Nội dung toàn văn Thông tư 76/2017/TT-BTC sửa đổi 54/2013/TT-BTC quản lý sử dụng khai thác công trình nước sạch
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/2017/TT-BTC | Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2017 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 54/2013/TT-BTC NGÀY 04 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung (sau đây gọi là Thông tư số 54/2013/TT-BTC)
1. Sửa đổi Điều 11 như sau:
“Điều 11. Đơn vị quản lý công trình
Tùy theo điều kiện cụ thể về quy mô công trình, công nghệ cấp nước, xử lý nước, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức giao công trình như sau:
1. Giao công trình cho đơn vị quản lý theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Tổ chức lựa chọn doanh nghiệp để giao công trình.”
2. Bổ sung Điều 12a như sau:
“Điều 12a. Xác định giá trị còn lại thực tế của công trình
1. Công trình phải thực hiện xác định giá trị còn lại thực tế gồm:
a) Đối với công trình đã giao cho đối tượng quản lý (gồm đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng mà không thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, doanh nghiệp được giao mà chưa thực hiện nhận nợ với Nhà nước theo quy định) nhưng vận hành chưa hiệu quả;
b) Công trình đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được giao cho đối tượng quản lý;
c) Công trình tiếp nhận để giao kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà không có tài liệu hoặc có tài liệu nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá hoặc chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại thực tế của công trình và thời gian sử dụng còn lại (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) gửi Sở Tài chính thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá trị còn lại thực tế của công trình và thời gian sử dụng còn lại.”
3. Sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 12 như sau:
“e) Giá trị công trình hoặc giá trị còn lại thực tế của công trình được xác định theo quy định tại Điều 12a.”
4. Sửa đổi điểm g khoản 2 Điều 12 như sau:
“g) Thời hạn, tiến độ thanh toán đối với công trình theo hình thức tổ chức lựa chọn doanh nghiệp để giao công trình thực hiện theo quy định tại Điều 14a Thông tư này.”
5. Bổ sung khoản 4 vào Điều 13 như sau:
“4. Việc giao công trình cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).”
6. Bổ sung Điều 14a như sau:
“Điều 14a. Tổ chức lựa chọn doanh nghiệp để giao công trình
1. Việc lựa chọn doanh nghiệp để giao công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này phải có chức năng kinh doanh phù hợp với việc quản lý, vận hành và khai thác công trình.
3. Căn cứ tình hình thực tế cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thanh toán giá trị công trình theo các hình thức sau đây (nội dung này được quy định tại Hồ sơ mời thầu và Hợp đồng giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung):
a) Thanh toán ngay sau khi trúng thầu nhận bàn giao công trình;
b) Thanh toán theo giai đoạn hoặc tương ứng với thời gian sử dụng còn lại thực tế của công trình.
4. Hồ sơ mời thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và phải đáp ứng một số nội dung sau:
a) Phương thức vận hành, khai thác công trình;
b) Giá trị công trình được giao: nguyên giá công trình xây dựng mới hoặc giá trị còn lại thực tế của công trình (xác định theo quy định tại Điều 12a Thông tư này). Giá này là giá gói thầu để các doanh nghiệp trả giá bằng hoặc cao hơn giá gói thầu;
c) Hình thức thanh toán giá trị trúng thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 14a Thông tư này”.
7. Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 như sau:
“a) Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao công trình theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Thông tư này: Thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình; hạch toán giá trị công trình bàn giao theo phương thức ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Đối với doanh nghiệp trúng thầu công trình thực hiện:
- Ký kết hợp đồng giao nhận công trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tiếp nhận, tổ chức vận hành và khai thác công trình theo phương thức đã ký kết hợp đồng;
- Thanh toán giá trị công trình tại hợp đồng đã ký kết với mức giá đã trả khi trúng thầu theo hình thức quy định tại khoản 3 Điều 14a Thông tư này.”
8. Bổ sung khoản 4 Điều 15 như sau:
“4. Việc giao công trình cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý thực hiện theo hình thức đặt hàng và giao kế hoạch quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).”
9. Bổ sung điểm d, điểm e khoản 3 Điều 20 như sau:
“d) Nguyên giá công trình giao thông qua đấu thầu là giá trị trúng thầu.
e) Nguyên giá công trình giao trong trường hợp xác định giá trị còn lại thực tế của công trình là giá trị còn lại thực tế được xác định theo quy định tại Điều 12a Thông tư này.”
10. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 21 như sau:
“c) Trường hợp phương án giá tiêu thụ nước sạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thấp hơn phương án giá thành nước sạch đã tính đúng, tính đủ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cấp bù từ Ngân sách địa phương hoặc nguồn Chương trình mục tiêu (nếu có) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cấp nước (thông qua khối lượng nước sạch tiêu thụ của doanh nghiệp theo đơn vị tính là m3).”
11. Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 21 như sau:
“c) Đối với công trình giao trong trường hợp xác định giá trị còn lại thực tế, thời gian trích khấu hao của công trình là thời gian sử dụng còn lại được xác định theo quy định tại Điều 12a Thông tư này”.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện giao công trình và phân loại như sau:
a) Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả;
b) Các công trình đã giao cho doanh nghiệp sử dụng theo hình thức nhà nước đầu tư vốn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đã thực hiện nhận nợ với Nhà nước theo quy định;
c) Công trình đã giao cho đối tượng quản lý (gồm đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng mà không thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, doanh nghiệp được giao mà chưa thực hiện nhận nợ với Nhà nước theo quy định) nhưng vận hành chưa hiệu quả;
d) Công trình hiện chưa được giao cho đối tượng quản lý trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành; công trình tiếp nhận để giao kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Trên cơ sở rà soát, đánh giá các công trình tại khoản 1 Điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phương án xử lý đối với các công trình theo nguyên tắc sau:
a) Tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác các công trình nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;
b) Thực hiện thu hồi công trình đã giao cho đối tượng quản lý đối với các công trình nêu tại điểm c khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tải sản nhà nước, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
c) Sau khi xác định giá trị còn lại thực tế của từng công trình, thực hiện giao công trình quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này theo nhóm công trình trong một vùng, khu vực (xã, liên xã, huyện) theo quy hoạch (sau đây gọi là công trình) để đảm bảo hiệu quả khai thác chung, không giao riêng lẻ từng công trình.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2017.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |