Điều ước quốc tế Khongso

Nội dung toàn văn Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993


TUYÊN BỐ VỀ XÓA BỎ BẠO LỰC VỚI PHỤ NỮ, 1993

(Được thông qua theo Nghị quyết 48/104 ngày 20/12/1993 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).

Đại Hội đồng,

Ghi nhận sự cấp thiết phải bảo đảm cho phụ nữ những quyền và nguyên tắc về sự bình đẳng, an ninh, tự do, sự toàn vẹn và phẩm hạnh của tất cả mọi người,

Lưu ý rằng, những quyền và nguyên tắc đó được nêu trong các văn kiện quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, và Công ước chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục.

Ghi nhận việc thực hiện có hiệu quả Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ sẽ góp phần vào việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, và rằng, Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, được nêu trong Nghị quyết này, sẽ tăng cường và hỗ trợ cho quá trình đó,

Lo ngại rằng, bạo lực với phụ nữ là một trở ngại để đạt được sự bình đẳng, phát triển và hòa bình như đã được ghi nhận trong Chiến lược Nai-rô-bi vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó nêu nhiều biện pháp nhằm chống bạo lực đối với phụ nữ cũng như việc thực hiện đầy đủ Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, như đã được khuyến nghị,

Khẳng định rằng bạo lực đối với phụ nữ là sự vi phạm các quyền và tự do cơ bản của phụ nữ, xâm hại đến hoặc vô hiệu hóa sự thụ hưởng các quyền và tự do đó của họ, và lo ngại về việc các quyền và tự do đó từ lâu đã không được bảo vệ và thúc đẩy trong trường hợp bạo lực với phụ nữ,

Ghi nhận rằng, bạo lực với phụ nữ là một biểu hiện trong các quan hệ không cân bằng về quyền lực giữa nam và nữ mà vốn có trong lịch sử. Những quan hệ đó dẫn đến sự thống trị và phân biệt đối xử với phụ nữ từ nam giới, ngăn cản sự phát triển đầy đủ của phụ nữ, và rằng, bạo lực đối với phụ nữ là một trong những cơ chế xã hội quan trọng, theo đó, phụ nữ bị đẩy vào một vị trí thấp kém so với nam giới,

Lo ngại rằng, một số nhóm phụ nữ, chẳng hạn như phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số, phụ nữ bản xứ, phụ nữ tỵ nạn, phụ nữ nhập cư, phụ nữ đang sống trong những cộng đồng nông thôn xa xôi, phụ nữ trong hoàn cảnh bần hàn, phụ nữ trong các cơ sở hoặc trong nhà giam, trẻ em gái, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi và phụ nữ trong những hoàn cảnh có xung đột vũ trang, là những người đặc biệt dễ có nguy cơ phải chịu bạo lực,

Nhắc lại kết luận tại khoản 23 trong Phụ lục của Nghị quyết 1990/15 ngày 24/5/1990 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã ghi nhận rằng, bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình và xã hội diễn ra tràn lan, cần phải có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả nhằm ngăn không để xảy ra sự phân biệt về thu nhập, giai cấp và văn hóa giữa nam và nữ,

Cũng nhắc lại Nghị quyết 1991/18 ngày 30/5/1991 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, trong đó Hội đồng khuyến nghị về việc xây dựng dự thảo một văn kiện quốc tế nhằm giải quyết triệt để vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Hoan nghênh vai trò của các phong trào phụ nữ trong việc thu hút sự chú ý ngày càng tăng về bản chất, sự nghiêm trọng và phạm vi của vấn đề bạo lực đối phụ nữ.

Báo động rằng, những cơ hội cho phụ nữ để đạt được sự bình đẳng về pháp lý, xã hội, chính trị và kinh tế trong xã hội bị hạn chế, bởi bạo lực với họ vẫn đang tiếp diễn và chưa chấm dứt,

Tin tưởng rằng, trước tình hình trên, cần thiết phải có một định nghĩa rõ ràng và toàn diện về bạo lực đối với phụ nữ, một tuyên bố rõ ràng về các quyền được áp dụng nhằm đảm bảo việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ dưới mọi hình thức, một cam kết của các quốc gia về trách nhiệm của họ, một cam kết của cộng đồng quốc tế nói chung nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ,

Trịnh trọng thông qua, Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ dưới đây, và kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để Tuyên bố này được phổ biến và tôn trọng rộng rãi:

Điều 1.

Trong phạm vi của Tuyên bố này thuật ngữ “bạo lực” đối với phụ nữ có nghĩa là mọi hành vi bạo lực trên cơ sở giới tính dẫn đến hoặc có thể dẫn đến sự xâm hại về thể chất, tình dục hoặc tâm lý hoặc sự đau khổ cho phụ nữ kể cả việc đe dọa có những hành vi như vậy, việc cưỡng đoạt hoặc tước đoạt vô cớ tự do của phụ nữ, cho dù diễn ra trong đời sống công cộng hoặc riêng tư.

Điều 2.

Bạo lực đối với phụ nữ sẽ được hiểu là bao gồm, và không chỉ giới hạn, ở những vấn đề dưới đây:

1. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý diễn ra trong gia đình, kể cả đánh đập, hành hạ, xâm hại tình dục trẻ em gái trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, hiếp dâm vợ, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, và các tập tục truyền thống khác có hại cho phụ nữ, bạo lực với người chưa phải là vợ, và bạo lực liên quan đến bóc lột;

2. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý diễn ra trong cộng đồng nói chung; kể cả hiếp dâm, xâm hại tình dục, quấy rối và hăm dọa tình dục ở nơi làm việc trong các cơ sở giáo dục và những nơi khác buôn bán phụ nữ và cưỡng bức mại dâm,

3. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý do nhà nước thực hiện hoặc được nhà nước bao che và bỏ qua, cho dù xảy ra ở bất kỳ nơi nào.

Điều 3.

Phụ nữ có quyền được hưởng thụ một cách bình đẳng và được bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự hay bất kỳ lĩnh vực nào khác. Những quyền này bao gồm:

1. Quyền sống;

2. Quyền được bình đẳng;

3. Quyền được tự do và an ninh cá nhân;

4. Quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng;

5. Quyền không bị phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào;

6. Quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về thể chất và trí tuệ;

7. Quyền có điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi;

8. Quyền không bị tra tấn, hoặc đối xử hay trừng phạt dã man, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.

Điều 4.

Các quốc gia cần lên án bạo lực đối với phụ nữ và không được áp dụng bất kỳ tập quán, truyền thống hay ràng buộc về tôn giáo nào nhằm tránh những nghĩa vụ của mình về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Các quốc gia cần theo đuổi, thông qua những biện pháp thích hợp và không được trì hoãn, một chính sách xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, và nhằm đạt được điều này, cần:

1. Xem xét, trong trường hợp chưa thực hiện, việc phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, hoặc rút những bảo lưu trong Công ước đó;

2. Không can dự vào các hành động bạo lực đối với phụ nữ;

3. Không ngừng ngăn chặn điều tra và, phù hợp với luật pháp quốc gia, trừng trị những hành vi bạo lực đối với phụ nữ cho dù những hành vi đó do cơ quan nhà nước hay cá nhân thực hiện

4. Ban hành những chế tài hình sự, dân sự lao động và hành chính trong luật pháp quốc gia nhằm trừng trị và xử lí những việc làm sai phạm với những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực cần được tạo điều kiện tiếp cận các cơ chế tư pháp và, theo quy định của pháp luật, những biện pháp giải quyết công bằng và hiệu quả đối với những thiệt hại mà nó phải hứng chịu; các quốc gia cũng cần thông tin cho phụ nữ về những quyền của họ nhằm tìm kiếm sự bồi thường thông qua những cơ chế như vậy;

5. Xem xét khả năng phát triển các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự bảo vệ phụ nữ trước bất kỳ hình thức bạo lực nào, hoặc lồng ghép những quy định nhằm mục đích đó và các kế hoạch hiện hành, xem xét, trong trường hợp thích hợp, sự hợp tác từ các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức quan tâm đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ;

6. Phát triển, theo một phương thức toàn diện, các phương pháp phòng ngừa và tất cả những biện pháp mang tính pháp lý, chính trị, hành chính và văn hóa nhằm thúc đẩy sự bảo vệ phụ nữ trước mọi hình thức bạo lực, và đảm bảo rằng không để tái diễn việc phụ nữ trở thành nạn nhân do pháp luật thiếu nhạy bén với những vấn đề về giới, các quy chế thực hiện hoặc các hình thức can thiệp khác;

7. Hành động nhằm đảm bảo đến mức tối đa có thể được trong phạm vi nguồn lực sẵn có của mình và, trong trường hợp cần thiết, trong phạm vi khuôn khổ hợp tác quốc tế rằng những phụ nữ phải chịu bạo lực và, trong trường hợp thích hợp với cả con cái họ, được trợ giúp đặc biệt, như phục hồi trợ giúp chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, đối xử, tư vấn và các dịch vụ, có các cơ sở và chương trình y tế và xã hội cũng như các cơ cấu trợ giúp, cũng như cần thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp khác nhằm thúc đẩy sự an toàn và phục hồi về thể chất và tâm lý của họ;

8. Bổ sung vào ngân sách của chính phủ những nguồn lực sẵn có phục vụ cho những hoạt động liên quan đến việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ;

9. Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo rằng các cán bộ thực thi pháp luật và công chức nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách để ngăn chặn, điều tra và trừng trị bạo lực đối với phụ nữ được đào tạo nhằm giúp họ nhạy bén trước những nhu cầu của phụ nữ;

10. Thông qua những biện pháp thích hợp, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nhằm điều chỉnh những mô hình ứng xử về xã hội và văn hóa của nam và nữ, và để xóa bỏ những định kiến, tập quán và tất cả những tập tục khác dựa trên quan điểm trọng hay khinh đối với cả hai giới, và dựa trên những định kiến mang tính khuôn mẫu về vai trò của nam và nữ;

11. Thúc đẩy việc nghiên cứu, thu thập dữ liệu và tổng hợp số liệu đặc biệt liên quan đến bạo lực trong gia đình, đến sự phổ biến các hình thức bạo lực khác nhau đối với phụ nữ, khuyến khích nghiên cứu về những nguyên nhân, bản chất, sự nghiêm trọng và hậu quả của bạo lực đối với phụ nữ và về hiệu quả của những biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn và xử lý bạo lực đối với phụ nữ; những số liệu và kết quả nghiên cứu phải được công bố công khai;

12. Thông qua các biện pháp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, những người đặc biệt có nguy cơ chịu bạo lực;

13. Bổ sung, khi đệ trình các báo cáo theo yêu cầu của các văn kiện nhân quyền liên quan của Liên Hợp Quốc, những thông tin liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và những biện pháp được thực hiện nhằm thực hiện Tuyên bố này;

14. Khuyến khích phát triển những hướng dẫn thích hợp nhằm hỗ trợ thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố này;

15. Ghi nhận vai trò quan trọng của phong trào phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới trong việc nâng cao nhận thức và xóa bỏ vấn đề bạo lực đối với phụ nữ;

16. Tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động của phong trào phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ, và hợp tác với họ ở cấp địa phương quốc gia và khu vực;

17. Khuyến khích các tổ chức liên chính phủ khu vực mà họ là thành viên đưa vấn đề xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ vào các chương trình, nếu thích hợp.

Điều 5.

Các tổ chức và các cơ quan chuyên môn trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, trong phạm vi từng lĩnh vực chức năng của mình, cần góp phần vào sự công nhận và thực hiện các quyền và nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố này và, để đạt được mục tiêu này, cần:

1. Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và khu vực nhằm xác định những chiến lược khu vực để chống bạo lực, trao đổi kinh nghiệm và tài trợ cho các chương trình liên quan đến việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ;

2. Tổ chức các hội nghị và hội thảo nhằm tạo và nâng cao nhận thức cho mọi cá nhân về vấn đề xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ;

3. Tăng cường sự phối hợp và trao đổi trong khuôn khổ hệ thống của Liên Hợp Quốc, giữa các cơ quan giám sát các điều ước quốc tế về nhân quyền, nhằm giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề bạo lực đối với phụ nữ;

4. Bổ sung vào những phân tích do các tổ chức và cơ quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc soạn thảo những xu hướng và vấn đề xã hội, chẳng hạn như những báo cáo định kỳ về tình hình xã hội trên thế giới, đánh giá về những xu hướng bạo lực đối với phụ nữ;

5. Khuyến khích sự phối hợp giữa các tổ chức và cơ quan trọng hệ thống Liên Hợp Quốc lồng ghép vấn đề bạo lực đối với phụ nữ vào các chương trình hiện hành, đặc biệt liên quan đến các nhóm phụ nữ đặc biệt có nguy cơ chịu bạo lực;

6. Thúc đẩy việc xây dựng những hướng dẫn hoặc cẩm nang liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, xem xét những biện pháp được nêu trong Tuyên bố này;

7. Xem xét vấn đề xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, nếu thích hợp, trong việc hoàn thành các nghĩa vụ thực hiện các văn kiện quốc tế về nhân quyền;

8. Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong việc giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Điều 6.

Không có quy định nào trong Tuyên bố này làm ảnh hưởng đến những quy định mà tạo điều kiện tốt hơn cho việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Những quy định như thế có thể có trong luật pháp của các quốc gia hoặc trong bất kỳ công ước điều ước hay văn kiện quốc tế nào khác đang được thực thi ở các quốc gia.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Dự thảo văn bản Khongso

Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
Số hiệuKhongso
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/12/1993
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhậtnăm ngoái
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Dự thảo văn bản Khongso

Lược đồ Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993
                Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
                Số hiệuKhongso
                Cơ quan ban hànhLiên hợp quốc
                Người ký***
                Ngày ban hành20/12/1993
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhậtnăm ngoái

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993

                            Lịch sử hiệu lực Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993

                            • 20/12/1993

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực