Nội dung toàn văn Chỉ thị 06/CT-UBND 2018 tăng cường công tác quản lý nhà nước tài nguyên khoáng sản Nam Định
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Nam Định, ngày 14 tháng 3 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/03/2015 của Thú tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản; Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý đồng thời tăng cường phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nên đã góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, giải quyết cơ bản vướng mắc, khó khăn và đưa hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản chưa nghiêm túc. Tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết và tiêu thụ cát, đất trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là trên một số tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Việc mua bán trái phép khoáng sản đất, cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ còn diễn ra ở các doanh nghiệp có hoạt động khai thác đặc biệt là ở doanh nghiệp sản xuất gạch ngói.
Có nhiều nguyên nhân trong đó có công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các ngành, chính quyền địa phương phối hợp chưa chặt chẽ; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản còn hạn chế; chưa phát huy được vai trò của người dân và cộng đồng cùng tham gia quản lý. Chưa làm tốt công tác phối hợp thanh, kiểm tra, công tác hậu kiểm tra sau khi cấp phép khai thác khoáng sản, hình thức xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe....
Để khắc phục những tồn tại trên và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật khoáng sản, các chỉ đạo của Chính phủ, Thú tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các hoạt động khoáng sản được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường nhưng không xâm hại, không ảnh hưởng tới an toàn đê điều, hành lang thoát lũ và công trình thủy lợi của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, cơ sở (gọi chung là tổ chức), cá nhân có hoạt động liên quan đến khai thác, vận chuyển, sử dụng tài nguyên khoáng sản và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và việc bảo vệ các loại tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Cơ quan có liên quan rà soát cập nhật các văn bản pháp luật về lĩnh vực khoáng sản của Chính phủ, của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phù hợp với quy định hiện hành;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan lập, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản của UBND tỉnh. Trong đó không quy hoạch tại khu vực có nguy cơ sạt lở, các khu vực đang có xu hướng thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác sau khi được UBND tỉnh ban hành; tham mưu ban hành cơ chế phối hợp trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, quy định về trách nhiệm của người đứng, đầu chính quyền các cấp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán. Cùng với các ngành, địa phương tham mưu và thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với hoạt động khoáng sản.
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các đọt đấu giá quyền khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động khoáng sản. Giám sát và tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép khai thác khoáng sản; đôn đốc các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nếu tái phạm thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật. Chủ động đình chỉ thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện các dự án khai thác khoáng sản.
- Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân và địa phương để xảy ra các sai phạm về quản lý nhà nước và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu, phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, ngăn chặn các hành vi, các hoạt động khoáng sản có nguy cơ xâm hại hoặc ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hành lang thoát lũ và các công trình thủy lợi.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố xác định khu vực, diện tích, chiều sâu hạ cost đất canh tác nông nghiệp hàng năm trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc hạ cost ruộng để mua bán trái phép tài nguyên đất nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
3. Sở Giao thông vận tải: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo thẩm quyền và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải. Tham mưu, phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, ngăn chặn các hành vi vận chuyển đất, cát trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp trên các tuyến sông hoặc tổ chức khai thác vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy, đường bộ nhất là các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đá, đất, cát sỏi làm ảnh hưởng các công trình giao thông, công trình đê điều...
4. Sở Xây dựng:
- Chủ trì phối hợp với các ngành xác định nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu san lấp và nhu cầu phát triển vật liệu xây dựng làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp với thực tế. Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tham gia đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc, hóa đơn và chứng từ hợp pháp.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tham gia đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ (ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng) của các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác; việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác hiện đại, nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
6. Công an tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo thẩm quyền, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là các hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng cấp huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý những hành vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.
7. Bộ đội biên phòng tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển; thường xuyên, tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn có hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch khoáng sản, khu vực cấm hoặc tạm thời cấm khai thác có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức điều tra, xác minh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị các phương tiện phục vụ công tác kiểm tra trên biển.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT&TH tỉnh, Báo Nam Định: Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Kịp thời biểu dương trên phương tiện truyền thông các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, phê phán các tổ chức, đơn vị vi phạm trong quá trình quản lý, khai thác khoáng sản. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên khoáng sản.
9. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng các đơn vị cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn nhưng không kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý.
10. Các Sở, ngành khác: căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên & Môi trường, các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
11. UBND các huyện, thành phố Nam Định:
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc bảo vệ các khu vực có khoáng sản chưa khai thác được giao theo Quyết định số 2810/QĐ-UBND ngày 07/12/2017 của UBND tỉnh về việc giao khu vực khai thác khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn các huyện, thành phố.
- Chủ trì thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Tổ chức giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.
- Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn cấp huyện, bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết và tiêu thụ khoáng sản trái phép. Xử lý theo thẩm quyền đối với chủ tịch xã, thị trấn nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép.
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Phối hợp đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
12. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản:
- Tuân thủ các quy định của pháp luật và các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ (theo quy định) trong hoạt động khoáng sản. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình khai thác, hoạt động khoáng sản.
- Chấp hành sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và sự giám sát của cộng đồng nơi có hoạt động khoáng sản.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ có liên quan đến hoạt động khoáng sản của đơn vị theo quy định của nhà nước; có trách nhiệm hỗ trợ địa phương, cộng đồng nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cũng như tăng cường phối hợp và giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những nội dung trên, các cấp, các ngành chủ động thực hiện, phối hợp thực hiện những công việc khác có liên quan để việc quản lý, khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này; Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
| CHỦ TỊCH |