Chỉ thị 12/2012/CT-UBND tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được thay thế bởi Quyết định 11/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản pháp luật của Ủy ban Chủ tịch Ủy ban Bình Dương và được áp dụng kể từ ngày 15/05/2017.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 12/2012/CT-UBND tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2012/CT-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 8 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI QUÁN ĂN VÀ THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Dịch vụ quán ăn và thức ăn đường phố (sau đây gọi chung là thức ăn đường phố) là dịch vụ cung cấp thực phẩm được chế biến sẵn để ăn, uống ngay; trong thực tế, dịch vụ này thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự. Tuy nhiên, thức ăn đường phố mang tính tự phát, không ổn định, không có giấy phép kinh doanh, thiếu hạ tầng cơ sở, vệ sinh môi trường cần thiết cho chế biến thực phẩm an toàn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Trong những năm qua, các ngành chức năng đã có những hoạt động tích cực để cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; tuy nhiên, việc phối hợp liên ngành kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát và tuyên truyền an toàn thực phẩm, nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để khắc phục tình trạng trên và từng bước kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn thức ăn đường phố, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế:
a) Chủ trì phối hợp các ngành xây dựng kế hoạch tổng thể về kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh;
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế cấp thẻ đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố và triển khai hướng dẫn việc cấp thẻ;
c) Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Y tế xã, phường thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Bảo đảm 100% các hộ kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố tiếp cận và hiểu đúng về các quy định an toàn thực phẩm;
d) Định kỳ kiểm tra, giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố của các địa phương.
2. Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Định hướng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ nhằm bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh thực phẩm;
b) Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc về thực phẩm, các mặt hàng thuộc phạm vi phân công quản lý theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.
3. Công an tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và mất an toàn thực phẩm.
4. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh, truyền hình, Báo Bình Dương và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị: Phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan tổ chức vận động, giáo dục, tuyên truyền an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và cộng đồng, góp phần ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Thủ Dầu Một:
a) Chủ trì, phối hợp các ban ngành, tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố;
b) Ban hành quy định phân cấp quản lý dịch vụ ăn uống giữa huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn;
c) Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Đội phòng chống tội phạm xã, phường … trong việc tuyên truyền, giám sát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố và phát hiện các hành vi vi phạm;
d) Đến cuối năm 2013 hoàn thành việc quy hoạch khu vực bán thức ăn đường phố; huy động liên ngành kiểm soát thức ăn đường phố gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng ấp, khu phố văn hóa.
6. UBND các xã, phường, thị trấn: Trong phạm vi được UBND huyện, thị xã, thành phố phân cấp quản lý, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn như sau:
a) Căn cứ vào kế hoạch, sự chỉ đạo của cấp trên, cũng như tình hình đặc điểm của địa phương, chủ trì phối hợp các ban ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai tại địa bàn; kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và báo cáo hằng quý, hằng năm;
b) Chỉ đạo Trạm Y tế và các ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, vận động về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cộng đồng, đặc biệt là duy trì tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; chỉ đạo xây dựng các mô hình truyền thông cộng đồng nhằm thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm gắn kết với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá;
c) Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra việc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống do xã, phường, thị trấn quản lý. Tổ chức kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bằng phương pháp cảm quan và test nhanh; lấy mẫu thực phẩm gửi lên tuyến trên kiểm nghiệm;
d) Công bố tên cơ sở thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm trên phương tiện truyền thông, bảng thông báo tại công sở, tại cuộc họp tổ, khu phố… Phấn đấu đến cuối năm 2013, 100% các hộ kinh doanh thức ăn đường phố cải thiện được điều kiện an toàn thực phẩm: có nón chụp tóc, trang phục riêng, khẩu trang, găng tay, nước sạch và giỏ rác nơi bán hàng;
đ) Giám sát, phát hiện kịp thời và báo cáo lên tuyến trên tình trạng ô nhiễm thực phẩm, các trường hợp ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, giúp tuyến trên điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
7. Các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố:
a) Ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm;
b) Tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương về quy hoạch khu vực bán thức ăn đường phố.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một, các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |