Chỉ thị 05/2007/CT-BYT tăng cường công tác y dược học cổ truyền đã được thay thế bởi Quyết định 3005/QĐ-BYT 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản pháp luật về y tế tính đến 2013 và được áp dụng kể từ ngày 13/08/2014.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 05/2007/CT-BYT tăng cường công tác y dược học cổ truyền
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-BYT | Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN
Thời gian qua công tác y dược học cổ truyền (YDHCT) đã đạt được một số kết quả tốt: Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền (YHCT) được mở rộng: 51/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện YHCT; khoảng 93% bệnh viện đa khoa có khoa hoặc tổ YHCT; 58,8% số trạm y tế xã, phường có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT; chỉ tiêu tuyển sinh trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học về YHCT được tăng cường; các cơ sở khám, chữa bệnh bằng YHCT được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và trình độ chuyên môn, số người bệnh đến khám và điều trị bằng YHCT ngày càng tăng; thuốc YHCT lưu hành trên thị trường ngày càng nhiều, chất lượng tốt hơn, từng bước đáp ứng được nhu cầu phòng và chữa bệnh bằng YHCT của nhân dân; công tác nghiên cứu ứng dụng YDHCT và nghiên cứu kết hợp với y dược học hiện đại (YDHHĐ) được quan tâm, nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực YDHCT được mở rộng.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động về YDHCT còn một số tồn tại: Hệ thống tổ chức khám, chữa bệnh bằng YHCT chưa đồng bộ, 13 tỉnh chưa có bệnh viện YHCT; 41,2% số trạm y tế xã, phường chưa có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT; chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng dược liệu chưa thật tốt; đội ngũ cán bộ YDHCT chuyên sâu và cán bộ YDHCT cho cộng đồng còn thiếu; việc kết hợp YDHCT với YDHHĐ chưa thực sự có hiệu quả nên chưa phát huy được tiềm năng của YDHCT phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền đến năm 2010” và khắc phục những tồn tại trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các vụ, cục có liên quan; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Y tế tỉnh) khẩn trương thực hiện một số công việc trọng tâm sau:
1. Về xây dựng mạng lưới
a. Sở Y tế tỉnh bố trí cán bộ có trình độ đại học về YHCT để chuyên trách theo dõi công tác YDHCT, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiến tới thành lập Phòng quản lý YDHCT; Phòng Y tế quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) có cán bộ theo dõi công tác YDHCT.
b. Các tỉnh chưa có bệnh viện YHCT, Sở Y tế tỉnh khẩn trương xây dựng đề án thành lập bệnh viện trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c. Các bệnh viện Y học hiện đại (YHHĐ) từ trung ương đến địa phương phải củng cố, thành lập khoa YHCT theo quy định tại Thông tư số 02/1997/TT-BYT ngày 28/02/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức khoa YHCT trong bệnh viện YHHĐ.
d. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế xã) có bộ phận khám, chữa bệnh bằng YHCT do một thầy thuốc có trình độ y sỹ YHCT hoặc lương y của trạm phụ trách.
2. Về tạo nguồn nhân lực y dược học cổ truyền
a. Vụ Khoa học và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ và Vụ Y học cổ truyền tổng hợp nhu cầu cán bộ YHCT để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực YHCT.
b. Các trường đại học, cao đẳng và trung học Y, Dược phối hợp chặt chẽ với bệnh viện YHCT củng cố bộ môn YHCT để tăng cường năng lực đào tạo cán bộ YHCT.
c. Sở Y tế tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của địa phương, nâng cao trình độ YHCT cho cán bộ YHHĐ và trình độ YHHĐ cho cán bộ YHCT để thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng YHCT và kết hợp YHCT với YHHĐ trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
d. Vụ Khoa học và Đào tạo làm đầu mối đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở các mã ngành đào tạo các bậc, ngành học thuộc YDHCT theo Luật giáo dục. Chỉ đạo các sơ sở đào tạo hoàn thiện giáo trình, chương trình cho các bậc học, ngành học thuộc lĩnh vực y dược học cổ truyền và đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, bao gồm cả lương y.
3. Về nâng cao chất lượng điều trị
a. Vụ Y học cổ truyền làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành các quy trình kỹ thuật chuyên môn về YDHCT, kết hợp YHCT với YHHĐ; danh mục thuốc YHCT chủ yếu; danh mục trang thiết bị chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện YHCT, khoa YHCT trong bệnh viện YHHĐ, bộ phận YHCT trong trạm y tế xã;
b. Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành của địa phương báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, phấn đấu đến năm 2010 bệnh viện YHCT đạt bệnh viện đa khoa YHCT hạng hai.
4. Về phát triển dược liệu và sản xuất thuốc Đông y
a. Vụ Y học cổ truyền làm đầu mối phối hợp với Cục quản lý Dược Việt Nam tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý thuốc Đông y; Quy trình bào chế chuẩn các loại dược liệu và quy trình sản xuất các loại thuốc từ dược liệu thường dùng trình lãnh đạo Bộ ban hành;
b. Viện Dược liệu nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu theo các nội dung quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Phát triển công nghiệp Dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”;
c. Sở Y tế tỉnh kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chỉ sản xuất, kinh doanh những thuốc Đông y đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành; tổ chức phát triển dược liệu theo hướng bền vững, chú trọng trồng những loại dược liệu là thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu;
d. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu và thuốc từ dược liệu cần tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, chú trọng hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm từng bước thực hiện lộ trình thực hành tốt sản xuất thuốc từ dược liệu.
5. Về công tác quản lý hành nghề y, dược cổ truyền
a. Sở Y tế tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho những thầy thuốc YDHCT có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định được tham gia hành nghề YDHCT theo quy định hiện hành;
b. Sơ Y tế tỉnh tăng cường quản lý các cơ sở hành nghề YDHCT tư nhân theo đúng quy định hiện hành.
6. Về công tác nghiên cứu khoa học
Các đơn vị cần tăng cường công tác nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp YDHCT với YDHHĐ nhằm tìm ra bài thuốc, phương pháp phòng, chữa bệnh có hiệu quả nhất để phổ cập cho các cơ sở ứng dụng.
Sở Y tế tỉnh chủ trì và phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư ngân sách thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực YDHCT tại địa phương.
7. Về công tác thanh tra, kiểm tra
Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan và Sở Y tế các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực YDHCT và việc thực hiện các quy chế chuyên môn; xử lý nghiêm những vi phạm theo quy định hiện hành.
8. Về đầu tư
a. Hàng năm các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách cho lĩnh vực YDHCT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nhu cầu cho các hoạt động YDHCT;
b. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn hợp tác song phương, đa phương, các nguồn viện trợ và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động YDHCT.
9. Về công tác hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt các nước trong khu vực có nền YDHCT phát triển trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, sản xuất nuôi trồng dược liệu.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, y tế các ngành, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Vụ Y học cổ truyền)./.
| BỘ TRƯỞNG |