Chỉ thị 04/CT-UBT-96 bảo hiểm tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước đã được thay thế bởi Quyết định 75/2003/QĐ-UB danh mục văn bản còn hiệu lực hết hiệu lực đến 31/12/2002 Cần Thơ và được áp dụng kể từ ngày 22/12/2003.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 04/CT-UBT-96 bảo hiểm tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT.UBT.96 | Cần Thơ, ngày 27 tháng 02 năm 1996 |
CHỈ THỊ
V/V THỰC HIỆN BẢO HIỂM TÀI SẢN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - SỰ NGHIỆP
Ngày 18-12-1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 100/CP về kinh doanh bảo hiểm; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 46-TC/CĐTC ngày 30-05-1994 V/v hướng dẫn thi hành Nghị định 100/CP của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm - nhằm đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, khai thác và phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế và đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ đổi mới phương thức hoạt động, giảm các thủ tục phiền hà trong việc tham gia bảo hiểm và chi trả tiền bảo hiểm.
Thực hiện Nghị định số 100/CP của Chính phủ, Thông tư số 46-TC/CĐTC của Bộ Tài chính và các văn bản khác có liên quan, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Cần Thơ đều phải có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm các loại tài sản của doanh nghiệp tại doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động trên địa bàn, theo các loại hình bảo hiểm dưới đây:
- Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt;
- Bảo hiểm vật chất xe ôtô và tàu tuyền;
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong nước;
- Bảo hiểm xây dựng, lắp đặt;
- Bảo hiểm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Riêng các cơ quan đơn vị hành chính - sự nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, đang quản lý sử dụng các loại phương tiện xe, tàu; các công trình xây dựng được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đều phải tiến hành bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động trên địa bàn, theo loại hình bảo hiểm dưới đây:
- Bảo hiểm thân xe ôtô, môtô;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự;
- Bảo hiểm xây dựng, lắp đặt.
2- Về phí bảo hiểm:
- Đối với công trình xây dựng lắp đặt từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và Ngân sách tỉnh, trong tổng dự toán phải có một bảo hiểm về xây dựng, lắp đặt, phí bảo hiểm là một bộ phận vốn đầu tư của dự án.
- Phải bảo hiểm tài sản đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh được tính vào giá thành hoặc chi phí của doanh nghiệp.
- Đối với các cơ quan đơn vị hành chính - sự nghiệp thuộc ngân sách cấp nào thì lập dự toán cho cơ quan quản lý ngân sách cấp đó cấp phát.
3- Thực hiện chủ trương tiết kiệm, góp phần giảm chi ngân sách địa phương trong lĩnh vực bảo hiểm, các cơ quan, đơn vị có số phí bảo hiểm trên 10 triệu đồng thì phải tiến hành khải giá bảo hiểm từ 2 doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để lựa chọn. Các cơ quan, đơn vị có số phí bảo hiểm trên 50 triệu đồng phải tiến hành đấu thầu bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
4- Trong quá trình thực hiện các chủ trương bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm các cơ quan hữu quan phải thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này được gởi đến các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện và thay thế Chỉ thị số 05/CT.UBT.95 ngày 28-02-1995 của UBND tỉnh về việc thực hiện bảo hiểm tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị hành chính - sự nghiệp./.
| TM. UBND TỈNH CẦN THƠ |