Chỉ thị 08/2009/CT-UBND quản lý hoạt động khí tượng thuỷ văn Bình Dương đã được thay thế bởi Quyết định 11/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản pháp luật của Ủy ban Chủ tịch Ủy ban Bình Dương và được áp dụng kể từ ngày 15/05/2017.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 08/2009/CT-UBND quản lý hoạt động khí tượng thuỷ văn Bình Dương
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2009/CT-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 07 tháng 4 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thời gian qua, nhìn chung công tác quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả cao; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa được chặt chẽ. Để công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn tại địa phương triển khai ngày càng có hiệu quả hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức và phối hợp thực hiện tốt các việc sau đây:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Nâng cao chất lượng tổ chức thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động với các công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng ở địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BTNMT ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng;
b) Chú trọng việc thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng;
c) Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khí tượng thủy văn; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo quy định pháp luật;
d) Kịp thời phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan chủ động tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị quản lý và hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết;
e) Tổ chức tiếp nhận các báo cáo về tình hình hoạt động khí tượng thủy văn và các công trình khí tượng thủy văn cơ bản, chuyên dùng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổng hợp tình hình cấp giấy phép, công tác quản lý thực hiện giấy phép, tình hình hoạt động của các công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 25 tháng 12 hàng năm;
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Thường xuyên tiếp nhận các dự báo về khí tượng thủy văn do Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Dương cung cấp, xử lý thông tin theo chức năng để chỉ đạo kịp thời sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
b) Bảo đảm chế độ thường trực tiếp nhận các tin báo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, tin báo của Trung tâm dự báo khí tương thủy văn Bình Dương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão tỉnh về công tác phòng chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông tin, chỉ đạo khẩn trương, kịp thời tình hình lụt, bão tới Ủy ban nhân dân các huyện, thị và Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão các huyện, thị để triển khai biện pháp phòng chống;
d) Phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Dương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch xây dựng các công trình, trạm điểm hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng;
b) Cân đối, bố trí vốn cho kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình, trạm điểm hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng không nằm trong kế hoạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
4. Sở Tài chính
Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho việc sửa chữa, tu bổ, nâng cấp trang thiết bị và thuê khoán của các trạm, điểm hoạt động khí tượng thủy văn không nằm trong kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Tăng cường công tác thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn; phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan thẩm định các dự án, đề án ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
6. Công an tỉnh
Phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có liên quan ngăn chặn các hành vi xâm hại nghiêm trọng công trình khí tượng thủy văn, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
7. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có liên quan huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả khi công trình khí tượng thủy văn xảy ra sự cố nghiêm trọng.
8. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, thông báo cho nhân dân trong khu vực hành lang bảo vệ của công trình, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến đất đai, sự an toàn của các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn;
b) Tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật về khí tượng thủy văn.
9. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Dương
a) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có liên quan tổ chức các trạm điểm, công trình hoạt động khí tượng thủy văn theo kế hoạch được duyệt, xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo vệ đảm bảo an toàn cho công trình khí tượng thủy văn và thực hiện các biện pháp đó.
b) Phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức phổ biến tuyên truyền đến các tổ chức và nhân dân về những chính sách pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về khí tượng thủy văn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật;
c) Có trách nhiệm thông báo bản tin dự báo khí tượng thủy văn theo chế độ một tháng một lần cho Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thông báo tổng hợp tình hình khí tượng thủy văn trong năm cho Cục Thống kê tỉnh đăng trên niên giám thống kê.
10. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh
a) Tiếp nhận, tổ chức đăng tải, phát báo cáo bản tin theo quy định của Nhà nước về áp thấp nhiệt đới, lũ, bão,…
b) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ, khai thác có hiệu quả công trình khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này; trường hợp có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp) xem xét và giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |