Nội dung toàn văn Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BCA năm 2014 hợp nhất Quy chế miễn thị thực người Việt Nam định cư ở nước ngoài
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/VBHN-BCA | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI
Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,[1]
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều 2[2]. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2007.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
VỀ MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Đối tượng miễn thị thực
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh nếu có đủ các điều kiện:
1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài (dưới đây gọi tắt là hộ chiếu) còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh.
2. Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Điều 2. Đối tượng không được miễn thị thực
1. Không đủ điều kiện nêu tại Điều 1.
2. Thuộc diện "chưa được nhập cảnh Việt Nam" theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:
a) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;
b) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
c) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;
d) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 3. Giấy miễn thị thực
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực gồm:
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
- Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.
2. Giấy miễn thị thực có giá trị đến 5 năm và ngắn hơn thời hạn còn giá trị của hộ chiếu hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp ít nhất 6 tháng.
3. Giấy miễn thị thực được cấp cho từng người. Trẻ em dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu với cha hoặc mẹ, thì Giấy miễn thị thực được cấp cùng với hộ chiếu của cha hoặc mẹ.
4.[3] Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Người được cấp Giấy miễn thị thực phải nộp phí xử lý hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực:
1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc người chưa được cấp hộ chiếu nước ngoài thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (kèm theo bản sao để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ).
2. Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các giấy tờ được cấp trước đây dùng để suy đoán về Quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì đương sự có thể xuất trình giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam bảo đảm đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh quan hệ vợ, chồng, con với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam (giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh; giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con và các giấy tờ có giá trị khác theo quy định của pháp luật Việt Nam).
3. Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này, đương sự có thể xuất trình giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét cấp Giấy miễn thị thực.
4. Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực (theo mẫu).
5.[4] Hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực được lập thành 01 bộ.
Điều 5. Hủy Giấy miễn thị thực
1. Người được cấp Giấy miễn thị thực sau đó nếu phát hiện những vấn đề không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Quy chế này sẽ bị hủy Giấy miễn thị thực.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang ở nước ngoài. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an; lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh thuộc Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tại cửa khẩu thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang tạm trú ở Việt Nam hoặc đang ở cửa khẩu Việt Nam.
3. Trường hợp bị hủy Giấy miễn thị thực không được hoàn trả phí xử lý hồ sơ.
Điều 6. Thời hạn tạm trú tại Việt Nam[5]
Người nhập cảnh Việt Nam bằng Giấy miễn thị thực, được tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh, nếu có nhu cầu ở lại quá 90 ngày, được cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh và có lý do chính đáng thì được xem xét, giải quyết gia hạn tạm trú, mỗi lần không quá 90 ngày.
Người có nhu cầu gia hạn tạm trú phải làm thủ tục trước 05 ngày khi hết hạn.
- Hồ sơ đề nghị gia hạn tạm trú gồm: Hộ chiếu của người xin gia hạn tạm trú và Tờ khai đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú (mẫu N5), có xác nhận của Công an xã, phường nơi tạm trú.
- Nơi nộp hồ sơ: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố nơi tạm trú.
- Thời gian giải quyết: không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Quy chế này. Bộ Công an ban hành mẫu Giấy miễn thị thực, mẫu Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực và mẫu Giấy bảo lãnh, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại giao.
2. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các hãng hàng không quốc tế biết, tạo điều kiện thuận lợi cho người mang Giấy miễn thị thực đến Việt Nam.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng phí xử lý hồ sơ cấp Giấy miễn thị thực./.
Nơi nhận: | XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
[1] Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,”
[2] Điều 2 và Điều 3 Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định như sau:
"Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.”
[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.
[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.
[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2012.