Chỉ thị 12/2001/CT-UB năm tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em Bến Tre đã được thay thế bởi Quyết định 1184/QĐ-UBND 2013 Danh mục văn bản quy phạm từ 1976 đến 2012 hết hiệu lực Bến Tre và được áp dụng kể từ ngày 10/07/2013.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 12/2001/CT-UB năm tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em Bến Tre
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2001/CT-UB | Bến Tre, ngày 26 tháng 6 năm 2001 |
CHỈ THỊ
V/V THỰC HIỆN NĂM TẬP TRUNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Quyền khai sinh là một trong những quyền quan trọng hàng đầu của trẻ em, từ việc đảm bảo quyền này mới có cơ sở thực hiện những quyền tiếp theo. Nhưng thời gian qua nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức rõ trách nhiệm phải đăng ký khai sinh đúng hạn, chỉ đến khi thấy cần thiết mới đăng ký khai sinh trễ hạn, việc đăng ký khai sinh trễ hạn cũng có nhiểu sai sót nên nhiều trường hợp phải làm thủ tục điều chỉnh, cải chính.
Trước tình hình chung như vậy, với mục tiêu đảm bảo cho mọi trẻ em đều được đăng ký khai sinh, trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu về nâng cao tỷ lệ trẻ em được khai sinh trước 5 tuổi; Trong chỉ thị số 01/2001/CT-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp “về thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2001” đã yêu cầu cơ quan Tư pháp địa phương báo cáo UBND cùng cấp tổ chức thực hiện tốt năm tập trung công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Để khắc phục tình trạng trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, khai sinh trễ hạn. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tư Pháp làm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện năm tập trung công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm giải quyết tình trạng trẻ em không được đăng ký khai sinh hoặc đăng ký khai sinh trễ hạn. Qua việc thực hiện kế họach này để đưa công tác đăng ký khai sinh vào nề nếp.
2. Trong việc thực hiện năm tập trung công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể hữu quan và sự chỉ đạo thống nhất của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nên Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
a) Sở Tư Pháp có kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, Uỷ ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, Cục Thống kê, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Báo Đồng khởi, Đài Phát thanh để tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa mục đích của việc tổ chức năm đăng ký khai sinh cho trẻ em và trách nhiệm của những người phải đi đăng ký khai sinh cho những trường hợp chưa đăng ký theo đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị đầy đủ sổ sách, biểu mẫu khai sinh, phiếu kê khai để cung cấp cho xã, phường, thị trấn thực hiện.
b) Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo việc tuyên truyền vận động thực hiện tốt năm tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn. Chi đạo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã huy động lực lượng thực hiện kế hoạch đăng ký khai sinh và biện pháp tổ chức đăng ký khai sinh đạt hiệu quả. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh vào cuối tháng 12 năm 2001.
c) Uỷ ban nhân dân xã là người có trách nhiệm chính trong việc thực hiện kế hoạch đăng ký khai sinh cho trẻ em nên phải tổ chức thực hiện thật tốt việc chỉ đạo rà soát, kê khai lập danh sách những trẻ em chưa đăng ký khai sinh trong xã, phường, thị trấn để Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký khai sinh cho các em.
Khi tổ chức đăng ký khai sinh tuỳ điều kiện thực tế ở cơ sở để Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn địa điểm đăng ký khai sinh cho phù hợp, có thể tổ chức đăng ký lưu động để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi đăng ký khai sinh trẻ em.
Việc đăng ký khai sinh đòi hỏi phải chính xác nên Uỷ ban nhân dân xã phải chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện có chiều sâu, đặc biệt chú ý chất lượng chứ không phải chỉ chạy theo số lượng. Phải kiểm tra, đối chiếu giấy tờ có liên quan đến việc đăng ký khai sinh cho trẻ em như giấy kết hôn, chứng minh nhân dân của cha mẹ, hộ khẩu gia đình, giấy chứng sinh để đảm bảo khai sinh đúng, tránh sai sót gây khó khăn cho các em sau nầy.
Dù đăng ký khai sinh tại Uỷ ban nhân dân xã hay đăng ký lưu động thì Uỷ ban nhân dân và cán bộ hộ tịch đều phải thực hiện thủ tục vào sổ, lưu trữ đầy đủ, chính xác theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Những trường hợp có vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục thì Uỷ ban nhân dân xã lập hồ sơ báo về Sở Tư pháp để được hướng dẫn nghiệp vụ.
3. Sở Tài chánh Vật giá xem xét giải quyết phần kinh phí tổ chức thực hiện năm tập trung công tác đăng ký cần thiết phục vụ việc khai sinh cho trẻ em.
4. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi báo cáo kết quả, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện và thống kê số trẻ em được đăng ký khai sinh trong năm 2001 để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 01 năm 2002.
Việc thực hiện năm tập trung công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn trong việc chăm lo bảo vệ quyền thiết thân của trẻ em nên Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, đoàn thể hữu quan và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh nắm, chỉ đạo./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |