Chỉ thị 04/2003/CT-UB phòng cháy chữa cháy rừng ngăn chặn nạn đốt rừng làm nương rẫy Quảng Bình đã được thay thế bởi Quyết định 2406/QĐ-UBND năm 2011 danh mục văn bản đã hết hiệu lực Quảng Bình và được áp dụng kể từ ngày 21/09/2011.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 04/2003/CT-UB phòng cháy chữa cháy rừng ngăn chặn nạn đốt rừng làm nương rẫy Quảng Bình
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2003/CT-UB | Đồng Hới, ngày 23 tháng 01 năm 2003 |
CHỈ THỊ
V/V PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG VÀ NGĂN CHẶN NẠN ĐỐT RỪNG LÀM NƯƠNG RẪY
Trong những năm qua UBND các huyện, thị xã cùng các sở, ban ngành trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo tích cực công tác phòng chống cháy rừng và ngăn chặn nạn đốt rừng làm nương rẫy do đó đã hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tuy vậy trong năm 2002 vẫn xảy ra 29 vụ cháy rừng làm thiệt hại 29 ha rừng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và tài nguyên rừng. Nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận dân cư chưa tốt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm tăng mức độ cháy rừng.
Để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, các đơn vị thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị 21/2002/CT-TTg ngày 12/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác phòng chống cháy rừng; Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; Tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 03/CT-TU ngày 28/3/2001 của Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
2. Các ngành, địa phương, đơn vị, Đài phát thanh truyền hình, Báo Quảng Bình tăng cường công tác tuyên truyền về công tác PCCCR, phổ biến, giáo dục, pháp luật về rừng, các quy định về PCCCR, để mọi người dân nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
3. UBND các huyện, thị xã, các công ty lâm công nghiệp kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR, xây dựng kế hoạch và phương án PCCCR, với phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ: Ủy ban nhân dân các xã và các chủ rừng tăng cường vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, trước hết các chủ rừng phải thực hiện đúng những quy định về phòng cháy chữa cháy rừng, thành lập đội xung kích chữa cháy rừng để kịp thời cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra.
4. Thực hiện tốt công tác quy vùng làm nương rẫy, định canh định cư, kiểm tra ngăn chặn nạn đốt rừng làm nương rẫy ở các vùng đồng bào dân tộc sống du canh du cư.
5. Giao trách nhiệm cho Chi cục Kiểm lâm là cơ quan thường trực PCCCR của tỉnh hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, việc thực hiện phương án PCCCR nhất là các khu vực trọng điểm, những tháng nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng; phối hợp với các ngành địa phương và đơn vị có rừng để tổ chức diễn tập chữa cháy rừng; theo dõi diễn biến, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh.
6. Các ngành Công an, quân đội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm và các địa phương, đơn vị trong việc chữa cháy rừng, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện để phục vụ chữa cháy rừng, các ngành nội chính tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng để giáo dục, răn đe, ngăn chặn hành vi gây cháy rừng.
7. Khi có cháy rừng xảy ra Chủ tịch UBND các cấp, Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để cứu chữa, dập tắt lửa kịp thời. Các tổ chức, cá nhân phải chấp hành lệnh điều động của các cơ quan nói trên, nếu không chấp hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH |