Chỉ thị 36/CT-UB

Chỉ thị 36/CT-UB năm 1992 về thực hiện một số biện pháp trong công tác giáo dục và đào tạo của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã được thay thế bởi Quyết định 6699/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật lĩnh vực văn hóa xã hội hết hiệu lực do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 14/12/1998.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 36/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 9 năm 1992

 

CHỈ THỊ

THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỦA THÀNH PHỐ

Các năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, ngành giáo dục đào tạo thành phố hoạt động theo định hướng : “Tiếp tục đổi mới, ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo”. Nhìn chung sự nghiệp giáo dục, đào tạo của thành phố có phát triển theo định hướng, có những mặt tiến bộ. Tuy nhiên, công tác giáo dục đào tạo thành phố còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Sở Giáo dục đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 1991- 1992 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 1992- 1993 theo sự hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Để thực hiện Chỉ thị 287/CT ngày 4/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục, đào tạo. Nghị quyết kỳ họp lần thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến chỉ đạo của 3 Thường trực (Thành ủy- Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân thành phố) trong cuộc họp sáng ngày 18/8/1992, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện một số việc cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho năm học 1992- 1993, sau đây :

1- Về sắp xếp mạng lưới và tổ chức biên chế :

a- Sắp xếp mạng lưới trường : Căn cứ Thông tư 53/TT ngày 17/12/1991 của Bộ Giáo dục- Đào tạo, Sở Giáo dục- Đào tạo lập đề án sắp xếp mạng lưới trường toàn thành phố thống nhất theo ngành học.

- Đối với nhà trẻ, mẫu giáo : Duy trì, củng cố số trường lớp công lập hiện có ; phát triển nhiều trường lớp dân lập, nhóm trẻ gia đình dưới sự quản lý của ngành giáo dục- đào tạo.

- Tách trường cấp I riêng, tăng số lượng trường lớp bảo đảm thu nhận tối đa học sinh độ tuổi học cấp I theo yêu cầu thực hiện Luật phổ cập giáo dục tiểu học.

- Đối với bậc phổ thông trung học : Cấp II ở nội thành số trường hệ A (trường công lập) thu hút 60% học sinh, mở rộng trường bán công, dân lập (chỉ chọn trường vào loại trung bình chuyển thành trường bán công). Ở ngoại thành, nơi nào có điều kiện có thể mở trường bán công nhưng Ủy ban nhân dân huyện phải bàn thống nhất với Sở Giáo dục- Đào tạo trước khi quyết định. Trường bán công và dân lập tổ chức và hoạt động theo quy chế do Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành.

Thành lập trường cấp II, III ở những địa bàn cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học.

Cấp III có trường hệ A và trường hệ B chủ yếu là do chính trường hệ A đảm nhận.

Sở Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu phương án từng bước đưa nội dung dạy nghề vào trường cấp III kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề.

- Đối với hệ thống trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề của thành phố cần chăm lo các trường sư phạm đảm bảo đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cho ngành. Cụ thể là : giữ nguyên Trường Sư phạm mầm non, Trường Trung học Sư phạm, Trường Cán bộ quản lý giáo dục ; sát nhập Trường Sư phạm kỹ thuật phổ thông vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Trước mắt, chấp thuận cho phép giữ thành Phân hiệu, có dự toán riêng, có con dấu riêng và tiếp tục chấn chỉnh củng cố.

Các trường phải sắp xếp, củng cố bộ máy quản lý và các khoa đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục- đào tạo thời kỳ phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường.

Mặt khác, Sở Giáo dục- Đào tạo tham gia phối hợp với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố nghiên cứu đề xuất với Bộ Giáo dục- Đào tạo sớm thực hiện việc sắp xếp mạng lưới trường của các bộ ngành Trung ương trên địa bàn thành phố theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

b- Về tổ chức và biên chế :

- Đối với giáo viên không đặt vấn đề giảm biên chế đồng loạt. Trong lúc Bộ Giáo dục- Đào tạo chưa nghiên cứu để Chính phủ ban hành tiêu chuẩn định mức biên chế mới đối với ngành giáo dục- đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép Sở Giáo dục- Đào tạo áp dụng tiêu chuẩn định mức quy định tại Nghị quyết 143/CP để xác định biên chế ngành giáo dục, có tăng thêm 10% cho đội ngũ giáo viên dự phòng, thể dục thể thao, nhạc, họa...

Trong năm học 1992- 1993 cho phép Sở Giáo- Đào tạo điều chỉnh giáo viên thừa ở cấp II, III và được hợp đồng với số giáo viên đã nghỉ dạy còn có sức khỏe và khả năng giảng dạy để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cấp I ở các trường chính quy và các lớp phổ cập cấp I, các lớp xóa mù chữ. Sở Giáo dục- Đào tạo cùng với các Phòng Giáo dục quận, huyện có kế hoạch đào tạo gấp một số lượng giáo viên cấp I tại chỗ để tiến tới ổn định đội ngũ giáo viên cấp I, trước nhất là đối với khu vực nông thôn, ngoại thành.

- Thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, giáo viên và có biện pháp thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng, kịp thời giải quyết chính sách cho những người già, yếu, những người không đảm đương được nhiệm vụ công tác dạy học.

2- Phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo :

Vấn đề chất lượng giáo dục- đào tạo liên quan đến nhiều biện pháp. Trong phạm vi trách nhiệm quản lý ngành giáo dục- đào tạo ở thành phố, Sở Giáo dục- Đào tạo cần chỉ đạo thực hiện các biện pháp : cải tiến phương pháp dạy và học, chỉ đạo nội dung, chương trình cải cách giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thầy, cô giáo, kết hợp nhiều biện pháp giáo dục nhằm mục tiêu giáo dục học sinh trở thành con người mới, toàn năng trí tuệ, đức hạnh và thể lực. Chăm lo chất lượng giáo dục ngoại thành, rút dần khoảng cách bất hợp lý giữa ngoại thành và nội thành.

Cho phép Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức 1 phòng chuyên môn (Phòng công tác chính trị) để giúp Ban Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo chăm lo, chỉ đạo dạy chính trị, đạo đức trong nhà trường và nghiên cứu cải tiến sửa đổi nội dung giáo dục chính trị, đạo đức ; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, xã hội và gia đình trong việc giáo dục chính trị, đạo đức, tư tưởng, hạnh kiểm cho học sinh. Biên chế của phòng hết sức tinh gọn, chọn những chuyên viên, cán bộ có nhiệt tình và năng lực.

Phải quan tâm kiểm tra chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường lớp bán công, dân lập, trường lớp hệ B.

3- Đào tạo học sinh giỏi :

Sở Giáo dục- Đào tạo đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể và chỉ đạo thống nhất về công tác đào tạo học sinh giỏi, biên soạn nội dung chương trình, phân công trách nhiệm giữa sở, trường, quận, huyện và kết hợp với các trường đại học, các Viện nghiên cứu khoa học, mời các giáo sư, các nhà khoa học có kinh nghiệm trực tiếp tham gia dạy các trường chuyên, lớp chọn.

Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận tăng kinh phí đầu tư cho trường chuyên, lớp chọn, miễn học phí đối với học sinh giỏi được tuyển vào học ở trường chuyên (Trường Lê Hồng Phong và các lớp chuyên được chọn đủ tiêu chuẩn). Trợ cấp thêm hàng tháng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn được chọn dạy ở các trường chuyên, lớp chọn v.v... Sở Giáo dục- Đào tạo chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất mức trợ cấp và kinh phí đầu tư trang bị, bàn thống nhất với Sở Tài chánh để thi hành.

4- Thực hiện các biện pháp nâng cấp giáo dục ngoại thành :

Từ năm học 1992- 1993, Sở Giáo dục- Đào tạo thống nhất với Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng kế hoạch riêng về công tác giáo dục, đào tạo ngoại thành, đề ra những chỉ tiêu phấn đấu về số lượng, chất lượng của tất cả các ngành học, cấp học, trong đó chú trọng các vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến trước đây.

Sở Giáo dục- Đào tạo lập một bộ phận chuyên trách tham mưu tổng hợp chỉ đạo giáo dục ngoại thành.

Tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chính sách thích hợp nhằm khuyến khích giáo dục ngoại thành phát triển và ổn định : tăng đầu tư, xây dựng trường lớp theo cụm dân cư, miễn giảm học phí, trợ cấp tăng thu nhập cho giáo viên, đào tạo và địa phương hóa đội ngũ giáo viên.

Ngân sách thành phố tiếp tục cấp khoản kinh phí bù đắp sự thiếu hụt do không thu học phí đối với cấp I để Sở Giáo dục- Đào tạo điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên cấp I, mẫu giáo, nhà trẻ ngoại thành (theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố).

Để chấp hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố (kỳ họp 12) về việc không thu tiền xây dựng trường đối với học sinh cấp I ở khu vực ngoại thành và các quận ven, Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận ngân sách thành phố đài thọ cho ngành giáo dục- đào tạo khoản thiếu hụt này để Sở Giáo dục- Đào tạo điều chỉnh hỗ trợ cho các trường phổ thông cấp I ngoại thành và các quận ven. Sở Giáo dục- Đào tạo bàn thống nhất mức chi để thực hiện ngay từ năm học 1992- 1993.

5- Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học :

Sở Giáo dục- Đào tạo sớm tổ chức sơ kết đánh giá toàn diện kết quả thực hiện chương trình xóa mù chữ- phổ cập cấp I trong hai năm qua và bổ sung kế hoạch biện pháp phân công cụ thể, đẩy tiến độ đạt chỉ tiêu cho từng năm, cố gắng đến hết năm 1995 toàn thành phố đạt được các tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ- phổ cập cấp I.

Theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục- Đào tạo và các Phòng Giáo dục, các trường phổ thông có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ và phổ cập cấp I, đồng thời phải tích cực ngăn chặn tái mù chữ bằng những biện pháp thiết thực như : thu hút tối đa học sinh độ tuổi học cấp I, giảm tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học, lưu ban...

6- Giải quyết tốt các mặt công tác liên quan đến điều kiện đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục- đào tạo phát triển :

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý giáo dục các cấp, các trường kết hợp chặt chẽ với hệ thống tổ chức Đảng, đoàn thể, công đoàn, Đoàn TNCS thành một thể thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý toàn ngành giáo dục- đào tạo.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua “hai tốt”, “dân chủ hóa nhà trường” v.v...

- Xây dựng, củng cố cơ sở vật chất trường lớp đủ số lượng và từng bước nâng cấp trang bị đúng qui cách trường học theo hướng giáo dục- đào tạo nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại cho học sinh. Công việc này đã làm trong thời gian hè chuẩn bị cho năm học mới 1992- 1993, nhưng vẫn phải tiếp tục làm và hoàn chỉnh trong năm 1992 và các năm tiếp sau, theo kế hoạch 5 năm 1991- 1995.

- Sở Giáo dục- Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra đôn đốc thực hiện nghiêm chỉnh chính sách miễn giảm học phí, miễn giảm sự đóng góp xây dựng trường đối với học sinh diện chính sách, gia đình lao động nghèo có đông con đi học.

- Về chính sách chế độ đối với giáo viên :

 a- Tiếp tục thực hiện các chính sách chế độ của Chính phủ đã ban hành và các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

 b- Tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp cho giáo viên như đã thực hiện lâu nay, cộng thêm mức trợ cấp theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng từ đầu năm học 1992- 1993 (theo điểm 4 Chỉ thị 287/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

 c- Đối với giáo viên và công nhân viên làm việc ở các trường lớp bán công và hệ B đều được công nhận trong biên chế Nhà nước thuộc ngành giáo dục- đào tạo, được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với viên chức Nhà nước (kể cả chính sách bảo hiểm xã hội). Riêng tiền lương và phụ cấp hàng tháng thì do quỹ của trường lớp bán công và hệ B chi trả và có trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước.

- Trong khi chưa có quy định của Chính phủ về sửa đổi cách dự toán ngân sách giáo dục trên đầu dân số, Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cho dự toán ngân sách giáo dục trên đầu học sinh (học sinh các loại trường công, bán công, dân lập).

Trên cơ sở ngân sách chung cho ngành giáo dục- đào tạo, Sở Giáo dục- Đào tạo chịu trách nhiệm phân bổ ưu tiên kinh phí cho trường công lập, trợ cấp hỗ trợ phần nào khi xét thấy cần thiết đối với trường bán công, trường lớp dân lập.

- Sở Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu đề án cụ thể thi hành Chỉ thị 287/CT ngày 4/8/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua để thực hiện các vấn đề (thời gian thực hiện chậm nhất là cuối tháng 10/1992) :

 a- Nghiên cứu đề án thành lập quỹ trợ cấp xã hội cho học sinh thuộc diện chính sách và con em các gia đình có mức thu nhập thấp.

 b- Nghiên cứu đề án phân cấp quản lý sử dụng ngân sách hàng năm dành cho ngành giáo dục- đào tạo toàn thành phố.

7- Việc hoán đổi cơ sở trường học :

Theo điểm 3 điều 11 Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và điều 26 Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, nghiêm cấm việc sử dụng trường lớp học làm việc khác.

Gần đây ở một số quận, huyện trong quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp học phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ có hoán đổi một số cơ sở trường lớp học phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ. Trong quy hoạch cải tạo xây dựng thành phố đến năm 2000 và xa hơn, việc hoán đổi cơ sở học phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ để phù hợp với quy hoạch chung có thể được chấp nhận với điều kiện bảo đảm các nguyên tắc sau đây :

- Trước khi nhượng bán trường phải đảm bảo pháp lý cơ sở này thuộc tài sản Nhà nước quản lý. Khi nhượng bán phải theo hình thức đấu giá.

- Địa điểm mới phải khang trang, sạch đẹp, đúng quy cách của trường phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ được Nhà nước quy định.

- Địa điểm mới phải thuận tiện việc đi lại của học sinh và phụ huynh đưa đón các cháu.

- Sĩ số học sinh của trường mới phải bằng hoặc cao hơn trường cũ.

- Đưa chuyển toàn bộ học sinh của trường lớp cũ vào trường lớp mới, rồi mới được thanh lý trường cũ.

- Quy hoạch trường theo cụm dân cư, không theo địa giới hành chánh.

- Số tiền thanh lý trường cũ phải dành tất cả cho việc xây dựng sửa chữa cải tạo nâng cấp trường mới, không được sử dụng vào mục đích khác (thanh lý của ngành phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ thì ưu tiên sử dụng cho ngành phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ).

- Địa điểm xây dựng trường mới phải phù hợp với quy hoạch chung và có sự tham gia góp ý của các ngành có liên quan.

- Việc hoán đổi trường lớp học, nhà trẻ, mẫu giáo, phải đưa bàn bạc tranh thủ sự đồng tình của phụ huynh học sinh và phải được Ủy ban nhân dân quận huyện chấp thuận và báo cáo ra Hội đồng nhân dân quận huyện. Sau đó báo cáo thông qua Sở Giáo dục- Đào tạo để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và ra quyết định.

Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các quận huyện, các ngành, các cấp và Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này. Sở Giáo dục- Đào tạo hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chung và báo cáo kết quả việc thực hiện (có một mục lồng trong báo cáo tháng của Sở Giáo dục- Đào tạo) cho Ủy ban nhân dân thành phố./.

 


 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Trang Văn Quý  

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 36/CT-UB

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu36/CT-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành04/09/1992
Ngày hiệu lực04/09/1992
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/12/1998
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 36/CT-UB

Lược đồ Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu36/CT-UB
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýTrang Văn Quý
                Ngày ban hành04/09/1992
                Ngày hiệu lực04/09/1992
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/12/1998
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh

                    Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 36/CT-UB thực hiện biện pháp công tác giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh