Chỉ thị 32/CT-UB-KT đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được thay thế bởi Quyết định 2431/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và được áp dụng kể từ ngày 01/06/2007.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 32/CT-UB-KT đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .
Ngày 29/3/1997 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UB-KT triển khai thực hiện Điều lệ Quan lý đầu tư và xây dựng theo Nghị định số 42/CP và Quy chế đấu thầu theo Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Ngày 23/8/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/CP và số 93/CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Qui chế đấu thầu. Để triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ và đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng ở thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với các dự án thuộc vốn ngân sách, có giá trị 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng, do quận-huyện quản lý và Ủy ban nhân dân quận huyện không phải là chủ đầu tư công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
1.1- Chỉ định một đơn vị làm chủ đầu tư công trình.
1.2- Quyết định duyệt dự án đầu tư. Các công trình có liên quan hoặc gắn kết với hạ tầng kỹ thuật do thành phố trực tiếp quản lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện trước khi quyết định đầu tư phải có ý kiến (bằng văn bản) của Giám đốc các sở quản lý chuyên ngành; thời gian các sở trả lời không quá 10 (mười) ngày.
1.3- Quyết định duyệt thiết kế, dự toán các công trình. Riêng đối với các công trình kỹ thuật hạ tầng (thủy lợi, điện, cấp nước, thoát nước, cầu, đường) phải được các sở quản lý chuyên ngành thẩm định về thiết kế và thời gian thẩm định không quá 07 (bảy) ngày, trước khi phê duyệt.
1.4- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu, duyệt giá xét thầu (không vượt quá giá dự toán được duyệt), duyệt danh sách các nhà thầu được mời tham dự đấu thầu (trong trường hợp đấu thầu hạn chế hay đấu thầu có dự tuyển trước) và phê duyệt các kết quả đấu thầu. Hồ sơ đấu thầu phải gởi về Sở Xây dựng thành phố 01 bộ chậm nhất là 07 (bảy) ngày sau khi phê duyệt kết quả đấu thầu.
2. Đối với các dự án kỹ thuật chuyên ngành thuộc các nhóm B, C (thủy lợi, điện, cấp nước, thoát nước, cầu, đường) do sở chuyên ngành quản lý và sở không phải là chủ đầu tư công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Giám đốc sở:
2.1- Duyệt thiết kế kỹ thuật công trình (kể cả các công trình không phải do sở quản lý và sở là chủ đầu tư).
2.2- Duyệt dự toán công trình (kể cả các công trình không phải do sở quản lý).
2.3- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu, duyệt giá xét thầu (không vượt quá giá dự toán được duyệt), duyệt danh sách các nhà thầu được mời tham dự đấu thầu (trong trường hợp đấu thầu hạn chế, đấu thầu có dự tuyển trước) và phê duyệt các kết quả đấu thầu. Hồ sơ đấu thầu phải gởi về Sở Xây dựng thành phố 01 bộ chậm nhất là 07 (bảy) ngày sau khi duyệt kết quả đấu thầu.
3. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền:
3.1- Quản lý nhà nước việc thực hiện các qui định về đầu tư xây dựng và đấu thầu trên địa bàn thành phố.
3.2- Duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc nhóm B, C thuộc nguồn vốn Nhà nước (trừ các trường hợp ủy quyền cho các quận-huyện và các sở chuyên ngành).
3.3- Duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình riêng lẻ của dân bắt buộc phải thẩm định thiết kế theo quyết định số 497/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ Xây dựng.
3.4- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu, duyệt giá xét thầu (không vượt quá giá dự toán được duyệt), duyệt danh sách các nhà thầu được mời tham dự đấu thầu (trong trường hợp đấu thầu hạn chế, đấu thầu có dự tuyển trước) và phê duyệt các kết quả đấu thầu các dự án nhóm B, C thuộc nguồn vốn Nhà nước (trừ các trường hợp ủy quyền cho các quận-huyện và các sở chuyên ngành).
3.5- Các gói thầu tư vấn có giá trị trên 10.000.000.000 (mười tỷ) đồng, các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 50.000.000.000 (năm mươi tỷ) đồng trở lên, Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ và dự thảo văn bản để Ủy ban nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3.6- Tham dự chứng kiến mở thầu các công trình của cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố.
4. Các dự án thuộc nhóm A: Trường hợp Ủy ban nhân dân thành phố được uỷ quyền của các cơ quan Trung ương để phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có văn bản ủy quyền hoặc chỉ định các sở-ngành tham gia xét duyệt cụ thể. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai nghiên cứu dự án và trình duyệt.
5. Cấp phát và quyết toán vốn đầu tư:
5.1- Cục Đầu tư Phát triển thành phố chịu trách nhiệm cấp phát vốn đầu tư xây dựng các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách, thẩm tra quyết toán, trình Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài chánh phê duyệt (theo phân cấp).
5.2- Sở Tài chánh thành phố chịu trách nhiệm cấp phát vốn đầu tư xây dựng các công trình thuộc nguồn vốn duy tu, sửa chữa thường xuyên và các nguồn vốn khác, thẩm tra quyết toán và trình Ủy ban nhân dân thành phố thành phố phê duyệt (theo phân cấp).
Những nội dung tại các văn bản trước đây của Ủy ban nhân dân thành phố trái với chỉ thị này được bãi bỏ.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |