kinh phí từ thu lệ phí, thu từ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài được để lại
Lệ phí, chi phí được để lại theo quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi được phân chia cho các cơ quan, đơn vị thực hiện để chi cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nuôi con nuôi, cụ thể:
1. Số thu được từ lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP: Cục Con nuôi Bộ Tư pháp được để lại sử dụng.
2. Số thu được từ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điều 47 và Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
a) Cục Con nuôi Bộ Tư pháp: Được để lại sử dụng 5% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP;
b) Sở Tư pháp: Được để lại sử dụng 10% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, trong đó: 5% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để xác minh nguồn gốc trẻ em được cho làm con nuôi, 5% số thu chi phí giải quyết con nuôi nước ngoài để hoàn tất thủ tục và giao nhận con nuôi;
c) Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài được để lại 85% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, trong đó:
70% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu, lợi ích của trẻ em;
15% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để bổ sung quỹ lương và nâng cao năng lực cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng.
3. Số thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 40 và Điều 44 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP:
a) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân cấp xã được để lại sử dụng;
b) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan đại diện: Cơ quan đại diện được để lại sử dụng;
c) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài: Cục con nuôi Bộ Tư pháp được để lại sử dụng 50% lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, chuyển cho Sở Tư pháp 50% lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài.
4. Việc sử dụng kinh phí từ lệ phí, chi phí được để lại của các cơ quan, đơn vị thực hiện theo nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư Liên tịch này.
Điều 3. Nội dung chi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài được để lại để chi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi
Nội dung chi từ nguồn thu lệ phí, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để lại cho đơn vị thu lệ phí thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về phí và lệ phí và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:
1. Nội dung chi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi được để lại sử dụng theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:
a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc thu lệ phí, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí trả lương cho cán bộ công chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;
b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc giải quyết việc nuôi con nuôi như: Chi thông tin liên lạc, gửi tài liệu, trao đổi thư tín; Chi in ấn, phát hành biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về nuôi con nuôi; chi mua văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng, điện nước, công tác phí, và các khoản chi phí cần thiết liên quan trực tiếp đến việc giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi;
c) Chi mua sắm và sửa chữa tài sản, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi;
d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.
2. Nội dung chi từ nguồn thu lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài được để lại sử dụng:
Lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài được để lại sử dụng cho các nội dung quy định tại điều 46 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc thu lệ phí, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí trả lương cho cán bộ công chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;
b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc giải quyết hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài: Chi thông tin liên lạc, gửi tài liệu, trao đổi thư tín; Chi in ấn, phát hành biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về nuôi con nuôi; chi mua văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng, điện nước, công tác phí trong nước và nước ngoài và các khoản chi phí cần thiết liên quan trực tiếp đến việc cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài;
c) Chi tập huấn nghiệp vụ cho văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
3. Nội dung chi từ nguồn thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài được để lại sử dụng theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:
a) Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài được sử dụng 85% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để nâng cao chất lượng, dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, cụ thể như sau:
70% số thu chi phí quy định tại khoản 1 Điều 47 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP: Chi sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm vật tư, trang thiết bị, chi tiền ăn cho trẻ em, chi mua sắm sách vở, dụng cụ học tập và một số khoản chi khác phục vụ cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
15% số thu chi phí quy định tại khoản 1 Điều 47 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP: Chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng và chi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
b) Sở Tư pháp được sử dụng 10% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để chi cho các nội dung sau:
5% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để chi cho công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi: chi công tác phí, thuê phương tiện, xăng xe và một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi.
5% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để chi cho việc hoàn tất thủ tục và giao nhận con nuôi: chi công tác phí, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính và một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho việc hoàn tất thủ tục và giao nhận con nuôi.
c) Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp được để lại sử dụng 5% số thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để chi cho các công việc phục vụ trực tiếp cho công tác thu như:
Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc thu và chuyển chi phí, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí trả lương cho cán bộ công chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.
Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu và chuyển chi phí như: Chi thông tin liên lạc, gửi tài liệu, trao đổi thư tín; Chi in ấn, phát hành biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về nuôi con nuôi; chi mua văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng, điện nước, công tác phí, và các khoản chi phí cần thiết liên quan trực tiếp đến việc giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi.
