Nội dung toàn văn Chỉ thị 14/CT-UBND 2019 công tác quản lý hoạt động khai thác kinh doanh khoáng sản cát Hải Phòng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 08 tháng 7 năm 2019 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ KINH DOANH KHOÁNG SẢN CÁT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Thời gian qua việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn thành phố đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên chỉ đạo quyết liệt; các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp nơi có khoáng sản đã chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản cát và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại như: Tình trạng khai thác cát không phép, trái phép, khai thác ra ngoài ranh giới, vượt công suất được cấp phép, lập bến bãi tập kết khoáng sản cát trái phép, xâm phạm khu vực cấm vẫn diễn ra; tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông đường thủy, công trình thủy lợi, đê điều, hành lang thoát lũ, mất an ninh trật tự, xã hội tại nơi có hoạt động khoáng sản; thất thu ngân sách nhà nước.
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản cát và kiên quyết ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Tích cực phối hợp cùng các Sở, ngành, chính quyền địa phương có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành phố, đặc biệt các dự án có sử dụng khối lượng lớn cát san lấp đang triển khai trên địa bàn; phối hợp cùng Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đủ, đúng hạn các nghĩa vụ tài chính theo quy định như: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.
- Hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát thi công đúng ranh giới, công suất được cấp phép, lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện khai thác, vận chuyển cát để kiểm tra và lưu trữ thông tin, số liệu, thực hiện đúng, đủ các cam kết về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cát theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Trường hợp cố tình vi phạm, xử lý nghiêm và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi Giấy phép đã cấp theo quy định của pháp luật.
2. Sở Xây dựng.
- Chủ trì cùng các Sở, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát phải thực hiện đúng, đủ yêu cầu theo dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ được duyệt.
- Thường xuyên phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận, huyện và các Sở, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm hàng hóa cát xây dựng, cát san lấp, các khu vực tập kết vật liệu xây dựng, tập kết khoáng sản cát san lấp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
3. Sở Giao thông vận tải.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện thực hiện các dự án nạo vét luồng giao thông thủy; phối hợp với địa phương trong việc kiểm soát, xử lý việc lợi dụng nạo vét luồng để khai thác khoáng sản cát trái phép; cung cấp thông tin về các dự án nạo vét, khơi thông luồng cho Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đổ bùn, thu hồi khoáng sản cát làm vật liệu san lấp (nếu có) theo quy định.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra trên các tuyến sông; xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với chủ phương tiện không đăng kiểm, đăng ký phương tiện nhưng vẫn tham gia khai thác, vận chuyển khoáng sản cát; thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định.
- Tham mưu, đề xuất thành phố bố trí khu vực tập kết phương tiện thủy, tang vật thu giữ trong quá trình ngăn chặn và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản cát trái phép.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu vi phạm hành lang đê, hành lang thoát lũ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo quy định.
5. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng.
Tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ và chủ động phối hợp với Công an thành phố, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có khoáng sản cát tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản cát trên địa bàn; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các chủ phương tiện khai thác cát không phép, trái phép, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trái phép tại các vùng cửa sông, ven biển trên địa bàn thành phố.
6. Công an thành phố.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý, kịp thời ngăn chặn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản cát không phép, trái phép trên địa bàn thành phố; định kỳ 06 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) về kết quả thực hiện; chủ động phân công các đơn vị chức năng kiểm tra, xác minh và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác, kinh doanh khoáng sản cát làm vật liệu san lấp trái phép khi nhận được tin báo.
7. Thanh tra thành phố.
Thực hiện thanh tra chuyên đề tại các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản cát trên địa bàn thành phố, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.
8. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.
Tăng cường việc kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát không đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông thủy; tổng hợp kết quả xử lý vi phạm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
9. Cục Thuế thành phố.
Thông báo, đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đúng hạn; kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp; chống thất thu các loại thuế, phí; xử lý nghiêm các hành vi gian lận đối với việc nộp thuế, phí trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản cát; cung cấp thông tin về sản lượng kê khai nộp thuế của doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn thành phố cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát theo quy định.
10. Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng.
Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Cục Thuế thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán (bao gồm cả mua bán hóa đơn), thu gom, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng khoáng sản cát không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
11. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng.
Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản cát; tăng cường ý thức bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cát trên địa bàn thành phố.
12. Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Trực tiếp và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; huy động, chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép và các hoạt động tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền; thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản cho nhân dân trên địa bàn theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, kinh doanh khoáng sản, khoáng sản cát trái phép trên địa bàn.
13. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cát.
- Chỉ được hoạt động khai thác khoáng sản cát theo Giấy phép được cấp sau khi đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và thông báo với Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản; thi công khai thác khoáng sản cát đúng ranh giới được cấp phép, đúng thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ được duyệt; tuân thủ đúng, đủ cam kết bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoạt động khai thác khoáng sản cát theo quy định của Luật Khoáng sản và Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.
- Chủ Giấy phép khai thác, vận chuyển khoáng sản cát chỉ được sử dụng phương tiện thủy đã đăng kiểm, đăng ký với Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi khai thác khoáng sản cát; sử dụng đúng số lượng, đúng trọng tải phương tiện đã nêu trong dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ được duyệt; đảm bảo thực hiện đúng, đủ các quy định về an toàn lao động trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản cát.
- Thực hiện trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; chấp hành việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, cung cấp đúng, đủ hồ sơ liên quan đến việc kinh doanh, khai thác cát khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị, định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, nếu có vướng mắc, yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết theo quy định. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối, có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp việc tổ chức, thực hiện Chỉ thị./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |