Chỉ thị 14/2005/CT-UBND

Chỉ thị 14/2005/CT-UBND về tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người do Tỉnh Tiền Giang ban hành

Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang đã được thay thế bởi Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2012 Danh mục văn bản hết hiệu lực tỉnh Tiền Giang và được áp dụng kể từ ngày 16/05/2012.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2005/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 24 tháng 10 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ DỊCH CÚM Ở NGƯỜI

Theo nhận định của các tổ chức quốc tế (FAO, OIE, WHO) và của các chuyên gia thú y thì dịch cúm gia cầm trong khu vực và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sức khoẻ con người.

Chủ trương của Chính phủ là phải quyết liệt khống chế dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và bảo vệ sức khỏe con người, cụ thể là xây dựng những chương trình kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người; để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đạt kết quả cao nhất và hạn chế tối đa thiệt hại khi có xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công:

- Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh.

- Từng địa phương xây dựng cụ thể kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và dịch cúm ở người theo tinh thần Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch chi tiết các khu vực nuôi gia cầm tập trung, đảm bảo về vệ sinh môi trường.

- Khẩn trương xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung theo tinh thần Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Rà soát lại tổng đàn gia cầm trên từng địa phương, nắm rõ số liệu từng hộ có chăn nuôi gia cầm, quản lý chặt chẽ tình hình biến động số lượng gia cầm để công tác xử lý đạt kết quả cao khi có xảy ra tình hình dịch bệnh.

- Quản lý chặt chẽ các lò ấp trứng trong thời gian tạm ngưng tái đàn gia cầm. Nghiêm cấm các lò ấp trứng không được ấp trứng sản xuất con giống đến cuối tháng 02/2006. Ở địa phương nào phát hiện các lò ấp trứng sản xuất con giống bán ra thị trường mà không xử lý triệt để thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở huyện, xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho nhân dân nhận thức đúng về nguy cơ của dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Khẩn trương hoàn chỉnh quy định chung về quản lý hoạt động ấp trứng và kinh doanh gia cầm giống, giết mổ động vật, mua bán vận chuyển động vật-sản phẩm động vật và hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các địa phương quy hoạch các khu vực nuôi gia cầm tập trung, tránh xa khu dân cư, nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên đàn gia cầm. Khi phát hiện có trường hợp cúm gia cầm phải tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý triệt để các ổ bệnh, không để phát tán mầm bệnh ra diện rộng.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp tiêu độc, sát trùng chuồng trại mỗi tuần một lần để hạn chế virus H5N1 xâm nhập vào đàn gia cầm hiện có của họ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không theo đúng quy định của pháp luật về thú y.

- Cung ứng đầy đủ số lượng và chủng loại thuốc sát trùng về cho các huyện để kịp thời phục vụ công tác chống dịch.

3. Sở Y tế:

- Chỉ đạo cho các Phòng y tế Trung tâm Y tế dự phòng, Đội vệ sinh phòng dịch tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm ở người.

- Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ cho việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân nghi vấn nhiễm virus H5N1. Xây dựng ngay kế hoạch phòng, chữa bệnh khi có tình huống xấu nhất xảy ra.

4. Sở Thương mại-Du lịch:

- Phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương qui hoạch chợ buôn bán gia cầm - sản phẩm gia cầm và với ngành Thú y để tư vấn việc tiêu độc, sát trùng tại các khu vực được quy định.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm về kinh doanh và chế biến sản phẩm gia cầm.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể:

Tổ chức tuyên truyền cho các đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người, kịp thời thông báo các trường hợp bán chạy gia cầm bệnh chết để chính quyền các cấp có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Sở Giao thông -Vận tải:

Hướng dẫn cho chủ các phương tiện lưu thông tuyệt đối không vận chuyển gia súc, gia cầm chưa được ngành Thú y kiểm dịch; không vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh trên các phương tiện chuyên chở hành khách. Chỉ đạo cho các Đội Thanh tra Giao thông tiến hành xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật-sản phẩm động vật.

7. Sở Tài chính:

- Cân đối kinh phí đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch.

- Hướng dẫn cho Ban chỉ đạo các huyện, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho thực hiện việc sử dụng và quyết toán kinh phí phòng chống dịch.

8. Sở Văn hóa -Thông tin, Đài Phát thanh -Truyền hình phối hợp với Báo Ấp Bắc, Phân xã Tiền Giang:

- Tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trong nội bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc hợp tác với cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp phòng dịch.

- Việc đưa tin tình hình dịch bệnh phải kịp thời, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế và theo đúng tình hình, số liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh để nhân dân biết, chủ động phòng chống dịch, không thổi phòng làm hoang mang, gây thiệt hại cho sản xuất và chăn nuôi gia cầm. Không đưa tin về tình hình dịch cúm ở người vội vàng, thiếu chính xác.

9. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh:

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp do virus để theo dõi, chỉ đạo./.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công khẩn trương triển khai thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời theo dõi, chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Thú y;
- TT. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành;
- LĐVP và Phòng CNN (Trọng, Nhã);
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH




Nguyễn Hữu Chí

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 14/2005/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu14/2005/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành24/10/2005
Ngày hiệu lực03/11/2005
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 16/05/2012
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 14/2005/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu14/2005/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Tiền Giang
                Người kýNguyễn Hữu Chí
                Ngày ban hành24/10/2005
                Ngày hiệu lực03/11/2005
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 16/05/2012
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang

                    Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 14/2005/CT-UBND Tập trung phòng chống dịch cúm ở gia cầm và ở người Tiền Giang