Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 93/2007/TTLT-BNN-BYT-BGDĐT hướng dẫn phân công phối hợp giữa ba ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, GDĐT
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ Y TẾ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/2007/TTLT-BNN-BYT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2007 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN PHÂN CÔNG PHỐI HỢP GIỮA BA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về Cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phân công phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình) như sau:
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG VIỆC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a/ Về lập kế hoạch:
- Lập kế hoạch hoạt động và kinh phí của Chương trình hàng năm, kế hoạch đến 2010 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định
- Hướng dẫn các ngành và địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
b) Chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các Bộ ngành liên quan:
- Tổ chức thực hiện công tác thông tin- giáo dục - truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên phạm vi toàn quốc;
- Xây dựng Quy hoạch hoặc Dự án tổng thể về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm;
- Xây dựng mô hình thí điểm, ban hành thiết kế mẫu, tài liệu hướng dẫn chuyển giao công nghệ về cấp nước sạch và vệ sinh chuồng trại nông thôn phù hợp với từng vùng;
- Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các qui chuẩn kỹ thuật về cấp nước nông thôn và các văn bản khác liên quan đến việc quản lý và điều hành Chương trình;
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thực hiện xã hội hóa, hình thành thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn;
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở các cấp;
c/ Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút thêm vốn đầu tư cho Chương trình nhất là các vùng có nhiều khó khăn về cấp nước sạch;
d/ Chủ trì thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình;
đ/ Định kỳ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện Chương trình, tổng hợp báo cáo kết quả lên Ban Chủ nhiệm và Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề mới phát sinh vượt thẩm quyền.
2. Bộ Y tế:
a) Xây dựng Quy hoạch hoặc Dự án tổng thể về tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình, cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh cho các trạm y tế xã vùng nông thôn;
b) Ban hành qui chuẩn kỹ thuật về nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng nông thôn; xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh nông thôn. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tăng cường công tác quản lí về chất lượng nước sinh hoạt, vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cộng đồng ở nông thôn;
c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lí của ngành y tế, cụ thể một số nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch đến năm 2010 và chỉ đạo tổ chức thực hiện mục tiêu về nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình khu vực nông thôn và trạm y tế xã;
- Thực hiện công tác thông tin - giáo dục- truyền thông về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nông thôn;
- Xây dựng mô hình thí điểm và ban hành hướng dẫn xây dựng, sử dụng, bảo quản các loại nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình quản lí, giám sát chất lượng nước khu vực nông thôn;
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho tuyến địa phương về công tác giám sát chất lượng nước, truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nông thôn;
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Xây dựng Quy hoạch hoặc Dự án tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục mầm non vùng nông thôn (sau đây gọi tắt là trường học) phù hợp với các hoạt động của Bộ;
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ ngành có liên quan chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách về nước sạch, vệ sinh trong trường học;
c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lí của ngành giáo dục và đào tạo, cụ thể một số nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch đến năm 2010 và tổ chức thực hiện việc cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học đảm bảo mục tiêu Chương trình;
- Tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong trường học;
- Xây dựng mô hình thí điểm và ban hành mẫu thiết kế về cấp nước sạch và vệ sinh trong trường học;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình trong trường học .
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh):
Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Chương trình theo lĩnh vực quản lý được phân công như sau:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổng hợp chung mọi hoạt động của Chương trình; triển khai thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực về nước sạch cho dân cư nông thôn và vệ sinh chuồng trại;
b) Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn,vệ sinh cá nhân; nhà tiêu hộ gia đình; đào tạo cộng tác viên và nâng cao năng lực cho tuyến huyện, xã; chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và các công trình vệ sinh theo các tiêu chuẩn đã ban hành; bảo đảm nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh cho các trạm y tế vùng nông thôn;
c) Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động về nước sạch và vệ sinh trong trường học; có biện pháp để các trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có đủ công trình vệ sinh và được đưa vào sử dụng đúng quy định; có nội dung và hình thức giáo dục phù hợp để nâng cao nhận thức cho học sinh nhằm thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân;
d) Uỷ ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban của huyện và Uỷ ban nhân dân các xã phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình trên địa bàn.
II. NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Nguyên tắc phối hợp
a) Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện Chương trình phải tuân theo Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 của Chính phủ: Quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
b) Ở trung ương, các Bộ thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng của Chương trình trước khi trình Ban Chủ nhiệm, cụ thể:
- Quy hoạch hoặc Dự án tổng thể về nước sạch và vệ sinh môi trường của cả nước;
- Kế hoạch hàng năm, kế hoạch đến 2010 và dự kiến phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện Chương trình;
- Nội dung văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm;
- Nội dung, phương pháp và phối hợp giữa các ngành trong truyền thông;
- Các báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình, các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ;
- Số lượng, quy mô, nội dung và địa bàn xây dựng các mô hình về cấp nước và vệ sinh môi trường; các thiết kế mẫu dự kiến ban hành;
- Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Các Bộ được giao nhiệm vụ xây dựng nội dung và chủ trì các buổi thảo luận.
c) Ở địa phương, các Sở thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng của Chương trình trước khi trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, cụ thể:
- Quy hoạch hoặc Dự án tổng thể về nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh;
- Kế hoạch hàng năm và đề xuất việc phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước cho các mục tiêu của Chương trình trên địa bàn;
- Các báo cáo sơ kết, tổng kết, các đề xuất, kiến nghị vượt thẩm quyền.
Các Sở được giao nhiệm vụ xây dựng nội dung và chủ trì các buổi thảo luận.
d) Các văn bản liên quan đến hoạt động của Chương trình do cơ quan chủ trì xây dựng hoặc ban hành phải có ý kiến bằng văn bản của Ban Chủ nhiệm Chương trình (ở trung ương) hoặc Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (ở địa phương) trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;
đ) Các cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lí của ngành. Hàng năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn giám sát, đánh giá liên ngành gồm đại diện của các ngành liên quan;
e) Việc sơ kết sẽ được tiến hành hàng năm (trong quý I) để đánh giá tình hình thực hiện của năm đã qua và bàn các biện pháp triển khai thực hiện kế hoạch. Ở trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; ở các tỉnh do Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì. Đánh giá giữa kỳ và tổng kết được tiến hành theo chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm Chương trình;
g) Các cơ quan kịp thời thông báo cho nhau các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình.
2. Chế độ gửi văn bản và báo cáo.
a) Văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được gửi cho các Bộ, ngành và địa phương:
- Trước ngày 01 tháng 6 hàng năm đối với Văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch hàng năm;
- Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm đối với Văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch.
b) Báo cáo về kế hoạch hàng năm:
- Trước ngày 01tháng 7 hàng năm, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo gửi Kế hoạch năm sau cho Bộ quản lí ngành ở trung ương đồng thời gửi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia;
- Trước ngày 10 tháng 7 hàng năm, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Kế hoạch năm sau cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung và báo cáo Ban Chủ nhiệm.
c) Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch:
Thực hiện theoThông tư liên tịch số 01/2003/ TTLT/BKH-BTC ngày 6/1/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính và Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lí và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia;
d) Báo cáo kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình: Thực hiện theo thông tư số 15/2006/TT/BYT ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế;
đ) Báo cáo về sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình: 10 ngày sau khi kết thúc việc sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình, Uỷ ban nhân dân các tỉnh gửi báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ban Chủ nhiệm và trình Thủ tướng Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Tổ chức thực hiện
a) Ở Trung ương:
Giao Cục Thuỷ Lợi và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cục Y tế dự phòng Việt Nam (Bộ Y tế); Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là các cơ quan làm đầu mối phối hợp. Cục Thuỷ lợi làm nhiệm vụ Thường trực. Các cơ quan làm đầu mối phối hợp giao ban mỗi quý một lần để đánh giá tình hình thực hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp thực hiện Chương trình trong thời gian tới;
b) Ở địa phương:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân các huyện; giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh và các cơ quan liên quan làm đầu mối phối hợp; cử cơ quan chủ trì; quy định chế độ giao ban, chế độ báo cáo nhằm thực hiện tốt Chương trình.
2. Điều khoản thi hành.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng phối hợp xem xét giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
|