Chi mua sắm và sửa chữa tài sản, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
Điều 4. Mức chi cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài được để lại
1. Các nội dung chi hỗ trợ công tác nuôi con nuôi thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Một số mức chi chưa có quy định nhưng cần thiết để phục vụ công việc thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được vận dụng các mức chi tương ứng với các công việc tương tự đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm trong công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán thu, chi từ nguồn lệ phí, chi phí trong lĩnh vực nuôi con nuôi cụ thể như sau:
1. Lập dự toán:
Căn cứ mức thu, thẩm quyền thu, chế độ sử dụng lệ phí nuôi con nuôi quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ; hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách, các cơ quan, đơn vị lập dự toán thu, chi theo quy định, cụ thể:
a) Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp): Lập dự toán thu từ nguồn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và lập dự toán chi từ các khoản lệ phí, chi phí được để lại Cục chi tiêu theo quy định.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự toán thu, chi từ nguồn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước;
c) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập dự toán thu, chi từ nguồn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Phương thức thu nộp và điều chuyển số thu cho các cơ quan có liên quan:
a) Đối với lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài: Cục Con nuôi thu và được để lại toàn bộ số thu lệ phí.
b) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước: số thu phát sinh hạch toán thu nộp vào tài khoản thu của ngân sách cấp xã và phân cấp 100% nguồn thu cho ngân sách cấp xã để chi cho các nội dung có liên quan theo quy định tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP.
c) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài do Cục con nuôi Bộ Tư pháp thu:
Cục Con nuôi định kỳ hàng tuần nộp toàn bộ (100%) số thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài thu được vào tài khoản tạm thu của Cục Con nuôi mở tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Định kỳ cuối tháng, Cục Con nuôi lập danh sách đối tượng thuộc diện con nuôi nước ngoài, phân chia theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Kho bạc nhà nước, Sở Tài chính và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan (có phát sinh thu trong tháng). Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phân chia 50% số thu này chi tiết theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện hạch toán vào tài khoản thu của ngân sách địa phương.
Cục Con nuôi thực hiện rút dự toán để chi tiêu trong phạm vi 50% số thu lệ phí phát sinh.
Căn cứ số kinh phí được phân chia (50% số thu), Sở Tài chính có trách nhiệm thông báo số kinh phí được bổ sung cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp thực hiện rút dự toán để chi tiêu trong phạm vi số kinh phí đã được thông báo.
d) Đối với lệ phí đăng ký nuôi con nuôi do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu và được để lại sử dụng cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp phục vụ công tác thu lệ phí đăng ký nuôi Con nuôi quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
đ) Đối với chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài:
Cục Con nuôi định kỳ hàng tuần nộp toàn bộ (100%) số thu từ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài thu được vào tài khoản tạm thu của Cục Con nuôi mở tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Định kỳ cuối tháng, Cục Con nuôi lập danh sách đối tượng thuộc diện con nuôi nước ngoài, phân chia theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Kho bạc nhà nước, Sở Tài chính và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan (có phát sinh thu trong tháng). Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phân chia 95% số thu này chi tiết theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện hạch toán vào tài khoản thu của ngân sách địa phương.
Cục Con nuôi thực hiện rút dự toán để chi tiêu trong phạm vi 5% số thu phát sinh.
Căn cứ số kinh phí được phân chia (95% số thu), Sở Tài chính có trách nhiệm thông báo số kinh phí được bổ sung cho Sở Tư pháp và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em. Các đơn vị thực hiện rút dự toán để chi tiêu trong phạm vi số kinh phí đã được thông báo.
3. Phân bổ dự toán:
Trên cơ sở dự toán thu, chi lệ phí, chi phí nuôi con nuôi được giao hoặc được điều chuyển, các cơ quan, đơn vị phân bổ dự toán để thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
4. Việc sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực con nuôi từ nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết con nuôi nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán, Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều 6. Kiểm tra, báo cáo công khai việc sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
1. Cơ quan sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 2 của Thông tư này có trách nhiệm định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Sở Tư pháp tổng hợp để báo cáo Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp tình hình sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp và định kỳ hàng năm báo cáo Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp tình hình sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài tại địa phương.
3. Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và báo cáo công khai thu, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2012.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Nơi nhận: |
|