Chỉ thị 26/CT-UB

Chỉ thị 26/CT-UB năm 1984 hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp – Nội vụ - Kiểm sát và Tòa án tối cao về xử lý tội trốn đi nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài đã được thay thế bởi Quyết định số 5987/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực lĩnh vực nội chính do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 11/11/1998.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH TƯ PHÁP – NỘI VỤ - KIỂM SÁT VÀ TÒA ÁN TỐI CAO VỀ XỬ LÝ TỘI TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI

Ngày 25 tháng 12 năm 1982 Liên ngành Tư pháp - Nội vụ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao có ban hành Thông tư liên ngành số 03/TT-LN hướng dẫn việc xử lý trốn đi nước ngoài nhằm khắc phục tình trạng không thống nhất giữa các địa phương trong việc xử lý tội phạm này, do thiếu quy định cụ thể và giúp cho việc giải quyết các trường hợp trốn đi nước ngoài được kịp thời, nghiêm minh và có tác dụng giao dục và ngăn ngừa thực sự.

Thông tư đã xác định tính chất của hành vi trốn đi nước ngoài, và đề ra những nguyên tắc và biện pháp xử lý loại tội phạm này.

Để giúp ủy ban Nhân dân quận, huyện và các ngành chức năng có liên quan thi hành thông tư này đúng với mục đích yêu cầu đề ra, và sát hợp với đặc điểm tình hình của thành phố, ủy ban Nhân dân thàn phố hướng dẫn thi hành cụ thể như sau :

I.- TRƯỚC HẾT CẦN XÁC ĐỊNH RÕ TÍNH CHẤT TỘI PHẠM CỦA VIỆC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI VÀ NẮM VỮNG NGUYÊN TẮC XỬ LÝ :

1. Cho đến nay còn nhiều người coi trốn đi nước ngoài là một việc bình thường không có gì nguy hại cho xã hội.

Cần phải khẳng định và làm cho mọi người thấy rõ đây là tội phạm nghiêm trọng. Thông tư liện ngành đã xác định rõ “tội trốn đi nước ngoài hoặc được phép ra nước ngài rồi trốn ở lại thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia”.

Trốn đi nước ngoài có nhiều nguyên nhân. Có người đi vì mục đích phản cách mạng, chống đối chế độ. Có người đi vì có tội sợ bị trừng phạt, có người trốn đi do kích động, lôi kéo hoặc do đời sống khó khăn, tình cảm gia đình (có người thân ở nước ngoài…) mặc dù không phải do động cơ phản cách mạng, việc trốn đi nước ngoài vô hình trung phù hợp với âm mưu phá hoại của địch và ảnh hưởng xấu về mặt chính trị.

Cho nên, dù thực hiện dưới bất cứ động cơ nào, hành vi trốn đi nước ngoài là một hành động pháp, một tội phạm gây tác hại nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và phải xử lý theo pháp luật.

2. Nguyên tắc xử lý như nêu trong thông tư là :

Nghiêm khắc đối với bọn phạm tội với mục đích phản cách mạng, bọn chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, bọn cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh kích động người trốn đi nước ngoài, bọn tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng, những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội nhất là các cán bộ, chiến sĩ, các ban ngành trực tiếp bảo vê pháp luật.

Những người phạm tội vì bị dụ dỗ, bị cưỡng ép, lừa phỉnh và những người thật thà hối cải, lập công chuộc tội, thì được xử lý khoan hồng và nếu lập công lớn, có thể được khen thưởng.

Đối với tài sản nhất là nhà của người phạm tội bỏ trốn đi nước ngoài mới thuộc diện xử lý.

Do đó nếu chưa xác minh rõ là ngưởi chủ nhà (người đứng tên sở hữu) bỏ trốn đi nước ngoài thì không đặt vấn đề xử lý theo quy định trong thông tư.

II.- VIỆC XỬ LÝ HÀNH CHÁNH, TỘI TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI.

Theo tinh thần của thông tư, những người có hành vi trốn đi nước ngoài hoặc được phép đi nước ngoài rồi trốn ở lại, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội sẽ bị truy tố ra Toà án xét xử hoặc bị xử phạt về hành chánh, về nhân thân và tài sản.

A. XỬ LÝ VỀ NHÂN THÂN :

Thông tư có quy định việc xử lý về nhân thân các truờng hợp phạn pháp sau đây (điểm 1,2,3,4,5 và 6):

Truy tố ra Toà án để xét xử :

- Những người có hành vi trốn đi nước ngoài hoặc được phép ra nước ngoài rồi trốn ở lại, có chứng cứ rõ ràng về mục đich phản cách mạng.

- Những người phạm tội không phải vì mục đích phản cách mạng nhưng trường hợp phạm tội nghiêm trọng có những tình tiết như :

+ Chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trốn đi nước ngoài.

+ Cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh, kích động người khác trốn đi nước ngoài.

+ Tái phạm, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Tổ chức đưa đón người trốn đi nước ngoài để mưu lợi, dù họ có trốn đi hay không (công phạm).

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền hoặc vật chất tạo điều kiện cho người khác trốn đi nước ngoài.

- Trốn đi nước ngoài có kèm theo tội phạm khác như: giết người, cướp tàu thuyền, cướp tài sản, chống trả người đang thi hành nhiệm vụ…

- Giả tạo việc tổ chức trốn đi nước ngoài để lừa đảo, cướp của giết người, hiếp dâm…

Xử lý bằng biện pháp hành chánh (tập trung cải tạo, cưỡng bức lao động, quản chế, bắt buộc cư trú hoặc cấm cư trú ở một số địa phương nhất định…) những người phạm tội không gây hậu quả nghiêm trọng và thấy không cần phải truy tố ra Toà án xét xử.

Những người trốn đi nước ngoài chỉ vì dụ dỗ, lừa phỉnh, lầm đường, bị cưỡng ép, sau khi bị phát hiện đã thành thật khai báo thì tuỳ trường hợp có thể được tha miễn hình phạt hoặc miễn trách hiệm hình sự.

Giải thích và tha về địa phương để chánh quyền và nhân dân quản lý giáo dục những người già đi theo con cái, những trẻ em đi theo người lớn (điểm 7 của thông tư).

Căn cứ vào tinh thần thông tư và nguyên tắc xử lý nêu trên, các trường hợp sau đây chưa nêu rõ trong thông tư sẽ xử lý như sau :

1. Trường hợp cha mẹ, thân nhân tạo điều kiện cho con cái, người trong gia đình trốn đi :

Theo tinh thần thông tư người tổ chức đưa đón hoặc giúp đỡ tạo điều kiện cho người khác trốn đi nước ngoài dù họ có trốn đi hay không trốn cũng coi như đồng phạm.

Như vậy cha mẹ, thân nhân có giúp đỡ, tạo điều kiện cho con cái, người thân trong gia đình trốn đi dù họ có thực hiện với động cơ, mục đích nào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, trường hợp có bằng chứng rõ ràng cha mẹ hoặc người trong gia đình tham gia vào hành động phạm pháp có những tình tiết nghiêm trọng phải truy tố theo quy định trong thông tư, đối với những trường hợp khác trước mắt không xử lý về hình sự nhưng xuyên qua tổ dân phố, hoặc đoàn thể phường, xã, Ủy ban nhân dân phường, xã có hình thức thích hợp giáo dục, giải thích cho họ thấy sai và có nhận thức đúng về tính chất của hành vi phạm pháp của họ.

2. Cán bộ công nhân viên chức bỏ công tác trốn đi nước ngoài.

Ngoài tội trốn đi nước ngoài, họ còn phạm tội đào nhiệm (nếu không có phạm tội gì khác nữa).

Nếu xét không cần truy tố ra tòa án, thì thi hành kỷ luật hành chánh và áp dụng biện pháp xử lý theo điều 6 của thông tư cho thích hợp tuỳ theo mức độ phạm tội.

Cơ quan đơn vị cũ không được thu nhận họ trở lại làm việc trừ trường hợp đặc biệt vận dụng chính sách hoặc có yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật và trong trường hợp này phải được sự ccấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố.

