Chỉ thị 15/2007/CT-UBND tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông Lâm Đồng đã được thay thế bởi Quyết định 313/QĐ-UBND năm 2011 công bố văn bản hết hiệu lực tỉnh Lâm Đồng và được áp dụng kể từ ngày 30/01/2011.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 15/2007/CT-UBND tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông Lâm Đồng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2007/CT-UBND | Đà Lạt, ngày 12 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG
Trong những năm qua, công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện và thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh về chất lượng sản phẩm hàng hoá, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông vẫn còn có những tồn tại như: chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá, quảng cáo không phù hợp với chất lượng hàng hoá đang trở thành vấn đề bức xúc.
Để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thực hiện các nội dung sau:
1. Các sở, ngành, địa phương, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Nghị định 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004, Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ và Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Lập kế hoạch kiểm tra, tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và định kỳ hàng quý, sáu tháng, một năm và đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và thực hành của các cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng.
2. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp, thống nhất với nhau trong việc xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành mình được phân công, tránh chồng chéo gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Đối tượng kiểm tra tập trung chủ yếu là các đầu mối phân phối sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
4. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, kinh phí đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Sở Tài Chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm có kế hoạch dự toán kính phí cho hoạt động này.
5. Tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành vào các thời điểm nhạy cảm như:
- Kiểm tra chất lượng hàng hóa vào dịp Tết nguyên đán do Sở Khoa học và Công nghệ (trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) chủ trì.
- Thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong tháng vệ sinh an toàn thực phẩm và Tết trung thu do Sở Y tế chủ trì.
- Kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp vào thời điểm đầu các mùa vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
6. Đối với các sản phẩm, hàng hoá đặc thù thì các Sở quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra và xử lý cụ thể như sau:
a) Sở Y tế chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị và công trình y tế;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, quản lý chất lượng nông sản, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu chế biến nông sản; tổ chức kiểm tra, kiểm dịch động vật và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm từ thịt động vật sau giết mổ;
c) Sở Công nghiệp chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, phụ kiện nổ, thiết bị phòng nổ;
d) Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì quản lý chất lượng an toàn các sản phẩm về phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động và các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục quy định hiện hành của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
đ) Sở Giao thông Vận tải chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm xe ô tô và các loại xe khác được thiết kế chủ yếu để chở người, xe chuyên dùng có động cơ, mô tô, xe máy, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, phương tiện thiết bị chuyên dùng sử dụng trong giao thông vận tải;
e) Sở Xây dựng chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm xi măng, dầm bê tông cốt thép, viên blốc bê tông;
g) Sở Du lịch và Thương mại chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm: dịch vụ thương mại, thương mại điện tử;
h) Sở Bưu chính Viễn thông chủ trì quản lý chất lượng các sản phẩm bưu chính, viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin;
i) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sắt thép xây dựng, xăng dầu, mũ bảo vệ cho người đi mô tô - xe máy, đồ chơi trẻ em, dây điện, thiết bị điện. Có trách nhiệm tổng hợp tình hình và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trong tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành tổ chức việc kiểm tra xử lý các vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm và đột xuất tổng hợp báo cáo gửi Sở Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn mình quản lý./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |