Chỉ thị 05/2001/CT-NHNN cho vay ngoài địa bàn TCTD Việt Nam đã được thay thế bởi Quyết định 888/2005/QĐ-NHNN mở thành lập chấm dứt hoạt động sở giao dịch chi nhánh văn phòng đại diện đơn vị sự nghiệp ngân hàng thương mại và được áp dụng kể từ ngày 12/07/2005.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 05/2001/CT-NHNN cho vay ngoài địa bàn TCTD Việt Nam
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2001/CT-NHNN | Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHO VAY NGOÀI ĐỊA BÀN CỦA CÁC TCTD VIỆT NAM
Vừa qua các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và một số Ngân hàng Thương mại cổ phần có báo cáo và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mở điểm giao dịch hoặc lập tổ tín dụng hoạt động ngoài địa bàn trụ sở chính và chi nhánh của tổ chức tín dụng để cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
1. Các tổ chức tín dụng mở các điểm giao dịch hoặc lập tổ tín dụng hoạt động tại các khu vực kinh tế, dân cư đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng để tiếp cận trực tiếp với người cần vay vốn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống tốt hơn là phù hợp với chủ trương của Nhà nước và của ngành. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho các tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm: tổ chức tín dụng Nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần (trừ các tổ chức tín dụng đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, giám sát đặc biệt và các Quỹ tín dụng cơ sở) được mở các điểm giao dịch hoặc lập tổ tín dụng hoạt động ngoài địa bàn trụ sở chính và chi nhánh để cho vay vốn phục vụ khách hàng.
2. Để được mở điểm giao dịch hoặc lập tổ tín dụng ngoài địa bàn trụ sở chính và chi nhánh, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu sau:
2.1. Về nội dung hoạt động:
2.1.1. Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng;
2.1.2. Tiếp nhận hồ sơ xin vay của khách hàng có nhu cầu vay vốn để chuyển cho hội sở chính, chi nhánh Ngân hàng Thương mại thẩm định, xét duyệt, chấp thuận cho vay theo thẩm quyền;
2.1.3. Giải ngân theo tiến độ vay vốn và hợp đồng tín dụng đã được Sở giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng ký kết với khách hàng;
2.1.4. Thực hiện thu nợ theo các hợp đồng tín dụng đã được Sở giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng ký kết với khách hàng.
2.2. Điểm giao dịch hoặc tổ tín dụng chỉ được thực hiện một hoặc một số nội dung hoạt động nêu trên theo sự uỷ quyền của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc chi nhánh tổ chức tín dụng; không được thực hiện các nghiệp vụ khác.
2.3. Các tổ chức tín dụng phải đăng ký việc mở điểm giao dịch (hoặc lập tổ tín dụng) tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi mở điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) trước khi hoạt động chính thức 15 ngày và báo cáo trước 10 ngày khi chấm dứt hoạt động. Tổ chức tín dụng không phải xin giấy phép mở điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) của Ngân hàng Nhà nước Trung ương hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương nơi mở điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng).
2.4. Định kỳ hàng tháng có báo cáo gửi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi đặt điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) tình hình hoạt động của điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng).
2.5. Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về tổ chức, hoạt động, bảo đảm an toàn và quyết định việc mở điểm giao dịch (hoặc lập tổ tín dụng) ngoài địa bàn theo đúng nội dung chỉ thị này.
3. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi có điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) của tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra mọi hoạt động của điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng); đồng thời phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi trụ sở chính hoặc chi nhánh tổ chức tín dụng có mở điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) xử lý những vấn đề phát sinh nhằm tạo điều kiện cho điểm giao dịch (hoặc tổ tín dụng) của tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả và an toàn.
4. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng quy định tại điểm 1 có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc phải được phản ảnh, báo cáo kịp thời bằng văn bản để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý.
| Trần Minh Tuấn (Đã ký)
|