3. Những người đi nước ngoài không theo thủ tục xuất cảnh bình thường nhưng không đi được :

Do tính chất đặc biệt của trường hợp này, trong khi chờ chủ trương giải quyết của Hội đồng Bộ trưởng, chúng ta không đặt vấn đề đưa ra xử lý về nhân thân loại đối tượng này, các quận huyện nên cho đăng ký hộ khẩu ở thành phố, cho họ làm ăn sinh sống bình thường trừ những phần tử phức tạp phải điều chỉnh dân cư thì buộc họ cư trú ở một nới khác trong phạm vi thành phố.

4. Người bị lừa gạt trong vụ trốn đi nước ngoài :

Ở thành phố lẻ tẻ các nơi có nhiều người muốn đi nước ngoài, lầm đóng tiền, vàng cho bọn lợi dụng giả danh người tổ chức vượt biên, nay tố cáo bọn lừa đảo. Về mặt hình sự kẻ lừa đảo phải bị truy tố về tội này. Người bị lừa đảo có khi chỉ là nạn nhân của bọn xấu (trước chưa có ý định trốn). Do đó nói chung đối với họ, ta không truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp có động cơ phản cách mạng hoặc phạm tội khác ; chỉ cần giáo dục, giải thích.

Tiền, vàng của người bị lừa đảo đã đưa cho người lừa đảo thì tùy mức độ phạm tội của từng trường hợp cụ thể mà tịch thu toàn bộ; một phần hoặc trả lại cho họ.

5. Trong việc áp dụng các biện pháp hành chánh xử lý nhân thân người vi phạm quy định ở điều 6 của thông tư cần nhận thức đây là những người có liên quan trong vụ án mà không cần thiết phải tuy tố, chỉ cần xử phạt về hành chánh, cho nên việc áp dụng biện pháp “tập trung cải tạo” nếu xét cần thiết, phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng thủ tục hồ sơ, xét duyệt quy định trong Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tư số 121/CP ngày 9-8-1981 và quyết định số 154/CP ngày 1-10-1973 của Hội đồng Chánh phủ.

- Về việc áp dụng biện pháp “bắt buộc cư trú” cho những người trốn đi nước ngoài gốc ở thành phố bị các tỉnh bắt và trả tự do vế thành phố, tuỳ trường hợp cụ thể có thể xét không cho ở chỗ cũ, bắt buộc họ cư trú ở một nơi khác thuộc các huyện ngoại thành hoặc cấm cư trú ở một số khu vực trong thành phố theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Việc áp dụng hình thức “cưỡng bức lao động đối với người trong độ tuổi lao động mà không chịu lao động” phải bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn và thẩm quyền theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Đối với những trẻ chưa thành niên nhưng đã 16 tuổi. Theo thông tư hướng dẫn, trẻ em đi theo người lớn thì được tha về điạ phương.

Nhưng có trường hợp trẻ em trên 16 tuổi, có ý thức rõ ràng về hành vi của mình, theo luật hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội không nghiêm trọng, do đó phải đưa ra xử phạt về hành chánh.

Tuy vậy, số trẻ em này chưa đủ 18 tuổi (tuổi lao động) nên không thể áp dụng hình thức tập trung cải tạo hoặc bắt buộc lao động mà cần thực hiện các biện pháp giáo dưỡng như: đưa vào trường công nông nghiệp, trường giáo dục thiếu niên chậm tiến hoặc cải tạo ở điạ phương có sự bão lãnh của gia đình.

B. XỬ LÝ TÀI SẢN :

Việc xử lý tài sản của người trốn đi nước ngoài là vấn đề hết sức phức tạp nhất là đối với nhà cửa.

Điều 8 của Thông tư liên ngành xác định rõ: “cần phân biệt và hết sức thận trọng trong việc xử lý tài sản của người trốn đi nước ngoài”.

Thận trọng trong việc xử lý là phải phân biệt những tài sản là tang vật có liên quan đến vụ phạm pháp có giá trị là chứng cứ của vụ án với những tài sản, vật dùng riêng của người phạm pháp không có liên quan, để thu giữ và giải quyết đúng pháp luật.

Hướng xử lý tài sản quy định trong điểm 8 của thông tư này là :

- Tịch thu những phương tiện, vật dụng dùng để trốn đi như xe, tàu thuyền, vũ khí, chất nổ, dụng cụ đi biển…

- Nếu tài sản do chúng chiếm đoạt của cơ quan, đơn vị, hợp tác xã… thì trả lại cho các nơi đó.

- Nhà ở, đồ dùng riêng của người trốn thoát, nếu không có thân nhân quản lý hợp pháp và xác đinh rõ là vắng chủ thì Nhà nước giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng vào việc công ích.

- Đối với nhà ở đồ dùng của người trốn đi bắt lại thì tuỳ mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội mà xét trả lại hoặc tịch thu một phần, để cho họ có chỗ ở và phương tiện tiếp tục làm ăn sinh sống khi được tha về.

- Xử lý theo thể lệ hiện hành của Nhà nuớc đối với vàng, bạc, kim khí quý, ngoại tệ, tiền ngân hàng Nhà nước…

Căn cứ theo quy định trên, tài sản nhà ở liên quan đến người đi nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể của thành phố sẽ xử lý như sau :

a) Đối với nhà của người trốn đi nước ngoài và trốn thoát :

1- Nhà của người trốn đi nước ngoài, sau khi đã xác minh đúng là chủ đã trốn đi nước ngoài và không có thân nhân quản lý hợp pháp (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhà đó thì Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ ra quyết định quản lý và giao cho cơ quan nhà đất thành phố quản lý, lập phương án sử dụng trình Hội đồng phân phối nhà của thành phố.

2- Nhà của người trốn đi còn cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng hợp pháp ở lại thành phố, trước đây đã ở trong nhà ấy nhưng không có sự ủy quyền hợp pháp của người bỏ trốn. Trong trường hợp này, Nhà nước quản lý nhà và những người còn ở lại nêu trên được tiếp tục ở và không được mua bán, chuyển nhượng vì nhà này thuộc diện Nhà nước quản lý.

Những thân nhân không phải là cha, mẹ, vợ, chồng con của người trốn đi mà trước đây cũng ở chung với chủ nhà nay còn ở lại nếu họ không có nơi nào khác để ở thì sẽ được xếp một diện tích hợp lý cho ở trong nhà cũ hoặc một nơi khác nếu thấy cần thiết.

3- Nhà của người trốn đi nước ngoài đã để cho con cái ở hoặc cho thuê từ trước (nhà vẫn do cha mẹ đứng tên sở hữu) : Nếu hai vợ chồng chủ nhà đều trốn đi nước ngoài, nhà thuộc diện Nhà nước quản lý ví vắng chủ. Người con được tiếp tục ở nhưng theo chế độ thuê nhà của Nhà nước, và có thể được bố trí ở một nơi khác nếu cần thiết.

Nếu là nhà cho thuê thì người thuê được xét cho tiếp tục thuê theo chế độ thuê nhà của Nhà nước.

4- Nhà để cho con ở hoặc cho thuê nhưng người con hoặc người thuê nhà trốn đi nước ngoài :

Trong trường hợp này, người sở hữu còn lại, Nhà nước không quản lý mà giao trả lại nhà cho chủ, nếu nhà không thuộc diện cải tạo và chủ nhà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ trốn này.

5- Nhà thuộc diện cộng đồng sở hữu (của 2 vợ chồng hoặc của nhiều người) hoặc là nhà di sản chưa chia mà trong số đồng sở hữu, đồng thừa kế có một hay nhiều người bỏ trốn đi nước ngoài:

Nhà nước quản lý phần của số người đi vắng. Những người còn lại nếu đang ở nhà đó thì được tiếp tục ở, nếu muốn bán, chuyển nhượng thì chỉ được quyền bán, chuyển nhượng phần nhà thuộc phần mình được hưởng theo quy định về phần chia nhà và mua bán nhà.

6- Nhà của người trốn đi đã cho, bán, chuyển nhượng cho người khác trước khi bỏ trốn :

Nếu việc mua bán, chuyển nhượng một cách bình thường, hợp pháp, thủ tục hoàn tất, thì không thành vấn đề phải xử lý, vì đây không còn là tài sản của người trốn đi.

Nói chung, nếu việc mua bán, chuyển nhượng chưa xong, chưa hoàn tất thủ tục thì nhà này vẫn coi là nhà của người chủ cũ và thuộc diện phải xử lý.

Nếu mua bán trước ngày ban hành Nghị định 02/CP ngày 4.1.1979 của Hội đồng chánh phủ có chứng nhận của chánh quyền, và qua xác minh đã có thực tế mua bán, bên bán đã nhận tiền, bên mua đã đến ở từ đó đến nay hoặc nếu việc mua bán xảy ra sau ngày ban hành Nghị định 02/CP và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép (Ủy ban Nhân dân quận, huyện, Sở Quản lý nhà đất) nhưng chưa làm thủ tục trước bạ sang tên, nếu có lý do chính đáng, Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ ý kiến đề xuất của Sở Quản lý nhà đất sẽ xem xét giải quyết cho tiếp tục làm thủ tục hay không.

7- Nhà có người khác đến ở trước ngày chủ nhà bỏ trốn đi không lâu :

Nhà này coi là nhà vắng chủ, Nhà nước quản lý. Cơ quan quản lý nhà sẽ xét hoàn cảnh của người đến ở để đề nghị Ủy ban Nhân dân quận huyện hoặc thành phố cho tiếp tục ở hay không cho. Nếu có ý gian dối muốn chiếm nhà, làm chuyện đã rồi thì sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành về quản lý nhà của Nhà nước.

b) Đối với nhà ở, đồ dùng của người trốn đi nước ngoài bị bắt lại :

Trường hợp người trốn đi nước ngoài bị bắt lại, nhưng không bị truy tố ra toà án mà chỉ đưa ra xử phạt về hành chánh thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi phạm pháp mà có thể xét trả lại cho họ nhà của họ hoặc tịch thu một phần để cho họ có chỗ ở và phương tiện sinh sống khi được tha về.

Những người là thân nhân đi theo và được tha về địa phương thì Ủy ban Nhân dân quận huyện xét bố trí cho họ một chỗ ở tạm, xét trả lại cho họ một số tư liệu sinh hoạt để cho họ có điều kiện sinh sống.

- Những người được xử lý khoan hồng được cho ở lại thành phố tha về địa phương quản lý giáo dục thì được xét trả lại nhà ở, đồ dùng trong nhà.

- Trường hợp người trốn đi bị các tỉnh bắt và được tha về thành phố, nếu nhà cửa của họ chưa phân phối cho ai sử dụng thì xét trả lại toàn bộ hoặc một phần như quy định trong thông tư.

Nếu nhà của người trốn đi nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền quản lý và phân phối cho cán bộ công nhân viên hoặc cơ quan sử dụng thì tạm thời sắp xếp cho người được tha về địa phương cũ một chỗ khác. Nếu có một nhà khác để bố trí cho người được phân phối nhà, thì mới đặt vấn đề trả lại nhà cũ cho đương sự. Nếu nhà cũ của người trốn đi thuộc diện Nhà nước quản lý hoặc xử lý theo chính sách theo quyết định số 111/CP ngày 14.4.1977 của Hội đồng Chính phủ thì bố trí cho họ một diện tích khác ở theo tiêu chuẩn chung.

Truờng hợp người đi nước ngoài khôn theo thủ tục bình thường nêu ở điểm 3 mục A xử lý nhân thân, không đi được, trở về thành phố thì xét trả lại nhà cũ nếu có điều kiện hoặc thu xếp cho họ một chỗ ở nơi nhà khác.

c) Trường hợp nhà của người đi vắng (nghi là vượt biên) :

Nếu chưa xác định rõ là vắng chủ (người đứng tên sở hữu nhà trốn đi nước ngoài) thì không đặt vấn đề xử lý.

Trường hợp có nghi vấn là trốn đi nước ngoài và nhà đó không còn thân nhân của người đi vắng ở thì Ủy ban Nhân dân phường xã tiến hành lập biên bản, niêm phong và bảo quản để xác minh lại, báo cáo kịp thời lên Ủy ban Nhân dân thành phố chờ quyết định. Cấp phường xã, quận huyện không được tự tiện phân phối sử dụng.

Nếu người đi vắng trở về có lý do chính đáng, được xác nhận thì trả lại nhà và đầy đủ tài sản trong nhà cho chủ.

Trường hợp nhà đã bị quản lý sử dụng rồi thì vẫn phải trả lại cho chủ khi đã rõ là xử lý sai lầm. Trong trường hợp nhà đã dùng cho nhu cầu công ích việc trả lại khó khăn thì có thể thương lượng với chủ nhà để đổi cho họ một nhà khác tương tự. Người được trả nhà được trọn quyền sở hữu.

d) Trường hợp nhà chưa được xử lý đã bị cán bộ công nhân viên chiếm dụng :

Thông tư hướng dẫn quy định rõ: “Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Nhà nước hoặc vì tư lợi mà tự tiện chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép” đối với nhà ở và dồ dùng của người trốn đi.

Nhà của người bỏ trốn phải được Nhà nước xử lý và quản lý theo thủ tục quy định.

Việc chiếm dụng của bất cứ cá nhân; tổ chức hay cơ quan Nhà nước mà không do sự phân phối của Ủy ban Nhân dân thành phố đều là hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Nhà phải được thu hồi, người chiếm dụng trái phép sẽ bị trục xuất nếu không giao nhà lại cho cơ quan quản lý nhà. Nếu không chấp hành lệnh trục xuất thì đề nghị Viện kiểm sát truy cứu về trách nhiệm hình sự.

e) Đối với tài vật mà người trốn đi nước ngoài mang theo mình: vàng, bạc, kim cương, ngoại tệ và tiền Ngân hàng Việt Nam :

Nói chung đây là của cải phục vụ cho hành động phạm pháp. Tuy nhiên người trốn đi nước ngoài có nhiều động cơ, có hoàn cảnh khác nhau nên khi giải quyết tài sản cho họ, cần thỏa đáng hợp tình, hợp lý để cho họ có điều kiện làm ăn sinh sống khi được tha về.

Trường hợp họ không bị truy tố ra toà án, thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ quyết định trả lại số của cải mang theo hoặc tịch thu một phần. Vàng, bạc, kim cương, ngoại tệ thu giữ nhất thiết phải chuyển cho cơ quan ngân hàng tạm giữ theo quy định hiện hành về quản lý vàng, bạc…

- Đối với tài vật riêng của người trốn đi bị bắt lại như quần áo, tư trang, đồng hồ, vật kỷ niệm, thuốc chữa bệnh thông thường… tiền Việt Nam thì trả lại cho họ khi thấy không có gì quá đáng. Cấm lợi dụng tình thế để tước đoạt tài vật này.

f) Đối với máy móc, thiết bị, vật tư trong nhà của người trốn đi thì xử lý như đối với nhà (trả lại hoặc tịch thu một phần tuỳ từng trường hợp).

Nếu nhà bị chiếm đoạt trái phép, những tư liệu này phải được thu hồi cùng với nhà.

III.- THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ HÀNH CHÁNH

Căn cứ vào các văn bản pháp quy hiện hành về vấn đề này, thủ tục và thẩm quyền quản lý theo quy định như sau :

1/ Khi bắt giũ người trốn đi nước ngoài, Công an thành phố và quận huyện khẩn trương tiến hành phân loại và tha ngay những người đi theo (người già, phụ nữ, trẻ em) đồng thời báo cho Ủy ban Nhân dân phường xã biết để quản lý giáo dục, mặt khác lập hồ sơ xử lý đối với các chính phạm chuyển qua Viện kiểm sát để truy tố những trường hợp phạm pháp nghiêm trọng hoặc chuyển đến Ủy ban Nhân dân thành phố, quận huyện nếu chỉ cần xử lý về hành chính.

