Thông tư liên tịch 2699-BGTVT-BTC/TTLT thu cước qua phà, cầu phao hướng dẫn Quyết định 159-HĐBT đã được thay thế bởi Thông tư 62/TT-LB hướng dẫn tổ chức thu quản lý, sử dụng tiền cước qua phà, cầu phao và được áp dụng kể từ ngày 23/07/1993.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 2699-BGTVT-BTC/TTLT thu cước qua phà, cầu phao hướng dẫn Quyết định 159-HĐBT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2699-BGTVT-BTC/TTLT | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1982 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỐ 2699-BGTVT-BTC/TTLT NGÀY 3-11-1982 CỦA LIÊN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 159-HĐBT NGÀY 14-9-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ THU CƯỚC QUA PHÀ, CẦU PHAO
Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 159-HĐBT ngày 14-9-1982 điều chỉnh mức thu cước qua phà, cầu phao thi hành từ ngày 1-10-1982 trong cả nước. Liên Bộ Giao thông vận tải - Tài chính hướng dẫn một số điểm như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG THU VÀ MỨC THU
1. Mức thu và đối tượng thu cước:
a) Mức thu đối với hành khách đi xe đạp và mức thu đối với hành khách đi xe máy là bao gồm cả người và xe.
b) Mức thu đối với ô tô con la bao gồm cả xe và người.
c) Mức thu đối với xe ca, xe buýt chở khách là mức thu cho xe, không bao gồm hành khách.
d) Mức thu đối với xe tải các loại là bao gồm cả xe hàng hoá và súc vật có trên xe.
đ) Hàng hoá sang phà, cầu phao (điểm 9 trong biểu quy định ở Điều 1, quyết định 159-HĐBT) từ 61 kg trở lên đều phải chịu cước, trừ những hàng hoá trên các xe tải nói ở điểm d.
2, Xe đạp thồ có chở hàng thu theo mức quy định 2 đ đối với bến phà cầu phao dưới 200m, 2,5 đ đối với bến phà cầu phao trên 200m như mức thu đối với xe ba gác, xe xích lô, xe cải tiến không chở hàng.
3. Xe tải có kéo moóc thì thu moóc riêng, theo tự trọng của moóc dưới 3 tấn thu 8.00 đ đối với bến phà dưới 200m, 12,000đ đối với bến phà trên 200m.
4. Mức thu đối với vé tháng áp dụng thống nhất cho hành khách có hoặc không có đem theo xe đạp, xe máy.
II- ĐỐI TƯỢNG MIỄN THU CƯỚC QUA PHÀ, CẦU PHAO
1. Đối tượng miễn thu theo quy định ở điểm 3 Điều 1 Quyết định số 159-HĐBT bao gồm cả công an, cảnh sát nhân dân các loại xe của quân đội và của các lực lượng công an, cảnh sát.
Trẻ em dưới 10 tuổi cũng được miễn thu cước qua phà, cầu phao.
2. Khi qua phà, cầu phao, đối tượng được miễn thu cước qua phà, cầu phao phải xuất trình giấy tờ cần thiết để biến kiểm soát như:
- Thẻ thương binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh.
- Thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của nhà trường đối với học sinh.
- Bộ đội, công an, cảnh sát phải có phù hiệu, hoặc các giấy tờ cần thiết.
III- VÉ, BÌA VÉ VÀ TEM VÉ THÁNG
1. Về cước qua phà, cầu phao, bìa vé, tem vé tháng đều do Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải in thống nhất theo mẫu quy định trong bản phụ lục đính kèm Thông tư này để cấp cho các đoạn, khu, phân khu giao cho các bến.
Nếu địa phương chỉ có một đoạn quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải có thể uỷ nhiệm cho đoạn in theo số lượng vé, bìa vé, tem vé tháng các đoạn được duyệt.
Vé cước qua phà, cầu phao cũng như tem vé tháng các loại đều phải in giá tiền cước quy định. Khi sử dụng phải đóng dấu tên bến phà cầu phao để phân biệt nguồn thu của từng bến.
Việc quản lý và kế toán vé cước qua phà, cầu phao, bìa vé, tem vé tháng theo chế độ quản lý, kế toán vé hành khách và tiền bán vé trong ngành vận tải ô tô theo Quyết định số 054-QĐ-TT ngày 8-1-1975 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Đoan (trung ương và địa phương) khu hoặc phân khu quản lý đường bộ cần phải tiến hành kiểm kê số lượng vé còn tồn lại ở đoạn, khu hoặc phân khu và ở các bến phà cầu phao.
Trong lúc chưa in kịp được vé theo giá mới, được tạm thời sử dụng số vé theo giá cũ còn lại, nhưng phải đóng dấu giá mới vào vé. Vé cũ đóng dấu giá mới bán cho xe con, xe ca, xe buýt, xe tải các loại phải đồng thời đóng dấu của cơ quan đoạn, khu, phân khu vào từng tờ vé. Mực đóng dấu giá mới vào vé phải khác màu mực in giá cũ để phân biệt rõ ràng khỏi nhầm lẫn. Vé đóng dấu theo giá mới phải ghi chép vào sổ sách kế toán của đoạn, khu, phân khu đầy đủ số lượng các loại vé, tính thành tiền và quản lý chặt chẽ và tránh sơ hở lợi dụng.
3- Công nhân viên chức, xã viên hợp tác xã (nông nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải) hàng ngày phải đi làm việc qua phà, cầu phao được quy định mua vé tháng hoặc năm như quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Lúc mua vé tháng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị nơi công tác và HTX.
Căn cứ vào giấy giới thiệu, bến phà, cầu phao bán vé cho các đối tượng này bằng cách sử dụng tem in cho từng tháng và dán vào bìa vé.
Bìa vé sử dụng cho một năm, tem vé mua tháng nào chỉ dùng cho tháng ấy và dán vào bìa vé.
Phải đi đúng bến ghi trong bìa vé, không được cho người khác mượn.
Tiền mua vé do công nhân, viên chức, xã viên HTX tự đài thọ.
IV- THỂ THỨC THANH TOÁN TIỀN CƯỚC QUA PHÀ, CẦU PHAO
1. Đơn vị, cơ quan thường xuyên hàng ngày có xe tải, xe ca, xe buýt, xe con đi lại trên tuyến đường có phà, cầu phao cần ký hợp đồng với đoạn, khu, phân khu quản lý đường bộ, nhận vé trong phạm vi 1 tháng 1 lần và thanh toán bằng chuyển khoản 50% giá trị vé đã nhận. Cuối tháng kết toán số lượng vé còn lại số lượng vé đã sử dụng, tính thành tiền và thanh toán bằng chuyển khoản cho đoạn, khu hoặc phân khu.
Từng chuyến đi đơn vị, cơ quan giao vé đã mua cho lái xe để xuất trình khi qua bến phà cầu phao. Nhân viên bến phà, cầu phao phải xe một phần vé và giao lại phần vé còn lại cho lái xe về quyết toán với cơ quan, xí nghiệp.
Đơn vị, cơ quan có xe thỉnh thoảng đi lại trên tuyến đường có phà, cầu phao thì tạm ứng tiền mặt cho lái xe để mua vé khi qua phà, cầu phao.
2. Để thuận tiện cho hành khách đi xe ca, xe buýt khỏi phải chờ đợi mua vé qua phà, cầu phao các bến xe ô tô có thể nhận đại lý bán vé qua phà cầu phao. Tại các bến xe này, khi bán vé cho hành khách đi tuyến đường có phà, cầu phao thì đồng thời bán vé qua phà, cầu phao cho hành khách và thu tiền.
Để làm dịch vụ này, bến ô tô và đoạn khu, phân khu quản lý đường bộ tiến hành ký kết hợp đồng. Bến ô tô nhận vé bán được hưởng tỉ lệ đại lý phí 5% trên giá trị vé bán ra. Phí đại lý này được tính vào chi phí của bến phà, cầu phao trong dự toán chi hàng năm được duyệt. Định kỳ 5 ngày hoặc tối đa 10 ngày 1 lần sau khi kết toán số lượng vé bán ra và tiền bán vé cước qua phà, cầu phao, bến xe ô tô chuyển vào tài khoản gửi tiền gửi Ngân hàng cho đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ.
3. Cán bộ công nhân viên đi công tác qua phà, cầu phao mua vé thì đơn vị, cơ quan thanh toán cùng với công tác phí. Các khoản chi về cước qua phà, cầu phao (trừ khoản tiền mua vé tháng của công nhân viên chức hàng ngày phải đi làm việc qua phà, cầu phao do bản thân công nhân viên chức chịu) được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông (đối với đơn vị sản xuất kinh doanh) và chi dự toán được duyệt (đối với đơn vị hành chính sự nghiệp).
V- TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CHO BẾN PHÀ, CẦU PHAO
1. Bến phà, cầu phao (thuộc trung ương hoặc địa phương quản lý) là những đơn vị cơ sở trực tiếp sản xuất thuộc đoạn, khu, phân khu quản lý đường bộ theo Điều 4 Quyết định 159-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được thực hiện chế độ hạch toán kinh tế theo hình thức lấy thu bù chi để hưởng.
Nội dung thu và chi như sau:
+ Phần thu bao gồm:
- Tiền thu về bán bìa vé, tem vé tháng và vé cước qua phà, cầu phao.
- Các khoản thu khác (nếu có).
+ Phần chi bao gồm:
- Lương và các khoản phụ cấp của công nhân viên bến phà, cầu phao được duyệt.
- Nguyên, nhiên vật liệu theo định mức (dầu mỡ, giẻ lau. . .).
- Sửa chữa và trang bị nhỏ.
- Chi phí lắp đặt, bảo quản phương tiện, thiết bị vượt sông.
- Chi phí quản lý bến phà, cầu phao (kể cả tiền giấy và công in vé, hoa hồng đại lý v.v.. . ).
2. Đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ phải:
a) Xây dựng kế hoạch thu chi tài chính năm, quý cho từng bến và tổng hợp chung gửi Cục quản lý đường bộ (đối với bến do trung ương quản lý) và Sở Giao thông vận tải (đối với bến do địa phương quản lý) để xét duyệt chỉ tiêu kế hoạch thu, chi tài chính bao gồm:
- Tổng số phải thu
- Tổng số được chi
- Số chênh lệch thu hoặc chi. So với kế hoạch đã được duyệt nếu số thu nhiều hơn số chi thì đơn vị nộp khoản chênh lệch thừa về đoạn, khu, phân khu để giảm cấp phát kinh phí sửa chữa và quản lý cầu đường bộ theo kế hoạch. Nếu số chi (bao gồm cả khoản trích 2 quỹ như nói ở mục VI đối với đơn vị được duyệt kế hoạch có chênh lệch thiếu) nhiều hơn số thu thì khoản chênh lệch thiếu được đoạn, khu, phân khu cấp bù.
b) Khi kế hoạch thu, chi tài chính được cấp trên duyệt, đoạn, khu, phân khu quản lý đường bộ phải giao chỉ tiêu thu chi tài chính cho từng bến phà, cầu phao và gửi cho Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, cơ quan tài chính và Ngân hàng đầu tư và xây dựng ở địa phương. Chỉ tiêu tài chính giao cho từng bến tổng hợp lại phải bằng hoặc cao chỉ tiêu mà Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải giao cho đoạn, khu hoặc phân khu.
Các đơn vị bến phà, cầu phao có trách nhiệm tìm mọi biện pháp khai thác mọi khả năng tiềm tàng để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
Các cơ quan tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, giúp đỡ các bến phà, cầu phao thực hiện tốt kế hoạch được duyệt.
c) Căn cứ vào các chứng từ gốc về thu chi hàng ngày phải ghi chép vào sổ sách tổng hợp và chi tiết cho từng bến phà, cầu phao đầy đủ, chính xác, kịp thời. Định kỳ 10 ngày 20 ngày và cả tháng, căn cứ vào số liệu hạch toán, phải thông báo kết quả thu chi tài chính cho từng bến và tổng hợp báo cáo cấp trên.
d) Mở cho mỗi đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ ở Ngân hàng đầu tư và xây dựng một tài khoản tiền riêng về khoản thu cước qua phà, cầu phao. Đồng thời quy định cho các bến phà, cầu phao hàng ngày phải nộp đủ tiền mặt thu được do bán vé cước vào tài khoản tiền gửi nói trên ở Ngân hàng.
Bến phà, cầu phao ở gần đoạn, khu hoặc phân khu có thể nộp về đoạn, khu hoặc phân khu hoặc đoạn, khu hoặc phân khu cử nhân viên thu tiền đến nhận tiền mặt ở bến để tập trung nộp vào Ngân hàng.
Bến phà, cầu phao có số thu hàng ngày không lớn và ở xa đoạn, khu hoặc phân khu và Ngân hàng, điều kiện đi lại không thuận tiện có thể 5 ngày 1 lần vào tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng của đoạn, khu hoặc phân khu . Trong những ngày chưa nộp tiền, bến phà cầu phao có trách nhiệm quản lý chặt chẽ tiền mặt.
2. Các bến phà, cầu phao phải niêm yết đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn thu cước qua phà, cầu phao theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng cũng như nội quy qua phà, cầu phao. Tổ chức bộ phận bán vé và kiểm soát vé ở 2 đầu bến, ngay trên đường xuống để thuận tiện cho hành khách và kiểm soát vé.
3. Để đảm bảo việc thu cước đúng quy định và chống thất thu, bến phà, cầu phao phải tổ chức lối đi lại thuận tiện, có rào chắc chắn để tiện kiểm soát. Hành khách qua phà, cầu phao bị phát hiện đã cố tình lậu vé phải chịu phạt bằng hình thức mua 2 lần vé. Loại vé phạt này có mẫu in riêng công nhân viên bến phà, cầu phao có thành tích kiểm tra, bán vé phạt được thường 20% tổng số tiền bán vé phạt. Số còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.
4. Để tăng cường quản lý định kỳ 6 tháng một lần Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải phải tiến hành kiểm tra, giúp đỡ các đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ, các bến phà, cầu phao hoàn thành nhiệm vụ được giao.
VI- KHEN THƯỞNG VÀ PHẠT
1. Bến phà, cầu phao được xét trích quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 24% tổng quỹ lương thực hiện cả năm của công nhân viên bến phà, cầu phao (trừ các khoản chi bất hợp lý trong quỹ lương) nếu hoàn thành đầy đủ các tiêu chuẩn, nhiệm vụ dưới đây:
a) Đảm bảo giao thông thông suốt, nhanh chóng số chuyến phà qua sông.
b) Hoàn thành chỉ tiêu thu, chi tài chính.
c) Đảm bảo an toàn trong mọi tình huống trên bến dưới sông.
d) Quản lý tốt tài sản, vật tư, tiền vốn, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách về quản lý kinh tế tài chính của Đảng và Nhà nước.
đ) Đảm bảo vệ sinh trật tự, thực hiện nội quy giờ giấc phục vụ đề ra.
Trường hợp bến phà, cầu phao không hoàn thành các tiêu chuẩn, nhiệm vụ nói trên thì phải tinh giảm trừ cho mỗi tiêu chuẩn, nhiệm vụ từ 10 đến 20% số tiền được trích theo mức trích cơ bản của mỗi quỹ.
- Riêng đối với chi tiêu tài chính (chênh lệch thu chi) thì mỗi phần trăm không hoàn thành kế hoạch bị phạt 20% trên mức trích cơ bản của mỗi quỹ.
Tỉ lệ phân phối giữa 2 quỹ là
- 70% cho quỹ khen thưởng
- 30% cho quỹ phúc lợi
2. Nếu bến phà, cầu phao hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tài chính (chênh lệch thu hoặc chi) cứ vượt 1% tăng chênh lệch thu hoặc giảm chênh lệch chi thì được hưởng 1,5% quỹ lương thực hiện cả năm của công nhân viên bến phà, cầu phao. Nếu mức tăng chênh lệch thu hoặc mức giảm chênh lệch chi thực tế không đủ để trích thưởng 1,5% quỹ lương thì kết quả đạt được do tăng chênh lệch thu hoặc giảm chênh lệch chi được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
Tỉ lệ bổ sung cho 2 quỹ:
- 70% cho quỹ khen thưởng
- 30% cho quỹ phúc lợi.
3. Nếu mỗi quỹ khen thưởng và phúc lợi trong cả năm vượt 6 tháng lương thực hiện bình quân trong năm của công nhân viên bến phà, cầu phao thì số vượt 6 tháng lương (từ tháng thứ 7 trở đi) được để lại 30% cho bến phà, cầu phao và 20% cho đoạn, khu hoặc phân khu (phần này sẽ có Thông tư hướng dẫn sử dụng sau), số 30% để lại cho bến phà, cầu phao được phân phối:
- 70% cho quỹ khen thưởng
- 30% cho quỹ phúc lợi.
4. Nếu bến phà, cầu phao không hoàn thành các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và do đó bị giảm trừ mức trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi quá nhiều nên không đạt mức bình quân đầu người 60 đồng cho 2 quỹ cộng lại thì được cấp bù đủ mức bình quân đó (60 đồng bình quân đầu người). Tỉ lệ phân phối quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi do đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ quyết định.
5. Đến hết năm, bến phà, cầu phao có báo cáo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên đây và có xác nhận của đoạn, khu hoặc phân khu (đối với bến thuộc trung ương) của Sở Giao thông vận tải (đối với bến thuộc địa phương) thì được tạm trích 75% số tiền dự tính được trích theo chế độ cho 2 quỹ. Đối với các bến phà, cầu phao không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ, cuối năm được trích 60 đồng cho mỗi công nhân viên bến phà, cầu phao. Đoạn, khu hoặc phân khu phải xem xét từng tiêu chuẩn nhiệm vụ, xác định mức độ hoàn thành tính toán số giảm trừ, số được trích của từng bến đề nghị Cục quản lý đường bộ (nếu bến do trung ương quản lý) Sở Giao thông vận tải (nếu bến phà do địa phương quản lý) xét duyệt sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
Số tiền trích lập các quỹ được tính vào số cheenh lệch thu, chi.
- Sau khi xét duyệt chính thức các mức trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, cho từng bến phà, cầu phao đoạn, khu hoặc phân khu tiến hành thanh toán các số tiền đã tạm trích. Nếu còn thiếu thì trích thêm cho đủ.
Căn cứ vào quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn này của Liên Bộ, Cục quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải cần hướng dẫn chi tiết thêm để các đoạn, khu hoặc phân khu quản lý đường bộ, bến phà, cầu phao thi hành thống nhất.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-10-82. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Ngô Thiết Thạch (Đã ký) | Nguyễn Đình Doãn (Đã ký) |