Chỉ thị 08/CT-UB 1992 thi hành Luật Doanh nghiệp tư nhân Luật Công ty Nghị định 66/HĐBT Bến Tre đã được thay thế bởi Quyết định 1181/QĐ-UBND 2013 bãi bỏ văn bản pháp luật từ năm 1976 đến 2012 Bến Tre và được áp dụng kể từ ngày 09/07/2013.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 08/CT-UB 1992 thi hành Luật Doanh nghiệp tư nhân Luật Công ty Nghị định 66/HĐBT Bến Tre
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT- UB | Bến Tre, ngày 12 tháng 6 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, LUẬT CÔNG TY VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/HĐBT
Ngày 21/12/1990, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty. Đồng thời, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã ban hành Nghị định số 221, 222 ngày 23/7/1991 về việc ban hành quy định về cụ thể hóa một số điều trong Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty; Nghị định số 66/HĐBT ngày 02/3/1992 về việc cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 221/HĐBT.
Các Bộ, ngành TW cũng có các thông tư hướng dẫn thực hiện những vấn đề trên.
Để tổ chức triển khai thi hành tốt Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và các Nghị định số 221, 222, 66 của Hội đồng Bộ trưởng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã cần thực hiện một số công việc sau đây:
1. Tổ chức phổ biến rộng khắp bằng nhiều hình thức: hội họp, thông tin trên báo, đài và tổ chức thông báo đến từng đơn vị sản xuất kinh doanh,…để các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, CNV quán triệt đầy đủ các quy định về kinh doanh ngoài quốc doanh; thông suốt được chủ trương khuyến khích phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đảm bảo phát triển kinh doanh không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bảo hộ lợi ích chính đáng của người góp vốn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động làm tròn các nghĩa vụ với Nhà nước, chấp hành luật pháp và những quy chế quy định quản lý của chính quyền các cấp.
2. Đối tượng thi hành luật và các nghị định nêu trên là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh, xí nghiệp, công ty liên doanh, xí nghiệp, công ty tự túc của các cơ quan, đoàn thể…
Các đơn vị trên dù rằng trước đây đã được cấp giấy phép kinh doanh, nay đều phải làm lại thủ tục xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh theo luật định (nếu ở diện áp dụng Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty) hoặc làm lại thủ tục xin phép kinh doanh (nếu ở diện áp dụng Nghị định số 66/HĐBT).
Sau ngày 30/6/1992 các đơn vị không nộp hồ sơ xin phép thành lập lại hoặc xin phép kinh doanh lại, mà vẫn tiếp tục kinh doanh thì xem như kinh doanh bất hợp pháp, tùy theo mức độ nặng, nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ và cấp giấy phép.
a) Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty:
- Sở quản lý chuyên ngành (như Sở thương mại – Du lịch, Sở Công nghiệp, Sở Nông – Lâm nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Y tế…) là cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty.
Sở quản lý chuyên ngành cùng các sở ngành tỉnh khác có liên quan như Uỷ ban Kế hoạch, Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Tư pháp, Trọng tài Kinh tế tỉnh, Ngân hàng… là tổ chức tư vấn giúp UBND tỉnh xem xét cấp giấy phép thành lập.
- UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty (trừ 1 số ngành nghề đặc biệt do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định).
- Trọng tài kinh tế tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân và công ty (sau khi UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập).
b) Đối với cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định của doanh nghiệp tư nhân:
UBND huyện, thị xã có trách nhiệm thông báo rộng rãi nội dung Nghị định số 66/HĐBT cho các hộ sản xuất kinh doanh được biết; hướng dẫn lập thủ tục đăng ký và xem xét, cấp giấy phép kinh doanh cho những hộ kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định của doanh nghiệp tư nhân.
Giúp việc cho UBND huyện, thị xã xem xét, cấp giấy phép kinh doanh là Hội đồng đăng ký kinh doanh huyện, thị xã, gồm các thành phần sau:
- Văn phòng UBND huyện, thị xã.
- Phòng Kinh tế
- Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Phòng Văn hóa thông tin - Thể thao
- Chi cục Thuế…
4. Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn ghi chép các biểu mẫu và quản lý phát hành thống nhất mẫu giấy phép kinh doanh theo tinh thần Nghị định số 66/HĐBT.
5. Các sở quản lý chuyên ngành như: Sở Thương mại – Du lịch, Sở Công nghiệp, Sở Nông - Lâm nghiệp, Sở Y tế, Sở Văn hóa thông tin – Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Thủy sản, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh… căn cứ vào các quy định của Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn, cụ thể hóa việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Nghị định số 221,222 và 66 của Hội đồng Bộ trưởng.
6. Sở Văn hóa thông tin - TDTT, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh Truyền hình cần mở đợt tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trong tháng 6/1992 về Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Nghị định số 221/HĐBT, 222/HĐBT, 66/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng cùng với việc tổ chức đợt làm lại thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh từ nay cho đến 30/6/1992.
7. Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý thị trường, Sở Tư pháp, Trọng tài Kinh tế cần có biện pháp tích cực phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, các sở quản lý chuyên ngành để giúp hướng dẫn những vấn đề có liên quan đến việc tổ chức đăng ký kinh doanh, đồng thời kiểm tra quá trình thực hiện.
Trên đây là toàn bộ các công việc cấp bách để tổ chức thi hành Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và các Nghị định số 221, 222, 66 của Hội đồng Bộ trưởng; UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã cần quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ; thường xuyên báo cáo kết quả công việc đã thực hiện để UBND tỉnh theo dõi./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |