Chỉ thị 34/2005/CT-UBND

Chỉ thị 34/2005/CT-UBND về tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006 đã được thay thế bởi Quyết định 49/2009/QĐ-UBND công bố văn bản hết hiệu lực thi hành và được áp dụng kể từ ngày 07/07/2009.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006


UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2005/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 12 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC ĐÓN TẾT BÍNH TUẤT NĂM 2006

Năm 2005, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất gay gắt nhưng kinh tế - xã hội thành phố đã có bước chuyển biến tích cực hơn so năm 2004, hầu hết các chỉ tiêu của kế hoạch 2005 và kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Tết Bính Tuất năm 2006 đến vào thời điểm thành phố ta bước vào năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2006 - 2010, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII của thành phố ; đồng thời phải tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được của thành phố trong năm 2005, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương đón Tết Bính Tuất năm 2006 theo phương châm “An toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh” và yêu cầu các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt các công việc chủ yếu sau đây :

1. Lãnh đạo các sở-ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận, các Đoàn thể, chỉ đạo cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và lực lượng vũ trang tổ chức các hoạt động vui Xuân an toàn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, vận động giúp đỡ đồng bào nghèo để mọi nhà đều có Tết, cần quan tâm hỗ trợ giúp đỡ các gia đình, hộ chăn nuôi gia cầm thủy cầm gặp khó khăn, bị thiệt hại do dịch cúm gia cầm H5N1; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các yêu cầu chỉ đạo của thành phố về phòng chống dịch cúm gia cầm thủy cầm H5N1.

Nghiêm cấm lợi dụng Lễ, Tết để tổ chức liên hoan ăn uống lãng phí tiền và tài sản Nhà nước, tập thể hoặc từ nguồn tiền có gốc từ ngân sách, từ công quỹ, từ các nguồn tài trợ để thưởng, biếu tặng cho các tổ chức và cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ Nhà nước (việc nghiêm cấm này được thực hiện kể cả vào các ngày kỷ niệm thành lập, tổng kết, mừng công, đón nhận danh hiệu Nhà nước). Những đơn vị được trích quỹ thưởng theo chế độ cho cá nhân, đơn vị có công trong phối hợp, giúp đỡ thì phải công khai danh sách thưởng và mức thưởng cho toàn thể cơ quan, đơn vị biết. Thủ trưởng các sở - ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm kiểm tra và xử lý tập thể, cá nhân vi phạm và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra vi phạm ở đơn vị trực thuộc. Từng cơ quan, đơn vị tổ chức việc chúc Tết với tinh thần đơn giản, tiết kiệm.

Giao Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện và sở - ngành chỉ đạo kiên quyết và xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đậu xe trái phép. Các khu vực thường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm phải bố trí lực lượng tập trung thường xuyên giải quyết thật nhanh tại các giao lộ thường xảy ra ùn tắc.

Tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định cấm đốt pháo, giữ gìn trật tự giao thông đô thị. Tăng cường cảnh giác, bố trí lực lượng thường trực chặt chẽ bảo vệ cơ quan, đơn vị. Chấp hành các quy định về hoạt động văn hóa lành mạnh.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các địa điểm tổ chức các loại hình vui chơi, giải trí trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý ; chỉ đạo cho lực lượng công an và ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, tăng cường quản lý, giáo dục các đối tượng thuộc diện giáo dục tại cộng đồng dân cư, đối tượng cực đoan quá khích và số đối tượng hình sự khác để ngăn ngừa những hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian Tết. Các sở, ban, ngành, các đơn vị, các tổ chức kinh tế, chính trị-xã hội phải chịu trách nhiệm bảo vệ cơ quan đơn vị mình, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, quản lý chặt chẽ vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc được giao quyền quản lý sử dụng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa... chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, đảm bảo phòng chống cháy, nổ tại địa điểm tổ chức.

2. Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo các phường - xã, ban ngành trực thuộc tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, tham gia bảo vệ an ninh khu phố, phát hiện tố giác truy bắt các loại tội phạm, tham gia giải quyết các tệ nạn xã hội, phòng chống tệ cờ bạc mê tín dị đoan kiên quyết xóa các bãi giữ xe tự phát ở các khu vực chợ và các điểm vui chơi giải trí. Phối hợp bảo đảm trật tự nơi mua bán, điểm giữ xe hai bánh... góp phần xử lý vi phạm giao thông. Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường chỉ đạo các lực lượng kiểm tra tại các điểm giết mổ và buôn bán gia súc, gia cầm (nếu có). Trong những ngày cận Tết cho đến tuần lễ sau Tết cần chú ý không triển khai các hoạt động dễ dẫn đến phức tạp về an ninh trật tự, tạm thời ngưng thực hiện các quyết định cưỡng chế, giải toả để giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư. Công an thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo công tác giữ gìn an ninh trật tự, tấn công truy quét các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị bảo vệ an toàn cơ quan, chủ động phòng chống cháy nổ ; bố trí lực lượng tuần tra bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, tụ điểm giải trí, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà cao tầng, chợ, khu đông dân cư...; đảm bảo điều hòa giao thông, kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, ngăn chặn và xử lý nghiêm tệ đua xe trái phép, cờ bạc, mại dâm. Đảm bảo tốt an ninh trật tự, từng địa bàn phường - xã.

Lãnh đạo các xí nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện... phải chủ động làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, có sẵn phương án xử lý giải quyết ngay khi xảy ra cháy.

Triệt để thực hiện nghiêm lệnh cấm đốt pháo. Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân và Công an phường-xã xử lý nhanh và kiên quyết các trường hợp đốt pháo trên địa bàn phường-xã của mình. Công an thành phố phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh pháo nổ các loại. Kiên quyết không để xảy ra đốt pháo trên địa bàn thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an phường-xã có trách nhiệm quán triệt các nội dung chỉ đạo này xuống tận Tổ dân phố.

3. Sở Thương mại thành phố có trách nhiệm dự báo cung cầu hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế kinh doanh chủ động, có kế hoạch về nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm nguồn hàng ổn định phục vụ đồng bào thành phố trước, trong và sau Tết không để xảy ra tình trạng tăng giá do thiếu thực phẩm thay thế cho sản phẩm thịt gia cầm thủy cầm khan hiếm trong thời điểm có dịch H5N1; tuyên truyền vận động nhằm tăng cường văn minh thương mại, thực hiện đầy đủ niêm yết giá, không mua bán hàng gian - hàng giả, bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chủ động kiểm tra tiến độ thực hiện dự trữ thực phẩm cho nhu cầu tiêu thụ và thay thế thịt gia cầm trong dịp Tết cổ truyền đến hết quý I năm 2006 của các đơn vị : Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố và các doanh nghiệp khác. Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường khẩn trương phối hợp với các lực lượng Công an, Thú y, Lực lượng Thanh niên xung phong tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để phát hiện và xử lý kịp thời việc nuôi gia cầm, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm trái pháp luật trên địa bàn thành phố.

Sở Thương mại phối hợp với Sở Giao thông Công chính, Ủy ban nhân dân quận - huyện và Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và chấm dứt việc mua bán dưa hấu, trái cây ở lòng lề đường. Sở Thương mại cần tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các việc sau :

3.1- Ban quản lý các chợ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, quản lý vệ sinh thực phẩm, môi trường. Sắp xếp bố trí mua bán trật tự an toàn, không chiếm dụng lòng lề đường trước cửa và chung quanh chợ để mua bán. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ban quản lý tại hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại Thủ Đức và Hóc Môn cũng như ở chợ tạm thủy-hải sản Chánh Hưng (huyện Bình Chánh) trong tổ chức tốt việc mua bán, giao dịch ở các chợ này đi vào nề nếp, phát huy được tác dụng của chợ đầu mối nông sản thực phẩm của thành phố.

3.2- Lực lượng quản lý thị trường chủ động phối hợp với Công an các quận - huyện, Cảnh sát kinh tế, Thuế và các ngành chức năng liên quan lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết. Tập trung công tác đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu ; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, giữ xe quá giá quy định, bán quá giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt phối hợp với Chi cục Thú y và các ngành liên quan trong chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thú y, giết mổ lậu, nhất là tại các cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm tra thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch. Phối hợp với lực lượng Công an và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thực hiện tốt việc ngăn chặn gia cầm thủy cầm ở các vùng có dịch H5N1 xâm nhập trái phép vào thành phố để tiêu thụ.

