Chỉ thị 05/CT-BYT ngành y tế thực hiện biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí kiềm chế lạm phát đã được thay thế bởi Thông tư 12/2019/TT-BYT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế và được áp dụng kể từ ngày 01/09/2019.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 05/CT-BYT ngành y tế thực hiện biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí kiềm chế lạm phát
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-BYT | Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGÀNH Y TẾ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NHẰM KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008; Nghị quyết số 12/2008/NQ-CP ngày 5/5/2008 về việc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xó hội và tăng trưởng bền vững; căn cứ Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát và Thông tư số 34/2008/TT-BTC ngày 23/4/2008 hướng dẫn triển khai thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
1. Thủ trưởng các vụ, cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc hoặc Trưởng Ban quản lý các chương trình, dự án thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công tại các đơn vị trong ngành y tế. Quản lý ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách. Thực hiện việc cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008 từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác. Xem xét cắt bỏ những công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn vào những công trình sắp hoàn thành.
b) Thực hiện chính sách tiết kiệm đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm ngặt trong tất cả các đơn vị của ngành y tế. Năm 2008, ngoài việc tiết kiệm bình quân 10% chi phí hành chính (trừ tiền lương, phụ cấp lương, các khoản chi cho con người theo chế độ quy định) của các đơn vị trong ngành y tế sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện cắt giảm những khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết, giảm tối đa các hội nghị toàn quốc, giảm chi phí đi lại (nhất là đi lại bằng máy bay); cắt giảm các khoản chi tiếp khách, các đoàn công tác nước ngoài bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngõn sỏch mà khụng thật sự thiết thực; tiết kiệm điện, nước, xăng xe, phương tiện đi lại và thông tin liên lạc triệt để hơn nữa; giảm các chi phí cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua gây tốn kém, lãng phí.
c) Quản lý chặt chẽ việc chi tiêu từ các nguồn vốn viện trợ, vay nợ nước ngoài. Chi tiêu trên tinh thần tiết kiệm, đạt hiệu quả theo đúng nội dung, hoạt động đã cam kết với nhà tài trợ và đã được Bộ Y tế phê duyệt. Việc sử dụng vốn đối ứng phải theo đúng dự toán được duyệt; chủ dự án phải chủ động tự thu xếp văn phòng làm việc cho dự án. Trường hợp không bố trí được, việc thuê trụ sở làm việc của dự án phải được Bộ Tài chính thống nhất về định mức thuê, giá thuê Văn phòng trước khi thực hiện theo đúng Chỉ thị số 17/2007/CT-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ trưởng Chính phủ về việc tăng cường quản lý tài sản của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước.
d) Tích cực chỉ đạo để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
đ) Thực hiện nghiêm chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo tinh thần Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội nghị, hội thảo, cuộc họp và tiết kiệm thời gian bằng cách đổi mới phương pháp, cách tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
2. Cục Quản lý Dược có trách nhiệm:
a) Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp dược, nhất thiết không để các doanh nghiệp lợi dụng các biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá thuốc chữa bệnh.
b) Theo dõi sát, phân tích diễn biến của thị trường thuốc để đề ra các biện pháp kịp thời trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế giá thuốc, chống lạm phát.
3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo phân tuyến điều trị; bảo đảm tốt việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị và cách ly bệnh nhân, tăng cường cơ sở điều trị trong trường hợp có thiên tai, thảm họa và dịch bệnh lan rộng, kéo dài;
b) Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết cho công tác điều trị, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ chuyển bệnh nhân không hợp lý,giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
c) Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân để bảo đảmkhông tăng giá khám chữa bệnh đột biến.
4. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm:
a) Tổng hợp và điều phối các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, địa phương phũng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa khi có yêu cầu
b) Nghiên cứu đề xuất với Lãnh đạo Bộ việc cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008 từnguồn ngân sách nhà nước.
c) Hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm nội dung của Thông tư số 34/2008/TT-BTC ngày 23/4/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát và cắt giảm những khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết.
5. Vụ Pháp chế, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Gia đình và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tuyên truyền đến mỗi cán bộ, công chức trong ngành y tế để tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, thực hành chống lãng phí tại cơ quan đơn vị.
b) Các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện việc đưa nội dung thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách vào chương trình cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các vụ, cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc hoặc Trưởng Ban quản lý các chương trình, dự án thuộc Bộ Y tế tổ chức triển khai thực hiện ngay các hoạt động và báo cáo kết quả về Bộ Y tế./.
| BỘ TRƯỞNG |