2/ Đối với tài vật của người bị bắt mang theo mình mà Công an thu giữ cần có biên bản rõ ràng và xử lý cùng với nhân thân. Công an trả lại đồ vật riêng thuộc diện trả lại cho người được tha về và báo cáo cho Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố số còn lại theo đúng quy định hiện hành về quản lý tang tài vật.

Đối với nhà cửa, Ủy ban Nhân dân phường xã khi phát hiện có người trốn đi nước ngoài thì tiến hành lập biên bản, niêm phong và bảo quản (trường hợp nhà không còn thân nhân người bỏ trốn ở) báo cáo kịp thời lên Ủy ban Nhân dân quận huyện.

Ủy ban Nhân dân quận huyện cho điều tra xác minh việc trốn đi nước ngoài và ra quyết định kiểm kê tài sản trong nhà, lập biên bản và tạm giữ, bảo quản, đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Quản lý nhà đất công trình công cộng.

Ủy ban Nhân dân quận huyện được giao trách nhiệm xét trả lại cho người được tha về, người đi nước ngaòi không theo thủ tục bình thường, trả lại những tư tiệu sinh hhoạt trong nhà và sắp xếp chỗ ở tạm cho những người này, chờ quyết định xử lý chính thức của thành phố. Quận huyện không được phân phối sử dụng nhà dù tạm thời.

Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ đề nghị của quận huyện và kiến nghị của Sở Quản lý nhà đất – công trình công cộng quyết định chính thức việc quản lý nhà, phân phối sử dụng hoặc trả lại nhà cho những người được tha về.

Trường hợp không có điều kiện trả lại nhà cũ và cần bố trí nhà khác, Sở Quản lý nhà đất – công trình công cộng cùng với Ủy ban Nhân dân quận huyện nghiên cứu và kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố cách giải quyết thích hợp.

IV.- PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA THÔNG TƯ

Thông tư liên ngành và chỉ thị này là căn cứ để xử lý những trường hợp trốn đi nước ngoài xảy ra từ sau ngày ban hành thông tư.

Đối với những trường hợp xảy ra từ trước được phát hiện nhưng chưa xử lý thì xử lý theo thông tư liên ngành và chỉ thị này.

Đối với những trường hợp đã xảy ra từ trước ngày ban hành thông tư và đã được xử lý thì không đặt vấn đề xử lý lại trừ trường hợp đặc biệt quá bất hợp lý có khiếu nại và có chủ trương của Chánh phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Trên đây là một số điểm hướng dẫn thêm về việc xử lý tội trốn đi nước ngoài ở thành phố nằm bảo đảm thi hành thông tư với đặc điểm tình hình của thành phố.

Những hướng dẫn trên đây của Ủy ban Nhân dân thành phố liên quan đến việc xử lý người trốn đi nước ngoài trái với tinh thần chỉ thị này nay đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, các ngành, các cấp cần phản ánh kịp thời cho Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tình hình người trốn đi nước ngoài ở thành phố còn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều người còn coi thường tình trạng này, vô tình khuyến khích hành động phạm pháp nằm trong ăm mưu phá hoại của địch. Ủy ban Nhân dân thành phố lư ý các ngành các cấp về tính chất nghiêm trọng của vấn đề và nhiệm vụ chung của mọi người, của cơ quan Nhà nước, đoàn thể trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng ngừa hành động trốn đi nước ngoài, làm thất bại âm mưu phá hoại của địch.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 26/CT-UB

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu26/CT-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành21/06/1984
Ngày hiệu lực21/06/1984
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 26/CT-UB

Lược đồ Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu26/CT-UB
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýLê Quang Chánh
                Ngày ban hành21/06/1984
                Ngày hiệu lực21/06/1984
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài

                    Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 26/CT-UB hướng dẫn thi hành Thông tư liên ngành Tư pháp Nội vụ Kiểm sát Tòa án tối cao xử lý tội trốn đi nước ngoài