Thông tư 34/2005/TT-BTC

Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá do Bộ tài chính ban hành

Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá đã được thay thế bởi Thông tư 137/2010/TT-BTC xác định giá khởi điểm tài sản nhà nước và được áp dụng kể từ ngày 01/11/2010.

Nội dung toàn văn Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá


BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 34/2005/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM VÀ CHUYỂN GIAO TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ quy định tại Điều 45 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này hướng dẫn:

- Nguyên tắc, thẩm quyền quyết định, phương pháp xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước;

- Chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá.

2. Việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Cơ quan tài chính nhà nước các cấp, các tổ chức được giao quản lý, sử dụng và xử lý tài sản nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có chức năng định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

II. XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐỐI VỚI TÀI SẢN BÁN ĐẤU GIÁ LÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

1. Nguyên tắc xác định giá khởi điểm:

Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước được xác định theo nguyên tắc phải phù hợp với giá bán thực tế của tài sản cùng loại hoặc tương tự ở thị trường địa phương tại thời điểm xác định giá, cụ thể một số trường hợp như sau:

1.1. Đối với những tài sản do nhà nước quy định giá, giá khởi điểm không được thấp hơn giá do Nhà nước quy định tại thời điểm xác định giá khởi điểm.

1.2. Đối với tài sản chuyên dùng đơn chiếc, giá khởi điểm được xác định căn cứ vào chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu và mức độ hao mòn (cả hữu hình và vô hình) của tài sản.

2. Thẩm quyền quyết định giá khởi điểm

2.1. Tài sản nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc cấp nào ra quyết định bán đấu giá, thì cơ quan tài chính nhà nước cấp đó quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá.

Đối với những tài sản thuộc loại khó định giá (bất động sản, tài sản chuyên dùng đơn chiếc và các tài sản không phổ biến trên thị trường), cơ quan tài chính trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cơ quan tài chính quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản theo thẩm quyền. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản như sau:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định thành lập hoặc uỷ quyền cho thủ trưởng cơ quan tài chính cùng cấp quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản ở địa phương.

Thành phần Hội đồng định giá tài sản bao gồm:

- Đại diện cơ quan tài chính nhà nước - Chủ tịch Hội đồng

- Đại diện cơ quan quản lý, sử dụng, xử lý tài sản - Phó Chủ tịch Hội đồng

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần) - Thành viên

- Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, Chủ tịch Hội đồng mời một số thành viên khác tham gia Hội đồng.

2.2. Đối với tài sản nhà nước là động sản thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động, mà việc bán đấu giá do Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản, Hội đồng thanh lý tài sản của cơ quan, đơn vị thực hiện, thì việc xác định giá khởi điểm do Hội đồng quyết định theo nguyên tắc quy định tại điểm 1 Mục này.

Hội đồng định giá tài sản quy định tại tiết 2.1 và 2.2 điểm 2 Mục này làm việc theo nguyên tắc tập thể. Các quyết định của Hội đồng phải được quá nửa số thành viên Hội đồng tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau, thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

2.3. Các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm quy định tại tiết 2.1 và 2.2 điểm 2 Mục này có thể thuê các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng định giá hoặc thẩm định giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật xác định giá khởi điểm trước khi quyết định.

3. Phương pháp xác định giá khởi điểm

3.1. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thu nhập. Trình tự thực hiện của từng phương pháp thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I Thông tư số 188/2004/NĐ-CP">114/2004/TT-BTC ngày 26/11/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.

3.2. Đối với tài sản chuyên dùng đơn chiếc, việc xác định giá khởi điểm được áp dụng theo phương pháp chi phí quy định tại Mục II Phần B Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3.3. Đối với các tài sản nhà nước khác (trừ các tài sản quy định tại tiết 3.1, 3.2 điểm này), việc xác định giá khởi điểm được áp dụng theo phương pháp so sánh. Nội dung của phương pháp và căn cứ áp dụng thực hiện theo quy định tại Mục I Phần B Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

III. CHUYỂN GIAO TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ

1. Nguyên tắc chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá

1.1. Việc chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá phải phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước bao gồm: Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ, Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ..., cụ thể như sau:

a) Việc xử lý, chuyển giao và tổ chức bán đấu giá tài sản nhà nước phải thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b) Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản xác lập sở hữu Nhà nước khác, cơ quan tài chính nhà nước làm thủ tục tiếp nhận tài sản, quyết định xử lý hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; số còn lại bán đấu giá.

1.2. Trong trường hợp chuyển giao tài sản cho các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản (gọi chung là tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản), cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản quy định tại điểm 2 Mục này phải ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá với tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

2. Chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá

2.1. Chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xử lý như sau:

a) Đối với các tang vật, phương tiện là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng buộc phải tiêu huỷ và các hàng hoá khác không được phép lưu thông trên thị trường, thì cơ quan ra quyết định tịch thu lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, đại diện cơ quan tài chính và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Việc tiêu huỷ phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng.

b) Đối với tang vật, phương tiện là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quí, kim loại quí, thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản đó thì chuyển giao cho Sở Tài chính để tổ chức hạch toán, theo dõi, quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Đối với tang vật, phương tiện là thuốc tân dược, vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng liên quan đến an ninh, quốc phòng; vật có giá trị lịch sử, văn hoá; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; hàng lâm sản quý hiếm nhóm IA, IB và các tài sản khác không được phép lưu hành, thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các ngành có liên quan tổ chức bàn giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành quản lý tài sản đó để tổ chức quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Đối với động vật hoang dã còn sống khoẻ mạnh hoặc sau khi cứu hộ khoẻ mạnh, thì cơ quan kiểm lâm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thả về môi trường thiên nhiên phù hợp với sinh thái của từng loài hoặc bán cho cá nhân, tổ chức được phép gây nuôi phát triển, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu văn hoá, đời sống theo thời giá thị trường tại địa phương. Việc thả động vật về môi trường thiên nhiên phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia.

e) Đối với các tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước là phương tiện đi lại, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, thiết bị thí nghiệm còn sử dụng được, thì chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước có nhu cầu sử dụng. Cục Quản lý công sản có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền chuyển giao tài sản cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

Sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận. Thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 43 TC/QLCS ngày 30 tháng 7 năm 1996 của Bộ Tài chính. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận tài sản có trách nhiệm ghi tăng tài sản và giá trị tài sản theo số lượng và giá trị tài sản ghi trong Biên bản giao, nhận tài sản.

f) Đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn lại (sau khi xử lý theo hướng dẫn từ tiết a đến tiết e điểm 2.1 này) được xử lý như sau:

f.1) Đối với tang vật, phương tiện là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng (hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày…), thì cơ quan (người) ra quyết định phải tiến hành lập biên bản và phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán ngay theo hình thức bán công khai hoặc chuyển giao cho Hội đồng định giá và bán đấu giá tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của cơ quan tài chính cùng cấp nơi bắt giữ tài sản.

f.2) Đối với tang vật, phương tiện là vật tư, hàng hoá Nhà nước cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất, cơ quan tài chính phối hợp với cơ quan ra quyết định tịch thu bán trực tiếp cho các tổ chức kinh tế được Nhà nước chỉ định để tái xuất theo quy định hiện hành của pháp luật.

g) Đối với các tang vật, phương tiện còn lại là vật tư, hàng hoá, vật phẩm, thì cơ quan tài chính cấp tỉnh (đối với tang vật, phương tiện vi phạm do các cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu), cơ quan tài chính cấp huyện (đối với tang vật, phương tiện vi phạm do các cơ quan cấp huyện, cấp xã ra quyết định tịch thu) quyết định chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá tổ chức bán đấu giá, bao gồm:

- Xăng, dầu, gas và các loại nhiên liệu khác;

- Vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng, cát, sỏi, đá, gạch ngói...);

- Các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ gia công kim loại, thiết bị năng lượng, thiết bị kỹ thuật điện, cáp và dây điện, thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm, thiết bị làm lạnh và điều hoà không khí, thiết bị xây dựng, thiết bị và linh kiện điện tử, thông tin, thiết bị, dụng cụ y tế, các loại máy móc thiết bị khác;

- Phụ tùng ô tô, xe máy, các phương tiện vận tải khác;

- Hàng lâm sản (gỗ, động vật hoang dã...) không thuộc danh mục cấm buôn bán, vận chuyển hoặc động vật hoang dã thuộc danh mục cấm buôn bán, vận chuyển nhưng không có khả năng cứu hộ khoẻ mạnh;

- Hàng hoá công nghệ phẩm các loại (Rượu, bia, nước giải khát...);

- Các loại vật tư, hàng hoá, vật phẩm khác.

h) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước không phải là vật tư, hàng hoá, vật phẩm quy định tại tiết a, b, c, d, e, f và g của điểm 2.1 này được xử lý như sau:

h.1) Những địa phương chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh, thì chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá tổ chức bán đấu giá.

h.2) Những địa phương có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh, thì chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh theo các nguyên tắc sau:

- Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm nếu không có một trong các loại vật tư, hàng hoá, vật phẩm quy định tại tiết a, b, c, d, e, f và g điểm 2.1 này, thì chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh; Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, nếu có một trong các loại vật tư, hàng hoá, vật phẩm quy định tại tiết a, b, c, d, e, f và g điểm 2.1 này, thì không chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh. Việc chuyển giao tài sản cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá tổ chức bán đấu giá do Giám đốc Sở Tài chính quyết định (đối với tang vật, phương tiện vi phạm do cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu), Thủ trưởng cơ quan tài chính cấp huyện quyết định (đối với tang vật, phương tiện vi phạm do cơ quan cấp huyện, cấp xã ra quyết định tịch thu).

- Chỉ chuyển giao phương tiện, tang vật của một vụ vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu không có một trong các loại vật tư, hàng hoá, vật phẩm quy định tại tiết a, b, c, d, e, f và g điểm 2.1 này mà giá trị toàn bộ tài sản của vụ vi phạm đó từ 10 triệu đồng trở lên theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nếu chưa xác định được giá trị thì chưa thực hiện chuyển giao, trường hợp cần tổ chức bán thì cơ quan tài chính quyết định chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá. Đối với tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước bao gồm cả tài sản và cả vật tư, hàng hoá, vật phẩm hướng dẫn tại tiết g điểm này, thì cơ quan tài chính quyết định chuyển giao bán đấu giá.

- Đối với tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên mà không có các loại vật tư hàng hoá, vật phẩm được xử lý theo quy định tại tiết a, b, c, d, e, f và g điểm này do cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp huyện ra quyết định tịch thu, nhưng thuộc địa bàn xa đô thị tỉnh lỵ, điều kiện vận chuyển khó khăn, thì cơ quan tài chính cấp huyện nơi bắt giữ tài sản tổ chức bán đấu giá.

- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một vụ vi phạm bị tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng, thì cơ quan tài chính quyết định chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản cùng cấp tổ chức bán đấu giá. Trường hợp các cơ quan thuộc xã, phường, thị trấn ra quyết định tịch thu, thì cơ quan tài chính cấp huyện quyết định chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức bán đấu giá.

2.2. Chuyển giao tài sản khu vực hành chính sự nghiệp có quyết định thanh lý hoặc bán đấu giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

a) Đối với tài sản khu vực hành chính sự nghiệp có quyết định bán, thanh lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tài sản bán, thanh lý chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước tổ chức bán đấu giá.

b) Trường hợp các tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước từ chối bán, thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tài sản bán, thanh lý thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng thanh lý tài sản để tổ chức bán đấu giá. Thành phần Hội đồng thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

c) Căn cứ vào quy định tại tiết a, tiết b điểm này, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc chuyển giao và bán đấu giá tài sản khu vực hành chính sự nghiệp ở địa phương.

2.3. Đối với tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động

a) Khi chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (trừ các dự án do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư), sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đã kết thúc hoạt động, chủ dự án có trách nhiệm kiểm kê, lập danh mục các phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, thiết bị thí nghiệm và các tài sản khác thu hồi từ dự án báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên để cơ quan chủ quản lập phương án xử lý gửi đến cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp.

b) Căn cứ vào quyết định xử lý tài sản thu hồi từ dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ dự án phối hợp với cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp thực hiện:

- Bàn giao tài sản có quyết định điều chuyển, bán cho cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước;

- Chuyển giao tài sản có quyết định bán đấu giá cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước để tổ chức bán đấu giá. Trường hợp các tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước từ chối bán, thì cơ quan chủ quản dự án quyết định thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động để tổ chức bán đấu giá. Hội đồng do Thủ trưởng cơ quan chủ dự án làm Chủ tịch. Các thành viên khác bao gồm: Đại diện cơ quan chủ quản dự án; đại diện cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp; đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần).

2.4. Bán đấu giá các loại tài sản nhà nước khác

Đối với tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước khác (trừ tài sản tịch thu do vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại điểm 2.1 Mục này), tài sản được xác lập sở hữu Nhà nước: Tài sản thi hành án, tài sản là vật chứng vụ án, tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản do tổ chức, cá nhân hiến tặng.v.v..., thì cơ quan tài chính quyết định chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước hoặc Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ các quy định cụ thể của địa phương về việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá để trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Cục Quản lý công sản, Sở Tài chính, cơ quan tài chính cấp huyện có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ hướng dẫn về xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước tại Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: "Hướng dẫn, kiểm tra việc chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá"; Do đó, hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trước hoặc sau ngày Thông tư này có hiệu lực (nếu có) phải phù hợp với các quy định tại Thông tư này. Trường hợp hướng dẫn chưa phù hợp với Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để phối hợp giải quyết.

 

Huỳnh Thị Nhân

(Đã Ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 34/2005/TT-BTC

Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 34/2005/TT-BTC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 12/05/2005
Ngày hiệu lực 11/06/2005
Ngày công báo 27/05/2005
Số công báo Số 21
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 01/11/2010
Cập nhật 7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 34/2005/TT-BTC

Lược đồ Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá


Văn bản bị đính chính

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá
Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 34/2005/TT-BTC
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Ngày ban hành 12/05/2005
Ngày hiệu lực 11/06/2005
Ngày công báo 27/05/2005
Số công báo Số 21
Lĩnh vực Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 01/11/2010
Cập nhật 7 năm trước

Văn bản gốc Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá

Lịch sử hiệu lực Thông tư 34/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm chuyển giao tài sản nhà nước bán đấu giá