3.3- Tổng Công ty Thương mại Sài gòn cần phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đã có và có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp thành viên được phân công phục vụ Tết, bảo đảm dự trữ cung cấp thực phẩm thiết yếu theo nhiệm vụ được giao, không để biến động giá do thiếu các mặt hàng này nhất là vào những ngày cận và sau Tết.

3.4- Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố thực hiện tốt nhu cầu dự trữ để cung cấp các mặt hàng thiết yếu có chất lượng phục vụ nhân dân qua hệ thống Co.opMart, thường xuyên tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa đang kinh doanh ; đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm công nghệ, nguồn rau, cá, thịt các loại… và nhãn hàng hóa đúng theo quy định.

4. Sở Tài chính thành phố phối hợp các ngành hướng dẫn các quận - huyện tổ chức kiểm tra việc chấp hành giá hàng hóa thực phẩm thiết yếu, giá dịch vụ tại các chợ, nơi mua bán tập trung và khu vui chơi, giải trí ; báo cáo kịp thời các biến động giá cả và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường trước, trong và sau Tết.

5. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố có kế hoạch chăm lo diện chính sách và phối hợp với quận - huyện, các đoàn thể chuẩn bị cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố thăm hỏi các gia đình diện chính sách, diện khó khăn, các lực lượng võ trang đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Các Trường, Trại giáo dục của thành phố ở các tỉnh ; vận động nhân dân phát huy truyền thống tương trợ gia đình nghèo khó, trẻ em lang thang, người già, người tàn tật để có điều kiện vui Tết. Phối hợp Công an thành phố có phương án thực hiện trước Tết việc tập trung các đối tượng tệ nạn xã hội là gái mại dâm, người nghiện ma túy, người ăn xin, trẻ em đường phố, v.v... vào các Trường trại để chữa trị và đón Tết ; đồng thời hướng dẫn và theo dõi việc chi kịp thời tiền lương, tiền thưởng cho công nhân, viên chức.

6. Sở Văn hóa và Thông tin thành phố, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân chuẩn bị chương trình văn hóa văn nghệ phong phú phục vụ đồng bào thành phố đón Tết phù hợp với truyền thống, tập quán dân tộc ; chú ý gắn kết với việc tổ chức các chương trình hoạt động phục vụ Tết Bính Tuất 2006 trong chào mừng 76 năm ngày thành lập Đảng, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X bảo đảm yêu cầu chỉ đạo và có chương trình văn nghệ cho các huyện ngoại thành, các đơn vị vũ trang vùng xa, hải đảo.

7. Sở Giao thông-Công chính thành phố tập trung điều hành tốt việc vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các bến xe, bến tàu, không để ứ đọng, ách tắc, giải quyết tốt trường hợp học sinh - sinh viên, công nhân về quê ăn Tết. Về lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Sở Giao thông Công chính có kế hoạch tăng chuyến, đảm bảo số lượng xe buýt phục vụ nhân dân đi lại trên các tuyến. Về lĩnh vực cầu đường - chiếu sáng, tập trung công tác trung tu, duy tu sửa chữa các công trình cầu đường bộ, thoát nước ; tăng cường trực gác các cầu yếu. Sở Giao thông Công chính phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng giao thông và điều tiết giao thông tại những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là ở trục giao thông ra vào thành phố ; đảm bảo hệ thống đèn tín hiệu giao thông, chiếu sáng công cộng luôn hoạt động tốt ; hỗ trợ các đơn vị liên quan thực hiện đèn trang trí, bảng đèn tại các trục đường trung tâm thành phố, các khu vui chơi để đảm bảo phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết.

Thành phố cho phép tổ chức chợ hoa Xuân tại Công viên Gia Định, Công viên 23 tháng 9, Công viên Lê Văn Tám, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (trong khuôn viên đường nội bộ của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) và đường hoa Nguyễn Huệ. Thời gian tổ chức chợ hoa Xuân là mười ngày từ ngày 19 đến ngày 28 tháng 01 năm 2006 (từ 20 đến 29 tháng 12 âm lịch) Chợ hoa xuân chấm dứt vào lúc 12 giờ 00 ngày 28 tháng 01 năm 2006. Về Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ Hội Bánh Tét 2006 giao Tổng Công ty Du lịch Sài gòn phối hợp với các sở - ngành liên quan tổ chức trong 5 ngày từ 27 tháng 01 đến 31 tháng 01 năm 2006 (từ 28 Tết đến mùng 3 Tết). Riêng Hội hoa Xuân được tổ chức tại Công viên Tao Đàn từ 24 tháng 01 đến 04 tháng 02 năm 2006 (25 tháng chạp đến mùng 7 Tết).

8. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các Công ty Dịch vụ công ích quận - huyện có trách nhiệm phối hợp Công ty Môi trường đô thị thành phố giải quyết tốt việc thu gom rác và vệ sinh trên từng địa bàn theo phân công, phân cấp. Riêng tại các chợ, điểm bán hoa kiểng, v.v... phải giải quyết trước 22 giờ 00 ngày 28 tháng 01 năm 2006 (29 Tết).

9. Ngành Điện lực, Cấp nước có phương án cung cấp ổn định điện, nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt trong tháng Tết, nhất là trong những ngày nghỉ Tết.

10. Sở Y tế thành phố tăng cường kiểm tra, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường có phương án kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và các loại thuốc chữa bệnh. Xử lý nghiêm các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ở các điểm buôn bán, nơi có nhiều người ăn uống tập thể như các xí nghiệp, trường học... tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về giữ vệ sinh ăn uống, lên án tệ uống rượu bia say sưa trong các ngày Tết. Bảo đảm tốt việc cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện trong các ngày Tết, không để xảy ra thiệt mạng do bất cẩn hoặc chậm xử lý.

11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền vận động nông dân thực hiện đúng quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ Sở Y tế, Sở Thương mại, Lực lượng Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố kiểm tra thực hiện thường xuyên các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm xảy ra ở người. Tập trung chỉ đạo kiến quyết không để xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người trên địa bàn thành phố.

12. Cục Hải quan thành phố giải quyết nhanh chóng thủ tục xuất- nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất cho khách nước ngoài đến thành phố và bà con Việt kiều về quê ăn Tết.

13. Lực lượng Quân sự thành phố phối hợp Công an thành phố tuần tra canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống trộm cướp tại các khu dân cư, bảo vệ các mục tiêu quan trọng và kiểm tra công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ trong cơ quan, xí nghiệp, đồng thời phối với lực lượng Chi cục Quản lý thị trường thành phố, Chi cục Thú y thành phố kiểm tra nghiêm ngặt việc lưu thông gia cần thủy cầm ở các vùng có dịch và tiêu thụ ở thành phố.

14. Giao Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện :

14.1- Thông tin và báo cáo nhanh hàng ngày các hoạt động những ngày Tết gởi về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố kể từ ngày 21 tháng 01 năm 2006 (22 tháng 12 âm lịch).

14.2- Trước 12 giờ 00 ngày 28 tháng 01 năm 2006 (29 Tết) báo cáo tóm tắt tình hình Tết, có nhận định đánh giá, gởi về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố.

14.3- Ngày 31 tháng 01 năm 2006 (mồng 3 Tết) báo cáo hoạt động đón Xuân vui Tết của nhân dân thành phố gởi về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố trước 12 giờ 00, để kịp tổng hợp báo cáo Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố vào sáng ngày 03 tháng 02 năm 2006 (mồng 6 Tết).

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Lãnh đạo các doanh nghiệp theo thẩm quyền và nhiệm vụ, tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, báo cáo kịp thời các trở ngại phát sinh và đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ
- TT/TU, TT.HĐND/TP, TT.UBND/TP
- Ủy ban MTTQ/TP ;Các Sở-Ban-Ngành TP
- UBND các quận-huyện, VP/TU
- Các Ban Đảng, Các Đoàn thể thành phố
- Các Báo, Đài
- VPHĐ-UB : CPVP, các Tổ NCTH, TM (5b)
- Lưu (TM/L) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 



Nguyễn Hữu Tín

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 34/2005/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu34/2005/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành15/12/2005
Ngày hiệu lực15/12/2005
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 07/07/2009
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 34/2005/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu34/2005/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýNguyễn Hữu Tín
                Ngày ban hành15/12/2005
                Ngày hiệu lực15/12/2005
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 07/07/2009
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006

                          Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 34/2005/CT-UBND tổ chức đón Tết Bính Tuất năm 2006